Vào chiều thứ 5, ngày 6/10/2016, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam".
Vào chiều thứ 5, ngày 6/10/2016, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "
Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam".
Tham dự buổi tọa đàm có các Hòa thượng, Thượng tọa thuộc Ban văn hóa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các sư cô, sư thầy đại diện cho các chùa và đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và học viên cao học. Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Khang đã trình bày báo cáo đề dẫn “
Định hướng đặc trưng Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam”. Báo cáo đã khẳng định ngôn ngữ và tôn giáo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tôn giáo giúp cho ngôn ngữ phát triển và có sức lan tỏa, ngược lại, ngôn ngữ là công cụ truyền đạo, giúp con người hiểu đạo. Ở Việt Nam, Phật giáo có thể phổ độ sâu rộng đến các phật tử ở khắp mọi miền đất nước là nhờ tiếng Việt. Chính tiếng Việt đã góp phần làm nên bản sắc Phật giáo Việt Nam. Ngược lại, Phật giáo cũng góp phần làm cho tiếng Việt thêm phong phú và giàu có. Báo cáo đã chỉ ra hiện trạng ngôn ngữ Phật giáo hiện nay ở Việt Nam rất đa dạng và phức tạp. Do Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng những con đường khác nhau, qua các thời kì khác nhau nên ngôn ngữ sử dụng trong các chùa, trong các cuốn Kinh phật khá đa dạng và không thống nhất (tiếng Hán, chữ hán; tiếng Pali, chữ Pali; tiếng Khơ me, chữ Khơ me; tiếng Việt, chữ Việt). Riêng tiếng Việt cũng sử dụng nhiều loại chữ viết khác nhau tùy thuộc vào từng thời kỳ Phật giáo truyền vào nước ta, có khi viết bằng chữ Hán phồn thể, theo văn ngôn Hán cổ, có khi viết bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ sử dụng trong các chùa, trong các cuốn Kinh Phật ở mỗi địa phương cũng mang đậm màu sắc phương ngữ để phù hợp và dễ hiểu với Phật tử từng vùng miền. Từ hiện trạng trên, GS.TS. Nguyễn Văn Khang đã nêu ra những vấn đề cần thảo luận. Đầu tiên là vấn đề chữ viết ở chùa. Các câu hỏi đặt ra là tên chùa, chữ viết trên cửa chùa, trên các biển chỉ dẫn, trên hoành phi, câu đối nên viết bằng ngôn ngữ gì? Có cần thiết phải Việt hóa, giải nghĩa các hoành phi, câu đối để Phật tử dễ dàng hiểu được ý nghĩa hay không? Sử dụng ngôn ngữ như thế nào để vừa đảm bảo tính tôn nghiêm vừa đảm bảo tính dễ hiểu? Vấn đề thứ hai diễn giả nêu ra là xử lí ngôn ngữ trong các văn bản Kinh Phật như thế nào? Có nên Việt hóa các bản Kinh hiện đang được viết bằng chữ Pali, chữ Hán, chữ Khơ me hay không? Tôn trọng các biến thể trong các phương ngữ hay nên thống nhất ngôn ngữ và cách hành văn theo tiếng Việt chuẩn trong các cuốn Kinh Phật, trong hệ thống thuật ngữ Phật giáo, trong hệ thống từ ngữ xưng hô nhà Phật? GS.TS. Nguyễn Văn Khang cũng cho rằng, nếu căn cứ vào Hiến pháp 2013 về việc hiến định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt thì việc Việt hóa và sử dụng tiếng Việt (cùng với chữ quốc ngữ) theo hướng chuẩn mực, hiện đại của tiếng Việt là một hướng tất yếu của ngôn ngữ Phật giáo. Từ tình hình thực tế ngôn ngữ phật giáo Việt Nam hiện nay, cần xây xây dựng cơ sở khoa học cho việc sử dụng ngôn ngữ trong Phật giáo một mặt nhằm đảm bảo được việc tuân thủ Hiến pháp, mặt khác đảm bảo việc bảo tồn, phát huy giá trị của ngôn ngữ Phật giáo. Việc đưa ra định hướng đặc trưng ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam cùng với những cơ sở để bảo tồn, phát huy ngôn ngữ Phật giáo là việc làm hết sức quan trọng, cấp bách, mang tính lí luận và thực tiễn của Phật giáo Việt Nam.
Xoay quanh các câu hỏi này, các hòa thượng, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về tôn giáo, về ngôn ngữ, về Hán Nôm đã có những ý kiến tranh luận rất sôi nổi. GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ đã điều khiển cuộc thảo luận với nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí trái chiều nhau. Một số ý kiến tập trung phân tích ý nghĩa giá trị truyền thống, tính thiêng của các ngôn ngữ cổ như Hán, Nôm cần được bảo tồn trong ngôn ngữ Phật giáo. Một số ý kiến lại bày tỏ mong muốn Việt hóa, giải nghĩa ngôn ngữ trong các cuốn Kinh phật, các hoành phi câu đối theo hướng vừa giữ tính tôn nghiêm truyền thống của Phật giáo vừa đảm bảo tính giáo dục, phổ quát, dễ hiểu đối với đông đảo Phật tử người Việt.
Mặc dù vẫn còn có những ý kiến trái chiều nhưng cuộc tọa đàm đã mở ra nhưng cách nhìn mới, những hướng đi mới trong việc nghiên cứu và định hướng ngôn ngữ Phật giáo nhằm giúp cho đạo Phật có thể phổ độ ngày càng sâu rộng đến các Phật tử Việt Nam và song hành cùng dân tộc và đất nước trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi thuyết trình: