Sáng ngày 05/8/2024, Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Nghiên cứu Ngôn ngữ học Xã hội trong xu hướng đổi mới và hội nhập”. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Thị Phượng –Phó Viện trưởng Phụ trách cùng đông đảo cán bộ của Viện Ngôn ngữ học. Tại buổi tọa đàm có 02 báo cáo được trình bày: ThS. Lê Thanh Hương trình bày báo cáo Các chiến lược lịch sự để kết thúc cuộc thoại tiếng Việt (qua tư liệu giao tiếp công sở); ThS. Đàm Thị Thúy trình bày báo cáo Nghiên cứu sự biến đổi cách phát âm một số vần của người miền Nam sống ở Hà Nội. Các báo cáo là những nội dung nghiên cứu mà Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt đang nghiên cứu.
Nghiên cứu chiến lược lịch sự trong giao tiếp đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Mặc dù vậy, việc khai thác tư liệu trên phim truyền hình cũng như thực tế trong giao tiếp công sở chưa được nhiều người nghiên cứu. Báo cáo của ThS Lê Thanh Hương cho thấy có 6 chiến lược lịch sự thường được sử dụng trong các cuộc giao tiếp tại công sở. Bằng việc đưa ra các mô hình sử dụng yếu tố lịch sự cũng như các ví dụ cụ thể cho thấy việc sử dụng kết hợp nhiều mô hình lịch sự để kết thúc hội thoại là xu hướng được nhiều người sử dụng; trong đó các nhân tố tuổi, quyền lực (vị trí xã hội) đóng vai trò quan trọng.
Xu hướng di dân cũng như hội nhập ngôn ngữ là vấn đề luôn được các nhà ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu. Việc những người dân chuyển cư đến một vùng đất mới sẽ có những sự thay đổi về cách nói, cách phát âm là điều rất dễ hiểu. Báo cáo của ThS. Đàm Thị Thúy đã khảo sát sự thay đổi trong cách phát âm của người miền Nam sống ở Hà Nội đối với một số vần như vần -êu, -iêu, vần -ưu, -ươu cũng với các nhân tố xã hội ảnh hưởng đến cách phát âm những vần này. Theo kết quả khảo sát, sự biến đổi ngôn từ của cộng đồng những người gốc Nam diễn ra không đồng đều ở các biến ngôn ngữ. Xét tương quan giữa các biến ngôn ngữ với các biến xã hội có thể thấy nam giới hoặc những người trẻ có sự thay đổi cách phát âm theo biến thể địa phương Hà Nội nhiều hơn nữ giới hoặc những người lớn tuổi. Và cũng có một thực tế là nhóm cán bộ, công nhân viên ít có sự thay đổi hơn so với các nhóm nghề nghiệp khác.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến đánh giá cũng như đóng góp của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến đóng góp của TS. Đặng Thị Phượng, TS. Nguyễn Tài Thái, TS. Nguyễn Thị Ly Na, TS. Nguyễn Thị Phương, PGS. TS. Phạm Hiển… Các ý kiến đều đánh giá đây là những nghiên cứu công phu dựa trên một nguồn ngữ liệu phong phú; đề nghị các tác giả tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và mở rộng vấn đề theo những khía cạnh khác nhau thì sẽ có những đóng góp quan trọng cho hướng nghiên cứu Ngôn ngữ học Xã hội nói chung và phương ngữ học xã hội nói riêng.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Tin: Tài Thái
Ảnh: Sông Xanh