Ngày 07 tháng 03 năm 2013, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm ở Việt Nam hiện nay (trường hợp tiếng Êđê)" do PGS.TS. Đoàn Văn Phúc làm chủ nhiệm, Viện Ngôn ngữ học là cơ quan chủ trì thực hiện, được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu xếp loại khá.
Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Phản biện 1); PGS.TS Vương Toàn (Phản biện 2), GS.TS Lê Quang Thiêm (Ủy viên HĐ), GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Ủy viên HĐ), PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Ủy viên HĐ), TS Nguyễn Hữu Hoành(Ủy viên HĐ), CV Hoàng Thu Hiền (Thư kí HĐ). Hội đồng do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch. Đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2011-2012 " Luận cứ khoa học của việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam".
Thay mặt cho nhóm thực hiện, PGS.TS. Đoàn Văn Phúc đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào các vấn đề: Những vấn đề chung về giáo dục tiếng mẹ đẻ và những cơ sở thực tiễn liên quan đến giáo dục tiếng Ê đê; Thực trạng giáo dục tiếng mẹ đẻ ở người Ê đê; Giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục tiếng nói - chữ viết dân tộc đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thời kì CNH-HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, làm cơ sở cho việc xây dựng luật ngôn ngữ đối với dân tộc thiểu số ở nước ta.
Nội dung của đề tài được triển khai 07 chương: Chương 1:Vấn đề giáo dục ngôn ngữ và giáo dục tiếng mẹ đẻ. Kinh nghiệm giáo dục tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở một số quốc gia trên thế giới. . Chương 2:Đặc điểm tiếng nói và chữ viết Êđê liên quan đến giáo dục tiếng mẹ đẻ. Chương 3:Thực trạng giáo dục tiếng mẹ đẻ cho học sinh Ê đê trong nhà trường. Chương 4:Thực trạng giáo dục tiếng mẹ đẻ cho người Ê đê trong cộng đồng. Chương 5:Thái độ của người Ê đê với giáo dục tiếng mẹ đẻ. Chương 6:Từ giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với người Ê đê, nhìn lại vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ Chamic và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chương 7:Kiến nghị và giải pháp
Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng đã thảo luận rất nghiêm túc về các vấn đề khoa học xung quanh nội dung của đề tài. Hội đồng thống nhất đánh giá sản phẩm mà đề tài cung cấp phù hợp với nhiệm vụ đã ghi trong hợp đồng. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp những cơ sở quan trọng về lí luận và thực tiễn nhằm phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam.
Kết quả bỏ phiếu đánh giá: đề tài đạt 79.6 điểm - xếp loại: Khá.