Như đã biết,Viện Ngôn ngữ học thành lập chính thức từ năm 5/1968. Viện được thành lập trên cơ sở của "Tổ Ngôn ngữ học" thuộc Viện Văn học và "Tổ Thuật ngữ khoa học" thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Người phụ trách đầu tiên của Tổ thuật ngữ này là cố giáo sư Lê Khả Kế.
Như vậy, có thể dựa vào nguồn thông tin trên mà suy ra rằng, sự ra đời của Phòng từ vựng học bắt nguồn từ Tổ Thuật ngữ khoa học như đã nói ở trên (bởi vì, thuật ngữ vốn là một lớp từ đặc biệt thuộc về hệ thống từ vựng của ngôn ngữ). Thật ra, đó cũng chỉ là một cách nói. Còn trên thực tế, sự ra đời của Phòng Từ vựng học đã trải qua nhiều bước rất thăng trầm.
Đầu tiên,Viện Ngôn ngữ học chưa có phòng nghiên cứu từ vựng độc lập. Cơ cấu tổ chức của các phòng nghiên cứu khoa học lúc đầu mới chỉ có Phòng Việt ngữ học, Phòng nghiên cứu các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Phòng Từ điển học, Phòng nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, Phòng nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử và phương ngữ học. Nhiệm vụ nghiên cứu từ vựng tiếng Việt hồi ấy thuộc về Phòng Việt ngữ học.
Mãi cho đến những năm 1973 - 1974, một nhóm nghiên cứu từ vựng tiếng Việt mới được thành lập và gọi là Ban Từ vựng. Ban này do TS. Nguyễn Văn Thạc phụ trách gồm một số thành viên ban đầu như: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Đức Tồn, Bùi Duy Khánh, Nguyễn Phương Chi, Nguyễn Thị Hồng Vân,...
Từ đó đến nay, Ban Từ vựng này còn phải trải qua vài lần thay đổi nữa mới có được một Phòng Từ vựng học tương đối "yên vị" như bây giờ.
" Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhân kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Ngôn ngữ học( 1968- 2013), thay mặt cho Phòng Từ vựng học, tôi xin cảm ơn các nhà Ngôn ngữ học đi trước đã có công xây dựng nên Phòng Từ vựng học hôm nay, đặc biệt là các vị Trưởng phòng qua các thời kì như: cố TS. Nguyễn Văn Thạc, cố GS.TS. Đỗ Hữu Châu, TS.Vũ Thế Thạch và PGS.TS. Hà Quang Năng.
Và cũng nhân dịp này, tôi xin giới thiệu một số thông tin khái quát có liên quan đến Phòng Từ vựng học hiện tại như sau:
1. Trong quá khứ, Phòng Từ vựng học đã từng là ngôi nhà chung của nhiều nhà khoa học đã thành danh như: GS .TS. Hoàng Văn Hành, TS. Nguyễn Văn Thạc, GS.TS. Nguyễn Đức Tồn, PGS.TS. Hà Quang Năng, TS.Trần Đại Nghĩa, TS.Vũ Thế Thạch, TS.Nguyễn Phương Chi, TS. Nguyễn Thị Trung Thành,... Đặc biệt là, trong số các nhà khoa học đó, có hai vị đã từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học qua các thời kì, đó là cố GS .TS. Hoàng Văn Hành và GS.TS. Nguyễn Đức Tồn.
2. Hiện nay, Phòng có 5 thành viên, trong đó một PGS, 2 Thạc sĩ, một NCS và một học viên cao học đang trong giai đoạn chuẩn bị bảo vệ. Trừ vị Trưởng phòng đã đến tuổi nghỉ hưu, tất cả các thành viên khác đều còn rất trẻ, có năng lực nghiên cứu và trình độ tiếng Anh khá tốt.
3. Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Từ vựng học là nghiên cứu từ và các đơn vị tương đương với từ trong tiếng Việt. Vì thế, trong lịch sử cũng như hiện nay, nhiều nhà khoa học của Phòng đã có nhiều cống hiến trong việc làm rõ bản chất ngôn ngữ của các đơn vị từ vựng tiếng Việt như: từ, thành ngữ, từ địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ, tên riêng và các biểu hiện khác nhau của từ vay mượn trong tiếng Việt. Bên cạnh hướng nghiên cứu về cấu trúc, các cán bộ của Phòng còn tham gia miêu tả các đơn vị từ vựng tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp như: giao tiếp hành chính, giao tiếp trong nhà trường, ngôn ngữ báo chí,... thậm chí có người còn vận dụng lí thuyết từ vựng học vào việc nghiên cứu ngôn ngữ tác phẩm - tác giả. Nhiều người đã trở thành chuyên gia hoặc có trình độ chuyên môn cao về một số lĩnh vực của từ vựng học tiếng Việt. Chẳng hạn, thành ngữ với Hoàng Văn Hành, từ đồng nghĩa với Nguyễn Đức Tồn, thuật ngữ với Hà Quang Năng, tên riêng với Phạm Tất Thắng,...
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Từ vựng học là rất rộng. Có thể nói, không một ai, thậm chí không một nhóm tác giả nào có thể tiếp cận hết hoặc gần hết những vấn đề rộng lớn và còn nhiều nan giải của lĩnh vực nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ. Vì thế, nhiệm vụ hiện tại và cả trong tương lai của Phòng Từ vựng học là tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu những vấn đề thuộc về Ngữ nghĩa học tiếng Việt cả trên phương diện ngữ nghĩa học từ vựng và ngữ nghĩa học tri nhận. Đây là mảng đề tài tuy khó, nhưng lại hấp dẫn giới chuyên môn ở mức độ biểu hiện đa dạng của các tín hiệu ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, với tư duy của cộng đồng ngôn ngữ. Đây cũng là mảng đề tài phù hợp với định hướng nghiên cứu lâu dài của Viện và phù hợp với xu hướng nghiên cứu hiện nay của Ngôn ngữ học thế giới. Rất tiếc là, lực lượng nghiên cứu hiện nay của Phòng còn khá “ mỏng” cả về số lượng người lẫn kinh nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, họ đều là những người trẻ, thông minh, được đào tạo đúng chuyên ngành và có trình độ ngoại ngữ khá tốt, nên Thời gian sẽ ủng hộ họ.
Tôi vốn là một quân nhân chuyển ngành về Viện từ năm 1985. Trong thời gian khá dài công tác tại Viện, tôi đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình biến đổi và phát triển của Viện ta. Tôi cũng đã vinh dự được tham gia lễ Kỉ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập Viện tại 20 - Lí Thái Tổ. Và sắp tới đây, tôi lại được mừng Sinh nhật Viện lần thứ 45 tại số 9 - Kim Mã Thượng. Tôi rất hồi hộp và chờ đợi đến ngày đó, tôi sẽ được nhìn lại tất cả những gương mặt thân yêu đã cùng tôi làm việc trong những tháng ngày vất vả dưới mái nhà chung là Viện Ngôn ngữ học.
Nhân ngày lễ trọng đại này và để mừng cho Viện ta, Ngành ta ngày càng phát triển, tôi chúc cho tất cả mọi người Hạnh phúc!
PGS.TS. Phạm Tất Thắng