Hội thảo tập trung thảo luận vấn đề dạy - học tiếng nói chữ viết Thái và tiếng nói chữ viết Mông. Hội thảo đã thống nhất một số nội dung về công việc này.
Ngày 14/4/2011, Trung tâm Giáo dục Thường Xuyên tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dạy và học tiếng, chữ dân tộc Thái, Mông” tại Sơn La. Đến dự có:
Ông Nguyễn Ngọc Toa, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La.
Ths Hoàng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) tỉnh Sơn La.
Bà Lương Thị Trường, Giám đốc trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi.
Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La và nhiều tri thức dân tộc Thái, Mông ở Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình.
Ths. Phan Lương Hùng, nghiên cứu viên của Viện Ngôn ngữ học đã tham gia hội thảo.
Hội thảo đã nhận được trên 20 báo cáo tham dự, tập trung vào những vấn đề chung như: “Chính sách Ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước và tình hình thực hiện công tác dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”, “Ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Thái ở Việt Nam” … hay nhiều báo cáo bàn trực tiếp về phương pháp dạy và học tiếng nói chữ viết dân tộc Thái, Mông như: “Về phương pháp dạy tiếng, chữ dân tộc Thái tại trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Sơn La”, “Một số ý kiến về dạy và học chữ Thái Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” …
Sau một ngày hội thảo, các đại biểu đã thống nhất một số vấn đề như sau:
1. Sớm xây dựng đề án triển khai thực hiện Nghị định số 82 của Chính phủ về dạy tiếng nói, chữ viết trong trường phổ thông và Trung tâm GDTX; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 38 của Chính phủ về đẩy mạnh dạy tiếng nói chữ viết cho cán bộ công chức đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Đề nghị sử dụng bộ chữ Thái Việt Nam trong công tác giảng dạy tiếng và chữ Thái trong nhà trường và cộng đồng.
3. Tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa bộ tài liệu dạy tiếng, chữ dân tộc Thái hiện nay của Trung tâm GDTX Tỉnh Sơn La cho phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng; bổ sung thêm một số chuyên đề phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.
4. Đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu với Bộ GD&ĐT sớm soạn thảo sách giáo khoa học tiếng, chữ dân tộc Thái, Mông cho các bậc học.
5. Đề nghị các Sở GD&ĐT có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy tiếng, chữ Thái. Trước mắt nên chọn những giáo viên là người dân tộc có bằng Cao đẳng Sư phạm trở lên học theo chương trình GDTX. Sau đó lựa chọn trong số này những giáo viên học tốt tiếp tục học theo chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng nói chữ viết cho cán bộ công chức.
6. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
[ Nguồn tin: Ths. Phan Lương Hùng]