Ngày 17 tháng 4 năm 2015, tại Đại học Sài Gòn, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Đại học Sài Gòn đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ II với chủ đề Thống nhất – Phát triển – Hội nhập.
Theo như GS. TS Lê Quang Thiêm phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đây là hội thảo có số lượng người tham dự và số lượng báo cáo nhiều nhất từ trước đến nay. Đã có 299 báo cáo gửi đến tham gia Hội thảo. Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban: Tiểu ban 1. Ngôn ngữ học và Việt ngữ học (83 báo cáo); Tiểu ban 2. Bản ngữ và Ngoại ngữ (52 báo cáo); Tiểu ban 3. Ngôn ngữ và Văn hóa (30 báo cáo);Tiểu ban 4. Ngôn ngữ với Văn chương (82 báo cáo); Tiểu ban 5. Phương ngữ và Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (52 báo cáo). Đã có 54 báo cáo (3 báo cáo tại phiên toàn thể, 51 báo cáo tại các tiểu ban) được trình bày tại Hội thảo.
Năm 1996, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã khởi xướng hội thảo ngôn ngữ học thường niên với tên gọi Ngữ học Trẻ. Đến hội thảo lần thứ 15 (2011), tên gọi Ngữ học Trẻ đã được đổi tên thành Ngữ học toàn quốc, hai năm tổ chức một lần. Hội thảo lần này là hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ II. Hội thảo Ngữ học toàn quốc là diễn đàn khoa học nhằm tập hợp, động viên, thu hút các nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở mọi lĩnh vực tham gia công bô các nghiên cứu của mình. Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ II là hội thảo lần thứ 18 do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo lần này đã thu hút hàng trăm nhà khoa học làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ tại các viện nghiên cứu và các trường đại học trên mọi miền đất nước (như Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang...) đến dự.
Đoàn đại biểu của Viện Ngôn ngữ học do GS. TS Nguyễn Văn Hiệp dẫn đầu cũng đã tham dự Hội thảo với trên 10 báo cáo khoa học, ví dụ như Ngôn ngữ giới trẻ hiện nay nhìn từ quan điểm của một số lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại (của Nguyễn Văn Hiệp), Cấu tạo địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (của Nguyễn Hữu Hoành),Tiếng Việt trong bối cảnh thống nhất đất nước, hội nhập và phát triển (của Nguyễn Văn Khang), Nhìn lại 35 năm giới ngôn ngữ học Việt Nam thực hiện Quyết định 53-CP (của Đoàn Văn Phúc), Khái quát về quan hệ nhân quả trong tiếng Việt (của Phạm Văn Lam), (…).