Sáng ngày 15 tháng 5 năm 2014, tại Viện Ngôn ngữ học, TS. Đỗ Thị Hiên đã có bài thuyết trình khoa học với chủ đề Ngôn ngữ kí hiệu và người khiếm thính Việt Nam .
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, tư duy quan trọng nhất của con người. Đối với cộng đồng người khiếm thính, do khả năng nghe bị suy giảm nên khả năng giao tiếp bằng lời của họ bị hạn chế rất nhiều. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu giao tiếp và phát triển, cộng đồng người khiếm thính đã tự tạo cho mình một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ kí hiệu (NNKH).
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều trung tâm giáo dục dành cho người khiếm thính đã thực hiện việc dạy NNKH. Tuy nhiên, việc giảng dạy bằng NNKH vẫn chưa mang lại kết quả như ý muốn. Xuất phát từ thực tế này, trong một vài năm trở lại đây, TS. Đỗ Thị Hiên và một nhóm đồng nghiệp đã thực hiện một số nghiên cứu về NNKH ở một số nước trên thế giới nói chung và NNKH ở Việt Nam nói riêng. Những nghiên cứu này bước đầu đã thu được những thành tựu nhất định. Vì thế, buổi thuyết trình với chủ đề Ngôn ngữ kí hiệu và người khiếm thính Việt Nam được thực hiện nhằm giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu này.
Buổi thuyết trình đã tập trung trình bày những nội dung cơ bản sau: một, những đặc điểm tâm sinh lí chi phối sự hình thành và phát triển ngôn ngữ của người khiếm thính; hai, khái quát về sự hình thành, phát triển của NNKH, và một vài kết quả nghiên cứu về NNKH trên thế giới và ở Việt Nam; ba, việc dạy NNKH cho người khiếm thính.
Ở nội dung thứ nhất, từ chỗ trình bày một cách khái quát về cấu trúc vỏ não, các khu vực chức năng của vỏ não, cấu trúc của tai, các bệnh của tai vốn có thể gây ra hiện tượng giảm thính lực và làm ảnh hưởng đến khả năng hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ,... bài thuyết trình đã đi sâu vào việc đề cập đến đặc điểm tâm sinh lí của trẻ khiếm thính, và từ đó đã đi đến kết luận ban đầu rằng: Khả năng hiểu ngôn ngữ nói của trẻ khiếm thính kém, nhưng bù lại, trẻ khiếm thính lại có khả năng hiểu ngôn ngữ viết và ngôn ngữ cử chỉ vượt trội so với trẻ thường; và như vậy, nếu như được phát hiện, can thiệp và trị liệu kịp thời thì tiến trình phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính sẽ đạt mức gần giống như trẻ bình thường.
Ở nội dung thứ hai, bài thuyết trình đã đưa ra được một bức tranh tương đối đầy đủ về sự hình thành và phát triển NNKH và việc nghiên cứu NNKH ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam. Trên thế giới, việc nghiên cứu về ngôn ngữ kí hiệu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ở nhiều nước (như Mĩ) đã có từ điển ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ kí hiệu được xem như là ngôn ngữ thứ nhất của người khiếm thính. Còn ở Việt Nam, cũng đã có NNKH, nhưng NNKH ở các địa phương khác nhau có sự khác nhau; việc nghiên cứu về NNKH ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý nhiều.
Cuối cùng, ở nội dung dạy NNKH cho người khiếm thính, từ chỗ trình bày và phân tích khái quát về những kết quả của các phương pháp dạy NNKH cho trẻ khiếm thính, bài thuyết trình cho rằng việc dạy NNKH cho trẻ khiếm thính cần xuất phát từ chính bản thân các em, cần tránh mọi sự can thiệp và áp đặt cứng nhắc từ phía người thường – người không bị khiếm thính.
Buổi thuyết trình đã thu hút được toàn bộ cán bộ của Viện Ngôn ngữ học tham dự. Buổi thuyết trình đã là một diễn đàn cho các nhà khoa học của Viện bày tỏ, trao đổi ý kiến về NNKH và những vấn đề có liên quan.