Sáng 22/2, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam trước đây) đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đến dự Lễ công bố có các đồng chí: GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo của đại diện các Cục, Vụ, Viện, các cơ quan Trung ương và Hà Nội, tỉnh Tuyên Quang.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Võ Khánh Vinh và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện; các thế hệ lãnh đạo của Viện qua các thời kỳ: GS. Phạm Như Cương, GS.VS. Nguyễn Duy Quý, GS.TS. Đỗ Hoài Nam, GS.AHLĐ. Vũ Khiêu, GS.TS. Phạm Xuân Nam, TS. Hồ Ngọc Hải, PGS.TS. Trần Đức Cường. Đặc biệt có sự tham dự của GS. Nguyễn Công Bình, nguyên Viện trưởng Viện Khoa hoc xã hội TPHCM, và nhà sử học Văn Tạo, những thành viên của Ban Nghiên cứu Sử - Địa – Văn ngay từ ngày đầu mới thành lập; cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính Phủ cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Lê Huy Hoàng, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ, thừa lệnh của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố Nghị định 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội như: đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam; những vấn đề cơ bản về phát triển toàn diện con người Việt Nam và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại; những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tâm lý học nhằm phát huy sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những vấn đề cơ bản, toàn diện, có hệ thống về lý thuyết phát triển của Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những khía cạnh KHXH của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với BĐKH và đánh giá tác động đến tiến trình phát triển KT-XH Việt Nam; lý luận và kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới, đánh giá những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến sự phát triển toàn cầu, khu vực và Việt Nam; nghiên cứu, điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo KT-XH phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, chú trọng những lĩnh vực KT-XH chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm và các liên kết vùng; nghiên cứu, tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội. Viện có nhiệm vụ tư vấn và phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển KT-XH quan trọng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Viện còn có nhiệm vụ tổ chức sưu tầm, khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và bảo tàng nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam; kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo và cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp; tổ chức hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo về khoa học xã hội với các tổ chức quốc tế, viện, trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật; tổ chức tư vấn và thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học xã hội, phổ biến tri thức khoa học, góp phần nâng cao trình độ dân trí; …
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 42 đơn vị, trong đó có 05 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, 32 đơn vị nghiên cứu khoa học, 05 đơn vị sự nghiệp khác. Viện có Chủ tịch và không quá 03 Phó chủ tịch. Phát biểu tại Lễ công bố, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: sự kiện Viện Khoa học xã hội Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với tên gọi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Viện từ hàng chục năm qua. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong suốt chặng đường hình thành và phát triển 60 năm của Viện kể từ khi thành lập Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn cho đến nay. Trải qua nhiều lần thay đổi về tên gọi và mô hình tổ chức gắn với những yêu cầu và nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Viện đã luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách của một cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển khoa học, xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tên gọi Viện Hàn lâm từ hôm nay, tầm vóc, vị thế và vai trò của Viện sẽ được thể hiện ở chức năng nghiên cứu cơ bản, vĩ mô, chiến lược, tổng thể và toàn diện trên mọi lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghiên cứu quốc tế, và một điều cũng hết sức quan trọng là với tên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng ta sẽ không còn loay hoay thay đổi tên Viện sau mỗi nhiệm kỳ hoạt động, cũng không còn phải gọi “viện lớn, viện nhỏ” để phân biệt với 32 viện chuyên ngành trực thuộc Viện, và hơn nữa, sẽ không bị trộn lẫn với hệ thống hàng loạt các tổ chức viện nghiên cứu trong xã hội, kể cả các viện nghiên cứu do các cá nhân và tổ chức phi chính phủ thành lập. Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học xã hội Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước với chiến lược phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước đã và đang đặt ra nhiều vấn đề hết sức cấp bách, to lớn cho ngành khoa học xã hội. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26-12-2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của nền khoa học xã hội nước nhà nói chung, của Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng. Nói cách khác, việc Chính phủ ban hành Nghị định về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển về chất, khẳng định vị thế cũng như tầm chiến lược trong nghiên cứu cơ bản của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ghi nhận những đóng góp to lớn của Viện trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội. Không chỉ có vậy, sự kiện này còn đặt chúng ta trước những yêu cầu và nhiệm vụ hết sức to lớn trong nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, hợp tác quốc tế và đào tạo chất lượng cao về khoa học xã hội.
Trong không khí vui tươi và phấn khởi của Lễ công bố Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các đại biểu tham dự vui mừng được nghe những lời phát biểu, lời tâm sự hết sức xúc động, chân tình của các thế hệ lãnh đạo lão thành: GS.AHLĐ. Vũ Khiêu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia; GS.TS. Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia; GS. Nguyễn Công Bình, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội TPHCM, một trong những thành viên đầu tiên của Ban Nghiên cứu Sử - Địa – Văn. GS.AHLĐ. Vũ Khiêu nhấn mạnh: trở thành Viện Hàn lâm là một vinh dự, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Viện, là dịp để vươn cao nguyên khí hiền tài quốc gia, vươn cao tư tưởng văn hiến; bên cạnh những đóng góp giá trị về nghiên cứu khoa học, Viện phải có trách nhiệm đào tạo hiền tài cho cả nước nhằm góp phần gìn giữ thái bình đất nước mãi mãi. Giáo sư chúc Viện xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, Giáo sư đã tặng Viện câu đối hết sức sâu sắc và ý nghĩa. Phát biểu tại Lễ công bố, GS.TS. Phạm Xuân Nam đã lược lại vai trò lịch sử của KHXH qua những chủ trương, ý tưởng chỉ đạo phát triển KTXH của Đảng và Nhà nước từ cách đây 66 năm, qua đó nhấn mạnh Viện cần ra sức phấn đấu để thực sự trở thành cơ quan nghiên cứu đầu ngành về KHXH, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách; Viện cần có các bộ công trình khoa học lớn, khẳng định giá trị bất diệt của nền văn hiến. Đại diện cho một trong những cán bộ đầu tiên của Ban Sử - Địa – Văn, GS. Nguyễn Công Bình bày tỏ lòng xúc động và tự hào được mời tham dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, khẳng định đây là nguyện vọng từ lâu của các nhà khoa học, cán bộ viện qua các thời kỳ; sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến của cách mạng Việt Nam đi cùng yêu cầu phát triển của ngành KHXH, thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với các nhà khoa học.
Đại diện cho thế hệ cán bộ trẻ với gần 900 đoàn viên, thanh niên của Viện, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bày tỏ quyết tâm của thế hệ trẻ, tự hào là những người sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những thành quả khoa học mà thế hệ trẻ kế thừa hôm nay là mồ hôi, trí tuệ, thậm chí là xương máu của các thế hệ của các nhà khoa học xã hội được đúc kết trong khói lửa, đạn bom của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, của thời kỳ thống nhất nước nhà, tiến lên CNXH và thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Tự hào với quá khứ, tin tưởng ở hiện tại, kỳ vọng và nỗ lực trong tương lai, thế hệ trẻ tin tưởng và hứa sẽ xứng đáng là những cán bộ, nhà nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thay mặt tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học và cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc với sự nhiệt tình tham dự Lễ công bố và phát biểu của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, của các thế hệ lãnh đạo lão thành và toàn thể cán bộ Viện. Một lần nữa, Chủ tịch Viện nhấn mạnh sự kiện đổi tên Viện thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đánh dấu hoàn thành hành trình đi tìm tên đích thực của Viện sau 8 lần đổi tên. Giáo sư thay mặt tập thể lãnh đạo và cán bộ toàn Viện khẳng định quyết tâm xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc, có nhiều đóng góp khoa học toàn diện và hiệu quả với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển đất nước nhanh, bền vững và chủ động hội nhập quốc tế.
Buổi Lễ công bố Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã kết thúc trong không khí phấn khởi, tự hào của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam./.