Quá trình xây dựng và phát triển của Phòng Ngữ âm học gắn liền với những bước phát triển của Viện Ngôn ngữ học trong suốt 45 năm qua
Phòng Ngữ âm học thuộc Viện Ngôn ngữ học hiện nay, tiền thân là Tổ ngữ âm, là một trong những bộ phận được hình thành đầu tiên kể từ khi Viện Ngôn ngữ học được thành lập vào tháng 5 năm 1968. Quá trình xây dựng và phát triển của Phòng Ngữ âm học gắn liền với những bước phát triển của Viện Ngôn ngữ học trong suốt 45 năm qua.
Người đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Phòng Ngữ âm học là ông Nguyễn Tri Niên (phụ trách phòng năm 1968), sau đó là PGS. TS Vũ Bá Hùng (trưởng phòng từ 1968 đến 2000), PGS. TS Vũ Kim Bảng (từ năm 2000 đến 2012) và hiện nay là Ths. Vũ Thị Hải Hà.
Những công việc đã làm trong thời gian qua:
Từ năm 1968 đến năm nay, những định hướng và thành tích nghiên cứu khoa học của phòng được chia thành 3 giai đoạn:
Từ 1968 đến 1975:
Nghiên cứu đặc điểm ngữ âm tiếng Việt trên quan điểm ngữ âm và âm vị học truyền thống (phương pháp cảm nhận chủ quan).
Từ 1976 đến 1986:
Được sự giúp đỡ của UNESCO và CHDC Đức, Phòng thí nghiệm về ngữ âm học thực nghiệm được thành lập. Phương pháp nghiên cứu khách quan dựa vào các khí cụ ngữ âm như Sonagraph đã được tiến hành.
Thành tựu khoa học nổi bật giai đoạn này là nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc bằng phương pháp ngữ âm thực nghiệm điển hình là các kết quả: Nghiên cứu về hệ thống thanh điệu tiếng Việt (Vũ Bá Hùng, Hoàng Cao Cương, Vũ Kim Bảng); bước đầu ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản cho việc phục hồi chức năng ngôn ngữ đối với trẻ câm điếc và trẻ bị khuyết tật hở môi và hàm ếch (kết hợp với bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức).
Từ năm 1986 đến nay:
Tiếp thu những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đối với các vấn đề thuộc phạm vi cấu trúc âm tiết tiếng Việt bằng cả phương pháp chủ quan và đặc biệt là phương pháp khách quan với các phần mền chuyên dụng phân tích các thông số âm học: CSL, Winpitch, Praat 2000...
Về nghiên cứu cơ bản:
- Nghiên cứu về hệ thống nguyên âm, phụ âm tiếng Hà nội bằng phương pháp thực nghiệm
- Nghiên cứu toàn diện về hệ thống ngữ âm tiếng Hà nội trong mối tương quan với phương ngương ngữ Bắc Bộ và các phương ngữ khác của tiếng Việt.
- Nghiên cứu các đặc điểm điệu tính của lời nói đọc trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam: tốc độ đọc, nhịp độ đọc, trường độ âm tiết lời nói đọc, ...
Cán bộ của phòng đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở. Chỉ tính trong 5 năm gần đây (2008 - 2012), cán bộ của phòng đã chủ trì và tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nội, Những vấn đề thời sự của chuẩn hóa tiếng Việt, Nghiên cứu khảo sát ngôn ngữ trên phát thanh truyền hình phục vụ xây dựng luật ngôn ngữ ở Việt Nam), 5 đề tài khoa học cấp Viện (Mối quan hệ giữa Formant và thanh điệu trong tiếng Việt, Chiết đoạn và siêu đoạn trong phát ngôn tiếng Việt, Khảo sát trường độ của các phát ngôn tiếng Việt, Nhận diện các đặc trưng âm thanh có ý nghĩa trên cấp độ toàn phát ngôn tiếng Việt…), công bố 20 bài trên các tạp chí chuyên ngành và các hội thảo trong nước.
Về nghiên cứu ứng dụng:
Phòng ngữ âm học từ năm 1998 đến 2004 đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành xử lí tiếng Việt phục vụ cho việc tổng hợp và nhận dạng tự động tiếng Việt.
Phòng ngữ âm học từ năm 1996 đến nay đã phối hợp với Viện Khoa học hình sự tiến hành nghiên cứu các đặc điểm ngữ âm tiệu biểu phục vụ cho việc nhận dạng lời nói cá nhân trong giám định hình pháp.
Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu chuyên môn của phòng, đội ngũ cán bộ của phòng còn tích cực tham gia vào các đề tài nghiên cứu; tham gia vào quá trình đào tạo của Viện. Những nội dung và thành tựu nghiên cứu của phòng đã lần lượt được công bố và trao đổi học thuật trên các tạp chí chuyên ngành trong đó có tạp chí Ngôn ngữ, cơ quan ngôn luận của Viện Ngôn ngữ học.
Định hướng phát triển chuyên môn trong thời gian tới của phònglà tiếp tục tận dụng thế mạnh sử dụng phương pháp thực nghiệm vào nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cụ thể:
Nghiên cứu cơ bản: nghiên cứu các vấn đề liên quan đến ngữ điệu và các hiện tượng điệu tính của tiếng Việt và các vấn đề ngữ âm phương ngữcủa tiếng Việt.
Nghiên cứu ứng dụng: nghiên cứu xử lí tiếng Việt ứng trong công nghệ thông tin; nghiên cứu ngữ âm học hình pháp và các vấn đề về rối loạn ngôn ngữ và các phương pháp trị liệu ngôn ngữ.
Trong tình hình hiện nay, phòng tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo; giữa nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học ứng dụng để đưa những thành tựu nghiên cứu vào thực tế; tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Truyền thống và thành tựu của Phòng Ngữ âm học trong 45 năm qua gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Viện Ngôn ngữ học và nền ngôn ngữ học nước nhà, với những cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu; với sự hợp tác của nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài Viện. Trên chặng đường đi tới, truyền thống và những thành tựu đã có là nền tảng vững chắc để các cán bộ trong phòng hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò của chuyên ngành ngữ âm học trong hệ thống các chuyên ngành như từ vựng học, ngữ pháp học và các chuyên ngành khoa học khác của Viện Ngôn ngữ học.