GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Viện Ngôn ngữ học thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học đọc diễn văn khai mạc Hội thảo toàn quốc " Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kìcông nghiệp hoá , hiện đại hoá và hội nhập quốc tế"
Kính thưa:
- Các các vị khách quý
- Các nhà khoa học
- Cùng toàn thể các quý vị
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học và toàn thể cán bộ viên chức Viện Ngôn ngữ học, chúng tôi xin nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học từ mọi miền đất nước về dự Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc"Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế".
Thưa các quý vị:
Kể từ sau Hội nghị khoa học toàn quốc về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” (năm 1979) và Hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển” (năm1993), cho đến nay đã gần 20 năm, Viện Ngôn ngữ học chưa tổ chức một hội thảo nào có quy mô tương tự về ngôn ngữ học. Trong khi đó, hàng loạt các vấn đề về ngôn ngữ liên quan đến sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra yêu cầu phải có sự đóng góp công sức của giới ngôn ngữ học. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, như nghị quyết của Trung ương đã chỉ rõ, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mà mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020 nước ta phải cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì sự đóng góp của ngôn ngữ học càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.
Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và là công cụ của tư duy, ngôn ngữ không chỉ có chức năng phản ánh xã hội mà còn có chức năng tác động đến xã hội. Vì thế, những sự thay đổi của đất nước và những biến động của thế giới trong suốt 20 năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ tới hệ thống cấu trúc cũng như chức năng của tiếng Việt, tới các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngôn ngữ khác đang được sử dụng và học tập ở Việt Nam với tư cách là ngoại ngữ (như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn,...). Đồng thời, tiếng Việt và các ngôn ngữ này cũng tác động mạnh mẽ trở lại đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong 20 năm qua, lí thuyết về ngôn ngữ học nói chung, lí thuyết về chính sách ngôn ngữ nói riêng, qua thực tế của đời sống ngôn ngữ, đã có những phát triển, thay đổi. Nếu như, theo cách nhìn truyền thống, chính sách ngôn ngữ chỉ được nhìn nhận là một bộ phận của chính sách dân tộc, thì ngày nay, chính sách ngôn ngữ có quan hệ đến hàng loạt các vấn đề như dân tộc, tôn giáo, văn hoá, truyền thông, giáo dục, an ninh quốc phòng,... và trở thành một nội dung mang tầm chiến lược khi đề cập đến chính sách của quốc gia đối với các vấn đề này.
Với cách nhìn như vậy, để phát huy vai trò của tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam và tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ khác trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoa đất nước, Viện Ngôn ngữ học, được sự đồng ý của lãnh đạo Viện KHXHVN, tổ chức một hội nghị với quy mô toàn quốc. Chủ đề của Hội thảo là:"Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế".
Mục đích của Hội thảo là:
1/ Nâng cao vai trò và vị thế của ngôn ngữ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cụ thể:
- Vị thế và chức năng của tiếng Việt trong sự phát triển đất nước - một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ.
- Vai trò, chức năng của ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong đời sống của mỗi dân tộc và trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
- Vai trò của ngoại ngữ đối với sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
- Tác động của quá trình đô thị hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài đang được sử dụng và dạy-học ở Việt Nam.
- Mối quan hệ giữa tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở Việt Nam hiện nay.
2/ Viện Ngôn ngữ học tổ chức Hội thảo khoa học này cũng là để khẳng định chức năng, nhiệm vụ chính trị của Viện đã được Nhà nước, trực tiếp là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, giao cho là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về ngôn ngữ học của cả nước, đồng thời tập hợp đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học trong cả nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cho đến nay Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 123 báo cáo của các nhà khoa học trong nước (Hội thảo này không có yếu tố nước ngoài). Hội thảo sẽ tập trung vào những nội dung khoa học chủ yếu sau đây:
1) Mối quan hệ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong sự phát triển toàn diện của đất nước
Đây là một nội dung khoa học cấp thiết về ngôn ngữ học đang được thế giới và Liên Hợp quốc đặc biệt quan tâm nhằm trả lời các vấn đề như: một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ có cần phải thống nhất sử dụng một thứ tiếng hay không? Đa dạng ngôn ngữ (tức là nhiều ngôn ngữ) thì có ảnh hưởng như thế nào (tích cực hay tiêu cực) đối với sự phát triển của đất nước? Tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ quốc tế hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của ngôn ngữ quốc gia? Cần có thái độ như thế nào đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số?
2) Vị thế của tiếng Việt trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước
Nội dung này sẽ làm rõ vai trò của tiếng Việt trong đời sống mọi mặt của xã hội Việt Nam như: Làm thế nào để nâng cao vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia (mà hiện nay gọi là tiếng phổ thông)? Vai trò của tiếng Việt đối với sự củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế khoa học của đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới;...
3) Vấn đề bảo vệ, phát triển và hiện đại hoá tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia
Nội dung này nhằm chỉ rõ thực trạng của tình hình sử dụng và phát triển tiếng Việt hiện nay; nêu ra được nhiệm vụ, các biện pháp bảo vệ, phát triển và hiện đại hoá tiếng Việt nhằm đáp ứng giao tiếp trong thời kì hiện nay ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng sự đô thị hoá và hội nhập của Việt Nam với thế giới.
4) Vai trò và chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Nội dung này sẽ làm rõ một số vấn đề chính sau:
a) Chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giao tiếp nội bộ dân tộc;
b) Mối quan hệ giữa tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại vùng dân tộc thiểu số;
c) Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
5) Toàn cầu hoá và vấn đề sử dụng, dạy-học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay
Nội dung này sẽ làm rõ một số vấn đề sau: a)Vai trò của tiếng Anh ở Việt Nam; b) Mối quan hệ giữa tiếng Anh với các ngoại ngữ khác; c) Vấn đề dạy bằng tiếng Anh (cũng như các thứ tiếng khác) trong một số trường đại học, trong một số trường phổ thông; d) Vấn đề dạy-học tiếng Anh, các ngoại ngữ khác ở các cấp học.
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo và lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc:"Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế".