GS. TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập tạp chí "Ngôn ngữ " đã thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học đọc diễn văn bế mạc Hội thảo"Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế"
Kính thưa Hội nghị!
Hội nghị “Chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về Ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” của chúng ta đã được tiến hành sôi nổi, khẩn trương trong hai ngày 26 và 27 tháng 11 năm 2009 và đã thành công tốt đẹp! Tham gia Hội nghị gồm hơn 120 đại biểu là các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học thuộc các viện nghiên cứu và các trường đại học, trí thức người dân tộc thiểu số thuộc các địa phương trong cả nước.
Hội nghị đã nghe hơn 50 báo cáo tại phiên toàn thể và các tiểu ban trong số 123 báo cáo gửi đến Ban tổ chức Hội nghị.
Các bản báo cáo và tham luận đã dành nhiều thời gian cho các vấn đề lớn sau đây:
1) Nhìn nhận và đánh giá lại việc thực hiện chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam từ trước tới nay, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định 53/CP ngày 22/2/1980 của Hội đồng Chính phủ, chỉ rõ những thành tựu to lớn đã đạt được cũng như những mặt hạn chế cần sớm được khắc phục;
2) Phân tích và nêu những cơ sở lí luận và thực tiễn để xây dựng chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong thời kì CNH-HĐH và hội nhập quốc tế;
3) Thảo luận những vấn đề nội dung chính sách đối với ngôn ngữ của các DTTS ở Việt Nam;
4) Thảo luận những vấn đề về nội dung chính sách đối với việc giáo dục ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, ngoại ngữ và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam; việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng;
5) Một số vấn đề lí luận chung về Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, đặc biệt là vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về chính sách ngôn ngữ của Việt Nam vào thời điểm hiện nay khi nước ta tiến hành CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Hội nghị thấy rằng việc đề ra chính sách ngôn ngữ đòi hỏi phải có sự cân nhắc thận trọng, tính đến nhiều mặt dựa trên thực tế đời sống ngôn ngữ của đất nước ta, đặc biệt Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá và đa ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là chính sách ngôn ngữ của Việt Nam phải căn cứ cụ thể vào cảnh huống ngôn ngữ nước ta từ 2011-2020. Chỉ khi nào chính sách ngôn ngữ phù hợp với đặc điểm của các nhân tố thuộc cảnh huống ngôn ngữ Việt Nam thì mới khả thi và cho kết quả tốt đẹp. Những đặc trưng điển hình nhất của cảnh huống ngôn ngữ nước ta trong 10 năm tới cần được lưu ý khi xây dựng chính sách ngôn ngữ là:Các ngôn ngữ ở Việt Nam không cùng nguồn gốc nhưng cùng thuộc loại hình đơn lập. Các ngôn ngữ đang hành chức ở Việt Nam không có chức năng cân bằng nhau, trong đó tiếng Việt được coi là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức nên cảnh huống ngôn ngữ nước ta là cảnh huống nội ngôn. Đây là đặc điểm rất thuận lợi mà nhiều nước khác trong khu vực không có được.
Do vậy chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong 10 năm tới (2011-2020) cần phải là chính sách ngôn ngữ thực tế, hài hoà, phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ và những khả năng biến đổi thực tế của nó, tránh rơi vào hai kiểu chính sách ngôn ngữ cực đoan - hoặc là theo hướng nhất thể hoá hoặc theo hướng biệt lập hoá. Chính sách ngôn ngữ của Việt Nam phải theo loại hình đa ngữ với các hình thức song ngữ khác nhau.
Để thực hiện được loại hình chính sách ngôn ngữ hài hoà, Nhà nước ta cần luôn luôn có sự giúp đỡ đối với ngôn ngữ và văn hoá của các dân tộc thiểu số, đồng thời đảm bảo cho những sự biến đổi về chức năng của các ngôn ngữ diễn ra một cách không có xung đột và không có sự đồng hoá cưỡng bức. Về mặt pháp lí, cần triệt để, nghiêm túc bảo đảm và thực hiện quyền bình đẳng giữa các ngôn ngữ ở Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngôn ngữ có được quyền bình đẳng trong thực tế. Cụ thể là các dân tộc có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong các phạm vi giao tiếp: từ nội bộ tộc người của mình đến ngoài xã hội, trong giáo dục, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước toà án, trong các giấy tờ hành chính, thư từ cá nhân, v.v... Nhà nước cần có chính sách cụ thể để bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó cần quan tâm đặc biệt đến một số ngôn ngữ nhỏ, đang có nguy cơ bị tiêu vong; xây dựng chữ viết Latin hoá trước hết cho ngôn ngữ của những dân tộc chưa có chữ viết nhưng có số người đông, hoặc đã trở thành ngôn ngữ vùng; giảng dạy các ngôn ngữ DTTS theo chế độ song ngữ.
Cần tuyệt đối tránh thái độ chỉ chú ý coi trọng sự tác động có ý thức của nhà nước đến ngôn ngữ mà thiếu chú ý đến những nhân tố khách quan làm biến đổi cảnh huống ngon ngữ. Nếu không sẽ rơi vào loại hình chính sách ngôn ngữ không hài hoà, làm cho một số ngôn ngữ này loại trừ những ngôn ngữ khác, và có thể dẫn đến xung đột ngôn ngữ, xung đột sắc tộc. Ngoài ra chính sách ngôn ngữ của Việt Nam cần được thực hiện theo đặc điểm lãnh thổ mà không nên dựa trên sự phân chia đất nước theo dân tộc. Do trên lãnh thổ Việt Nam các dân tộc khác nhau cùng chung sống xen kẽ nhau là phổ biến nên các trạng thái giao tiếp song ngữ đã được hình thành một cách tự nhiên trong lịch sử cũng sẽ còn là tất yếu trong tương lai.
Nhìn toàn cục trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì cảnh huống ngôn ngữ của Việt Nam 10 năm tới (2011 – 2020) là đa ngữ với 4 hình thức song ngữ:1)Tiếng Việt + Ngôn ngữ giao tiếp quốc tế (tiếng Anh sẽ là chủ yếu và có thể là ngôn ngữ khác có vị thế này) ;2) Tiếng Việt + Ngôn ngữ dân tộc thiểu số( là tiếng mẹ đẻ của người nói); 3) Ngôn ngữ vùng +Ngôn ngữ dân tộc thiếu số; 4) Tiếng Việt + Ngôn ngữ vùng.
Mỗi dạng song ngữ trên sẽ phổ biến ở phạm vi vùng lãnh thổ và tầng lớp xã hội khác nhau. Song ngữ cần phải là nội dung chính của chính sách ngôn ngữ của Việt Nam.
Cuối cùng, Hội nghị đề nghị Nhà nước cần có chính sách ngôn ngữ cụ thể cho từng vùng lãnh thổ địa lí phụ thuộc vào cảnh huống ngôn ngữ của vùng này. Ở các vùng trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của các địa phương và cả nước, Chính phủ nên áp dụng chính sách ngôn ngữ toàn dân, theo đó, khuyến khích mọi công dân Việt Nam cần phải nắm được ít nhất hai ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh (đối với người Việt) hoặc tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt (đối với người DTTS). ở các vùng dân tộc thiểu số, song ngữ phải là điều kiện bắt buộc đối với tất cả các cán bộ lãnh đạo, nhân viên hành chính.
Nhà nước cần có chính sách tích cực để tiếp tục phổ biến rộng rãi tiếng Việt cùng với chữ quốc ngữ trong các dân tộc thiểu số. Tiếng Việt tiếp tục giữ cương vị ngôn ngữ chung, ngôn ngữ quốc gia, tức ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ giáo dục, văn hoá của tất cả các dân tộc. Sự phổ biến rộng rãi tiếng Việt trong các dân tộc Việt Nam phải ở trình độ sử dụng được năng lực đọc, viết tốt tiếng Việt vào các hoạt động của cá nhân trong đời sống xã hội.
Việc phổ biến tiếng Việt trong các dân tộc thiểu số cần được thực hiện theo chế độ song ngữ. Do vậy cần phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ song ngữ. Nếu giáo viên là người Việt thì phải biết tiếng dân tộc thiểu số, nếu giáo viên là người DTTS thì phải biết tiếng Việt. Đối với tầng lớp trí thức cần phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, ưu tiên cho tiếng Anh. Tuy nhiên không nên coi tiếng Anh là độc tôn duy nhất.
Song song với sự phổ biến và phát triển tiếng Việt, cũng cần tạo điều kiện cho các ngôn ngữ vùng phát triển để hỗ trợ cho tiếng Việt phục vụ hoạt động giao tiếp của các DTTS khác nhau cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ.
Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ, trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng đồng người Việt Nam theo thứ bậc chức năng xã hội của từng ngôn ngữ; quy định việc sử dụng ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và các tiếng nước ngoài) trong các phạm vi giao tiếp có tổ chức, việc giáo dục ngôn ngữ DTTS trong nhà trường các cấp…
Nhà nước cần thành lập một tổ chức có quyền lực thực sự chuyên chăm lo về những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam nói chung, trong đó có vấn đề về tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số nói riêng, dưới hình thức Hội đồng hoặc Uỷ ban trung ương…
Cuối cùng, thay mặt Ban lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học, tôi xin trân trọng cảm ơn toàn thể các vị đại biểu, các nhà khoa học đã về dự Hội nghị. Xin kính chúc toàn thể các vị đại biểu, các nhà khoa học tham gia Hội nghị dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc, tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển và hội nhập của đất nước trên lĩnh vực ngôn ngữ.
Tôi xin trân trọng tuyên bố bế mạc Hội nghị của chúng ta!