Thực hiện kế hoạch khoa học Quý IV năm 2023, ngày 16/11/2023, Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề
“Từ ngữ gốc Ấn Âu trong ba cuốn từ điển đối dịch thế kỉ XVIII-XIX” do Th.S. Trần Hương Thục trình bày. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến từ vay mượn các ngôn ngữ Ấn Âu và hiện được sử dụng trong tiếng Việt. Buổi tọa đàm do TS. Đặng Thị Phương – Bí thư Chi bộ, Phó Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ học chủ trì và có sự tham gia đông đảo của cán bộ Viện Ngôn ngữ học.
Báo cáo chọn dữ liệu khảo sát là các từ ngữ gốc Ấn- Âu được ghi nhận trong ba cuốn từ điển kế tiếp nhau xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1772- 1877, đó là: 1)
Vocabularium Anamitico Latinum của P. De Béhaine thường biết đến với tên gọi
Từ điển Việt –La được biên soạn năm 1772-1773; 2)
Dictionnarium Anamitico- Latium (tên tiếng Việt là
Nam Việt Dương hiệp tự vị) của J.L.Taberd được ấn bản năm 1838; và 3)
Dictionarium Annamiticum-Latinum của J.S. Theurel được ấn bản năm 1877.
Theo kết quả khảo sát, số lượng từ ngữ gốc Ấn –Âu được đưa vào ba cuốn từ điển không nhiều và chủ yếu là các từ ngữ chỉ phẩm trật, chức sắc tôn giáo, các sự vật, tên riêng các thánh, các lễ tiết và nghi lễ; các sự vật trong xã hội Châu Âu mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam. Về từ loại, các từ ngữ gốc Ấn - Âu được thu thập trong cả ba từ điển đều là các danh từ, không có từ loại động từ, tính từ... Về nguồn gốc, các từ vay mượn gốc Ấn- Âu chủ yếu là từ tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Latinh.
Cũng giống như các từ ngoại lai khác trong tiếng Việt, các từ vay mượn gốc Ấn- Âu trong nguồn ngữ liệu khảo đều có sự biến đổi về ngữ âm cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Đó có thể là việc thêm thanh điệu như kiểu
café -> cà phe, cacao -> cà cao, crux -> câu rút,
mangousta -> măng cụt… ; đơn tiết hóa phụ âm trong những tổ hợp phụ âm như Spirito Santo ->
Xiphiritô Sang tô hoặc chuyển sang phụ âm có trong hệ thống phụ âm tiếng Việt như kiểu
Papa -> Pha pha (/p/ - > /f/). Có thể thấy các hình thức tiếp nhận từ gốc Ấn Âu trong tiếng Việt chủ yếu bằng các hình thức là : 1) Ghi phiên âm như dạng:
câu rút, cà phe, cà cao, chúa Dêu, Da tô, lâm bô,
Ma Cao,
Xiphiritô Sang tô,
Giu dêu, đức thánh Pha pha, xúc xích, Bảo Lộc… hoặc 2) Giữ nguyên dạng như kiểu:
lễ missa, Roma, Maria...
Như vậy, ba nguồn ngữ liệu nghiên cứu của báo cáo đã ghi nhận dấu vết ban đầu của cuộc tiếp xúc ngôn ngữ và vay mượn từ ngữ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ Ấn Âu. Điều này phản ánh phần nào tính động của các cuộc tiếp xúc ngôn ngữ nói chung, tiếp xúc giữa Việt với Ấn Âu nói riêng và có thể xem như bước mở đầu cho cuộc tiếp xúc Việt - Ấn Âu lớn hơn trong giai đoạn sau.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến trao đổi, tranh luận của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến của TS. Phạm Hiển, TS. Phan Lương Hùng, TS. Nguyễn Tài Thái, TS. Nguyễn Thị Phương, TS. Nguyễn Thị Ly Na, ThS. Bùi Đăng Bình…Các ý kiến đều đánh giá đây là một nghiên cứu rất công phu dựa trên một nguồn ngữ liệu quý cũng như đã đặt ra những vấn đề liên quan đến vay mượn từ vựng, tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ khác, vấn đề “gốc” của từ ngữ vay mượn...
Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Đặng Thị Phượng đã nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu mà báo cáo viên đã trình bày cũng như đánh giá cao những gợi ý, đóng góp của các cán bộ tham gia thảo luận. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được thực hiện và hi vọng sẽ có những đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử - văn hóa.
Tin: Tài Thái
Ảnh: Nguyễn Thị Giang