VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(1968-2008)
GS.TS Nguyễn Đức Tồn
Nguyên Viện trưởng - Nguyên Tổng Biên tập tạp chí "Ngôn ngữ"
Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 59/CP ngày 14 tháng 5 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. Tiền thân của Viện là Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học (do cố Giáo sư Hoàng Phê phụ trách) và Tổ Thuật ngữ khoa học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (do cố Giáo sư Lê Khả Kế phụ trách). Người phụ trách Viện đầu tiên là cố Giáo sư Nguyễn Kim Thản, sau đó là cố Giáo sư Hoàng Tuệ, cố Giáo sư Hoàng Văn Hành và Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lý Toàn Thắng, từ ngày 01 tháng 8 năm 2008 đến nay là Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn.
Những thành tựu chủ yếu của Viện được thể hiện qua các mặt hoạt động cơ bản sau đây:
Về công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học
Trong 40 năm qua, Viện Ngôn ngữ học đã cố gắng thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao: nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận ngôn ngữ học và ứng dụng vào việc nghiên cứu tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (NNDTTS) ở Việt Nam, các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước; ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào đời sống thực tiễn xã hội; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học, tham gia phát triển nguồn nhân lực của cả nước.
Viện đã triển khai việc nghiên cứu cơ bản các bình diện khác nhau của tiếng Việt và NNDTTS như: từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ âm, từ điển, lịch sử, đặc điểm loại hình, những vấn đề ngôn ngữ học xã hội của tiếng Việt và các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam; nghiên cứu các vấn đề lí thuyết; tổ chức biên soạn những công trình có chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tế của đất nước.
Hàng chục công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau của tiếng Việt và các NNDTTS, hay sách công cụ các loại đã đựơc xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị lớn, khẳng định uy tín và vị trí cao của Viện về khoa học trong đời sống xã hội hiện nay. Đó là: Từ điển tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Từ điển Anh - Việt, Từ điển Pháp - Việt, Từ điển thành ngữ tiếng Việt, Từ điển từ láy tiếng Việt, Từ điển chính tả tiếng Việt, Từ điển từ mới tiếng Việt, Từ điển tiếng Việt phổ thông, một số từ điển tiếng dân tộc - Việt và Việt - tiếng dân tộc, một số chuyên khảo nghiên cứu về tiếng Việt và các NNDTTS ở Việt Nam, v.v.. Đặc biệt một số công trình của Viện đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000 như: Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên; giải thưởng tập thể), Từ điển Anh- Việt (Lê Khả Kế), Chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê), Cụm công trình về ngữ pháp tiếng Việt (Hoàng Tuệ), Công trình Ngữ pháp tiếng Việt (Nguyễn Kim Thản).
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện Ngôn ngữ học đã cùng Viện Đông phương học và Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước đây và Viện Hàn lâm khoa học Nga hiện nay tiến hành nhiều cuộc điều tra điền dã các NN DTTS ở Việt Nam. Hơn 30 NNDTTS ở Việt Nam đã được điều tra, nghiên cứu; hàng chục chuyên khảo nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS đã được xuất bản (bằng tiếng Việt và tiếng Nga).
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ, nên một nhiệm vụ rất quan trọng đối với những người nghiên cứu NNDTTS là cần phải tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn, nhằm phát triển hài hoà mối quan hệ giữa các dân tộc và ngôn ngữ các tộc người. Trong lĩnh vực này, Viện đã:
- Nghiên cứu và đề xuất những vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ
Trên cơ sở những ý kiến đề xuất của Viện, kết hợp với ý kiến của các ngành hữu quan, Chính phủ đã ban hành Quyết định 53/CP về sự phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số. Quyết định này đã phát huy hiệu lực trong suốt một thời gian dài trong việc đưa tiếng nói, chữ viết của ngôn ngữ các DTTS vào các vùng đồng bào DTTS sinh sống.
- Góp phần xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam
Ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng để xác định một tộc người. Năm 1979, tuy Nhà nước ta đã công bố tộc danh của 54 dân tộc chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, song về lí luận và thực tế, vấn đề xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Những nghiên cứu, miêu tả, so sánh, phân loại quan hệ họ hàng của các NNDT TS thực sự là những cơ sở quan trọng góp phần xác định thành phần dân tộc. Vấn đề này được tập trung giải quyết trong đề tài Điều tra NN DTTS ở Việt Nam góp phần xác định lại thành phần dân tộc, tiến hành trong kế hoạch 2000 - 2004.
- Xây dựng chữ viết cho các DT TS
Theo QĐ 53/CP, Viện Ngôn ngữ học có nhiệm vụ quan trọng là cùng với các Bộ và cơ quan hữu quan hướng dẫn các địa phương tiến hành việc xây dựng, cải tiến chữ viết cho các DTTS khi có nhu cầu về chữ viết. Viện đã xây dựng và hoàn thiện nhiều chữ viết cho đồng bào DTTS, như: chữ viết Pa Koh - Ta Ôih, Bru - Vân Kiều, Ragiai, Ka Tu, Chăm, Hroi, Hrê; xây dựng chữ Thái cải tiến, phương án La tinh hoá chữ Thái, phương án chữ Mường, đề xuất cải tiến chữ Mông.
- Phục vụ sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục ở vùng DTTS
Trong một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ như Việt Nam, việc phát triển các hình thức song ngữ, đa ngữ là biện pháp tối ưu để các ngôn ngữ cùng tồn tại và phát triển hài hoà, tránh được sự xung đột cả về dân tộc lẫn ngôn ngữ. Chính vì vậy, Viện Ngôn ngữ học đã biên soạn các loại sách để phổ biến tiếng Việt như: các loại từ điển song ngữ NNDTTS và Việt, các loại sách học tiếng dân tộc, các sách hướng dẫn người DTTS học tiếng Việt: Từ điển Việt - Mèo, Từ điển Tày - Nùng - Việt, Việt - Tày - Nùng, Từ điển Gia Rai - Việt, Từ điển Thái - Việt, Từ điển Mường - Việt... Sách học tiếng Pakoh, Ta Ôih, Sách học tiếng Bru - Vân Kiều, Sách học tiếng Ê Đê, Sách học tiếng Raglai, Sách học tiếng Ka Tu, Sách học tiếng Ba Na, Sách học tiếng Chăm Hroi, Hrê...
Những năm gần đây, Viện còn hợp tác với các nhà ngôn ngữ học Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan,... điều tra, nghiên cứu hàng chục NNDTTS ở Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lí luận về quá trình hình thành các ngữ hệ, nguồn gốc của tiếng Việt và các quan hệ cội nguồn của tiếng Việt với các ngôn ngữ trong khu vực.
Viện Ngôn ngữ học còn được Nhà nước giao chủ trì và thực hiện nhiều chương trình, đề tài trọng điểm, chẳng hạn: Dự án Điều tra tổng thể các NNDTTS ở Việt Nam. Dự án được triển khai thành 5 đề tài nhánh và đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng đề ra. Chương trình này cũng đã tiến hành khảo sát những ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong, như: Ơ Đu, La Chí, Mảng, Kháng, La Ha, Cơ Lao.
Từ năm 1996, Viện đã tiến hành điều tra tiếng Việt về mặt cấu trúc và sự hoạt động theo 4 hướng chính sau đây:
Điều tra tiếng Việt trong nhà trường, bao gồm: điều tra năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh phổ thông các cấp; điều tra những lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp thường gặp ở học sinh; nghiên cứu những vấn đề lí thuyết và phương pháp giảng dạy tiếng Việt; tìm hiểu chương trình tiếng Việt trong sách giáo dục phổ thông hiện nay; đánh giá thực trạng dạy và học tiếng Việt hiện nay trong nhà trường;
Điều tra việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Điều tra sự phát triển vốn từ tiếng Việt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ từ năm 1975 và đặc biệt là từ năm 1985 đến nay;
Điều tra một số phương ngữ, thổ ngữ vùng Sơn Tây, Nghệ An, chuẩn bị cho việc khảo sát, điều tra các phương ngữ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Viện đã được Nhà nước giao cho thực hiện chương trình Điều tra tổng thể tiếng Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ năm 1998 và hoàn thành năm 2000. Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng mà những số liệu và kết quả thu được là cơ sở giúp Nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực ngôn ngữ, v.v..
Năm 2000, Viện được giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc biên soạn bộ từ điển tiếng Việt cỡ lớn. Hệ chương trình thử nghiệm ngân hàng dữ liệu tiếng Việt cùng hệ thống các chương trình chuyên dụng để khai thác ngân hàng dữ liệu, quản lí, khai thác các từ điển tiếng Việt hiện có và biên soạn từ điển trên máy tính đã được hoàn thành.
Viện cũng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Cộng hoà Liên bang Nga. Theo sự hợp tác đó, cuối năm 2001, Viện Ngôn ngữ học được giao thực hiện 3 đề tài cấp bộ. Đó là: Hợp tác Việt - Nga khảo sát ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Hợp tác Việt - Nga nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, Sửa chữa, bổ sung bản thảo Đại từ điển Việt - Nga.
Bên cạnh các chương trình đã nêu trên, Viện còn thực hiện hàng loạt các đề tài khoa học cấp viện vàmột số đề tài, chương trình khoa học thuộc cấp bộ nhằm nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận và ứng dụng ngôn ngữ học của tiếng Việt và các NNDTTS ở Việt Nam. Trong mấy năm gần đây, nhiều công trình đã được Viện hoàn thành như: Tiếng Việt trong nhà trường, Những vấn đề từ điển học, Loại từ trong tiếng Việt và các ngôn ngữ ở Việt Nam, Từ và cấu trúc từ tiếng Việt, Câu chủ vị tiếng Việt, Từ láy trong tiếng Việt và trong các NNDT TS ở Việt Nam, Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ cử chỉ, Thanh điệu tiếng Việt, Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Ngôn ngữ học xã hội, Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính, từ điển các loại, các chuyên khảo về NNDTTS ở Việt Nam, v.v..
Bên cạnh đó, những công trình ứng dụng ngôn ngữ như: Phục hồi ngôn ngữ cho người khuyết tật bộ máy phát âm; Phân tích đặc trưng âm thanh, nhận diện lời nói, tổng hợp lời nói, biên soạn sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Xây dựng quy định và từ điển công cụ về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong văn bản tiếng Việt, v.v. đã phục vụ kịp thời nhu cầu của xã hội.
Hiện nay, Viện Ngôn ngữ học đang tiếp tục triển khai các công trình khoa học trọng điểm cấp bộ như: Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông; Khảo sát, nghiên cứu vai trò của tiếng nói, chữ viết Chăm trong đời sống xã hội của người Chăm hiệnnay; Phương ngữ Bắc Bộ; Các ngôn ngữ Nam á ở Việt Nam.
Viện Ngôn ngữ học đang được Viện Khoa học xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình Những vấn đề cơ bản về chính sách ngôn ngữ của Việt Nam đến năm 2020. Chương trình được cụ thể hoá thành 7 đề tài nhánh sẽ được triển khai trong những năm tới sau khi được phê duyệt.
Để phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, công tác thông tin - tư liệu - thư viện trong 40 năm qua đã được hết sức chú ý. Viện đã xây dựng được kho phiếu tư liệu tiếng Việt đồ sộ với hơn 3 triệu phiếu trên cơ sở lựa chọn ngữ cảnh từ hàng ngàn đầu sách, hàng chục đầu báo các loại. Viện đã xây dựng thử nghiệm được một ngân hàng dữ liệu từ ngữ tiếng Việt gồm gần 14 triệu âm tiết lấy từ các nguồn báo chí, truyện, ca dao, tục ngữ tiếng Việt...
Thư viện của Viện gồm nhiều sách chuyên môn, rất phong phú về chủng loại bằng các thứ tiếng: Việt, Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc. Hàng nghìn đầu sách thuộc các thứ tiếng khác nhau đã được đưa vào hệ thống quản lí, tra cứu bằng máy tính theo chủ đề giúp cho việc quản lí, khai thác tài liệu được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, đạt hiệu quả cao hơn. Hàng trăm tài liệu có giá trị về lí luận ngôn ngữ học bằng các thứ tiếng khác nhau đã được dịch ra tiếng Việt là những tài liệu tham khảoquý cho cán bộ nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài Viện.
Tạp chí “Ngôn ngữ” là diễn đàn khoa học của Viện và cả ngành ngôn ngữ học, được đánh giá có uy tín và chất lượng khoa học cao. Trong gần 40 năm qua, 235 số tạp chí “Ngôn ngữ” đã ra mắt, phục vụ đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài nước, các nhà văn hoá, nhà giáo, sinh viên các trường đại học… Tạp chí đã phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất: từ chỗ ra 4 số 1 năm, năm 1998 tăng lên 6 số, đến nay tạp chí đã ra đều đặn 12 số 1 năm, trong đó có những số chuyên đề phục vụ thiết thực cho nhà trường. Do những thành tích và những đóng góp cho ngành ngôn ngữ học và cho xã hội, Tạp chí “Ngôn ngữ” đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì (1986), Huân chương Lao động hạng nhất (2000).
Viện Ngôn ngữ học còn thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với nhiều tổ chức và cá nhân các nhà khoa học thuộc nhiều nước trên thế giới: Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Đức, Thái Lan, Lào, Canada, úc, Nhật Bản, v.v..
Về công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo
Trong suốt 40 năm hoạt động, Viện Ngôn ngữ học đã có những bước phát triển quan trọng. Từ chỗ chỉ có một số ít cán bộ từ Tổ Ngôn ngữ học và Tổ Thuật ngữ khoa học, dần dần Viện đã hình thành và xây dựng các phòng nghiên cứu khoahọc theo các chuyên ngành của ngôn ngữ học và các phòng phục vụ nghiên cứu. Hiện nay Viện có 9 phòng và trung tâm nghiên cứu, ứng dụng ngôn ngữ học là: Phòng Từ vựng học, Phòng Ngữ pháp học, Phòng Ngữ âm học, Phòng Nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam, Phòng Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt, Phòng Ngôn ngữ học xã hội, Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng. Hai Trung tâm ứng dụng ngôn ngữ học là Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ, Trung tâm Phổ biến và giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, còn có các phòng: Hành chính - Tổng hợp, Quản lí khoa học và đào tạo, Thư viện, Toà soạn Tạp chí “Ngôn ngữ”.
Đội ngũ cán bộ của Viện trong suốt thời gian qua cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Cho đến tháng 8 năm 2008, Viện đã xây dựng được một đội ngũ đông đảo gồm 66 cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu, trong đó hơn một nửa số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư hoặc giáo sư.
Từ năm 1979, Viện Ngôn ngữ học được Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) công nhận là cơ sở đào tạo sau đại học và giao cho nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh ngành ngữ văn. Kể từ khoá đào tạo nghiên cứu sinh ngắn hạn đầu tiên năm 1983 đến nay, Viện đã chiêu sinh được 18 khoá nghiên cứu sinh, đã đào tạo được 60 tiến sĩ ngữ văn (naylà tiến sĩ ngôn ngữ học). Công tác đào tạo và đào tạo sau đại học của Viện đã góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu trong Viện và đóng góp cho sự phát triển của ngành ngôn ngữ học nói chung.
Bên cạnh hình thức đào tạo trong nước, hàng chục cán bộ của Viện thuộc các thế hệ khác nhau đã được gửi đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, đạt được học vị tiến sĩ. Viện cũng mở các lớp ngoại ngữ tại Viện để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ (như: tiếng Anh, tiếng Hán hiện đại, tiếng Hán cổ). Mấy năm gần đây, Viện cũng chú trọng bồi dưỡng tin học cho cán bộ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các cấp, điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị kĩ thuật của Viện Ngôn ngữ học đã được cải thiện đáng kể. Các phương tiện vật chất phục vụ nghiên cứu của Viện gồm các máy móc ngữ âm thực nghiệm, máy móc phục vụ cho nghiên cứu điền dã, máy tính,… ngày càng được trang bị đầy đủ hơn, chất lượng tốt hơn. Viện đã được trang bị máy tính cho tất cả các phòng làm việc, góp phần đẩy mạnh hướng tin học hoá nghiên cứu ngôn ngữ.
Từ cuối tháng 11 năm 2008, Viện Ngôn ngữ học được chuyển về trụ sở mới xây dựng, khang trang, với đầy đủ các tiện nghi thiết yếu phục vụ cho mọi hoạt động của Việntại số 9, phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội.
Do những thành tích trong công tác, năm 1988 Viện Ngôn ngữ học đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; năm 1998 được tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Nhiều cán bộ của Viện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý như: Giáo sư Hoàng Phê và Giáo sư Lê Khả Kế, - Huân chương Lao động hạng nhất, năm 1989; Giáo sư Hoàng Tuệ, - Huân chương Lao động hạng nhất năm 1997, Huân chương Độc lập hạng ba năm 1999. Các giáo sư Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Lê Khả Kế, Hoàng Phê đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2000 v.v..
Qua 40 năm xây dựng, Viện Ngôn ngữ học đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt. Hoạt động nghiên cứu của Viện đã kết hợp chặt chẽ được giữa nghiên cứu lí thuyết và điều tra khảo sát thực tế, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với việc giảng dạy và truyền bá kiến thức về ngôn ngữ học. Nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng và uy tín cao của Viện đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vai trò và vị trí của Viện ngày càng được khẳng định chắc chắn. Đội ngũ cán bộ của Viện ngày một trưởng thành, đã đảm nhiệm tốt việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, do sự phát triển của nền khoa học nước nhà, Viện Ngôn ngữ học đã san sẻ lực lượng với hơn 30 cán bộ nghiên cứu có học vị cao sang công tác, xây dựng viện nghiên cứu chuyên ngành mới - Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
( Nguồn: Tạp chí "Ngôn ngữ" số 12/2008)