TẠP CHÍ "NGÔN NGỮ":
40 NĂM PHÁT TRIỂN CÙNG NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
PGS.TS Nguyễn Đức Tồn
(Viện trưởng, Tổng biên tập)
Ngày 14 tháng 5 năm 1968 Viện Ngôn ngữ học được thành lập theo Nghị định 59/ CP của Hội đồng Chính phủ. Sau gần 1 năm, ngày 16 tháng 4 năm 1969, Tạp chí Ngôn ngữ chính thức ra đời. Tháng 9 năm 1969, Tạp chí “Ngôn ngữ” ra mắt số đầu tiên. Sự ra đời của Tạp chí Ngôn ngữ đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng của các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, là cơ quan ngôn luận của Viện Ngôn ngữ học và cũng là diễn đàn chung của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ học nước ta. Tính đến nay, kể từ ngày thành lập, Tạp chí Ngôn ngữ vừa tròn tuổi bốn mươi!
Bốn mươi năm – một chặng đường lịch sử vẻ vang, Tạp chí Ngôn ngữ đã phát triển cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Viện Ngôn ngữ học và ngành Ngôn ngữ học nước nhà!
Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Ngôn ngữ là cố PGS Nguyễn Kim Thản(1969-1976), sau đó là cố GS Hoàng Tuệ (1977 – 1993), PGS.TS Lê Xuân Thại (1994 – tháng 9 năm 1999), và từ cuối tháng 9 năm 1999 đến nay là PGS.TS Nguyễn Đức Tồn.
Bốn mươi năm qua(tính đến tháng 9 năm 2009), Tạp chí Ngôn ngữ đã phát hành được 244 số(trong đó có 7 số phụ chuyên đề mang tên Tiếng Việt), với tổng số hơn 2500 bài của hơn 400 tác giả Việt Nam và nước ngoài, viết về tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, một số ngôn ngữ nước ngoài nói chung, thuộc khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Tạp chí Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu sâu sát và tương đối cập nhật hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam. Qua tạp chí Ngôn ngữ, độc giả có thể thấy được bức tranh toàn cảnh các vấn đề thuộc mọi bình diện của ngôn ngữ được các nhà ngữ học quan tâm, bao gồm: Từ vựng – ngữ nghĩa, Từ điển học, Ngữ pháp học, Phong cách học , Ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số, Lịch sử và phương ngữ tiếng Việt, Ngữ âm học và chính tả tiếng Việt, Ngữ dụng học, Xã hội ngôn ngữ học , Tâm lí ngôn ngữ học và lí thuyết giao tiếp, Ngôn ngữ học đại cương... Có thể nhận thấy một cách khái quát rằng các lĩnh vực chuyên ngành cơ bản, có tính truyền thống của ngôn ngữ học như : từ vựng học, ngữ pháp học, ngữ âm học và phong cách học… vẫn chiếm số lượng bài vào loại nhiều nhất. Đặc biệt, nhằm phục vụ công cuộc cải cách sách giáo khoa theo hướng dạy tích hợp ngữ và văn, với sáng kiến mở chuyên mục Ngôn ngữ trong nhà trường trong mỗi số và ra số chuyên đề Ngữ văn trong nhà trường vào cuối mỗi quý, các bài viết dành cho nhà trường trên Tạp chí Ngôn ngữ đã chiếm một tỉ lệ rất lớn - đứng vào hạng thứ ba. Các chuyên ngành, khuynh hướng lí thuyết hiện đại mới ra đời được các nhà ngôn ngữ học tiếp nhận vào Việt Nam trong mấy chục năm gần đây như: Ngữ dụng học, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tâm lí và lí thuyết giao tiếp, và gần đây là hướng nghiên cứu Ngôn ngữ học tri nhận cũng chiếm số lượng bài rất đáng kể.
Đi sâu vào nội dung cụ thể từng lĩnh vực, có thể thấy rằng về ngữ âm học, bên cạnh những bài viết mang tính chất lí thuyết đại cương như “âm vị học các ngôn ngữ thanh điệu”,”phân chia loại hình ngôn ngữ theo các tiêu chí về âm tiết”, hoặc những bài giải thuyết chung về bản chất của cấu trúc âm tiết, bản chất của thanh điệu tiếng Việt, v.v…, còn có những bài đi vào các hiện tượng cụ thể của ngữ âm tiếng Việt, trong đó có cả những công trình nghiên cứu ngữ âm học thực nghiệm, như nghiên cứu về ngôn điệu, ngữ điệu, hệ thống nguyên âm, hệ thống phụ âm đầu…của tiếng Việt, hiện tượng phát âm lệch chuẩn, v.v…Ngoài ra còn có nhiều công trình viết về ngữ âm của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và một số ngôn ngữ trong khu vực(như tiếng Lào, tiếng Inđônêxia, tiếng Malaixia…).
Trong lĩnh vực ngữ pháp học, các bài viết có nội dung hết sức phong phú, với rất nhiều quan điểm thuộc các lí thuyết ngữ pháp khác nhau: từ ngữ pháp truyền thống, ngữ pháp miêu tả luận, ngữ pháp cấu trúc luận, ngữ pháp trên quan điểm ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân, cho đến ngữ pháp tạo sinh, ngữ pháp chức năng.Trên tạp chí không chỉ có các bài viết về hệ thống ngữ pháp nói chung, mà còn có những công trình khảo cứu về từng mặt, từng khía cạnh của ngữ pháp, đặc biệt là về cú pháp, chẳng hạn: bàn về danh ngữ; về mối quan hệ chủ – vị; về các kiểu câu; cấu trúc đề –thuyết; cấu trúc ngữ nghĩa của câu; mô hình kết trị của động từ tiếng Việt; vấn đề ngữ pháp hoá; việc chọn mô hình miêu tả ngữ pháp tiếng Việt; ngữ pháp và ngữ nghĩa của loại từ, v.v…
Đặc biệt Tạp chí Ngôn ngữ đã mở hai cuộc thảo luận chuyên đề về ngữ pháp tiếng Việt: một về từ, tiếng và hình vị; một về ngữ pháp chức năng. Những cuộc thảo luận mang tính chất sinh hoạt học thuật này đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu và bạn đọc.Tất cả các ý kiến thảo luận đều đã được đăng tải trên Tạp chí. Đặc biệt để hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ góc độ nghề nghiệp, chuyên môn của mình, Tạp chí Ngôn ngữ đã phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH& NV, ĐHQG HN tổ chức thành công tốt đẹp Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề ngôn ngữ học-Ngôn ngữ Hồ Chí Minh-Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam”(ngày 29 tháng 12 năm 2007). Hội thảo đã có tiếng vang lớn, được Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội đánh giá cao.
Địa hạt từ vựng – ngữ nghĩa và từ điển học có số lượng bài viết nhiều nhất và do đó nội dung của các bài viết cũng rất phong phú và hấp dẫn.
Trước hết phải kể đến các bài viết dành cho những vấn đề lí thuyết chung như: tính hệ thống của vốn từ; khái niệm trường và việc nghiên cứu hệ thống từ vựng tiếng Việt; vốn từ tối thiểu; vấn đề định danh ngôn ngữ; vấn đề biên soạn từ điển giải thích trên máy tính; tiếp xúc học và từ điển học; xu hướng Việt hoá và hiện đại hoá từ ngữ tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay…. Có rất nhiều bài viết đã dành cho các nhóm từ vựng có quan hệ với nhau về ngữ âm và ngữ nghĩa, như: từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ tương tự, hiện tượng đồng nghĩa và biến thể của thành ngữ…Hiện tượng cấu tạo từ cũng được đề cập đến trong khá nhiều bài viết, trong đó các từ láy được chú ý khảo sát nhiều hơn cả từ những khía cạnh khác nhau, như: nguồn gốc, phương thức cấu tạo, tính biểu trưng ngữ âm, từ láy tượng thanh, v.v…Các từ ghép cũng rất được chú ý . Nhiều bài viết dành khảo sát các tổ hợp song tiết thuộc các tiểu loại khác nhau (như tổ hợp gồm hai yếu tố trái nghĩa, hoặc các tổ hợp kiểu vui tính, mát tay…), tìm những nhân tố đã quy định trật tự của các yếu tố trong tổ hợp song tiết và cơ chế tâm lí của các tổ hợp song tiết chính phụ. Đặc biệt là có cả những bài viết chỉ ra các thủ pháp phân biệt từ láy với các từ ghép có hình thức giống từ láy, hay nêu các phương pháp để tìm và chỉ ra sự khu biệt về ngữ nghĩa của các từ đồng nghĩa; tiêu chí phân biệt thành ngữ với tục ngữ và vấn đề sử dụng chúng trên sách báo. Các từ nghề nghiệp, tiếng lóng cũng được nhiều tác giả đề cập đến. Các thuật ngữ khoa học được nhiều công trình khảo cứu về sự hình thành và phát triển, cách xây dựng và chuẩn hoá thuật ngữ…
Riêng lĩnh vực ngữ nghĩa thì thành tưụ nghiên cứu khá nở rộ. Nếu như vào những năm bảy mươi của thế kỉ trước, khi Tạp chí mới ra đời, vấn đề ngữ nghĩa chỉ được đề cập đến lẻ tẻ trong một vài bài viết, thì từ thập kỉ tám mươi và đặc biệt là từ thập kỉ chín mươi của thế kỉ XX đến nay, Tạp chí Ngôn ngữ đã công bố ngày càng nhiều công trình thuộc lĩnh vực ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, như: về nghĩa của từ Hán Việt, cấu trúc nghĩa của tính từ và động từ, nghĩa của hư từ; cơ cấu nghĩa của tục ngữ; ngữ nghĩa của các nhóm từ vựng cụ thể; nghĩa của lời; nghĩa của các kiểu câu; bản chất của ẩn dụ và hoán dụ,v.v…
Rất đáng chú ý là qua các bài đã công bố trên Tạp chí Ngôn ngữ, có thể nhận thấy nhiều lí thuyết và phương pháp hiện đại đã được các nhà Việt ngữ học áp dụng để nghiên cứu từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Có thể kể đó là các lí thuyết về trường từ vựng, lí thuyết cấu trúc tham thể của động từ, lí thuyết lô gích mờ, lí thuyết điển mẫu, lí thuyết khung ngữ nghĩa…; phương pháp thực nghiệm liên tưởng và phương pháp xác lập ô trống trong tâm lí ngôn ngữ học, phương pháp thống kê, phương pháp đối chiếu, phương pháp phân tích thành tố nghĩa…
Trong lĩnh vực phong cách học, Tạp chí ngôn ngữ đã công bố hơn hai trăm bài có nội dung đề cập đến những vấn đề về phong cách ngôn ngữ nói chung, phong cách ngôn ngữ của tác giả, tác phẩm nói riêng.Trong số những bài viết ấy, Tạp chí Ngôn ngữ đã dành vị trí xứng đáng với số lượng bài được công bố nhiều đáng kể nghiên cứu về ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là những nghiên cứu ngôn ngữ của các danh nhân và những nhà văn, nhà thơ lớn khác, như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam,Thế Lữ,…, hoặc ngôn ngữ trong các tác phẩm như Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên…; hoặc nghiên cứu ngôn ngữ trong các thể loại và phong cách như: thơ ca, tiểu thuyết, báo chí, chính luận và khoa học…
Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX đến nay, cùng với sự phát triển của ngành ngôn ngữ học Việt Nam, trên Tạp chí Ngôn ngữ đã xuất hiện rất nhiều công trình nghiên cứu thuộc những chuyên ngành và lí thuyết mới của ngôn ngữ học. Đó là những bài viết thuộc lĩnh vực xã hội ngôn ngữ học khảo cứu về vấn đề xưng hô trong các ngôn ngữ; vai xã hội trong giao tiếp; vấn đề song ngữ; cảnh huống và chính sách ngôn ngữ; vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ; vấn đề giới tính và lịch sự trong giao tiếp; ngôn ngữ tự nhiên và vấn đề chuyển mã trong giao tiếp hội thoại; vị thế của tiếng Việt đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam: từ chủ trương, chính sách đến thực tế, v.v…Đó là những bài viết thuộc lĩnh vực tâm lí ngôn ngữ học và lí thuyết giao tiếp nghiên cứu đặc điểm hoạt động ngôn ngữ trên các phương tiện giao tiếp đại chúng, như đài phát thanh, đài truyền hình, báo in và báo điện tử, trong quảng cáo và lời rao hàng…; nghiên cứu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy; nêu phương pháp tính hệ số tương quan tư duy giữa các dân tộc, giữa nam giới và nữ giới. Ngoài ra còn rất nhiều bài viết khác thuộc về ngữ dụng học như: lí thuyết hội thoại; chiến lược từ chối; hành động ngôn từ và lực ngôn trung; hành vi rào đón; điều kiện của hành động ngôn hành tiếng Việt; khả năng sử dụng hành vi ngôn ngữ giao tiếp trong hội thoại của trẻ em lứa tuổi tiểu học, v.v…
Về ngôn ngữ học lịch đại, qua các bài trên Tạp chí Ngôn ngữ, độc giả có thể ghi nhận sự cố gắng rất lớn của các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Nhiều bài viết đã dành nghiên cứu sự cấu tạo, tình hình diễn biến, nguồn gốc hình thành, thời kì xuất hiện của chữ Nôm; về nguồn gốc hình thành và cách đọc của âm Hán Việt; về quá trình hình thành, phát triển và đi đến định hình của chữ Quốc ngữ. Một số bài viết nghiên cứu sự phân kì lịch sử và mối quan hệ cội nguồn của tiếng Việt. Một số công trình nghiên cứu về sự phát triển của tiếng Việt ở từng giai đoạn trên các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, như: về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt thế kỉ XV; về một số đặc điểm ngữ pháp của tiếng Việt thế kỉ XVII; về đặc điểm ngôn ngữ trong văn xuôi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX; về các hư từ tiếng Việt thế kỉ XVI; Hư từ tiếng Việt thế kỉ XV trong Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập ; vấn đề phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ; sự biến hoá của các âm tắc giữa; sự hình thành và phát triển của thanh điệu tiếng Việt,v.v…Tất cả những công trình khảo cứu ấy đã bổ khuyết nhiều chỗ trống trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Về phương diện này, rất đáng quý là những tài liệu mới được sưu tầm và được công bố trên Tạp chí Ngôn ngữ, như bản Cao thượng ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh âm thích- một cứ liệu rất có giá trị về ngữ âm lịch sử. Một số công trình nghiên cứu về các tác phẩm thuộc loại văn bản cổ về tiếng Việt, như: An Nam dịch ngữ; Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh; Quốc âm thi tập; hay các sách vở ghi chép bằng chữ Quốc ngữ của các nhà truyền đạo Thiên chúa.Tác giả của các bài viết đã dành nhiều công sức nghiên cứu, khảo chứng trên các văn bản đó để làm sáng tỏ lịch sử phát triển của tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều bài viết cung cấp các cứ liệu tiếng địa phương và tiếng dân tộc thiểu số có quan hệ cội nguồn hoặc quan hệ tiếp xúc với tiếng Việt để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt ngữ.
Việc nghiên cứu ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn về cả phương diện chính trị lẫn khoa học. Do nhận thức được tầm quan trọng của mảng đề tài này, Tạp chí Ngôn ngữ đã chú ý khuyến khích và công bố kịp thời nhiều công trình nghiên cứu về các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, như: Mường, Tày – Nùng,Thái, Chăm, Chứt, Kơho, Mông, Pà Hưng, Mảng, Lô Lô, A rem, Rục, Nguồn, Pu péo, Tàôi, Bru – Vân Kiều, Êđê, và rất nhiều thứ tiếng khác nhằm phục vụ và thực thi có hiệu quả Quyết định 53/CP của Chính phủ.
Qua các ấn phẩm được công bố trên Tạp chí Ngôn ngữ 40 năm qua, độc giả có thể thấy rất rõ rằng giới ngôn ngữ học Việt Nam đã rất quan tâm đến những vấn đề thực tiễn đời sống ngôn ngữ của đất nước.Chính vì vậy, có thể ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Tạp chí Ngôn ngữ trong việc đưa ngôn ngữ học vào phục vụ đời sống xã hội. Đặc biệt là vấn đề chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có giai đoạn được xem là nhiệm vụ trung tâm của ngành ngôn ngữ học Việt Nam.
Luôn thấm nhuần những tư tưởng cơ bản trong các bài phát biểu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người đã khởi xướng công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và tư tưởng chỉ đạo trong nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm của BCH TƯ Đảng khoá VIII, các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX và X về tiếng Việt và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Ngôn ngữ cùng với Viện Ngôn ngữ học đã không ngừng đẩy mạnh, tăng cường nghiên cứu và công bố kịp thời nhiều công trình lí luận then chốt về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chính số 1 năm 1980, Tạp chí đã dành công bố toàn văn lời phát biểu lần thứ hai (lời phát biểu lần thứ nhất là vào năm 1966) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng một số báo cáo quan trọng khác và tổng hợp nội dung tất cả các ý kiến tham luận của các nhà khoa học đã tham gia Hội nghị giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ tại Hà Nội (tháng 10 năm 1979).
Ngoài việc công bố các công trình nghiên cứu làm sáng tỏ về mặt lí luận bản chất của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, sự khác biệt giữa hoạt động này và sự chuẩn mực hoá ngôn ngữ (nội dung cụ thể về vấn đề này xin xem số tạp chí chuyên đề tháng 1 năm 1980), Tạp chí Ngôn ngữ còn có đóng góp không nhỏ về phương diện thực tiễn của phong trào này. Trước hết Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết nghiên cứu, giải thích, tuyên truyền những nét đẹp của văn hóa Việt và tiếng Việt. Chẳng hạn, các bài: Cái hay của tiếng ta, nhân đọc lại bản dịch Tì bà hành (số 2/1972), Bước đầu tìm hiểu vấn đề đặc trưng nội dung của ngôn ngữ dân tộc (số 2/1974); Tiếng Việt Nam, một chứng cứ hùng hồn của sức sống dân tộc (số 4/1978); Cây lúa, tiếng Việt và nét đẹp văn hoá, tâm hồn Việt Nam (số 5/1999) …Các bài viết hướng dẫn sử dụng từ ngữ và phân tích lỗi dùng từ được công bố trong các chuyên mục: “Sổ tay dùng từ”, “Chữ và nghĩa”; “Gạn đục khơi trong”, “Dọn vườn”…Đó là các bài viết có nội dung thiết thực, dí dỏm, nhẹ nhàng, khiến người đọc thấy hấp dẫn, thích thú, dễ nhớ để sử dụng đúng tiếng Việt.
Trong lời phát biểu lần thứ ba (năm 1999) về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ ra hiện trạng sử dụng tiếng Việt trong nhà trường:“Học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả,về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp…”, và nêu một trong những giải pháp cho thực trạng này là: “Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học, cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử”(Ngôn ngữ, số 6/1999, tr.5). Chính Tạp chí Ngôn ngữ đã góp phần tích cực vào vấn đề này. Đặc biệt là từ số 1 năm 2000 đến nay, Tạp chí Ngôn ngữ đã mở chuyên mục Ngôn ngữ trong nhà trường trong mỗi số, và dành số cuối mỗi quý cho chuyên đề Ngữ văn trong nhà trường. Các bài viết được sử dụng cho chuyên mục và số chuyên đề này không chỉ có nội dung sâu sắc về lí luận mà quan trọng hơn là các tri thức về tiếng Việt(cũng như về tiếng nước ngoài) được kĩ năng hoá, thao tác hoá và được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ đại chúng, dễ hiểu, dễ vận dụng. Chuyên mục Ngôn ngữ trong nhà trường cũng như số chuyên đề Ngữ văn trong nhà trường đã giúp Tạp chí Ngôn ngữ đi vào được nhà trường các cấp và được đông đảo bạn đọc là giáo viên và học sinh trong cả nước, kể cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo…nhiệt liệt hoan nghênh và tham gia viết bài. Trong số các bài viết cho nhà trường, có nhiều bài nghiên cứu về những vấn đề lí luận chung của việc dạy tiếng Việt, như:Dạy học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông( số 8/2001), Giáo dục thẩm mĩ trong giờ tiếng Việt ( số 8/2002), Lý thuyết ngôn ngữ học ứng dụng với việc dạy tiếng Việt ở Việt Nam trước mắt và lâu dài( số 8/2002), Phương diện tâm lí học của giáo học pháp dạy tiếng (số1/2003), Đi tìm một mô hình thoả đáng để dạy – học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai(số 12/2003), v.v…Có nhiều bài bàn riêng về những vấn đề cụ thể của tiếng Việt trong nhà trường, chẳng hạn như: Làm thế nào để viết đúng hỏi, ngã?(số 4/2001); Thủ pháp giúp học sinh phân biệt để nói và viết đúng nên hay lên (số2/2002); Nên hướng cho học sinh phát âm, đọc và nói theo giọng nào(số 4/2002), Về hệ phương pháp dạy nghĩa của từ cho học sinh trung học cơ sở (số1/2000),…
Ngoài ra trong chuyên mục và số chuyên đề này còn có những bài viết về vấn đề dạy tiếng Việt cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những bài hướng dẫn dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác đáp ứng việc giảng dạy ngữ văn trong nhà trường theo hướng tích hợp khi biên soạn sách giáo khoa mới hiện nay, như Tìm hiểu ngôn ngữ văn chương, Phân tích tác phẩm văn chương, Ngôn ngữ và văn hoá, Thiết kế rhử nghiệm bài học ngữ văn, Diễn đàn dạy học ngữ văn, Chữ và nghĩa….
Đặc biệt Tạp chí Ngôn ngữ còn chú ý đăng tải rất nhiều bài nghiên cứu về những lời dạy, những suy nghĩ, và về tấm gương mẫu mực trong việc sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà văn hoá lớn, chẳng hạn như: Ôn lại những lời dạy của Hồ Chủ tịch về cách nói, cách viết (số 2/1970), Những suy nghĩ của Lê Quý Đôn về ngôn ngữ(số 2/1984), Suy nghĩ về cách dùng thành ngữ qua thơ văn của Hồ Chủ tịch(số 3/1973), Câu văn của Bác Hồ (số 4/1970), Bài học về cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh(số 2/1985), Học tập cách viết dễ hiểu của Bác Hồ(số 2/1970), Nguyễn ái Quốc-Hồ Chí Minh với công cụ ngôn ngữ(số 9/2005), Học tập tấm gương sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh : giữ gìn, phát triển nét đẹp truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn hoá thủ đô( số 5/2008), Tiếng Việt trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (số 4/1999); Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm(số phụ, 1980); Ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu(số 3/1972), Tài chơi chữ của Nguyễn Khuyến (số 1/1995), Nguyễn Tuân dùng từ ngữ Hán –Việt(số 3/2005), Thế Lữ với việc rèn giũa thơ văn(số12/2007), v.v…
Trên Tạp chí Ngôn ngữ độc giả còn có thể tiếp nhận nhiều bài viết nhằm cung cấp những căn cứ lí luận và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước, chẳng hạn Chủ nghĩa Mác – Lê nin trong ngôn ngữ học, Ngôn ngữ với chính trị và nhiệm vụ của ngôn ngữ học, Quyết định 53/CP, Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử,v.v…
Nhiều bài viết phổ cập kiến thức khoa học về tiếng Việt và văn hoá Việt cũng như về ngôn ngữ và văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng đã được Tạp chí Ngôn ngữ chú ý đăng tải, nhằm góp phần nâng cao tri thức của nhân dân.
Tạp chí Ngôn ngữ không chỉ là nơi công bố những thành tưụ nghiên cứu và ứng dụng của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam mà còn chú ý giới thiệu những khuynh hướng lí thuyết cùng các phương pháp và thành tưụ nghiên cứu mới của ngôn ngữ học thế giới, góp phần hiện đại hoá nền khoa học nước nhà và có thêm tài liệu phục vụ đào tạo sau đại học. Chẳng hạn, Một số khuynh hướng của ngôn ngữ học Pháp hiện đại; Giới thiệu đặc trưng và phương pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học lí thuyết đương đại Mỹ; Giới thiệu giả thuyết “tính tương đối ngôn ngữ” của Sapir- Whorf ; Nguồn gốc, vấn đề và phạm trù của dụng học; Giới thiệu lí thuyết phân đoạn thực tại; Lí thuyết ba quan điểm của Claude Hagège; George Lakoff và một số vấn đề về lí luận ngôn ngữ học tri nhận; Phân tích diễn ngôn phê phán là gì?, Ngôn ngữ học tri nhận là gì?,v.v…
Với chức năng là diễn đàn chung của cả ngành ngôn ngữ học và của tất cả những người yêu quý tiếng mẹ đẻ, quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển tiếng nói dân tộc, Tạp chí còn công bố nhiều bài viết mang nội dung góp ý, trao đổi, thảo luận,v.v…
Trải qua 40 năm phát triển, Tạp chí Ngôn ngữ đã tập hợp được đội ngũ cộng tác viên đông đảo là các nhà nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học và các chuyên ngành hữu quan. Hơn 60 nhà khoa học nước ngoài đã trực tiếp viết bài cho Tạp chí Ngôn ngữ, trong đó có nhiều nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, như : A.G. Haudricourt, V.M. Solsev, S.E. Yakhontov, Marilin Gregerson, Michel Ferlus, G. Diffloth, I.I. Glebova, L.N. Morev, Jerold A. Edmondson, V.S. Panfilov, v.v…
Cùng với sự phát triển không ngừng về mặt chất lượng, 40 năm qua Tạp chí Ngôn ngữ cũng không ngừng tăng trưởng về mặt số lượng, liên tục tăng trang, tăng kì và số lượng bản phát hành. Chỉ trong vòng mười năm gần đây, Tạp chí đã công bố được một số lượng bài gần bằng số lượng bài được công bố trong 30 năm trước đó: Nếu như 30 năm đầu (1969-1999) Tạp chí công bố được 1300 bài thì chỉ riêng 10 năm gần đây (2000-2009) đã công bố được hơn 1200 bài. Nếu như từ số đầu tiên ra đời tháng 9 năm 1969 đến số 4 năm 1997, mỗi năm Tạp chí ra được 4 số(ba tháng một kỳ), thì đến năm 1998 Tạp chí đã ra được 6 số (hai tháng một kỳ), riêng năm 1999 ra được 9 số để từ tháng 1 năm 2000 cho đến nay ra đều đặn mỗi tháng một số. Số lượng trang của mỗi số không vì thế bị giảm , mà trái lại vẫn tăng!Từ số 1 ra đời tháng 9 năm 1969 đến số 4 năm 1994, mỗi số Tạp chí có 64 trang, từ số 1 năm 1995 đến nay đã tăng lên 80 trang mà chất lượng các bài viết vẫn được đảm bảo. Số lượng phát hành mỗi kì từ mức chỉ vài ba trăm cuốn đã tăng lên hàng nghìn, có những năm hơn ba nghìn. Hiện nay tuy gặp khó khăn, nhưng số lượng và hiệu quả phát hành của Tạp chí Ngôn ngữ vẫn thuộc hạng dẫn đầu, đồng thời còn hỗ trợ phát hành cho các tạp chí khác của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Bốn mươi năm – một chặng đường đã qua đáng để cho chúng ta nhìn lại và tự hào về tất cả những thành tựu to lớn mà ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã đạt được và những gì Tạp chí Ngôn ngữ đã thực hiện được. Bốn mươi năm ấy là bốn mươi năm Tạp chí Ngôn ngữ đã lớn lên và trưởng thành cùng với ngành khoa học nước nhà, là tấm gương phản chiếu khá trung thành những thành tựu nghiên cứu của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam!
Tuy nhiên, Tạp chí Ngôn ngữ cũng còn có nhiều thiếu sót không tránh khỏi trong quá trình phát triển. Trước hết, không thể không thừa nhận nội dung các bài trên Tạp chí Ngôn ngữ còn có phần khó hiểu đối với công chúng rộng rãi do tính chất của một tạp chí chuyên ngành, nhưng lại có rất nhiều nội dung rất cần thiết và được xã hội hết sức quan tâm, thậm chí đối với cả những người vốn không phải là các nhà ngôn ngữ học. Do đó, trong thời gian tới, Tạp chí cần có sự kết hợp hài hoà giữa tính chất “hàn lâm” với tính chất “đời sống” bằng cách đa dạng hoá nội dung. Đồng thời Tạp chí cũng cần chú ý giới thiệu nhiều hơn nữa thành tựu mới của các chuyên ngành lí thuyết hiện đại, như ngôn ngữ học thần kinh, ngôn ngữ học ngữ liệu, ngôn ngữ học máy tính, ngôn ngữ học tri nhận, v.v…, phục vụ trực tiếp và có hiệu quả hơn nữa những vấn đề đang được thực tiễn đời sống ngôn ngữ của đất nước đặt ra, như vấn đề chính sách ngôn ngữ và chuẩn hóa tiếng Việt, xây dựng và cải tiến chữ viết cho các dân tộc thiểu số, dạy tiếng Việt trong nhà trường…Tạp chí cũng cần cải tiến hình thức cho đẹp hơn, hấp dẫn hơn để tương xứng với chất lượng nội dung.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Ngôn ngữ đã vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành về mọi mặt, từng bước lớn lên cùng với ngành Ngôn ngữ học nước nhà, đồng thời luôn bám sát và phục vụ tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực ngôn ngữ nói riêng, trên mặt trận văn hoá - tư tưởng nói chung. Với những thành tích đã đạt được, năm 1985 nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập, Tạp chí Ngôn ngữ đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, và vào dịp kỉ niệm 30 năm thành lập (năm 2000)được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Từ đó đến nay, hàng năm Tạp chí Ngôn ngữ đều vẫn được Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tặng Bằng khen là Tập thể lao động xuất sắc.
Tạp chí Ngôn ngữ sẽ tiếp tục phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với những phần thưởng cao quý đã được Đảng và Nhà nước, Viện Khoa học xã hội Việt Nam trao tặng, không phụ niềm tin yêu của các nhà ngôn ngữ học và bạn đọc trong cả nước./.