Chiều ngày 27 tháng 12 năm 2023 Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ Một số kết quả mới trong nghiên cứu ngữ âm và lịch sử các ngôn ngữ Vietic do TS. Tạ Thành Tấn (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Thị Phượng - Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học; một số giảng viên, nhà nghiên cứu , học viên cao học đến từ Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cùng đông đảo viên chức và người lao động của Viện Ngôn ngữ học và những nhà nghiên cứu tự do, những người quan tâm.
Dựa trên tư liệu ngữ âm mới thu thập từ các ngôn ngữ thành viên Vietic như tiếng Arem, tiếng Rục và tư liệu một số thổ ngữ tiếng Việt như Diêm Điền (Đồng Hới - Quảng Bình), Cổ Định (Triệu Sơn – Thanh Hoá) và Nghi Ân (Vinh – Nghệ An); bằng phương pháp cảm thụ thính giác và phân tích thực nghiệm tác giả đã nghiên cứu các biến đổi ngữ âm của tiếng Việt và một số ngôn ngữ Vietic ở cả bình diện đồng đại và lịch đại.
Báo cáo khoa học đã trình bày tổng quan về những thành tựu nghiên cứu lịch sử các ngôn ngữ Vietic như nghiên cứu của A.G.Haudricourt (1953, 1954), Maspero (1912), Ferlus, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Lợi, v.v.. Theo các nghiên cứu đi trước này, tiếng Việt biến đổi từ một ngôn ngữ không có thanh điệu trở thành một ngôn ngữ có thanh điệu như hiện nay trải qua hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu do rơi rụng một số âm cuối dẫn đến sự hình thành ba thanh (thế kỷ 6), giai đoạn thứ hai do vô thanh hóa các phụ âm đầu hữu thanh (thế kỷ 12) dẫn đến sự hình thành 6 thanh (3 x 2). Tác giả đưa ra một giải thích khác về sự hình thành thanh điệu tiếng Việt: quá trình hình thành hai thanh điệu diễn ra trước, quá trình hình thành đối lập ba thanh diễn ra sau (2 x 3).
Cùng với đó, báo cáo cũng đã đề cập đến việc nghiên cứu chất giọng (voice quality) hay sinh âm (phonation) và các kiểu sinh âm (phonation type) của không chỉ các nguyên âm (vowel) và các phụ âm (consonant) mà còn của các thanh điệu (tone). Việc nghiên cứu chất giọng hay sinh âm trong các ngôn ngữ ở trên thế giới nói chung và đặc biệt ở trong các ngôn ngữ ở Việt Nam là mới; đối lập với nghiên cứu cấu âm (articulation) truyền thống. Từ góc độ nghiên cứu chất giọng hay sinh âm, tác giả đề nghị đưa đặc trưng chất giọng vào trong bảng miêu tả các thanh điệu của các ngôn ngữ Vietic.
Báo cáo khoa học đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các cử tọa tham gia như ý kiến của TS. Đặng Thị Phượng, ThS. Bùi Đăng Bình, TS. Tạ Quang Tùng… Các ý kiến phát biểu đều cho rằng đây là những vấn đề rất quan trọng trong việc nghiên cứu ngữ âm, đặc biệt là vấn đề ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Mong rằng vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong những công trình tiếp theo.
Tin bài: Bùi Đăng Bình
Ảnh: Sông Xanh