Sáng ngày 27/11/2023, Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Nghiên cứu Ngôn ngữ học Xã hội và Phương ngữ tiếng Việt”. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Thị Phượng –Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Phụ trách kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ của Viện Ngôn ngữ học. Tại buổi tọa đàm có 02 báo cáo được trình bày: TS. Lê Thị Lâm trình bày báo cáo Đặc điểm ngữ nghĩa từ địa phương tiếng Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; ThS. Đàm Thị Thúy trình bày báo cáo Đặc điểm lời khen trên facebook. Các báo cáo là những nội dung nghiên cứu mà Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt đang quan tâm.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu các phương ngữ, thổ ngữ đã có những kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo khoa học của TS. Lê Thị Lâm đã cho thấy những điểm khác biệt của từ địa phương tiếng Vĩnh Thịnh so với tiếng Việt toàn dân nói chung và với khu vực Bắc Trung bộ nói riêng. Những nét riêng làm nên sự khác biệt này thể hiện ở cả những nét ngữ âm địa phương và cách gọi tên khác nhau giữa người dân Vĩnh Thịnh với người dân ở khu vực khác. Đi tìm nguyên nhân của sự khác biệt này tác giả đã thử so sánh một số từ ngữ tiếng Vĩnh Thịnh với tiếng Mường và nhận thấy có một số nét tương đồng. Theo tác giả, đây là một vấn đề khá thú vị và cần khảo sát kĩ với một số lượng tư liệu lớn hơn để có thể có những kết luận chính xác.
Facebook là mạng xã hội có số lượng người dùng lớn. Báo cáo của ThS. Đàm Thị Thúy cho thấy lời khen được sử dụng trên facebook khá nhiều với các mô hình, kiểu khen khác nhau. Đó có thể là khen trực tiếp nhưng cũng có thể là lời gian gián tiếp. Các nội dung khen cũng khá phong phú như khen về ngoại hình, khen về vật sở hữu, khen về những thành tích, kết quả đạt được… Ở mỗi nhóm tuổi, nhóm nghề nghiệp cũng có cách sử dụng lời khen khác nhau, chủ đề khác nhau. Điều này cho thấy sự phong phú, đa dạng của hành động khen.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến đánh giá cũng như đóng góp của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến đóng góp của TS. Đặng Thị Phượng, TS. Nguyễn Tài Thái, TS. Nguyễn Thị Ly Na, TS. Nguyễn Thị Phương, TS. Phan Lương Hùng, ThS. Trần Hương Thục, ThS. Văn Tú Anh… Các ý kiến đều đánh giá đây là những nghiên cứu công phu dựa trên một nguồn ngữ phong phú; đề nghị các tác giả tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và mở rộng vấn đề theo những khía cạnh khác nhau thì sẽ có những đóng góp quan trọng cho hướng nghiên cứu Ngôn ngữ học Xã hội và Phương ngữ tiếng Việt.
Tin: Tài Thái
Ảnh: Sông Xanh