Từ ngày 05 đến ngày 07 tháng 11 năm 2014, tại Sa Pa, Lào Cai, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ năm 2014. Tham gia Hội nghị có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; cùng các đồng chí là Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch công đoàn, trưởng phòng, phó trưởng phòng phụ trách công tác tổ chức - hành chính, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, kế toán trưởng và phụ trách kế toán của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.
Để tiết kiệm thời gian, kinh phí và các nguồn lực khác, tiếp theo tinh thần Hội nghị “ 4 trong 1” của năm 2013, Hội nghị năm nay được lồng ghép 7 nội dung thuộc các lĩnh vực công tác: Quản lý khoa học, Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức - Cán bộ, Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Công đoàn và Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sáng ngày 6 tháng 11, dưới sự chủ trì của GS.TS. Chủ tịch Viện Hàn lâm Nguyễn Xuân Thắng, các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Phạm Văn Đức, 5 Thủ trưởng đơn vị tham mưu, giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm và Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm đã báo cáo vắn tắt về các thành tựu đạt được trên các mảng công tác kể từ sau Kết luận của Chủ tịch Viện tại Hội nghị tập huấn năm 2013 tại Đồ Sơn, Hải Phòng, đặc biệt là những vấn đề quan trọng hiện đang đặt ra và đề xuất giải pháp, sau đó đại biểu dự Hội nghị đã sôi nổi thảo luận về các vấn đề xung quanh 6 báo cáo trước khi Chủ tịch Viện Hàn lâm kết luận.
Theo đó, 6 báo tập trung trình bày một số vấn đề cụ thể sau:
1) Về công tác Quản lý khoa học (PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Quản lý khoa học trình bày): Báo cáo đã tổng kết một số nét cơ bản về tình hình thực hiện hệ đề tài cấp cơ sở và đề tài cấp bộ trong năm 2013 và năm 2014. Nhấn mạnh đến kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ, trong thời gian này, quy trình giao, thực hiện và nghiệm thu đề tài cơ sở tại đơn vị được thực hiện nghiêm túc theo đúng nội dung, kế hoạch và dự toán được phê duyệt, số lượng cán bộ trẻ tham gia đề tài chiếm tỉ lệ cao; các đề tài cấp bộ đều đảm bảo tiến độ thực hiện đúng theo hợp đồng.Tuy nhiên, một số vấn đề về chất lượng nghiên cứu khoa học, việc thay đổi nội dung các chuyên đề…cần được thảo luận để nghiêm túc thực hiện.
2) Về công tác Kế hoạch - Tài chính (TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính trình bày): Báo cáo tập trung phân tích những ưu điểm và một số vấn đề cần lưu ý của công tác lập kế hoạch (lập và điều chỉnh dự toán); quy trình và chất lượng của công tác quyết toán, hoạt động kế toán, vấn đề kiện toàn đội ngũ hoặc thi tuyển kế toán trưởng tại các đơn vị cũng như vai trò của thủ trưởng đơn vị trong công tác này.
3) Về công tác Tổ chức - Cán bộ (TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ trình bày): Báo cáo “Công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua và những vấn đề đặt ra hiện nay” đã tập trung xoay quanh 3 nội dung chính: vấn đề vị trí việc làm; vấn đề thi tuyển công chức lãnh đạo và tuyển dụng viên chức; vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Qua đó báo cáo chỉ rõ, trong thời gian qua, công tác tổ chức - cán bộ đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên hiện nay công tác này cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết trong việc xây dựng tổ chức cũng như xây dựng và phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ…
4) Về Công tác Hợp tác quốc tế 2014 (ThS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác quốc tế trình bày): Báo cáo nhấn mạnh đến sự chuyển hướng hợp tác trong bối cảnh ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động hợp tác quốc tế giảm 40% so với năm 2013; đánh giá kết quả đạt được của một số dự án đã triển khai cũng như tiềm năng của các dự án đang xây dựng với các tổ chức quốc tế…
5) Về công tácVăn phòng (TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Chánh Văn phòng trình bày): Báo cáo đã đánh giá toàn diện các hoạt động: văn thư - lưu trữ, cải cách hành chính, lễ tân – phục vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, y tế, bảo vệ, quân sự quốc phòng, phòng cháy chữa cháy…
6) Về công tác Công đoàn (PGS.TS. Đinh Quang Hải, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm trình bày): Báo cáo đã khái quát hoạt động của công đoàn các cấp trên các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ chính trị; tuyên truyền, giáo dục công đoàn viên; đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nữ công, văn thể…
Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, những nỗ lực thông qua việc tham gia tổng kết 30 năm Đổi mới, các đề xuất kiến nghị, các báo cáo thường xuyên theo yêu cầu của Viện Hàn lâm đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng nhiều địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Bám sát thực tiễn, nhu cầu phát triển của đất nước, Viện Hàn lâm đã có nhiều thay đổi trong định hướng và triển khai nghiên cứu, thể hiện ở việc tạo dựng mô hình hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, với các địa phương; tham gia phản biện về chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương có quan hệ hợp tác.
Tuy nhiên, để hoạt động tốt hơn nữa cần phải giải quyết đồng bộ nhiều mặt.
Đối với công tác Quản lý khoa học, cần xử lý ngay những nội dung còn tồn tại, bất cập có liên quan đến đề tài cơ sở (cơ chế giám sát, đảm bảo tính chuẩn mực, thống nhất với kế hoạch đã được phê duyệt, những thay đổi trong trường hợp cần thiết cũng cần tuân thủ những yêu cầu cơ bản về thời gian đề nghị thay đổi so với kế hoạch đã được phê duyệt). Do đó, Ban quản lý khoa học cần bổ sung, hoàn chỉnh quy chế quản lý khoa học cho phù hợp.
Đối với công tác Tổ chức - Cán bộ: tiếp tục thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên một số nội dung; giao Thủ trưởng đơn vị sử dụng lao động ký Quyết định kéo dài thời gian công tác theo Nghị định số 40/2014/NĐ-CP đối với viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện trên cơ sở xác định rõ công việc, vị trí việc làm và có sự thẩm định về quy trình, thủ tục của Ban Tổ chức - Cán bộ; thận trọng trong việc ký hợp đồng lao động, sử dụng chỉ tiêu “biên chế” cho các trường hợp thực sự có trình độ và năng lực chuyên môn; nghiên cứu, sửa đổi Quy chế tuyển dụng viên chức, trường hợp cần thiết, thạc sĩ cũng phải thi tuyển; thực hiện thi tuyển cấp phó ở một số đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm. Để xác định vị trí việc làm, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn và tập trung triển khai, Ban Tổ chức - Cán bộ tiếp tục mời Bộ Nội vụ làm việc, tư vấn để xây dựng hoàn thiện Đề án Vị trí việc làm của Viện Hàn lâm. Việc lấy phiếu tín nhiệm cần coi là việc thường xuyên, là cơ chế quan trọng để cán bộ lãnh đạo tự soi mình, viên chức phát huy dân chủ trong nhìn nhận, đánh giá lãnh đạo.Thông qua lấy phiếu tín nhiệm lần này, các đồng chí lãnh đạo xem mình đã làm được gì, những gì cần phải phấn đấu. Một số đồng chí mới bổ nhiệm từ nơi khác về, năng lực hòa nhập còn hạn chế, phải tự nhận thấy và phấn đấu nhiều hơn. Chủ tịch giao Ban Tổ chức - Cán bộ nhiệm vụ tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua; nghiên cứu xây dựng văn hóa từ chức để tạo cơ hội bứt phá, hạn chế sự trì trệ của cán bộ quản lý…
Công tác Kế hoạch - Tài chính cần gắn chặt, phối kết hợp với hoạt động khoa học. Cần làm cho công chức, viên chức hiểu đúng quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện đúng. Phối hợp các Ban chức năng xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm, bảo vệ cán bộ nhưng phải xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức - Cán bộ trong việc bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán và thi tuyển kế toán trưởng trong trường hợp cần thiết.
Về công tác Văn phòng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Văn phòng cần rà soát, đánh giá chính xác, tham mưu cho Lãnh đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại một số trụ sở theo các khối; tăng cướng nghiên cứu quốc tế, khoa học xã hội, khoa học nhân văn… nhằm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu đa ngành, liên ngành; tập trung nguồn lực để trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong công tác hành chính - văn thư cần chỉ rõ, chính xác những đơn vị, cá nhân nào làm chưa tốt để tham mưu, đề xuất phương án xử lý; phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ trong công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Về công tác Hợp tác quốc tế, trong điều kiện kinh phí có hạn, các đơn vị cần chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, tận dụng, đón nhận các cơ hội đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho viên chức đơn vị mình; đặc biệt cần chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình có nhiều phức tạp trong quan hệ quốc tế như hiện nay; nếu có viên chức cố tình vị phạm, cương quyết đưa ra khỏi hệ thống Viện Hàn lâm.
Về công tác Công đoàn, cần nêu cao hơn nữa vai trò của Công đoàn trong các hoạt động, đặc biệt là đối với chức năng tham gia quản lý, giám sát trong việc đảm đảm quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động trong Viện Hàn lâm.
Sau ba ngày làm việc Hội nghị đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra và đã thành công tốt đẹp.