Vào lúc 8h30’ ngày 24/10/2013, tại Viện Ngôn ngữ học, GS. TS Nguyễn Văn Khang đã thuyết trình khoa học với chủ đề "Sự biến đổi của ngôn ngữ: tiến bộ hay thụt lùi?". Đây là nội dung cuốn sách"Language Change: Progress or Decay?"của tác giả Jean Aitchison.
Buổi thuyết trình đã thu hút được rất đông đảo cán bộ nghiên cứu trong Viện, các anh chị NCS và học viên cao học đến tham dự.
Trong 2 tiếng thuyết trình một cách khái quát, tác giả đã lần lượt giới thiệu 3 phần chính trong số 4 phần của cuốn sách:
1. Phần mở đầu
2. Sự biến đổi ngôn ngữ phát sinh như thế nào?
3. Những nguyên nhân của sự biến đổi ngôn ngữ
Một số quan điểm chủ yếu của cuốn sách đã được giới thiệu như:
Tính tất yếu đối với sự biến đổi ngôn ngữ gắn liền quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và con người. Ngôn ngữ từ từ biến đổi, ngôn ngữ từ từ phát triển, ngôn ngữ cơ bản ở trong trạng thái cân bằng giữa tiến bộ và thụt lùi.
Thái độ dị ứng với sự biến đổi ngôn ngữ của con người thể hiện qua sự khó chịu với cách dùng từ ngữ mới, cách phát âm mới. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách khẳng định sự biến đổi ngôn ngữ là tất yếu.
Tác giả cũng trả lời các câu hỏi: ngôn ngữ loài người biến đổi theo hướng nào? Vì sao ngôn ngữ biến đổi ? Tại sao người ta thích biến đổi ngôn ngữ? Theo tác giả, sự thiên kiến của giai cấp trong xã hội đã che lấp bộ mặt thật của vấn đề. Sự biến đổi của ngôn ngữ được nhà nghiên cứu thực hiện bằng cách thu thập tư liệu trong sách vở kết hợp với tư liệu ghi âm nhằm quan sát sự biến đổi của ngôn ngữ.
Cuối cùng tác giả cuốn sách đi đến các kết luận quan trọng:
Ngôn ngữ biến đổi bao giờ cũng có nguyên nhân của nó và nhiệm vụ của các nhà ngôn ngữ là đi tìm nguyên nhân của sự biến đổi đó.
Sự biến đổi có ý thức là sự biến đổi hướng tới hình thức của ngôn ngữ danh vọng, ngôn ngữ có uy tín.
Biến đổi có thể thông qua một người ngẫu nhiên truyền từ nhóm này sang nhóm khác.
Sự biến đổi ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó phản ánh tình hình xã hội đang thay đổi, sản sinh ra một số mô thức danh vọng.
Biến đổi điển hình là biến đổi đạt đến một mức độ, ăn sâu vào tiềm thức của con người được cả xã hội chú ý.
Trong quá trình trình bày, tác giả thuyết trình đã liên hệ với các vấn đề thực tế của tiếng Việt, thông qua các ví dụ sinh động, gợi mở nhiều vấn đề tồn tại rất thú vị của tiếng Việt cần được quan tâm nghiên cứu.
Đây là một buổi thuyết trình rất hữu ích đối với cán bộ nghiên cứu, các học viên cao học, NCS đặc biệt là đối với những ai quan tâm đến các lĩnh vực của ngôn ngữ học xã hội, hay nhân chủng học ngôn ngữ.
Các nhà khoa học quan tâm đến cuốn sách có thể tìm hiểu thêm tại địa chỉ: http://pratclif.com/language/language-change-old.pdf
Một số hình ảnh của buổi thuyết trình:
GS. TS Nguyễn Văn Khang trình bày nội dung của buổi thuyết trình
Đông đảo NCS, học viên cao học các khóa và cán bộ trong Viện quan tâm tham dự