Giới thiệu Thư Viện
- Thư viện trực thuộc Viện Ngôn ngữ học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
- Phó trưởng phòng Thông tin - Thư viện: ThS. Vũ Thị Thanh Tư
I. Kho tư liệu:
Thư viện Viện Ngôn ngữ học được hình thành từ những ngày đầu thành lập Viện Ngôn ngữ học. Trải qua gần 40 năm, Thư viện đã có vốn tư liệu lớn gồm các sách, báo, tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Việt và các thứ tiếng khác (Anh, Pháp, Nga, Trung...). Vốn quý nhất của Thư viện là những cuốn sách, tạp chí chuyên ngành được xuất bản từ những năm đầu thế kỉ 19 và những bộ bách khoa đồ sộ của các nước trên thế giới. Số tư liệu này đã phục vụ rất đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, nghiên cứu sinh trong và ngoài Viện.
1. Sách:
Trong Thư viện hiện nay có hơn 15.000 đầu sách chuyên ngành bằng ngoại ngữ và hơn 10.000 đầu sách tiếng Việt.
2. Tạp chí:
Ngoài sách chuyên ngành, Thư viện còn có hơn 75 tên tạp chí ngoại và 80 loại báo, tạp chí Việt.
3. Luận án:
Thư viện lưu giữ không chỉ các luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học của cán bộ trong Viện, mà còn thu thập, bổ sung đầy đủ luận án tiến sĩ của các trường Đại học và các viện nghiên cứu có liên quan đến chuyên ngành.
4. Tài liệu dịch:
Ngoài số sách, báo, tạp chí, luận án, số tài liệu dịch mà Thư viện thực hiện cũng là một kho tư liệu quý giá. Nó đã được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị như Ngôn ngữ học đại cương của Reformatxki, của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Ngữ pháp tiếng Việt của Thompson, Nguyên lí ngữ nghĩa học của Ullman Xtephan, v.v.
Số tư liệu lớn trên được chia làm hai khu: Thư viện và Phòng đọc. Thư viện chứa các cuốn sách trong và và ngoài nước, được bổ sung mới thường xuyên, nơi bạn đọc có thể mượn hoặc phô tô sách. Phòng đọc là nơi bạn đọc có thể tra cứu các từ điển: từ điển đối chiếu, từ điển thuật ngữ, bách khoa thư... và tiếp cận với những tạp chí chuyên ngành mới nhất bằng các thứ tiếng.
II. Hệ thống phục vụ bạn đọc:
1. Ngoài việc tra cứu bằng thư mục, hầu hết các sách đã được đưa vào cơ sở dữ liệu và có thể tìm kiếm trên máy tính nhờ chương trình CDS/ISIS và WINISIS.
2. Thư viện có một hệ thống thư mục các bài trích tạp chí (Ngôn ngữ, Ngôn ngữ & đời sống, các báo và tạp chí khác), thư mục bài trích sách (Kỉ yếu Hội nghị khoa học, Kỉ yếu Ngữ học trẻ...), thư mục sách, bài viết của cán bộ trong Viện, v.v.
3. Hàng tháng, Thư viện thường xuyên có thông báo sách, tạp chí mới nhập về giúp cho bạn đọc có thể nắm được những thông tin cần thiết.
4. Đối tượng phục vụ:
Ngoài cán bộ trong Viện, đối tượng phục vụ chủ yếu, Thư viện còn phục vụ các độc giả là những nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học của các trường Đại học.
5. Lực lượng cán bộ:
Cán bộ thư viện hầu hết đều tốt nghiệp Đại học, có trình độ ngoại ngữ và thư viện, có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc.