1. Phòng nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam (NCNNDTTSVN) được chính thức thành lập năm 1977 dưới tên Ban ngôn ngữ dân tộc (NNDT). Trước năm 1977, Ban NNDT là một bộ phận của Ban Ngữ âm - Ngôn ngữ dân tộc (thường gọi tắt là Ban Ngữ âm - Dân tộc).
2. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của phòng
Nhiệm vụ và chức năng chính của Ban NNDT là nghiên cứu cơ bản ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc trên bình diện đồng đại, lịch đại để giải quyết những vấn đề lí luận và thực tiễn về cấu trúc, quan hệ cội nguồn, loại hình các ngôn ngữ đơn lập ở Việt Nam và khu vực, cũng như những vấn đề xã hội - ngôn ngữ học làm cơ sở khoa học để tư vấn cho Chính phủ những vấn đề liên quan đến chính sách đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam.
3. Lãnh đạo Phòng qua các giai đoạn
- Khi còn là một bộ phận của Ban Ngữ âm - Ngôn ngữ dân tộc:
1970 - 1973: GS.TS Phạm Đức Dương
1973 - 1976: PGS.TS Vũ Bá Hùng
- Từ khi được chính thức thành lập năm 1977, Phòng đã có các thế hệ lãnh đạo dưới đây:
1977 - 1999: PGS.TS Hoàng Văn Ma
2000 - 6/2008: PGS.TS Tạ Văn Thông
10/2008 - 11/2012: PGS.TS Đoàn Văn Phúc
12/2012 đến nay: Phó trưởng phòng Ths. Phan Lương Hùng
4. Các kết quả nghiên cứu đã đạt được
Từ khi là một bộ phận nghiên cứu NNDTTS, dù ở Viện Văn học hay Viện ngôn ngữ học đến nay, Phòng NCNNDTTSVN đã đạt được một số kết quả nghiên cứu dưới đây:
4.1. Về nghiên cứu cơ bản
Đã tiến hành điều tra thu thập tư liệu, nghiên cứu và miêu tả trên 100 ngôn ngữ, phương ngữ và thổ ngữ của các NNDTTS qua các đợt nghiên cứu. Trước năm 1975, trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng các cán bộ của Phòng đã tiến hành điều tra, thu thập tư liệu được hơn 50 ngôn ngữ, phương ngữ và thổ ngữ của các NNDTTS ở các tỉnh phía Bắc và nhiều ngôn ngữ, phương ngữ, thổ ngữ các DTTS ở các tỉnh phía Nam qua những tư liệu viên các dân tộc tập kết ra Bắc. Sau năm 1975, công tác điều tra nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS được mở rộng và đẩy mạnh. Phòng luôn là lực lượng nòng cốt khi thực hiện Dự án Điều tra tổng thể ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1994 - 1999); chương trình Điều tra nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số góp phần xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam (2001 - 2006); dự án Thu thập, bảo tồn chữ viết cổ truyền ở Việt Nam (2001 - 2006)...; các đề tài cấp Bộ: Tiếng Dao ở Việt Nam(1997 - 1999); Tiếng Giáy ở Việt Nam (2003 - 2004); Các ngôn ngữ Nam Á ở Việt Nam(2008 - 2009); Bức tranh toàn cảnh các ngôn ngữ ở Việt Nam (2009 - 2010); Vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm ở Việt Nam hiện nay (trường hợp tiếng tiếng Ê đê) (2011 - 2012). Qua nghiên cứu, một số vấn đề về đặc điểm cấu trúc, quan hệ cội nguồn, loại hình các ngôn ngữ DTTS đã được xác định rõ hơn. Những kết quả nghiên cứu này được thể hiện qua các bài báo, hàng loạt những chuyên khảo miêu tả các bình diện khác nhau của nhiều ngôn ngữ, nhiều thứ tiếng DTTS đã được xuất bản, như:Ngữ pháp tiếng Tày Nùng (1971), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam(1972), Ngữ pháp tiếng Cơ ho (1985), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Ngữ âm tiếng Ê đê (1996), Tiếng Ka tu: Cấu tạo từ (1995), Tiếng Ka tu (1998), Tiếng Bru - Vân Kiều (1998), Tiếng Hà Nhì (2001), Ngữ âm tiếng Cơ ho (2004), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (2009), Ngữ pháp tiếng Êđê (2011) ... Đó còn là những cuốn từ điển song ngữ, đa ngữ hay các phương ngữ, như: Từ điển Mèo - Việt, Từ điển Việt - Mông(1996), Từ điển Tày - Nùng - Việt (1974); Từ điển Việt - Tày - Nùng (1984), Từ điển Việt - Gia rai (1977), Từ điển Việt - Cơ ho (1983), Từ điển Thái - Việt (1990), Từ điển Việt - Êđê(1993), Từ vựng các phương ngữ Êđê (1998), Từ điển Mường - Việt (2002), Từ điển Việt - Cơ tu (2007), Từ điển Cơ tu - Việt (2007)...
Bên cạnh việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu các NNDTTS, Phòng cũng đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài cấp Viện để tổng kết những thành quả lao động nhiều năm qua của Phòng, tạo điều kiện cho các cán bộ có điều kiện đi sâu vào chuyên môn của mỗi người. Những kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp Viện đã được thể hiện trong một số tuyển tập các bài viết, như: Những vấn đề ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (1988), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (1994), Tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1998), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam(2009). Ngoài ra, các kết quả đó còn được công bố trong một số cuốn sách chuyên đề của Viện ngôn ngữ học, tại các hội nghị khoa học của Viện, Hội thảo quốc gia, quốc tế...
4.2. Về công tác nghiên cứu phục vụ công tác tư vấn, hoạch định vàthực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các NNDTTS
Trong 45 năm qua, các thế hệ cán bộ của PNCNNDTTS đã tích cực tham gia vào việc nghiên cứu phục vụ công tác tư vấn, hoạch định vàthực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với việc bảo tồn, phát huy vai trò của ngôn ngữ các DTTS trong đời sống xã hội. Sau năm 1975, các cán bộ của Phòng đã tham gia vào chương trình điều tra xã hội - ngôn ngữ học các ngôn ngữ DTTS ở VN để làm cơ sở dữ liệu cho việc ban hành Quyết định 53/CP của Chính phủ. Trên tinh thần của Quyết định 53/CP, nhiều cán bộ của phòng đã tham gia vào các chương trình hợp tác tư vấn, giúp đỡ, nghiên cứu với các địa phương Lâm Đồng, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), Bình Định, Ninh Thuận, Hòa Bình... tiến hành chế tác, cải tiến các bộ chữ viết của các dân tộc, như: chữ viết La tinh Thái, cải tiến các bộ chữ viết: Cơ ho, Pa cô - Ta ôi, Bru - Vân Kiều, Cơ tu, Ra glai, Ba na Kriêm, Hrê, chế tác chữ viết Chăm Hroi... Với sự cộng tác của nhiều trí thức, cán bộ dân tộc ở các địa phương, nhiều cuốn sách dạy-học tiếng DTTS phục vụ cho chính người dân tộc và các cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc và miền núi cũng như những ai có nhu cầu tìm hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa các dân tộc dưới sự chủ trì các cán bộ Phòng đã được xuất bản. Đó là, Sách học tiếng Pakôh - Taôih (1986), Sách học tiếng Bru - Vân Kiều (1986),Sách học tiếng Êđê (1988)... Có những bộ sách được các địa phương sử dụng rộng rãi trong nhiều năm, phục vụ việc dạy-học tiếng DTTS cho các cán bộ, công chức theo tinh thần của Quyết định 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003, và Quyết định số03/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2004 nhằm đưa việc học tiếng dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với cán bộ, công chức, cũng như Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Ngoài ra, các cán bộ của Phòng còn biên soạn một số sách phục vụ việc dạy-học tiếng Ra glai, Cơ tu, Ba na (Kriêm), Hrê, Chăm Hroi... hay những tập đối chiếu ngữ vựng, như: Ngữ vựng Việt - Cơ tu, Ngữ vựng Cơ tu - Việt, Ngữ vựng Việt - Ba na (Kriêm), Ngữ vựng Ba na (Kriêm) - Việt, Ngữ vựng Hrê - Việt, Ngữ vựng Việt - Hrê, Ngữ vựng Chăm Hroi - Việt, Ngữ vựng Việt - Chăm Hroi... phục vụ cho công tác phổ biến, bảo tồn và phát huy giá trị NNDTTS ở các địa phương.
4.3. Về hợp tác khoa học
Về hợp tác khoa học quốc tế
Từ đầu năm 1979, trong chương trình hợp tác Việt Xô (mà sau này là Việt Nga) giữa Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, hay Viện Khoa học xã hội Việt Nam) với Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) về nghiên cứu NNDTTSVN, các cán bộ của phòng giữ vai trò nòng cốt cùng đối tác tiến hành nhiều đợt điền dã, thu thập tư liệu về cấu trúc, xã hội ngôn ngữ học, loại hình, quan hệ cội nguồn... để bổ sung và làm rõ hơn những vấn đề lí luận của ngôn ngữ học đại cương về các ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Các cán bộ và đoàn nghiên cứu đã trải qua nhiều đợt nghiên cứu điền dã, khảo sát và thu thập tư liệu hơn 20 ngôn ngữ, phương ngữ các DTTSVN, như: Khơ me, Chăm, Xinh mun, Hmông, Mường, La Ha, Chu ru, Mạ, Poọng, Pu Péo, Arem, Ta ôi, Bru - Vân Kiều, Cơ tu, Rục, La Chí, Cao Lan, Giáy... Trên cơ sở những tư liệu đã thu thập, một số cuộc Hội thảo quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, Moskva, và một số cuốn sách về các ngôn ngữ trên đã được xuất bản dưới dạng chuyên khảo bằng tiếng Nga hay tiếng Việt, như: Tiếng La Ha, Tiếng Mường, Tiếng Rục, Tiếng Cơ tu, Tiếng Bru - Vân Kiều,... Hiện nay, nhiều tư liệu điều tra, nghiên cứu các NNDTTS được lưu trữ tại Viện và Phòng vẫn đang được bảo quản và tiếp tục xử lí, khai thác.
- Về hợp tác khoa học trong nước
Ngoài hợp tác quốc tế, các cán bộ của Phòng NCNNDTTS còn hợp tác với các cơ quan, ban ngành ở trung ương và địa phương trong nước thực hiện Quyết định 53/CP, Nghị định 82/NĐ-CP, nâng cao uy tín của Viện trong sự hợp tác với các địa phương, các ngành về nghiên cứu NNDTTS. Phòng đã trực tiếp tham gia tư vấn, điều tra, nghiên cứu các ngôn ngữ để giúp các địa phương trong việc biên soạn các sách dạy-học tiếng DTTS, đào tạo cán bộ, giáo viên dạy tiếng DTTS ở các tỉnh Đắc Lắc, Ninh Thuận, Quảng Nam... Ngoài ra, các cán bộ của Phòng còn là nòng cốt trong việc tư vấn, hợp tác với các cơ quan khoa học, các cơ quan quản lí nhà nước về công tác dân tộc.
4.4. Về công tác đào tạo
Trên cơ sở khảo sát, điều tra, nghiên cứu ngôn ngữ các DTTSVN, nhiều cán bộ của Phòng và Viện đã trưởng thành, đã bảo vệ các luận án PTS (nay là TS) về các NNDTTS, như: Nguyễn Văn Tài (về tiếng Mường), Hoàng Văn Ma (về tiếng La Ha), Đoàn Văn Phúc, Phan Văn Phức (về tiếng Ê đê), Nguyễn Hữu Hoành (về tiếng Cơ tu), Tạ Văn Thông (về tiếng Cơ ho), Mông Ký Slay, Lê Văn Trường (về tiếng Nùng). Nhiều nghiên cứu sinh ở các cơ quan khác được đào tạo tại Viện Ngôn ngữ học cũng bảo vệ luận án về các NNDTTS như: Mông Ký Slay (về tiếng Nùng), Nguyễn Thị Thanh (về tiếng Hmông), Nguyễn Thị Sửu (về tiếng Ta ôi), Nguyễn Minh Hoạt (về tiếng Ê đê)... Ngoài ra, trong sự hợp tác đào tạo với các trường Đại học và các cơ sở đào tạo sau đại học, nhiều cán bộ của Phòng đã giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn nhiều luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp đại học về các NNDTTS. Đồng thời, cũng đã có những luận án được thực hiện ở Viện Ngôn ngữ học về các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á của các nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đó là các luận án của Pimsẻn Buarapha (về tiếng Thái Lan), Phan Xuân Thành, Nguyễn Trọng Khánh (về tiếng Lào)...
Có thể nói, kết quả nghiên cứu, hợp tác khoa học và đào tạo của Phòng trong 45 năm qua là hết sức đáng ghi nhận. Hàng trăm bài báo được đăng tải trên các tạp chí, báo (trong và ngoài nước) cùng hàng chục cuốn sách về NNDTTS Việt Nam đã và đang chuẩn bị được xuất bản được các cán bộ phòng NCNNDTTS biên soạn, chỉ đạo biên soạn đã nói lên tất cả những gì mà phòng đã làm được.
5. Hiện nay, Phòng NCNNDTTS có nhiệm vụ rất nặng nề: tiếp tục nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn đời sống. Đó là vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ cho các DTTS trong tình hình thế giới có nhiều biến động về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó là vấn đề hợp tác quốc tế và trong nước để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy vai trò các NNDTTS trong tình hình mới. Tuy nhiên, có một khó khăn không nhỏ đối với Phòng NCNNDTTS là vấn đề nhân sự, lực lượng cán bộ nghiên cứu chuyên tâm quá mỏng so với thực tế yêu cầu của công tác này.
6. Trong những năm tới định hướng phát triển của phòng sẽ là:
6.1. Nghiên cứu cơ bản lí luận và tổng kết thực tiễn ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam nhằm phát hiện và miêu tả các đặc điểm riêng biệt, đồng thời khái quát các đặc trưng và quy luật chung của các ngôn ngữ về các phương diện: loại hình, cội nguồn, xã hội - ngôn ngữ học, phương ngữ và địa lí ngôn ngữ học, ngôn ngữ học - tộc người, quan hệ giữa tiếng nói và chữ viết các dân tộc,...
6.2. Nghiên cứu ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra về ngôn ngữ hoặc có liên quan đến ngôn ngữ trong đời sống xã hội ở các DTTS: phương pháp dạy và học tiếng, biên soạn các loại sách công cụ (từ điển, ngữ pháp, hội thoại...); xây dựng và cải tiến các hệ thống chữ viết; đào tạo nguồn nhân lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của tiếng nói chữ viết các dân tộc; nghiên cứu góp phần xác định các thành phần tộc người; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam.
6.3. Thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở, tổ chức và các địa phương (trong nước: Đại học Tây Nguyên, Đại học Tây Bắc, ) và ngoài nước (SIL, Australia, Pháp, Đức, Thái Lan, Trung Quốc...) trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đối với NNDTTS ở Việt Nam. Trước mắt là hợp tác với Ủy ban Dân tộc để tham gia nghiên cứu, góp phần xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam, và đào tạo cán bộ có năng lực tổ chức, chỉ đạo, định hướng nghiên cứu cho Phòng.
6.4. Tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (cao học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh,...) liên quan đến ngôn ngữ và chữ viết các DTTS ở Học viện KHXH cũng như các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong nước và quốc tế.
6.5. Để thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng trên, cần phải:
- Tăng cường lực lượng cán bộ nghiên cứu yêu nghề, đủ mạnh. Vì vậy, trong hai năm tới, Viện Ngôn ngữ học cần ưu tiên việc tuyển cán bộ cho Phòng NCNNDTTS để tới năm 2015 có 7 - 8 cán bộ, đặc biệt ưu tiên cho cán bộ nam, cán bộ người DTTS nghiên cứu về tiếng mẹ đẻ và các ngôn ngữ cùng ngữ hệ.
- Cần tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là các máy ghi âm chuyên dụng cho công tác nghiên cứu điền dã ngôn ngữ học, các phần mềm phân tích, nghiên cứu tiếng nói.
- Tiếp tục khai thác các tư liệu điều tra trong 45 năm qua để phục vụ định hướng 1 ở trên.
PGS. TS Đoàn Văn Phúc