Ngày 14/5/1968, theo Nghị định số 59/CP của Hội đồng Chính phủ, Viện Ngôn ngữ học đã được thành lập trên cơ sở kết hợp Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học (do Giáo sư Hoàng Phê phụ trách) và Tổ Thuật ngữ khoa học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (do Giáo sư Lê Khả Kế phụ trách).
Ngay từ khi mới ra đời, Tổ Ngữ pháp (nay là Phòng Ngữ pháp) đã là đơn vị rất mạnh của Viện Ngôn ngữ học. Đặc biệt Tổ Ngữ pháp đã từng được phụ trách bởi các Viện trưởng như: PGS Nguyễn Kim Thản, GS Hoàng Tuệ trong quá khứ và hiện nay là GS. TS Nguyễn Văn Hiệp.
Từ khi mới ra đời cho đến nay, Tổ / Phòng Ngữ pháp học có một bề dày lịch sử gắn với những thế hệ lãnh đạo sau đây:
- Năm 1968: Tổ Ngữ pháp do PGS Nguyễn Kim Thản - Phó Viện trưởng phụ trách;
- Năm 1975 - 1976: khi PGS Nguyễn Kim Thản chuyển sang Viện Thông tin Khoa học xã hội, Phòng Ngữ pháp được phụ trách bởi GS Hoàng Tuệ rồi đến GS Hoàng Văn Hành;
- Năm 1976 - 1978: Phòng do PGS Lê Xuân Thại phụ trách;
- Năm 1978 - 1985: Phòng do GS.TS Lưu Văn Lăng phụ trách;
- Năm 1985 - 2000: Phòng Ngữ pháp sát nhập với Phòng Từ vựng, trở thành Phòng Việt Ngữ học. Phụ trách Phòng Việt Ngữ học ban đầu là TS Nguyễn Văn Thạc, rồi đến GS Hoàng Tuệ, PGS Hà Quang Năng;
- Năm 2000 - 2005: Phòng Ngữ pháp được tách ra độc lập từ Phòng Việt ngữ học do GS.TSKH Lý Toàn Thắng phụ trách;
- Năm 2005- 2012: Phòng Ngữ pháp học do TS Hoàng Cao Cương phụ trách;
- Từ năm 2012: Phòng Ngữ pháp học do GS. TS Nguyễn Văn Hiệp phụ trách.
Trong quá trình phát triển, Phòng Ngữ pháp học đã là nơi quy tụ rất nhiều các nhà khoa học hàng đầu, những nhà nghiên cứu tâm huyết về ngữ pháp của cả nước, như PGS. Nguyễn Kim Thản, GS. Hoàng Tuệ, GS.TS Lưu Văn Lăng, GS.TSKH Lý Toàn Thắng, Trần Chút, GS. Hồ Lê, Huỳnh Mai, Nguyễn Tuấn Tài, PGS.TS Lê Xuân Thại, TS. Hoàng Cao Cương, TS. Trần Thị Nhàn, TS. Nguyễn Thị Trung Thành, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tô Hùng, Võ Thắng, TS. Trần Đại Nghĩa, Ths. Nguyễn Thị Nga, Ths. Nguyễn Thị Thu Hảo, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ths. Đỗ Anh Vũ,...
Hiện tại, Phòng Ngữ pháp học gồm 03 thành viên trong đó có một GS, một NCS và một học viên Cao học đang chuẩn bị bảo vệ luận án và luận văn.
Phòng Ngữ pháp học là phòng chuyên môn của Viện Ngôn ngữ có chức năng chuyên nghiên cứu về:
a) Ngữ pháp lí luận
b) Ngữ pháp tiếng Việt
c) Ngữ pháp các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
và thực hiện các nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu và biên soạn:
a) Ngữ pháp tiếng Việt
b) Ngữ pháp các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam
c) Ngữ pháp lí luận
2. Trực tiếp tham gia giảng dạy cho các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước về:
a) Các vấn đề ngữ pháp lí luận
b) Ngữ pháp tiếng Việt
c) Ngữ pháp ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
3. Tham gia cùng các đơn vị khác trong và ngoài cơ quan nhằm chuẩn mực hóa ngôn ngữ và hướng dẫn sử dụng ngữ pháp chuẩn mực tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
4. Hợp tác với các nhà ngôn ngữ trong khu vực và quốc tế nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy về các vấn đề ngữ pháp lí luận, ngữ pháp tiếng Việt và ngữ pháp các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Như mọi người đều biết, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Ngôn ngữ học đã có những thành tựu lớn, lưu dấu ấn trong tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt và biên soạn từ điển; nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt; nghiên cứu lịch sử tiếng Việt; nghiên cứu tiếng Việt trong phối cảnh văn hoá - xã hội đặc thù của Việt Nam; nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam... trong đó có lĩnh vực ngữ pháp học
Những nhà ngữ pháp của Viện đã xuất phát từ lí thuyết ngữ pháp đại cương và truyền thống Đông phương học Nga để viết cuốn sách nổi tiếng “Ngữ pháp tiếng Việt” (Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1983), được đánh giá là cuốn ngữ pháp tiếng Việt phổ thông tốt nhất. Các công trình khác về động từ, về cấu tạo từ, về loại từ trong tiếng Việt, về đặc điểm loại hình tiếng Việt… cũng đã khẳng định tầm vóc của Viện trong địa hạt nghiên cứu ngữ pháp. Điều đáng nói là trong giai đoạn lí thuyết ngữ pháp trên thế giới có nhiều thay đổi mới mẻ, các nhà nghiên cứu ngữ pháp của Viện đã không ngần ngại tiếp thu và áp dụng những cách tiếp cận mới để nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Đó là lí thuyết từ tổ trong nghiên cứu ngữ pháp, lí thuyết phân đoạn thực tại, lí thuyết ngữ pháp chức năng và lí thuyết ngữ pháp tri nhận…
Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên trong cơ cấu tổ chức gồm 9 phòng và trung tâm nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành của ngôn ngữ học của Viện Ngôn ngữ học trong tương lai Phòng Ngữ pháp học cần hội nhập sâu hơn với thế giới. Khoảng 20 năm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều lí thuyết ngữ pháp mới nhưng có lẽ Phòng Ngữ pháp học chưa bắt nhịp kịp với những sự thay đổi ấy. Phòng cần phải có những cán bộ nghiên cứu nắm được ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, ngữ pháp chức năng với nhiều phiên bản khác nhau (Halliday, Dik, Van Valin), ngữ pháp kết cấu của ngôn ngữ học tri nhận v.v. Đặc biệt, cần có chuyên gia về thụ đắc ngôn ngữ, một trong những vấn đề cực kì quan trọng của ngôn ngữ học hiện đại.