GS. TS Phạm Đức Dương, nguyên trưởng phòng Phòng ngữ âm - ngôn ngữ dân tộc
GS. TS Phạm Đức Dương sinh ngày 21 tháng 10 năm 1930 tại làng Đông Thái (dân gian hay gọi là làng Khoa bảng), xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nông dân nghèo.
Đầu năm 1947, ông tham gia quân đội và trở thành "anh bộ đội Cụ Hồ" trong những ngày đầu chống thực dân Pháp, rồi trong đội quân tình nguyện Việt nam tại Lào. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kì gian khổ và sống trong môi trường của đoàn quân tình nguyện ấy, ông đã được tắm mình trong môi trường của ngôn ngữ-văn hóa Lào. Tại xứ sở Triệu Voi, ông đã đi qua nhiều vùng đất của Lào, từ núi rừng Khăm Muộn đến cao nguyên Na Kai, Xiêng Khoảng, rồi qua vùng đồng bằng Thà Khẹt của Savanakhẹt, lại ngược dòng Mè Khoỏng tới Viêng Chăn, Luang Prabăng. Ở những nơi đã đóng quân và đi qua, ông có dịp tiếp xúc với cán bộ, nhân dân các bộ tộc Lào nói những ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác nhau ở khu vực Đông Nam Á. Chính những năm tháng đó, ông đã học và sử dụng khá thông thạo tiếng Lào, am hiểu được cảnh huống ngôn ngữ ở đất nước này vào thời kì đó. Cũng chính nhờ những tháng năm lăn lộn ở xứ Triệu Voi, mà ông cảm nhận được cái chất văn hóa Lào theo cách nói của ông là "theo con đường trực giác", thích các hoạt động văn hóa Lào, kiểu như: thích ăn gỏi cá (Lạp cọi), thích ăn canh măng nấu với mắm cá (páđẹc), thích múa lăm vông, và cũng thích tán tỉnh (en xáo) các cô gái Lào bằng mấy câu ngạn ngữ (xu pha xít)... Ông cho rằng, chính bằng những cảm nhận sâu sắc ấy thông qua ngôn ngữ mà sau này khi nghiên cứu khoa học về tiếng Lào, văn hóa Lào mà ông có thể bắt đầu như tư cách một người bản ngữ.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở về, được cử đi học bổ túc công nông, và sau đó trở thành sinh viên khóa IV (1959 - 1963) Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tại đây, với những hiểu biết khá sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa Lào, ông đã viết khóa luận tốt nghiệp với đề tài "Ngữ âm tiếng Lào hiện đại". Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, ông về công tác tại Tổ ngôn ngữ thuộc Viện Văn học, Ủy ban Khoa học nhà nước. Trong thời gian này, ông nghiên cứu những vấn đề ngữ âm và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Có thể nói, dấu chân của ông đã đặt đến khắp các vùng cư trú của các dân tộc sử dụng các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Hán Tạng, Thái-Kađai, Hmông-Dao, Nam Á ở các tỉnh phía bắc. Năm 1966, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Đông Phương học, Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Tại đây, năm 1970, ông đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài "Hệ thống thanh điệu và thanh phổ các nguyên âm tiếng Lào Viêng Chăn" dưới sự hướng dẫn của PTS Ju. Ja. Plam. Khi ông về nước, Viện Ngôn ngữ học đã được thành lập, và ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Ban ngữ âm - ngôn ngữ dân tộc thiểu số (khi đó gọi là Ban chứ không phải Phòng như bây giờ). Đến năm 1973, theo yêu cầu công tác, ông được điều sang giữ chức vụ Thư kí khoa học, rồi Phó ban Ban Đông Nam Á (Ban tương đương Viện), Trưởng ban, và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Năm 2000, ông chính thức được nghỉ chế độ.
Hơn năm mươi năm (1947 - 2000), từ anh bộ đội Cụ Hồ, một người lính tình nguyện rồi trở thành một trong những nhà khoa học đầu đàn về Đông Nam Á học là cả một hành trình suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Theo ông, chính những năm tháng trong đội quân tình nguyện ở Lào, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều nhóm cư dân nói các ngôn ngữ Việt Mường (tiếng Cọi Phonsoung ở bản Ma Ca, tiếng Khạ Phoọng ở bản Pư, bản Toong, tiếng Sẹc ở bản Tơng) thuộc huyện Na Kai - nay là huyện U đôm xúc, Thái-Kađai ở vùng Khăm Muộn (Lào) cùng với nh\ững tháng năm lăn lộn ở khắp các vùng dân tộc ở Việt Nam nói các ngôn ngữ thuộc nhiều ngữ hệ: Nam Đảo, Nam Á, Tai - Kadai, Hán Tạng, Hmông - Dao mà ông có được những kiến giải khá sâu sắc về mối quan hệ của các ngôn ngữ trong sự tiếp xúc và biến đổi. Dựa trên cách tiếp cận song ngữ luận, ông cho rằng trong quá trình tiếp xúc sẽ dẫn đến sự hình thành những ngôn ngữ pha trộn (langue mixte). Lí thuyết của ông chính là: từ một ngôn ngữ A tiếp xúc với ngôn ngữ B, dần dần A bị giải thể cấu trúc và các yếu tố của nó được vận hành theo cơ chế của B và ta có một ngôn ngữ C... Những ngôn ngữ pha trộn này còn giữ lại trong cơ tầng (Substrat) những yếu tố của ngôn ngữ gốc và vận hành theo cơ chế hay là tái cấu trúc mô phỏng của ngôn ngữ tiếp xúc. Và để rồi cũng chính từ đây, ông xây dựng một giả thiết về một ngữ hệ Đông Nam Á tiền sử, dựng lại cái vỏ âm tiết CCVC của chúng thời cổ xưa đến mô hình đơn tiết CVC của các ngôn ngữ lục địa, và mô hình đa tiết CVCVCV... của các ngôn ngữ ở hải đảo Đông Nam Á. Trên cơ sở lí luận về tiếp xúc ngôn ngữ, ông lý giải quá trình biến đổi của các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á (cả ở lục địa lẫn hải đảo), lí giải sự hình thành các ngôn ngữ Tai-Kadai, Hmông-Dao, các ngôn ngữ nhóm Việt-Mường, các ngôn ngữ Chamic... Theo ông, có nhiều ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á được nảy sinh do sự tiếp xúc. Đó là: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường có cơ tầng Môn- Khơ me và cơ chế Tày Thái; Nhóm Chàm (Chăm) có cơ tầng Mã Lai và cơ chế Môn - Khơ me; Nhóm Lê có cơ tầng Mã Lại và cơ chế Thái; Nhóm Mèo - Dao có cơ tầng Nam Á và cơ chế Tạng - Miến; Nhóm Karen có cơ tầng Môn và cơ chế Tạng - Miến... Tư tưởng này của ông được thể hiện tập trung nhất trong công trình - cuốn sách đầu tay: "Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á", 1983 (viết chung với PGS Phan Ngọc) nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập Ban Đông Nam Á (1973 - 1983). Giả thiết này của ông được hoàn thiện hơn khi ông viết Bức tranh ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á (2007). Có thể nói, đây là một trong những bước đột phá về học thuật của ông khi nghiên cứu mối quan hệ cội nguồn và tiếp xúc của các ngôn ngữ khu vực, làm cơ sở lí luận cho những công trình khoa học về ngôn ngữ - văn hóa cũng như lí luận về tiếp xúc ngôn ngữ sau này của chính ông.
Là nhà khoa học không biết mệt mỏi, với sự hy sinh phấn đấu không ngừng, ông đã trải qua các chức vụ: Trưởng ban Ban Ngữ âm - Dân tộc (Viện Ngôn ngữ học), Phó trưởng ban, Trưởng ban, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Trong những năm làm công tác quản lí, ông đã không có thời gian để có thể viết những công trình khoa học của mình. Năm 1995, sau khi nghỉ công tác quản lý, và được dứt khỏi các công việc mang tính hành chính sự vụ, ông có điều kiện tập trung thời gian cho nghiên cứu khoa học nhiều hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có hơn một chục cuốn sách và rất nhiều bài báo, báo cáo khoa học trong nước và quốc tế. Đó là những cuốn sách ghi dấu ấn và tư tưởng khoa học chín muồi của ông về tiếp xúc ngôn ngữ, về ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đó là những công trình, như: 25 năm tiếp cận Đông Nam Á học (1998), Ngôn ngữ và văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á (1998), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (2000), Văn hóa Đông Nam Á (2001, viết chung với Trần Thị Thu Hương), Từ văn hóa đến văn hóa học (2002), Bức tranh ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á (2007), Việt Nam - Đông Nam Á - Ngôn ngữ và văn hóa(2007)...
Không chỉ là một nhà quản lí, nhà khoa học trong môi trường của mình, ông còn tham gia các hoạt động khoa học ở các trường đại học, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp về Đông Nam Á. Ông cũng đã từng là một trong những người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên và hiện vẫn là Chủ tịch Trung ương của Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam (SEARAV), Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam - Đông Nam Á ngày nay (1995 - 2000); Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Sciences Socienles (1990 - 1995). Ông còn là giáo sư kiêm nhiệm ở Khoa Ngữ Văn (sau này là Khoa ngôn ngữ học) ở Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) từ năm 1980 đến năm 2005, và là GS thỉnh giảng ở nhiều trường Đại học khác. Ngoài ra, hiện ông còn hoạt động khoa học và tham gia các chức vụ ở Hội nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Phương Đông - IOS thuộc SEARAV, Viện trưởng Viện Phát triển Ngôn ngữ học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Đông Nam Á thuộc SEARAV; thành viên UNESCO Việt Nam...
66 năm hoạt động của cuộc đời ông, từ hành trình của người lính trở thành nhà khoa học đầu ngành về Đông Nam Á học, trong đó có 37 năm là một công chức khoa học, GS.TS Phạm Đức Dương đã để lại những dấu ấn trong cuộc đời khoa học của ông không chỉ bằng mấy chục cuốn sách, và hơn 150 bài báo, báo cáo khoa học đã đăng tải trên các tạp chí, báo... mà còn là một tấm gương, một ý chí quyết tâm đi tới cùng của một người đam mê và yêu khoa học. Đến nay, tuy đã 83 tuổi, song ông vẫn còn tiếp tục các hoạt động khoa học, vẫn tiếp tục giảng bài cho các học viên cao học, các lớp nghiên cứu sinh liên quan đến ngôn ngữ - văn hóa. Tuy công tác ở Viện Ngôn ngữ học chỉ có 10 năm (1963 - 1973), song những ý tưởng về ngữ âm - ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chiến lược nghiên cứu khoa học của ông có ảnh hưởng không nhỏ đến Viện ngôn ngữ học. Những ảnh hưởng về tư tưởng học thuật và tình yêu khoa học của ông in đậm ở nhiều thế hệ cán bộ trẻ, các học trò của ông khi nghiên cứu về tiếp xúc ngôn ngữ, về ngôn ngữ - văn hóa cũng như nghiên cứu về khu vực học.
Với những thành tích trong hoạt động khoa học và đào tạo, năm 1991, ông được phong học hàm GS Ngôn ngữ học. Để ghi nhận những công lao, đóng góp của ông trong hơn 60 năm qua vì khoa học, hòa bình và đoàn kết quốc tế, GS.TS Phạm Đức Dương đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý như: Huân chương Lao động Hạng nhất; Huân chương Tự do Hạng nhất (do Chính phủ Lào trao tặng); Huân chương Kháng chiến Hạng ba; Huân chương chống Mỹ Hạng Ba; Huy hiệu Kháng chiến; Huy chương vì Sự nghiệp Quốc tế, Vì Sự nghiệp Khoa học, Vì Sự nghiệp UNESCO, Vì sự nghiệp Đoàn Thanh niên, Vì Sự nghiệp Dân tộc...
PGS.TS Đoàn Văn Phúc