Thực hiện kế hoạch Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ngày 15 tháng 8 năm 2022, Chi bộ Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Nguyên tắc tập trung dân chủ và công tác dân vận” do báo cáo viên PGS.TS. Phạm Xuân Mỹ, Giảng viên Cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có TS. Đặng Thị Phượng, Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và toàn thể đảng viên, viên chức và người lao động của Viện Ngôn ngữ học.
Báo cáo viên tập trung vào 4 nội dung chính:
Giới thiệu những nội dung chính của Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nguyên tắc tập trung Dân chủ; Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công tác Dân vận; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung Dân chủ và Dân vận trong công tác.Với nội dung
Nguyên tắc tập trung Dân chủ, báo cáo đã đề cập đến những nội dung cụ thể như Dân là chủ, Dân làm chủ, Phát huy vai trò của nhân dân cũng như vai trò của người lãnh đạo trong nguyên tắc này. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu: "
tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung"; và theo đó, “
lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Chính vì vậy, tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của một Đảng Cộng sản nói chung.
Với nội dung
Công tác dân vận, báo cáo khẳng định vai trò của công tác dân vận; nội dung của công tác dân vận cũng như cách thức thực hiện công tác dân vận. Theo đó, "Dân vận" được hiểu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Theo chiều rộng, "Dân vận" là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một người nào, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Hiểu theo chiều sâu, "Dân vận" là phải hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hình thức vận động cho phù hợp. Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một tài sản vô giá. Đó là sự kế thừa tư tưởng "trọng dân", "tin dân", "dựa vào dân" của ông cha ta, những giá trị văn hóa, nhân văn, nhân bản của phương Đông, phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Buổi sinh hoạt chuyên đề đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ cũng như những tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí đảng viên trong Chi bộ. Các ý kiến đều cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ cũng như công tác dân vận là rất cần thiết trong mỗi cơ quan, đơn vị. Tổng kết buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Đặng Thị Phượng – Bí thư Chi bộ đã cảm ơn báo cáo viên PGS. TS. Phạm Xuân Mỹ và khẳng định chi bộ sẽ tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với hai nguyên tắc trọng tâm là tập trung dân chủ, công tác dân vận và áp dụng vào thực tế của cơ quan để có những cách thức triển khai phù hợp; nâng cao sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng cũng như làm tốt công tác dân vận ở cơ quan.
Tin bài: Nguyễn Tài Thái