Dưới đầu đề " Cần nói đúng và viết đúng, nói hay và viết hay", Báo Văn nghệ của Hội nhà Văn Việt Nam số đặc biệt 35+36, thứ bẩy, 28-8 và 4-9-2010 đã dành trọn trang 34 phỏng vấn GS Nguyễn Văn Khang.
CẦN NÓI ĐÚNG VÀ VIẾT ĐÚNG, NÓI HAY VÀ VIẾT HAY... (*)
Thưa GS TS Nguyễn Văn Khang, hiện tại đang có nhiều ý kiến rộ lên về tiếng Việt trước những thử thách của xu hướng hội nhập. GS có thể đưa ra một cái nhìn khái quát về tiếng Việt và theo GS, thực trạng tiếng Việt trong những năm gần đây có vấn đề gì đáng quan tâm?
Tiếng Việt của chúng ta đã và đang phát triển theo hướng hiện đại hoá, vì thế, tiếng Việt có thể đáp ứng mọi nhu cầu giao tiếp của xã hội Việt Nam và thực hiện chức năng ngôn ngữ quốc gia của Nứớc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Lùi lại quá khứ có thể thấy, nếu như những thập niên đầu khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà được thành lập, người ta bàn luận về khả năng của tiếng Việt đảm nhận nhiệm vụ là ngôn ngữ trong giáo dục ở các bậc giáo dục phổ thông và nhất là ở bậc giáo dục đại học, thì giờ đây, 55 năm sau ( kế từ năm 1945), không ai có thể nghi ngờ khả năng của tiếng Việt trong hệ thống giáo dục của Việt Nam từ bậc mầm non đến bậc học cao nhất là tiến sĩ. Năm nay, chúng ta trọng thể tổ chức Đại lễ 1000 năm Hà Nội - mốc đánh dấu lịch sử hào hùng của Thủ đô nói riêng và của nước Việt nói chung. Trong trang sử hào hào hùng đó, không thể không nhắc đến vai trò của tiếng Việt. Chúng ta sao quên được, khi đất nước chìm trong nô lệ thì ngôn ngữ ngoại bang theo sau gót giày xâm lược tràn vào Việt Nam và đẩy tiếng Việt xuống hàng thứ yếu, bởi đồng hoá dân tộc trong đó có đồng hoá ngôn ngữ là mục tiêu của bất kì thế lực xâm lược nào. Nhưng, ngay cả trong thời kì đen tối ấy, tiếng Việt vẫn được người Việt Nam yêu quý, giữ gìn và phát triển, bởi nó là linh hồn của nước Việt. Với ba chỉ tố quốc kì, quốc ca và ngôn ngữ làm nên biểu tượng cho sự hình thành, sự độc lập của một quốc gia, tiếng Việt cùng với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và quốc ca "đoàn quân Việt Nam đi, trong lòng cứu quốc,...." là biểu tượng cho một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, thống nhất, đa dân tộc, đa văn hoá và đa ngôn ngữ. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”, Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam luôn luôn bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Nhờ đó, tiếng Việt của chúng ta mới có được như ngày hôm nay.
Trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại hoá, tiếng Việt một mặt luôn là một hệ thống cấu trúc ổn định và được phát triển trên nền tảng của sự ổn định ấy, mặt khác, cũng như mọi hiện tượng xã hội khác, những yếu tố mới luôn nảy sinh và các yếu tố cũ không phù hợp sẽ bị loại trừ. Đó chính là những điều đáng quan tâm về thực trạng tiếng Việt trong những năm gần đây.
Là tấm gương phản chiếu xã hội hay là chiếc “nhiệt kế” đặc biệt của xã hội Việt Nam, tiếng Việt đã và đang phản ánh mọi sự đổi thay của xã hội Việt Nam và theo đó, tiếng Việt cũng đang có những thay đổi dưới tác động của xã hội Việt Nam. Đáng chú ý là:
Sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã làm cho có sự di chuyển mạnh mẽ của dòng người giữa ba miền Bắc - Trung - Nam, giữa các địa phương cũng như trong nội bộ của một địa phương. Nhân tố này đã và đang tạo ra sự xáo trộn đáng kể đối với phương ngữ tiếng Việt. Hệ quả của nó là làm pha trộn phương ngữ tiếng Việt giữa các vùng miền và xuất hiện khả năng tạo ra phương ngữ tiếng Việt pha trộn mới. Chẳng hạn, trong khi giao tiếp, người ta có thể “pha” giọng của vùng khác, sử dụng các yếu tố phương ngữ của vùng khác. Ví dụ, các cách nói của phương ngữ Nam Bộ như trễ hẹn, kẹt xe, giá mắc, mắc bận, bóng đá nhí, trái cây, con lộ, thịt heo, bông tai, chả giò,...đã và đang trở thành cách dùng quen thuộc trong tiếng Việt hiện nay và khá phổ biến tại các địa phương miền Bắc. Việc người miền Bắc vào Nam nói tiếng Bắc pha chút giọng Nam, người miền Nam ra Bắc nói tiếng Nam pha chút giọng Bắc,... đang làm xuất hiện các biến thể giọng nói, cách nói tiếng Việt pha trộn trên cơ sở của một phương ngữ Việt làm gốc.
Sự di chuyển của dòng người từ nông thôn ra thành phố và ngược lại từ thành phố về nông thôn có tác động mạnh mẽ tới mối quan hệ giữa tiếng Việt đô thị với tiếng Việt nông thôn, làm mờ dần ranh giới giữa tiếng Việt đô thị với tiếng Việt ven đô và tiếng Việt nông thôn. Đây là quá trình tất yếu của đô thị hoá ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, tiếng Việt đô thị đang lan toả, ảnh hưởng mạnh đến đến tiếng Việt nông thôn và ngược lại tiếng Việt nông thôn cũng đang có chiều hướng xâm nhập ngày một tăng vào tiếng Việt thành thị.
Sự điều chỉnh giọng nói và cách nói với mục đích hoà nhập, thích nghi về ngôn ngữ đang diễn ra mạnh, nhất là ở giới trẻ, cũng đang làm xoá dần ranh giới giữa các phương ngữ tiếng Việt. Sự xuất hiện ngày một nhiều các nhóm xã hội cũng như sự tương tác giữa các nhóm xã hội này làm xuất hiện các biến thể tiếng Việt phương ngữ xã hội, tạo sự đa dạng cho tiếng Việt cũng như sự pha trộn giữa các phương ngữ xã hội tiếng Việt trong sử dụng.Với quan niệm chừng nào tồn tại các nhóm xã hội thì tương ứng với chúng là các phương ngữ xã hội, xã hội Việt Nam đang xuất hiện nhiều các nhóm xã hội và tương ứng với chúng là các tiếng Việt phương ngữ xã hội. Chẳng hạn, sự phục hồi và phát triển của các nghề truyền thống đã làm cho tiếng nghề nghiệp được phục hồi và phát triển; sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã và đang kéo theo sự phân hoá xã hội. Thực tế này được phản ánh về sự phân tầng xã hội trong giao tiếp tiếng Việt. Ở Việt Nam hiện nay, sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường đã và đang tạo ra sự phân hoá trong xã hội theo thang độ kinh tế (giàu - nghèo, chủ - thợ,...). Vì thế, việc sử dụng ngôn ngữ cũng tương ứng với các vai xã hội như vậy, đó là: có ngôn ngữ của ông chủ và người làm thuê, có ngôn ngữ của người giàu và người nghèo,... Tuy nhiên, cũng một thực tế của đời sống cho thấy, sự đắp đổi giữa các vai xã hội này diễn ra dường như quá nhanh. Chẳng hạn, sự giàu lên đột biến, nhanh chóng trở thành vai ông chủ/bà chủ ở không ít người, tốc độ “công nhân hoá” người nông dân và “đô thị hoá” người nông thôn diễn ra nhanh đến mức làm cho họ dường như không chuẩn bị kịp “tâm thế” cho vai xã hội của mình ở nhiều phương diện trong đó có việc sử dụng ngôn ngữ. Đây là lí do dẫn đến việc sử dụng tiếng Việt không phù hợp với vị thế giao tiếp và bối cảnh giao tiếp. Ví dụ, ôsin lại sử dụng ngôn ngữ kiểu bà chủ; còn bà chủ/ông chủ có khi lại nói thứ ngôn ngữ “đường chợ” (bỗ bã, tục tằn); sử dụng lẫn lộn giữa tiếng Việt viết và tiếng Việt nói nói (nói như viết và viết thì như nói;...).
Sự phát triển của văn hoá xã hội Việt Nam đang ở hai chiều là phục hưng truyền thống và trải lòng tiếp nhận văn hoá hiện đại, theo đó, tiếng Việt có cơ hội phục hồi các từ ngữ, các cách nói được coi là cổ, cũ và có cơ hội tiếp nhận các yếu tố của tiếng nước ngoài. Ví dụ, hàng loạt các từ vốn được coi là cũ hoặc cổ, ít dùng thì giờ đây được dùng phổ biến như tây phương cực lạc, phúc như đông hải, vu quy, tiên cảnh nhàn du, ái nữ, kiều nữ, lệnh nữ, thứ nữ,..; các từ chúc tụng như an khang, thịnh vượng, tài lộc, tấn tài, tấn tộc, nhân khang vật thịnh, phúc lộc khang ninh, ... được xuất hiện trở lại khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã đem đến cho tiếng Việt một sự biến động lớn, đó là sự xuất hiện internet đã làm xuất hiện một loại hình báo chí mới là báo điện tử (trong mối quan hệ với báo in, báo nói, báo hình).Với đặc thù của giao diện báo và tốc độ truyền tin, tiếng Việt trên báo điện tử có một số đặc điểm riêng như tính khẩu ngữ cao (gần với tiếng Việt nói) và cách diễn đạt đơn giản hoá. Điều này được thể hiện ở cách dùng từ ngữ ít có sự cân nhắc, trau chuốt; có nhiều sự pha trộn yếu tố tiếng Anh với cách viết nguyên dạng trong văn bản; câu văn thường ngắn với sự xuất hiện liên tục của các câu quen gọi là câu đặc biệt (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ hoặc cả hai mà chỉ có thành phần phụ). Sự xuất hiện điện thoại di động và sự xuất hiện một loạt các phương tiện thông tin cá nhân sử dụng cả tiếng và chữ (hoặc một trong hai hình thức này) như chat, blog, nhắn tin,..theo đó, tiếng Việt trên các phương tiện này được các cá nhân sử dụng hết sức linh hoạt, tự do theo sở thích cá nhân.
GS vừa nhắc đến hai vấn đề: tiếng Việt của cư dân mạng và sự du nhập từ nước ngoài mà cụ thể hiện nay là tiếng Anh. GS có thể cho biết rõ hơn về hai nội dung này?
Về tiếng Việt của cư dân mạng, như trên đã nói, khi xã hội tồn các nhóm xã hội, thì tương ứng với nó sẽ có "ngôn ngữ của xã hội đó" (ngôn ngữ học xã hội gọi là "phương ngữ xã hội"). Tiếng lóng ra đời cũng bởi lí do này. Sự xuất hiện cư dân mạng thì cũng đồng thời xuất hiện ngôn ngữ của cư dân mạng. Không chỉ tiếng Việt đâu. Ngôn ngữ nào cũng như vậy. Tiếng Anh cũng vậy. Ở Trung Quốc, cư dân mạng còn đưa ra một thứ ngôn ngữ gọi là "ngôn ngữ sao Hoả" mà chỉ họ mới hiểu được. Tiếng Việt của cư dân mạng thực ra cũng chỉ là sự "biến báo " trên cơ sở của tiếng Việt mà thôi (nó giống như thời trang ấy mà!). Ví dụ: nhập y và i làm một (iu: yêu), lợi dụng cách phát âm phương ngữ (nhìu: nhiều), lợi dụng cách quan hệ giữa các đọc và cách viết (qwá/was: quá),... tiếng Việt của cư dân mạng có điểm nổi bật là: 1/ Đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn trong cách viết chính tả tiếng Việt; 2/ Ngắn gọn đến mức không thể ngắn gọn hơn trong cách diễn đạt; 3/ Biến báo các cách viết, cách diễn đạt theo phong cách cá nhân, tạo ra hàng loạt các biến thể tiếng Việt mới. Ví dụ: “Hello everybody! Rất vui dc làm wen all member. Rảh chat nhé! Ax! quên số dt nà ( Xin chào mọi nguời! rất vui được làm quen với mọi người/các thành viên/cả nhóm. Rảnh chát nhé! À, quên, số điện thoại này/nè); “ThiẾu zẮng a e hUmz thỂ shỐng thÊm 1 fÚt jÂy nÀo nỮa”( Thiếu vắng anh, em không thể sống thêm một phút giây nào nữa); “Minh` xjn chia pun` dzoi ban nhaz.Chien tjnh` cua~ ban sao ma` chan wa’ ....chuc’ ban tjm` duoc 1 tinh` iu moi’ dza` hanh fuc’ dzoi’ tinh` iu do’ nhaz ban” (Mình xin chia buồn với bạn nhé/nha. Chuyện tình của bạn sao mà chán quá... Chúc bạn tìm được một tình yêu mới và hạnh phúc với tình yêu đó).
Về sự du nhập từ ngữ nước ngoài mà cụ thể là tiếng Anh, đây là vấn đề của các ngôn ngữ trên toàn cầu chứ không phải riêng của tiếng Việt. Nhiều người đã coi đây là cơn đại hồng thuỷ thứ hai của ngôn ngữ ở thế kỉ XXI (còn cơn đại hồng thuỷ thứ nhất là tiếng Pháp ở thế kỉ XVI) . Nhưng tôi cũng xin nói ngay, không phải chỉ có từ ngữ đâu mà cả ngữ âm và ngữ pháp nữa. Về ngữ âm, chúng ta đã từng nghe các nhà đài đọc "đáp-bliu-thi âu" (WTO), chỉ số "ai-kiu" (IQ); Về từ ngữ, hàng loạt các từ ngữ tiếng Anh về công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, trang phục, âm nhạc, ẩm thực, thể thao, ... xuất hiện trong tiếng Việt. Điều đáng nói là, đây không chỉ là những từ ngữ mới mang những khái niệm mới tiếng Việt chưa có từ biểu thị mà là cả những từ ngữ tiếng Việt đã có . Ví dụ: crazy (cuồng nhiệt), copy (sao chép), delete (xoá), download (tải xuống/tải về), e-mail (thư điện tử), lobby (đánh bóng), style (phong cách), buffet (cửa hàng ăn tự chọn), menu (thực đơn), quota (hạn ngạch), new (mới), scandal (vụ tai tiếng, vụ bê bối),... . Về ngữ pháp, không ít cách diễn đạt kiểu tiếng Anh đang quen dần với ngưòi Việt. Ví dụ: “Sẽ rất vui khi có sự góp mặt của anh”, “Sẽ là không công bằng khi không nhắc đến một người mà những sáng tác của ông làm xao xuyến bao con tim”, “ Đây các vị đến từ...”, (mà không phải làtừ....đến),“Đây là các sản phẩm được làm bởi những những bàn tay khéo léo” (mà không phải là do.... làm), Nói không với (tiêu cực, thuốc lá...); ở các các cửa hàng, nơi công cộng, tiếp viên thay vì sử dụng phát ngôn “Anh/chị cần gì ạ?” bằng phát ngôn “Em có thể giúp gì được/ cho anh/ chị?”. Có thể nói, tiếng Anh đã thâm nhập mạnh và sâu vào đời sống ngôn ngữ tiếng Việt mà vai trò dẫn dắt là các phương tiện truyền thông, quảng cáo. Giờ đây, một đứa trẻ lên ba cũng biết trả lời "nâu" (no), "ét" (yet) và biết hỏi bao giờ đến "bơ đây" (birth day) của mình; một bà già tận vùng sơn cước cũng có thể nói "bai bai cháu nhé" khi tiễn đứa cháu mới ãm ngửa của bà trở về thành phố. Như là mưa dầm thấm lâu, các phát âm tiếng Anh, từ ngữ tiếng Anh, cách nói kiểu tiếng Anh đang tràn ngập trong tiếng Việt.
Có ý kiến cho rằng, các nhà ngôn ngữ học hình như "nương theo" những diễn biến của thực tiễn tiếng Việt. Chẳng hạn, chấp nhận sự thay đổi ngữ nghĩa của một số từ đã quen dùng lâu nay và cho đó là quy luật cần có. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình, vì như vậy ảnh hưởng tới sự trong sáng tiếng Việt. GS nghĩ thế nào?
Nói thế thì oan cho các nhà Việt ngữ học. Thế giới khách quan của chúng ta là vô hạn. Các sự vật mới, hiện tượng mới, khái niệm mới xuất hiện hàng ngày hàng giờ và “yêu cầu” ngôn ngữ biểu thị. Trong khi đó ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu hữu hạn. Dùng “cái hữu hạn” để biểu thị “cái vô hạn” nên ngôn ngữ mới có hiện tượng đồng âm, gần gâm gần nghĩa, đa nghĩa, trái nghĩa,... Vì thế, trong tiếng Việt từ ăn mới có tới 13 nghĩa (từ ăn cơm, rồi đến ăn đòn, ăn con xe, xe không ăn phanh, ăn ảnh, ăn sương, ăn nằm,...); từ đánh có tới 27 nghĩa (từ đánh cho đau đến đánh răng, đành đàn, đánh phấn, đánh yêu, đánh ghen, đánh bạn với nhau, đánh ba bát cơm,...). Chủ thể “tạo” ra các hiện tượng này là người sử dụng ngôn ngữ mà trước hết là nhà văn, nhà thơ, nhà báo,.. Họ là những nhà sáng tạo ngôn từ nên nhiều lúc họ cũng không muốn sử dụng lặp lại ngôn từ một cách nhàm chán, “mòn như những đồng xu”. Thế nên, tiếng Việt mới có “khung thành từ chối bàn thắng”, “chăm sóc tiền đạo đối phương”, “cố ấy có vẻ đẹp khiêm tốn”, “thị trường địa ốc ấm dần lên”, “ bẻ đôi câu thơ,chặt đôi câu thơ”, “ngày đã cạn biết là em không đến”,... Quá trình sử dụng sẽ lựa chọn và quyết định sự ổn định hay không ổn định của những cách dùng này, có thể tạo nên một nghĩa mới của từ hay không. Chẳng hạn, các dùng từ bị như “hơi bị đẹp”, “hơi bị hay” xuất hiện tới 4-5 năm nay , mặc dù đi vào cả trong thơ nữa nhưng dường như có xu hướng đang bị lãng quên dần (chỉ dừng lại ở cách dùng khẩu ngữ)
Một hiện tượng nữa cũng đang được nhắc đến là nhằm vào các từ Hán Việt như cứu cánh, hỗ trợ, yếu điểm, ngày sinh nhật,.... Trước hết phải nói ngay rằng, từ ngữ Hán Việt là một bộ phận của vốn từ tiếng Việt. Các từ ngữ tiếng Hán khi du nhập vào tiếng Việt phải chịu sự đồng hoá của hệ thống cấu trúc tiếng Việt mà trước hết là ngữ âm, tức là âm Hán Việt. Chúng ta có một may mắn là có cả một hệ thống ngữ âm Hán Việt để đọc các từ ngữ Hán. Điều đó cũng có nghĩa rằng, các từ ngữ Hán khi có vỏ ngữ âm Hán Việt thì có thể trở thành từ Hán Việt (nếu được hệ thống từ vựng tiếng Việt chấp nhận) và khi được chấp nhận thì chúng hoặc có thể giữ nguyên nghĩa như trong tiếng Hán hoặc có thể thay đổi nghiã theo cách dùng của người Việt. Ví dụ, từ khốn nạn trong tiếng Hán có nghĩa là khó khăn và người Việt cũng đã sử dụng nghĩa này. Bằng chứng là, trong lời nói đầu cuốn Hán Việt tự điển năm 1931, tác giả Đào Duy Anh đã viết"bỉ nhân khi mới nghiên cứu quốc văn, đã lấy sự không có tự điển làm điều rất khốn nạn, khổ sở...”. Dần dà, vì trong tiếng Việt đã có từ khó khăn nên người Việt qua quá trình sử dụng đã chuyển nghĩa của từ “khốn nạn” là "khốn khổ một cách thảm hại; hèn hạ, mất nhân cách". Từ ngữ Hán Việt là của tiếng Việt và vì thế không thể lấy nghĩa vốn có của nó trong tiếng Hán để "xem xét chúng là sai hay đúng ở trong tiếng Việt được"! Tương tự, cứu cánh vốn trong tiếng Hán có nghĩa là“cuối cùng”, theo cách dùng của người Việt là “mục đích cuối cùng”. Với cách nhìn như vây thì yếu điểm với cách dùng "bên cạnh các ưu điểm còn có một số yếu điểm" là hoàn toàn có thể dùng được. Hỗ trợ vốn là sự giúp đỡ qua lại (do yếu tố hỗ) nhưng sao người Việt lại có thể nói "người giàu hỗ trợ người nghèo" (chỉ có một chiều là người giàu giúp đỡ người nghèo vì người nghèo đâu có giúp đỡ gì cho người giàu)? Các dùng này theo tôi hay hơn từ "giúp đỡ" vì nó có sắc thái uyển chuyển, giảm thiểu sự mặc cảm của người được nhận giúp đỡ và nhẹ nhàng cho cả người giúp đỡ. Còn ngày sinh nhật, sông hoàng hà, cây cổ thụ... vẫn có thể dùng được nhưng lại là một trường hợp khác. Các yếu tố Hán Việt như hà, nhật, thụ ít dùng độc lập trong tiếng Việt, vì thế người Việt bình thường ít biết đến nghĩa của các yếu tố này. Khi tham gia vào tổ hợp sinh nhật, Hồng hà, cổ thụ, các yếu tố này cùng với các yếu tố sinh, hoàng, cổ tạo thành một tổ hợp chặt và nghĩa của từng yếu tố này càng "nhoè" đi. Chính vì thế, người Việt đã thêm các từ cây, sông, ngày để có cách nói tưởng như dư thừa này (cây cổ thụ, sông Hồng hà, ngày sinh nhật). Chúng ta còn gặp vô số cách nói này, như: xuất ra (xuất đã có nghĩa là "ra"), nhập vào (nhập đã có nghĩa là "vào"); trong tiếng Ê đê: sông Krông na, sông Krông nô ( krông có nghĩa là "sông"; na có nghĩa là "cái", nô có nghĩa là "đực"). Và, chính sự "nhoè nghĩa" (nghĩa trừu tượng) của các yếu tố Hán Việt như vậy mà trên 95% tên người Việt đều là các yếu tố Hán Việt kiểu này . Ví dụ: Nguyễn Văn Khang mà không phải là Nguyễn Văn Khoẻ; Lê Văn Trường mà không phải là Lê Văn Dài;Nguyễn Bích Diệp mà không phải là Nguyễn Lá Xanh, Nguyễn Thị Hồng Ngamà không phải là Nguyễn Thị Ngỗng Đỏ,...). Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tuỳ tiện sử dụng từ ngữ Hán Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ điều này, đó là, “tiếng nào ta có sẵn thì dùng tiếng ta”, tránh “lạm dụng tiếng nước ngoài, lạm dụng chữ nho”, “bệnh dùng chữ Hán”, “bệnh nói chữ”. Với lợi thế của cách đọc Hán Việt, tất cả cá chữ Hán đều có thể đọc được bằng âm Hán Việt và do vậy đều có tiểm năng trở thành từ Hán Việt một khi có điều kiện. Vì thế, tiếng Việt đang xuất hiện các từ ngữ Hán Việt “mới” mà bản thân tiếng Việt đã có từ biểu thị. Đây cũng là lí do giải thích vì sao, những năm gần đây, các phim truyền hình Trung Quốc, Đài Loan được phát sóng trên các đài truyền hình (trung uơng cũng như địa phương) đã sử dụng một loạt các kiểu xưng hô như huynh, đệ, tỉ, muội, nương nương, đại ca, bản phủ, thảo dân, lão da ( da có nghĩa là “ông” nhưng lại được viết thành gia). Cảm giác "lạ tai" cũng làm cho không ít người thích thú với các xưng gọi này, còn cảm giác tiếng Việt đang bị biến dạng, mất gốc (vì tiếng Việt có một hệ thống từ ngữ xưng hô hoàn chỉnh) đã làm cho không ít người quan ngại.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là cần thiết. Theo GS, công việc này nên bắt đầu từ đâu và vai trò của Viện Ngôn ngữ học nơi GS công tác và những tổ chức liên quan (Hội Ngôn ngữ học chẳng hạn) cũng như vai trò của ngành giáo dục?
Cụm từ “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” do Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra trong bài phát biểu tại Viện Văn học ngày 7 tháng 10 năm1966 và được trở lại hai lần sau đó (năm 1979 và năm 1999) trong bài viết của ông. Đây có thể coi là một minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nuớc đối với vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói đến sự trong sáng của tiếng Việt tức là “nhìn thấy chất của nó, giá trị, bản sắc, tinh hoa của nó, nhận rõ hai đức tính của nó là giàu và đẹp, nhìn thấy khả năng phát triển của nó”; “Khi chúng ta nói “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì chữ “giữ gìn” ấy bao hàm một ý nghĩa quan trọng là chúng ta không thể để mất đi một cái gì vô vùng quý báu, một cái gì khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt,[...] Nhưng nói như vậy không có ý chỉ nhìn về quá khứ; trái lại còn phải nhìn về tương lai. [...] chống bảo thủ và cố chấp[...]; chống tuỳ tiện, chống cái khuynh hướng dễ dàng đổi mới, dễ dàng nhập vào tiếng Việt những cái không cần thiết[...]. Tôi muốn trích lời nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để chúng ta hiểu đúng từ “giữ gìn” của cố Thủ tướng: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt gồm hai nội dung “bảo vệ” và “phát triển” tiếng Việt. Muốn giữ gìn tốt thì phải phát triển mà muốn phát triển được thì phải trên nền tảng của bảo vệ.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải bắt đầu từ chuẩn hoá tiếng Việt. Chuẩn hoá không phải là đưa những khuôn cứng nhắc, bất di bất dịch rồi lấy đó để “phê phán đúng sai” ( đây là cách chuẩn hoá của quy phạm luận). Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội đặc biệt, nên việc chuẩn hoá tiếng Việt cần kết hợp giữa việc duy trì tính ổn định đồng thời chú trọng tới sự phát triển của ngôn ngữ nhờ quá trình sử dụng; cần kết hợp giữa tính tuyệt đối (làm nên tính chính xác và tính hệ thống của ngôn ngữ) với tính tương đối (chú trọng tới sự sáng tạo trong quá trình hành chức của ngôn ngữ) trong chuẩn hoá; chuẩn hoá ngôn ngữ mang tính giai đoạn như nói theo cách hình tượng của Claude Hagège là “lỗi của hôm qua trở thành chuẩn hôm nay và lỗi hôm nay sẽ là chuẩn của ngày mai”, hay theo cách nói của các nhà Hán ngữ học thì đó là tính khả biến của chuẩn hoá nhờ tính khả biến của ngôn ngữ mang lại. Chuẩn hoá ngôn ngữ là sự lựa chọn, cụ thể là sự lựa chọn của những sự lựa chọn trong khi còn có thể có những sự lựa chọn khác. Chẳng hạn, giả sử, chúng ta chọn từ lợn là chuẩn nhưng không thể loại trừ heo mà phải coi heo là biến thể, bởi vì, trong giao tiếp hàng ngày của người dân, trước hết là người dân Nam Bộ, phổ biến dùng từ heo (hơn nữa, trong thành ngữ bún bò giò heo thì đố ai thay từ heo bằng từ lợn!). Như vậy chuẩn hoá tiếng Việt hiện nay phải dựa trên sự phân bố về chức năng của tiếng Việt trong từng lĩnh vực (thuật ngữ ngôn ngữ học xã hội gọi là domain “miền”) như lĩnh vực giao tiếp hành chính, lính vực giao tiếp chính thức, lĩnh vực giao tiếp phi chính thức,... gắn với tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, vùng miền... của người giao tiếp.
Chuẩn hoá tiếng Việt là công mọi người Việt, ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả lúc “trà dư tử hậu”.
Về giới ngôn ngữ học, chuẩn hoá ngôn ngữ là một nội dung quan trọng của ngôn ngữ học và vì thế, chuẩn hoá tiếng Việt là một công việc không thể thiếu của Việt ngữ học. Các nhà Việt ngữ học (ở các viện nghiên cứu, trường học, các tổ chức hội trung ương cũng như địa phương) có nhiệm vụ xây dựng cơ sở khoa học cho công việc chuẩn hoá tiếng Việt, đó là việc chỉ ra những nội dung tiếng Việt cần chuẩn hoá và hướng chuẩn hoá và có vai trò định hướng trong sử dụng tiếng Việt chuẩn, như việc biên soạn các sách công cụ phục vụ cho chuẩn hoá tiếng Việt. Tiếc rằng, cả hai việc này, vì nhiều lí do mà các nhà Việt ngữ học của chúng ta còn làm được quá khiêm tốn. Chẳng hạn, giới Việt ngữ học trong khi mải mê đi bàn luận sôi nổi thậm chí gay gắt những vấn đề lí thuyết cao siêu của ngôn ngữ học thì lại im lặng trước sự nở rộ của hàng loạt các cuốn từ điển tiếng Việt, các sách dạy học tiếng Việt,... thuộc các chất lượng khác nhau mà người sử dụng không biết đường chọn lựa; im lặng trước hàng loạt các hiện tượng tiếng Việt “vừa mới vừa lạ” như đang làm lạc hướng người sử dụng;... Theo tôi, các nhà Việt ngữ học cần xuất phát từ hai góc độ là nghiên cứu và ứng dụng để tìm đến sự đồng thuận đối với các nội dung bức xúc nhưng cũng đủ chín muồi, thống nhất đưa ra được những quy định chung (như chính tả tiếng Việt: y và i; cách đọc bảng chữ cái tiếng Việt; cách đọc cách viết từ ngữ và tên riêng nước ngoài, tên riêng dân tộc thiểu số ở Việt Nam;...).
Về giáo dục, dường như chúng ta đang cung cấp cho học sinh quá nhiều kiến thức ngôn ngữ học về tiếng Việt (thậm chí vội vàng đưa cả những kiến thức ngôn ngữ học hiện đại mà có khi... chính người soạn sách còn chưa hiểu chắc chắn) trong khi đó lại coi nhẹ phần kĩ năng giao tiếp tiếng Việt (bao gồm nói và viết tiếng Việt; yếu tố thẩm mĩ, văn hoá trong giao tiếp tiếng Việt;...). Nếu phần kĩ năng giao tiếp tiếng Việt được dạy - học tốt trong nhà trường thì sẽ giúp cho học sinh biết nói đúng, viết đúng tiếng Việt, biết nói hay và viết hay tiếng Việt... Đó chính là tiêu chí và là chốt chặn giúp cho học sinh có cách nhìn nhận đúng đắn trước các biến thể cũng như các biến tướng trong sử dụng tiếng Việt tiếng Việt hiện nay.
Cuối cùng là vai trò của Nhà nước, nói theo cách nói của ngôn ngữ học xã hội, Nhà nước “vừa có quyền vừa có điều kiện” trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Có quyền vì Nhà nước có thể ra được các quyết định để tạo sự thống nhất trong sử dụng tiếng Việt; có điều kiện vì Nhà nước có cả một hệ thống truyền thông bằng tiếng Việt và có thể cũng cấp cơ sở vật chất cho việc điều tra, nghiên cứu tiếng Việt. Khi giới ngôn ngữ học xây dựng được cơ sở khoa học với sự đồng thuận của xã hội, một văn bản quy định mang tính Nhà nước sẽ tạo sự thống nhất chung (còn nếu là văn bản quy định của một Bộ nào đó thì chỉ có giá trị trong bộ đó mà thôi; loạn dùng i và y hiện nay là một minh chứng cho điều này). Tất nhiên, Chính phủ cần có cơ quan chuyên môn giúp việc mà theo tôi hiện nay không cần phải thành lập ban bệ mới làm gì mà hãy giao nhiệm vụ cho Viện Ngôn ngữ học.
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này.
LIỄU HẠNH (thực hiện)
_________________________
*Tuy đã dành trọn 01 trang nhưng Báo cũng không đăng được toàn bộ cuộc phỏng vấn (câu hỏi phỏng vấn thì giữ nguyên, chỉ lược bỏ một số dòng). Được sự đồng ý của của tác giả, chúng tôi xin đăng toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này.