Ngay từ khi mới thành lập, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu các chuyên ngành của ngôn ngữ học, thì việc ứng dụng ngôn ngữ vào trong thực tiến đời sống cũng được Viện Ngôn ngữ học hết sức chú trọng. Chính vì vậy đã dẫn đến sự ra đời của các phòng/ trung tâm ứng dụng ngôn ngữ, trong đó có Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng.
Tiền thân của Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng hiện nay là Trung tâm ứng dụng và phát triển tiếng Việt, được thành lập năm 1992 với giám đốc là TS. Vũ Thế Thạch. Năm 1998, TS. Vũ Thế Thạch chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục, TS. Vũ Thị Thanh Hương (mới học ở Canada về) được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và Giám đốc (từ 2000). Đến năm 2002 Trung tâm đổi thành Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng, trưởng phòng là Vũ Thị Thanh Hương cho đến tháng 11 năm 2012.
Trải qua hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Phòng Ngôn ngữ học Ứng dụng đã có nhiều sự thay đổi và ngày càng trưởng thành hơn. Phòng là nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ cán bộ, có cán bộ đã về hưu: PGS. Đào Thản, TS. Phi Tuyết Hinh, TS. Nguyễn Phương Chi; có những cán bộ đã chuyển sang cơ quan khác: TS. Vũ Thế Thạch (Nhà xuất bản Giáo dục và đã nghỉ hưu); Th.S Quách Thị Gấm, NCS. Bùi Thị Ngọc Anh (Viện Từ điển & Bách khoa thư). Hiện nay, cán bộ nghiên cứu của phòng gồm có: PGS. TS. Vũ Thị Thanh Hương, Th.S Nguyễn Thế Dương (đang làm NCS ở Australia), Th.S Trần Thùy An, Th.S Phạm Hương Quỳnh. Trong lịch sử tồn tại và phát triển, nhiệm vụ và thành tựu nghiên cứu của phòng cũng có nhiều thay đổi. Khi còn là Trung tâm ứng dụng và phát triển tiếng Việt (1992-2002), nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là ứng dụng các thành tựu nghiên cứu ngôn ngữ học và tiếng Việt vào trong dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài. Từ khi Trung tâm chuyển thành Phòng (từ 2002 đến nay), những vấn đề nghiên cứu trọng tâm của Ngôn ngữ học ứng dụng đã được các cán bộ của Phòng đầu tư phát triển. Cụ thể, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Phòng được xác định là: Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của Ngôn ngữ học vào giải quyết các vấn đề của xã hội trong đó ngôn ngữ là trọng tâm. Những vấn đề của xã hội được Phòng chú trọng nghiên cứu trong thời gian 10 năm qua là: chính sách và thực tiễn giáo dục tiếng Việt trong nhà trường, chính sách và thực tiễn dạy ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông cho học sinh người Kinh và học sinh dân tộc, chính sách và thực tiễn dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam, dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài, các vấn đề của giao tiếp ngôn ngữ trong nhà trường, phương pháp dạy - học Việt cho người Việt và người nước ngoài.
Đi theo định hướng nghiên cứu đó, từ năm 1999 đến này Phòng đã triển khai và hoàn thành những công trình nghiên cứu như sau:
- Tiếng Việt nâng cao cho người nước ngoài: (1999 - 2000)
- Ngôn ngữ giao tiếp trong nhà trường (2001 - 2002)
- Tiếng Việt trong hội thoại giảng dạy (2003 - 2004)
- Cơ sở ngôn ngữ học của việc dạy và học tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ (2004 -2005)
- Có sở lí luận và phương pháp dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ (2005 - 2006)
- Ngữ pháp tiếng Việt thực hành cho người nước ngoài (2005 - 2006)
- Một số vấn đề của Ngôn ngữ học ứng dụng (2007 - 2008)
- Giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam: Một số vấn đề chính sách và thực tiễn (2009 - 2010)
- Nghiên cứu, khảo sát tình hình sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam phục vụ cho việc xây dựng luật ngôn ngữ (2011 - 2012)
Hiện tại công việc của Phòng vẫn đang triển khai tốt theo hướng nghiên cứu đã nêu. Cụ thể một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ đang được thực hiện liên quan đến "Tương tác ngôn ngữ giữa thầy và trò trên lớp học", 1 cán bộ của Phòng đang làm NCS (nước ngoài) với đề tài nghiên cứu hành động ngôn ngữ phục vụ cho việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, một cán bộ mới bảo vệ luận văn thạc sĩ liên quan đến vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường, Phòng cũng mới được bổ sung một cán bộ mới đang làm nghiên cứu sinh.
Trong những năm tới,hướng phát triển của Phòng vẫn tập trung vào những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội có liên quan đến chính sách và thực tiễn dạy và học tiếng Việt và ngoại ngữ trong nhà trường, vấn đề giao tiếp và ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường. Theo định hướng này, Phòng cũng đã và đang triển khai một số đề tài hợp tác với bên ngoài như hợp tác với Đại học Toronto để nghiên cứu tương tác ngôn ngữ của người Việt, hợp tác với tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Chidren) để nghiên cứu đánh giá hiệu quả của trợ giảng dân tộc trong mô hình giáo dục song ngữ đối với học sinh dân tộc, hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển công cụ đánh giá kĩ năng đọc tiếng Việt ở những lớp đầu cấp Tiểu học.
Trong tình hình hiện nay, những vấn đề về chính sách và thực tiễn dạy học ngôn ngữ luôn luôn là những vấn đề xã hội bức xúc, đó cũng chính là cơ hội cho những người làm Ngôn ngữ học ứng dụng. Đặc biệt là đối với những cán bộ trẻ của Viện Ngôn ngữ học muốn theo đuổi hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, để nghiên cứu giải quyết những vấn đề đó cần đầu tư hơn nữa nguồn lực (nhân sự và kinh phí) từ các cấp. Chúng tôi hi vọng, cùng với sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng và trưởng thành của các phòng/ trung tâm khác, phòng Ngôn ngữ học Ứng dụng cũng ngày một trưởng thành và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của Viện Ngôn ngữ học.
PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương