Tin tức khoa học
Hội thảo Khoa học "Một số vấn đề về Ngữ âm – Từ vựng – Ngữ pháp"
07/08/2024 | 621
Được sự cho phép của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 4 tháng 7 năm 2024, Viện Ngôn ngữ học đã phối hợp với Trường Đại học Quảng Bình, tổ chức thành công Hội thảo “Một số vấn đề về Ngữ âm – Từ vựng – Ngữ pháp” dưới sự chủ trì của TS. Đặng Thị Phượng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học và TS. Võ Thị Dung – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Quảng Bình.
Quảng Bình là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số. Tiếng Quảng Bình giữ lại được nhiều tính chất cổ xưa của tiếng Việt. Tiếng Quảng Bình bao gồm nhiều tiểu vùng, trong mỗi tiểu vùng lại có nhiều địa phương và nhiều thổ ngữ khác nhau. Có thể nói, đây là một nguồn tư liệu phong phú cho các nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số; phương ngữ học và lịch sử tiếng Việt.
Hội thảo này là dịp để Viện Ngôn ngữ học và Trường Đại học Quảng Bình khẳng định chức năng, nhiệm vụ, khẳng định vị thế của mình trong nền Ngôn ngữ học Việt Nam, đồng thời, mở ra những cơ hội hợp tác về nghiên cứu và đào tạo giữa Viện Ngôn ngữ học và Trường Đại học Quảng Bình nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học trình bày kết quả nghiên cứu về một số vấn đề lí luận cơ bản và ứng dụng các lý thuyết vào nghiên cứu thực tế ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp các phương ngữ tiếng Việt và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, các vấn đề về ứng dụng ngôn ngữ học, ngôn ngữ - văn hóa có liên quan… góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học cho việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt, bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam..
Hội thảo đã nhận được 35 báo cáo của các nhà khoa học đến từ Viện Ngôn ngữ học, trường đại học Quảng Bình, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Trường ĐH Tây Nam- Trung Quốc... Nội dung của các báo cáo rất phong phú, từ những vấn đề cơ bản về Ngữ âm học, Từ vựng học, Ngữ pháp học; các vấn đề ứng dụng ngôn ngữ học; các vấn đề ngôn ngữ - văn hóa có liên quan... Đặc biệt, hướng nghiên cứu về các đặc trưng tiếng địa phương Quảng Bình được nhiều tác giả quan tâm và khai thác, trong đó có thể kể đến các báo cáo như: "Nghiên cứu đặc điểm tiếng địa phương Quảng Bình trong hệ thống phương ngữ tiếng Việt” của TS. Võ Thị Dung; "Sự thay đổi cảnh quan ngôn ngữ ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình qua các giai đoạn lịch sử" của TS. Trương Vũ Ngọc Linh; "Đặc điểm ngữ âm âm vị học hệ thanh điệu một số thổ ngữ ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình" của TS. Vũ Thị Hải Hà; "Một vài đặc điểm ngôn ngữ ở thổ ngữ Bố trạch, tỉnh Quảng Bình"của TS. Nguyễn Tài Thái…
Hội thảo đã nhận được nhiều lượt ý kiến thảo luận, các ý kiến đều xoay quanh chủ đề Hội thảo. Các báo cáo được đánh giá cao ở sự chuẩn bị công phu nghiêm túc; hàm lượng tri thức và nguồn tư liệu mới; phương pháp và cách tiếp cận hiện đại. Bên cạnh việc góp ý và thảo luận những nội dung cụ thể được đề cập trong các báo cáo; nhiều ý kiến còn gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu cũng như gợi mở đường hướng hợp tác giữa Viện Ngôn ngữ học và tỉnh Quảng bình trong tương lai.
Tin bài: Phương Nguyễn
Các bài viết khác