Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc với chủ đề “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Viện Ngôn ngữ học chủ trì đã thành công tốt đẹp.
Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2009, tại trụ sở Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc với chủ đề “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Viện Ngôn ngữ học chủ trì đã chính thức được khai mạc.
Tới dự phiên khai mạc của hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, cùng lãnh đạo các Ban của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lí từ Nam chí Bắc đã hội tụ trong hội thảo có quy mô toàn quốc này.
Trong diễn văn khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết hội thảo đã nhận được 123 báo cáo khoa học, tập trung vào việc phân tích chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chủ đề này được cụ thể hóa trong 5 mảng nội dung khoa học chính gồm: Mối quan hệ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong sự phát triển toàn diện của đất nước, vị thế của tiếng Việt trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, vấn đề bảo vệ, phát triển và hiện đại hoá tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia, vai trò và chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, toàn cầu hoá và vấn đề sử dụng, dạy-học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay.
GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học trên toàn quốc tham gia hội thảo. Đề cập đến tính cấp thiết của Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần phải tiến hành đánh giá tình hình thực tế của việc thực hiện chính sách ngôn ngữ trong thời gian đã qua và việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp khác nhau hiện nay ở nước ta, bao gồm: giao tiếp hành chính, giao tiếp trong đời sống sinh hoạt và việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng; vấn đề dạy và học ngôn ngữ trong nhà trường; vấn đề xoá nạn mù chữ và tái mù chữ; vấn đề xây dựng chữ viết cho các ngôn ngữ chưa có chữ viết, vấn đề xây dựng luật ngôn ngữ, v.v...”. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng tin tưởng rằng các nhà khoa học sẽ đưa ra được các kiến nghị giải pháp nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách ngôn ngữ của Nhà nước ta trong giai đoạn mới CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Báo cáo đề dẫn của hội thảo với nhan đề “Những cơ sở lí luận và thực tiễn khi xây dựng chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do GS.TS Nguyễn Đức Tồn Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học trình bày tại phiên toàn thể tập trung giải quyết một số vấn đề lí luận về khái niệm cảnh huống ngôn ngữ, các nhân tố hình thành và các loại cảnh huống ngôn ngữ, các loại hình chính sách ngôn ngữ... Báo cáo đã chỉ ra những đặc điểm nổi bật của cảnh huống ngôn ngữ nước ta từ nay đến năm 2020 là: đa ngữ, phi cân bằng, phi đồng nguồn, cùng loại hình đơn lập và nội ngôn. Bên cạnh đó, báo cáo cũng khẳng định chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần phải là chính sách ngôn ngữ thực tế, hài hòa, phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ và những khả năng biến đổi thực tế của nó, tránh theo hướng nhất thể hóa hoặc biệt lập hóa. Từ đó, báo cáo đề dẫn đề xuất việc cần phải có chính sách ngôn ngữ cụ thể cho từng vùng lãnh thổ - địa lí phụ thuộc vào cảnh huống ngôn ngữ của mỗi vùng.
Cũng tại phiên họp toàn thế này, hội thảo đã nghe các báo cáo: ông Ka Sô Liễng (người dân tộc Chăm) về vấn đề gìn giữ ngôn ngữ dân tộc mình; Ths Lò Mai Cương (dân tộc Thái – Trường CĐSP Sơn La) về ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái ở Việt Nam.
Kết thúc phiên toàn thể, hội thảo được chia về 04 tiểu ban gồm: Những vấn đề chung về chính sách ngôn ngữ và ngôn ngữ học (Tiểu ban 1), Chính sách và những vấn đề về Việt ngữ học (Tiểu ban 2), Chính sách và những vấn đề về ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Tiểu ban 3) và Chính sách và vấn đề giáo dục ngôn ngữ ở Việt Nam (Tiểu ban 4). Tại mỗi tiểu ban này, trong suốt hai ngày hội thảo, hơn 50 báo cáo đã được trình bày và thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học và chính sách ngôn ngữ. (Chúng tôi sẽ có bài phản ánh chi tiết nội dung trao đổi khoa học của từng tiểu ban).
Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc đã kết thúc tốt đẹp vào sáng ngày 27/11/2009. Tại phiên bế mạc, sau phần báo cáo tổng kết của từng trưởng tiểu ban, GS.TS Nguyễn Đức Tồn đã trình bày diễn văn bế mạc. Diễn văn đã tóm tắt lại những vấn đề cấp thiết về chính sách ngôn ngữ được các nhà khoa học tranh luận trong suốt thời gian hội thảo, đồng thời đề xuất những nội dung cụ thể về chính sách ngôn ngữ đối với Đảng và Nhà nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Diễn văn nêu rõ: “Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ, trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng đồng người Việt Nam theo thứ bậc chức năng xã hội của từng ngôn ngữ; quy định việc sử dụng ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và các tiếng nước ngoài) trong các phạm vi giao tiếp có tổ chức, việc giáo dục ngôn ngữ DTTS trong nhà trường các cấp”
Cũng nằm trong chương trình của hội thảo, tối ngày 26/11/2009, Viện Ngôn ngữ học đã mời các nhà khoa học tham dự hội thảo tới thăm Viện. Tại đây, một chương trình giao lưu ấm cúng, vui vẻ và đầy ý nghĩa đã diễn ra. Buổi giao lưu đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho bạn bè và đồng nghiệp khi một lần đặt chân tới Viện Ngôn ngữ học.
Thế Dương