Trong tuần qua, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) họp lấy ý kiến về tổ chức đề thi môn Văn ở các kỳ thi Tốt nghiệp PTTH và thi cao đẳng, đại học. Các ý kiến xoay quanh nội dung có nên đưa một câu thi tiếng Việt vào bài thi môn Văn?
Bee.net.vn trao đổi với GS Nguyễn Văn Hiệp, ngành ngôn ngữ ĐHQG Hà Nội, người từng giảng dạy ở Đai học Paris 7 (Pháp) và Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), về tiếng Việt nhìn từ góc độ cấp học phổ thông, thi ĐH và sử dụng tiếng Việt của sinh viên sau khi ra trường.
Chấm thi văn CĐ, ĐH: Đếm ý cho điểm
Thưa GS, trong cuộc họp đó, đã có những ý kiến gì đề cập tới việc đưa tiếng Việt vào bài thi?
Về phần thi môn Văn tốt nghiệp PTTH, các ý kiến cũng thống nhất đưa câu tiếng Việt 2 điểm vào bài thi. Còn thi CĐ, ĐH thì các luồng ý kiến khác nhau. Một số chủ trương cứ giữ như dạng đề bài thi cũ, tức vẫn thiên về cảm thụ, phân tích văn học như xưa nay vẫn làm. Một số cho rằng nên đưa câu thi tiếng Việt vào kết cấu bài thi, để đồng nhất với đề thi tốt nghiệp, có thể cho câu này 2 điểm.
Ý kiến khác nữa, là với các thí sinh thi khối D thì thêm câu thi tiếng Việt còn khối C thì giữ nguyên. Có ý kiến cho rằng trong thi môn văn xưa nay vẫn chấm về cách diễn đạt và đó cũng là kiểm tra tiếng Việt.
Nhưng thưa GS, "đề cao" tiếng Việt bằng cách đưa vào đề thi chỉ là một phần, nhưng nếu khi chấm người ta không lưu ý thì dù có đưa nội dung này vào đề thi thì cũng chỉ là hình thức?
Đúng thế! Nói thế thôi nhưng không ai chấm cả, đếm ý cho điểm thôi, hậu quả tai hại nhất là mọc lên các trung tâm luyện thi theo đề. Nghĩa là thi văn ĐH cũng có công thức đề và luyện các thi theo các đề đó, trong khi tiếng Việt, công cụ cơ bản quan trọng bị bỏ qua vì không thi không học.
Có thể là vì, lâu nay, tiếng Việt cũng chưa được chú ý trong cả quá trình dạy và học ngữ văn ở bậc học Phổ thông?
Ngữ văn có 3 phần, giảng văn, tập làm văn và tiếng Việt. Tiếng Việt chiếm vị trí rất lớn tính về số tiết học. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài vừa qua, khi thi tốt nghiệp và thi đại học thì không thi tiếng Việt, chỉ thi giảng văn và tập làm văn.
Vậy nên có tình trạng là học rất lệch, bao nhiêu công sức của tác giả biên soạn tiếng Việt trở nên công dã tràng vì giáo viên cắt các tiết tiếng Việt, dành thời gian cho giảng văn (để đối phó với thi cử). Vì tiếng Việt không thi nên giáo viên không dạy, học sinh tự đọc thôi.
Từng được mời giảng dạy ở một số trường đại học nước ngoài, GS thấy các nước khác tổ chức thi ĐH thế nào? Có bắt buộc phải thi tiếng của nước họ?
Ở các nước khác thi ĐH thì phải thi môn Quốc ngữ (chẳng hạn, ở Anh, Mỹ là thi tiếng Anh, ở Hàn là thi tiếng Hàn...). Quốc ngữ, Toán và ngoại ngữ là các môn bắt buộc phải thi, cộng thêm một, hai môn chuyên ngành đặc thù gắn với ngành học mà học sinh chọn. Môn thi Quốc ngữ rất đa dạng, có nhiều dạng đề để học sinh thể hiện trình nắm được tiếng nói của dân tộc mình.
Quay trở lại nước ta, cách dạy văn của mình là dạy văn cảm thụ, phân tích hướng dẫn của người làm phê bình văn học, rồi khi thi, cũng hướng học sinh vào con đường này. Có bao nhiêu sinh viên, thậm chí sinh viên thi khối C sau này làm nghề bình luận, phân tích văn học? Khối C học Luật, Báo chí, Truyền thông…cần thêm tư duy ngôn ngữ tiếng Việt để diễn đạt chứ không chỉ là cảm thụ văn học. Đó là chưa kể học sinh thì khối D phần lớn vào các trường ngoại thương, ngoại ngữ, ngoại giao... những ngành rất xa với việc phân tích và cảm thụ văn học.
Luật sư, nhà kinh tế “đánh vật” với câu chữ
Theo GS, việc coi nhẹ tiếng Việt trong nhà trường sẽ dẫn tới hệ quả gì sau này?
Tiếng Việt hay như vậy nhưng bỏ đi (không đưa vào bài thi - PV), học sinh có khi không biết viết một đoạn văn thông thường như thế nào.
Phần lớn các em khi nghĩ đến đoạn văn là đoạn văn phân tích, bình luận văn học, mà không biết cách viết đoạn văn nhật dụng, đoạn văn khoa học. Đoạn văn viết theo phong cách khoa học phải có cấu trúc chặt chẽ, đảm bảo cho ý tưởng chính đến được với người đọc rõ ràng nhất.
Những ai học viết luận tiếng Anh đều biết sự quan trọng của cách viết này, cách viết đòi hỏi một sự rèn luyện nghiêm túc. Theo đó, đoạn văn cần có câu chủ đề (topic sentence), các câu phát triển (supporting sentences) và câu kết (concluding sentence) để ý của đoạn văn được nổi rõ lên.
Tiếng mẹ đẻ là công cụ của tư duy, công cụ của trình bày. Không thể thành công được nếu sử dụng tiếng mẹ đẻ không đạt. Việc buông lỏng rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ trong viết lách dẫn tới tình trạng nhiều người không biết viết văn bản như thế nào. Nhiều sinh viên ra trường thành luật sư, nhà kinh tế nhiều khi cứ “đánh vật” với câu chữ.
Chấm thi ĐH nhanh như máy, lỗi cơ chế?
Tình trạng chấm thi 1 phút một bài thi, hoặc nếu như đếm trang chấm ý chỉ khoảng 30 đến 45 giây. Với chấm thi vậy thì ngay cả người chấm thi cũng không đọc các câu, hay cách diễn đạt trong bài văn. Có ý kiến cho rằng thầy chấm vậy cũng khó trách trò không giỏi tiếng Việt. GS nhận định gì về ý kiến này?
Kinh phí cho chấm thi ít quá nên người ta phải chấm nhanh, chấm được nhiều hơn để tăng thu nhập. Chấm nhanh được 2, 3 trăm nghìn/ngày. Chấm một ngày một ngày nếu chỉ 50.000 đ thì không ai chấm cả. Vậy nên, chấm thi hướng tới số lượng. Thậm chí “ngửi bài” cho điểm chứ không phải là chấm nữa.
Chấm như máy vậy, chấm rất nhanh để một ngày chấm vài trăm bài để được vài trăm nghìn. Ngay cả học sinh cũng không chú trọng về diễn đạt nữa, chỉ cần viết nhanh đủ ý thôi.
Luyện ở lò thì thi theo ý, chỉ cần sáng sủa vài câu đầu (để tạo ấn tượng với người chấm) và đủ ý.
Vậy theo GS thì khắc phục thế nào?
Lỗi 2 phía, lỗi do chính sách, lỗi cũng do phía chủ quan của người chấm. Hiện nay, đa số các lò luyện thi đều là những thầy sẽ đi chấm thi (và có thầy còn ra đề thi). Nhiều khi các thầy đi chấm, đọc bài thì biết văn của lò thầy A, văn của lò thầy B... Cũng có những người đi chấm thi không phải là thầy luyện thi nhưng do áp lực của tiến độ (chấm chậm chấm kỹ bị nói) nên phải chấm nhanh.
Muốn thay đổi phải xác định rõ: chấm thi ĐH là tuyển người tài cho đất nước. Vì thế phải có chính sách thích hợp. Tôi nghĩ các trường đại học nên dành một phần kinh phí xứng đáng cho công tác chấm thi tuyển sinh đại học.
Cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!