Chiều ngày 26 tháng 8 năm 2024, Phòng Ngôn ngữ các Dân tộc Thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Một số vấn đề về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Thị Phượng - Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng phụ trách kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ của Viện Ngôn ngữ học. Tại buổi tọa đàm, có 2 báo cáo được trình bày, gồm báo cáo của ThS. Bùi Đăng Bình (Những vấn đề thời sự của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay) và báo cáo của ThS. Nguyễn Thu Huyền (Từ loại trong tiếng Khơ Mú ở Việt Nam).
Báo cáo Những vấn đề thời sự của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay đã đề cập đến một số thông tin ngoài ngôn ngữ như địa lí Đông Nam Á, số lượng các nước Đông Nam Á, dân số Đông Nam Á (số liệu năm 2020), chính thể Đông Nam Á… đồng thời nêu lên những vấn đề có tính thời sự hiện nay về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung. Những vấn đề về các ngôn ngữ trong khu vực mang tính thời sự được đề cập đến như: sự đa dạng ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á, các quan hệ của các ngôn ngữ, quan hệ giữa các ngôn ngữ và các nhà nước, quan hệ giữa các ngôn ngữ và các hệ thống giáo dục, quan hệ giữa ngôn ngữ và truyền thông, quan hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo tín ngưỡng, quan hệ giữa ngôn ngữ và khoa học - công nghệ nói chung, quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.
Báo cáo Từ loại trong tiếng Khơ Mú ở Việt Nam đã đi sâu vào việc khảo sát ba loại từ loại là: danh từ, động từ, tính từ trong tiếng Khơ Mú hiện nay trên các bình diện nghĩa học và kết học để cuối cùng phân loại thành các nhóm. Đây là những từ loại quan trọng, khi kết hợp với các từ khác thì có thể giữ vị trí thành phần trung tâm, tham gia vào thành phần nòng cốt của câu, góp phần biểu hiện nên thông điệp của sự tình.
Tại buổi tọa đàm đã có nhiều câu hỏi cũng như những thảo luận của các đại biểu tham dự như TS. Đặng Thị Phượng, TS. Phan Lương Hùng, TS. Nguyễn Tài Thái, TS. Tạ Quang Tùng, TS. Nguyễn Thị Phương, vv. Có thể nói buổi tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin khoa học cho những người tham dự. Mặt khác, đây cũng là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể có những đóng góp cho hướng nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tin bài: Bùi Đăng Bình
Ảnh: Nguyễn Giang