Trước thềm Lễ kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Ngôn ngữ học, vào một buổi chiều cuối tháng 4 năm 2013, tại Phòng Thông tin -Thư viện, Viện ngôn ngữ học, có cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ tiền nhiệm và kế nhiệm nhằm ôn lại Lịch sử - Truyền thống của Phòng.
Trong phòng đọc nhỏ thôi, nhưng gọn gàng, sáng, mát, giữa những giá sách lớn được xếp ngay ngắn, qua lời kể của các chị Phi Tuyết Hinh, chị Nguyễn Thục Khánh, chị Lương Thị Bích Thuý, những người nguyên là Trưởng phòng Thông tin - Thư viện, và lời kể qua điện thoại của cô Vũ Thị Ngọc Bảo ( cô Bảo hiện nay đã 80, đang sống cùng con, cháu tại Thành phố Hồ Chí Minh), người trưởng phòng đầu tiên, một trong những cán bộ kì cựu nhất của Viện Ngôn ngữ học, từng "trang lịch sử" của Phòng được bồi hồi lần dở.
I. Về tên gọi
Tuỳ theo yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn mà Phòng Thông tin - Thư viện có những tên khác nhau. Từ năm 1968 đến những năm 70 thế kỉ trước, Phòng mang tên Phòng Tư liệu - Thư viện. Cuối những năm 80 phòng được đổi thành Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện; đến những năm 1990 lại được đổi là Trung tâm Thông tin - Tư liệu và ứng dụng tin học. Sau đó Phòng được đổi tên thành Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện. Đầu năm 2013, Phòng có tên Phòng Thông tin - Thư viện.
II. Sự hình thành và phát triển của Phòng Thông tin - Thư viện qua các giai đoạn.
1. Giai đoạn hình thành
Hoạt động tư liệu - thư viện đã có từ trước khi Viện ngôn ngữ học được thành lập. Thời đó bộ phận Tư liệu - Thư viện thuộc Tổ Ngôn ngữ học của Viện Văn học. Cô Yến phụ trách bộ phận này. Hoạt động của bộ phận có sự phối hợp của các cán bộ nghiên cứu trong tổ Ngôn ngữ học. Bác Hoàng Phê chỉ đạo việc mua sách; hướng dẫn quy cách chọn từ, làm phiếu từ...
Năm 1968 Viện Ngôn ngữ học được thành lập, cũng từ đó hình thành Phòng Tư liệu - Thư viện. Cô Vũ Thị Ngọc Bảo được giao phụ trách Phòng. Thời kì này chiến tranh, sơ tán, Phòng phải di chuyển không dưới 6 lần. Khi thì Hà Tây, khi thì Hà Bắc lại ở trong nhà dân nên Phòng gặp rất nhiều khó khăn từ việc tổ chức đời sống đến mua sách, bảo quản tư liệu, làm tư liệu...Công tác tư liệu - thư viện lúc này cũng chủ yếu là kiêm nhiệm. Cô Bảo vừa biên soạn từ điển vừa phụ trách phòng. Chú Lê Xuân Thại, chú Vương Toàn vừa nghiên cứu vừa giúp thêm việc bổ sung sách, đặc biệt là sách ngôn ngữ tiếng nước ngoài. Những người tham gia làm công tác tư liệu - thư viện có chú Kim Anh, chú Mai Như Thước, cô Đặng Kim Thanh, cô Mỹ, cô Đào, cô Kiên.
Mặc dù mới được thành lập, trong điều kiện sơ tán thiếu thốn, gian khổ, Phòng Tư liệu - Thư viện đã xây dựng được tủ sách chuyên ngành ngôn ngữ học gồm các thứ tiếng Việt, Nga, Trung và một số đầu sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoài ra còn có các tác phẩm văn học Việt Nam dùng để chọn từ cho bộ phiếu tư liệu từ điển. Phòng còn có tủ tư liệu dịch khoảng vài trăm cuốn thuộc các tác phẩm ngôn ngữ học kinh điển Nga, Anh, Pháp.
Đặc biệt là bằng sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ nhân viên Viện Ngôn ngữ học, trong đó có sự cần mẫn, tỉ mỉ của cán bộ, nhân viên Phòng Tư liệu - Thư viện, điều kì diệu đã xảy ra: " kho" tư liệu Việt gồm hai triệu phiếu tư liệu từ điển đã hình thành. Bộ phiếu này tạm đủ cho việc biên soạn từ điển.
2. Giai đoạn phát triển.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước cho đến nay Phòng Thông tin - Thư viện mở rộng chức năng, nhiệm vụ (thêm chức năng thông tin, ứng dụng công nghệ tin học), các cán bộ cũng đông hơn và chuyên môn hoá cao hơn. Sau đây chúng tôi xin đề cập đến các mảng công tác của Phòng giai đoạn này.
a. Mảng Tư liệu Việt
Từ năm 1974, cô Bảo được bổ nhiệm Phó Phòng, đến năm 1978 cô là Trưởng Phòng, năm 1989 cô nghỉ hưu. Là trưởng phòng, cô Bảo vừa chỉ đạo chung vừa làm công tác thông tin, hiệu đính tài liệu dịch, ngoài ra vẫn tiếp tục biên soạn từ điển. Giúp cô Bảo quản lí Phòng lúc này có chị Phi Tuyết Hinh. Chị Hinh về Phòng năm 1976 phụ trách mảng tư liệu Việt. Đến năm 1979 chị được bổ nhiệm Phó phòng. Năm 1990 chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đề tài " Giá trị biểu trưng của khuôn vần trong từ láy tiếng Việt" do Giáo sư Hoàng Tuệ hướng dẫn. Có thể nói cũng nhờ làm công tác tư liệu - thư viện mà chị Hinh có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu hơn như: thống kê, phân loại, sắp xếp tư liệu... Khi cô Bảo nghỉ hưu, chị thay cô Bảo làm Trưởng Phòng Đến năm 1996 chị chuyển sang làm công tác nghiên cứu tại Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng.
Công tác lớn nhất của Phòng lúc đó là cải tạo kho phiếu tư liệu từ điển. Kho phiếu tư liệu từ điển có vai trò rất quan trọng: vừa cung cấp tư liệu để làm từ điển tiếng Việt và các loaị từ điển khác như Từ điển thuật ngữ, Từ điển từ đồng âm, Từ điển từ láy, Từ điển chính tả, Từ điển thành ngữ...ngoài ra các công trình nghiên cứu khác cũng lấy tư liệu từ kho phiếu đó. Tuy nhiên tình trạng phiếu lúc này chưa ổn, cần phải cải tạo lại. Nhiều phiếu sai sót do khâu chép phiếu không thể kiểm soát được, nhiều phiếu ẩm mốc hư hỏng do thời sơ tán không bảo quản được...nên không đủ tin cậy để làm tư liệu biên soạn từ điển, hoặc khi cần trích dẫn. Thời gian cải tạo phiếu kéo dài đến 4, 5 năm, người chịu trách nhiệm chính công tác này là chị Phi Tuyết Hinh. Cùng làm với chị Hinh có các cán bộ nghiên cứu mới về Viện và một số cán bộ hợp đồng như bác Kim (bảo quản kho phiếu, xếp phiếu và cho mượn phiếu), bác Tuyên, bác Minh, bác Khang (chép phiếu). Sau này kho phiếu do chị Đào Như Lí và chị Trần Liên Minh phụ trách. Về công tác cải tạo phiếu, chị Phi Tuyết Hinh nói " Bạn thử tưởng tượng xem, mỗi tuần làm việc 6 ngày, mỗi ngày đủ 8 tiếng, từ sáng đến chiều, suốt ngày đọc phiếu, phát hiện sai sót, đối chiếu và sửa, hết hộp phiếu này đến hộp phiếu khác, khoảng 1000 hộp, mỗi hộp khoảng 2000 phiếu. Nhìn bên ngoài dễ thấy đó là một công việc tẻ nhạt và nhàm chán. Nhưng tôi lại thấy thích thú. Mỗi lá phiếu chép một câu trích trong một tác phẩm văn học nào đó tôi đã từng đọc hoặc biết qua, vì thế, chúng luôn gợi cảm giác như được gặp lại những người bạn cũ thân quen". Vừa cải tạo, vừa bổ sung phiếu hằng năm, cho đến năm 2008, bàn giao cho Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, kho phiếu tư liệu đã lên đến ba triệu phiếu".
Bên cạnh việc làm phiếu tư liệu, Phòng cũng sưu tầm các bài nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu tiếng Việt trên báo, tạp chí không chuyên để cho ra mắt cuốn "Lượm lặt ngôn ngữ" dày trên 200 trang. Các bài nghiên cứu được phân theo các chủ đề: ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học, ngôn ngữ dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt... Tên cuốn sách đã thể hiện tinh thần cần mẫn, tỉ mỉ của cán bộ Thông tin - Tư liệu - Thư viện. Như những con ong chăm chỉ, hằng ngay, các cán bộ thư viện thu lượm từng bài viết lẻ tẻ trên báo chí tập hợp lại, làm giàu thêm kho tư liệu của mình nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiên cứu. Hoạt động này đến nay vẫn được Phòng duy trì tốt. Phòng còn làm tư liệu phục vụ các công trình lớn của Viện trong từng giai đoạn như: Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Chính sách ngôn ngữ; Lịch sử chữ quốc ngữ...
Ngoài ra Phòng còn xây dựng bộ phiếu thư mục. Bộ phiếu này là cơ sở cho việc biên soạn cuốn "Thư mục Ngôn ngữ học việt Nam Việt - Anh, Pháp - Nga", năm 1994 do Nguyễn Như Ý chủ biên. Tham gia biên soạn là cán bộ Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện. Chị Phi Tuyết Hinh phụ trách thư mục tiếng Việt, chị Khánh chịu trách nhiệm thư mục tiếng Nga, chị Việt Hà phụ trách thư mục tiếng Anh, chú Đặng Công Toại phụ trách phần tiếng Pháp.
b. Mảng Thông tin và tư liệu dịch
Mảng này do chị Nguyễn Thục Khánh phụ trách. Chị Khánh về viện từ năm 1979 và được phân công làm việc tại Thư viện, quản lí tư liệu dịch. Từ năm 1991 chị được bổ nhiệm Phó phòng. Năm 1996 -1997 chị là Trưởng phòng. Năm 1998 chị chuyển sang công tác nghiên cứu và về hưu năm 1999.
Ngoài việc quản lí tư liệu dịch, chị Khánh đã tổ chức dịch tài liệu rất tốt. Cùng làm dịch thuật với chị Khánh, trong Thư viện còn có chú Nguyễn Trọng Báu, chú Đặng Công Toại, chị Việt Hà, chị Tuyên, chị Hoàng Thị Nhung, chị Nguyễn Kim Loan... Chị Khánh vừa cùng các cán bộ nói trên trực tiếp dịch tài liệu, vừa mời các cộng tác viên bên ngoài dịch, sau đó mời người hiệu đính. Các tài liệu được dịch là các phần, các chương còn thiếu trong các tác phẩm kinh điển về ngôn ngữ học như cuốn "Ngôn ngữ học đại cương" của Viện HLKH Liên Xô; dịch tiêu đề các bài nghiên cứu ngôn ngữ trên các tạp chí ngôn ngữ tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán ( sau này tạp chí tiếng Hán do chị Trần Thị Ngọc Bích, dịch) sang tiếng Việt. Các bài dịch sách của cán bộ thư Viện được tập hợp lại thành tuyển tập có tên là "Các công trình ngôn ngữ học nước ngoài". Hiện nay tần số sử dụng tuyển tập này vẫn rất cao. Không chỉ các nghiên cứu viên trong Viện tham khảo mà các nghiên cứu sinh, các nhà ngôn ngữ học kì cựu cũng mượn tham khảo.
Thời kì này, một điều đáng ghi nhận, thể hiện sự công phu, tâm huyết của cán bộ Thư viện với nghề là đã sưu tầm, tập hợp được một hệ thống thuật ngữ ngôn ngữ học Nga - Việt, Anh - Việt giúp bạn đọc tra cứu tại phòng đọc, sau này hệ thống thuật ngữ trên đã được số hoá bằng một phần mềm riêng giúp tra cứu dễ dàng. Ngoài ra, Thư viện còn giúp lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học làm công tác đối ngoại như giúp viết thư cho các đối tác nước ngoài....
Ngoài việc làm các nghiệp vụ về thông tin, tư liệu, thư viện và dịch tài liệu, cán bộ Phòng Thông tin - Thư viện còn tham gia nhiều vào công tác nghiên cứu. Ví dụ như tham gia đi điền dã lấy tư liệu cho đề tài nghiên cứu "Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"; làm các công trình cấp viện: "Miêu tả cử chỉ, điệu bộ của người Việt trong giao tiếp" do chị Phi Tuyết Hinh làm chủ nhiệm, các cán bộ thư viện vẫn tham gia viết bài cho Tạp chí Ngôn ngữ như chị Hinh, chú Toại...
c. Mảng Thư viện
Mảng thư viện có chú Lê Đức Nhân, chị Lương Thị Bích Thuý, cô Đoàn Nguyên Hạnh, chị Trương Thị Bình, chị Đặng Hoàng Hải...Chú Lê Đức Nhân là một trong những người công tác lâu năm tại Phòng. Thời chú làm thủ thư, Viện Ngôn ngữ học còn ở 20 Lí Thái Tổ. Cơ sở vật chất lúc này vô cùng khó khăn, kho sách kiêm phòng làm việc của chú là những miếng ván ghép lại ở cầu thang như một cái chuồng chim. Chú Lê Đức Nhân trong tâm trí mọi người thời đó là một người nhỏ bé, gầy yếu nhưng vô cùng tận tuỵ với công việc. Suốt ngày chú hì hụi trên cái "tổ chim nhỏ bé" của mình với sách, hết cho mượn, lại làm kĩ thuật, sắp xếp kho sách...
Năm 1999, chị Khánh nghỉ hưu, trưởng phòng là chị Lương Thị Bích Thuý. Chị Thuý là cử nhân tiếng Nga, sau chị học thêm văn bằng hai là cử nhân Thư viện. Thời chị Thuý làm trưởng phòng có chị Đặng Hoàng Hải là thủ thư phòng mượn, chị Trần Thị Ngọc Bích làm thủ thư phòng đọc, ngoài ra còn có chị Nguyễn Kim Loan, chị Hoàng Thị Nhung vừa có nhiệm vụ biên dịch tiếng Pháp, vừa bổ sung sách, báo tạp chí tiếng Việt, tiếng nước ngoài và chị Trương Thị Bình làm nhiệm vụ phục chế tài liệu. Chị Thuý làm trưởng Phòng Thông tin - Thư viện hơn mười năm, từ 1999 đến tháng 1 năm 2011.
Hoạt động của nổi bật của mảng Thư viện thời kì này là tin học hoá . Hàng chục nghìn đầu sách, tạp chí tiếng Viêt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán được các cán bộ thư viện nhập vào máy tính với đầy đủ 7 yếu tố: tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang, phụ chú, tùng thư... Hiện nay Thư viện quản lí hệ thống dữ liệu bằng hai chương trình CDS/ISIS và WIN/ISIS với hơn 20 nghìn biểu ghi bằng tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán (sách, bài trích sách, báo, tạp chí...các thứ tiếng vừa nêu). Nhờ tin học hoá mà việc tra cứu dễ dàng hơn, nhanh hơn rất nhiều. Mặc dù vậy Thư viện vẫn duy trì Tủ mục lục truyền thống để bảo quản dữ liệu được an toàn.
Chị Thuý là người rất giỏi tin học, nên không chỉ tổ chức cho cán bộ thư viện số hoá tài liệu, chị còn tổ chức sưu tập và chế bản thành công Tuyển tập Nguyễn Kim Thản, Hoàng Văn Hành v.v . Nét nổi bật ở chị Thuý là chị có trí nhớ rất tốt. Nhiều cuốn sách trong kho được chị nhớ chi tiết. Bạn đọc đến tra cứu đôi khi nhớ không chính xác, tên tác giả, tên sách... đều nhờ chị nhắc nhở mà tìm được tài liệu. Thậm chí chí Thuý còn nhớ cuốn sách đó được mua năm nào, bìa màu gì, xếp ở góc nào trong kho.
Phòng còn phục chế tài liệu dịch về Ngữ âm học, Ngữ nghĩa học, Những vấn đề từ điển học v.v có đối chiếu với bản gốc. Nổi bật nhất là năm 2005, tập thể cán bộ Phòng đã nhận được phần thưởng "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" với công trình tin học hoá (danh mục các bài trích sách tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung và các bài tạp chí Ngôn ngữ)
Có thể nói sự phức tạp của cơ chế thị trường thời đổi mới không phải không dội vào viện Ngôn ngữ học, dội vào Phòng Thông tin - Thư viện. Viện Ngôn ngữ học lúc này có những đấu tranh, phân hoá nhất định. Năm 2008, viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam được thành lập, một số lớn cán bộ Viện Ngôn ngữ học chuyển sang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt nam. Một số cán bộ Phòng Thông tin - Thư viện cũng chuyển sang viện mới (chị Hoàng Thị Nhung, chị Đặng Hoàng Hải), chị Thuý vẫn thuỷ chung cùng Viện Ngôn ngữ học. Do san sẻ lực lượng, Phòng được bổ sung thêm một số cán bộ mới: Chị Lưu Thị Tuyết Hiên về công tác tại Thư viện tháng 11 năm 2008; chị Vũ Thị Thanh Tư về tháng 4 năm 2009; anh Nguyễn Thanh Tuấn về tháng 6 năm 2010 (năm 2011 chị Thuý nghỉ hưu, anh Tuấn thay chị Thuý làm Trưởng Phòng) và chị Lê Thanh Hương về tháng 8 năm 2012. Với nhân sự mới, người thì mới ra trường, người chưa biết gì về nghiệp vụ thư viện, chị Thuý đã rất vất vả hướng dẫn, chỉ bảo chúng tôi về nghiệp vụ. Chị mở các lớp tập huấn cho chúng tôi phần mềm quản lí thư viện CDS/ISIS. Không phụ công chị chúng tôi nhanh chóng tiếp cận và phát triển công việc này. Hiện nay phần mềm thư viện đã được nối mạng LAN với tất cả các máy của các phòng nghiên cứu. Ai muốn tra cứu tài liệu có khi không cần xuống Thư viện mà ngồi tại phòng cũng có thể tra cứu được.
Phòng chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng chúng ta là những người giàu có nhất Viện Ngôn ngữ vì chúng ta được quản kho của cải lâu đời và có giá trị nhất của viện. Không những thế chúng ta còn thường xuyên bổ sung, làm giàu thêm kho của cải đó. Hiện nay, Thư viện có gần 20.000 đầu sách ngôn ngữ bằng các ngữ Việt, Anh, Nga, Hán, Pháp...Thư viện đã bổ sung được những sách quý hiếm như "Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam" của Lê Văn Lí, "Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam"..., cùng các bộ Từ điển Bách khoa về ngôn ngữ bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán: Britanica 32 tập; Dictionaire de la Language 16 tập; Grand Larousse Encyclopedique 9 tập, ngoài ra còn rất nhiều tư liệu nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ và Việt ngữ...
III. THAY LỜI KẾT
1. Về tiêu đề bài viết
Khi viết bài này, chúng tôi băn khoăn không biết nên đặt tiêu đề nào đây! Là "Phòng Thông tin - Thư viện 45 năm xây dựng và phát triển" ư? Có vẻ to tát quá, có vẻ cứng quá! Là Phòng Thông tin -Thư viện ngày ấy, bây giờ? Hình như hơi "sến"? Cuối cùng chúng tôi quyết định tạm chọn tiêu đề " "Phòng Thông tin - Thư viện, những chặng đường đã qua." Thực ra tiêu đề nào cũng không thật sự quan trọng, điều quan trọng là các thế hệ cán bộ Phòng Thông tin - Thư viện chúng tôi được ôn lại truyền thống của Phòng, được kết nối tình thân mến.
2. Tư liệu cho bài viết
Viết bài này chúng tôi sử dụng tư liệu do cô Vũ Thị Ngọc Bảo, chị Phi Tuyết Hinh, chị Nguyễn Thục Khánh và chị Lương Bích Thuý kể lại. Khi cô Bảo điện thoại từ Thành phố Hồ Chí Minh ra nói chuyện, nghe giọng cô vẫn khoẻ, vẫn trong và phát âm rất chuẩn giọng Hà Nội, trong lòng chúng tôi bỗng cảm thấy vui vui. Vì như vậy là cô vẫn khoẻ, vẫn minh mẫn dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Mấy chục năm đã trôi qua, có những điều cô Bảo cũng đã quên, nhưng để viết về Phòng mình, cô Bảo vẫn nhớ lại và nhiệt tình cung cấp thông tin thời cô công tác cho chúng tôi. Cô Bảo còn điện cho một số cô chú cùng thời để hỏi thêm, xác nhận lại những điều cô e là không hoàn toàn chính xác. Chị Hinh, chị Khánh, chị Thuý, khi chúng tôi điện thoại xin phép gặp để hỏi thông tin về Phòng Thư viện, các chị cũng rất vui vẻ, nhiệt tình. Sợ mất thời gian của chúng tôi, các chị còn hẹn nhau cùng đến Phòng vào 14h30 ngày 25 tháng 4 / 2013 để nói chuyện với chúng tôi. Sau đó còn có gì cần bổ sung, điều chỉnh các chị lại gọi điện đến.
Cách hành xử vừa trách nhiệm, vừa tình cảm của cô Bảo và các chị khiến chúng tôi thật cảm động. Chúng tôi chợt nghĩ ra rằng: Sau gia đình và những người ruột thịt là bạn bè thời thơ ấu :
" Chăn trâu cắt cỏ trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều" (Đồng Đức Bốn)
Là đồng nghiệp mấy chục năm công tác, gắn bó cùng đồng cam, cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi thực hiện một nhiệm vụ. Có khác gì anh chị em một nhà! Học tập thế hệ tiền bối, chúng tôi sẽ sống với nhau thật tốt, cùng chung vai góp sức thực hiện nhiệm vụ thông tin - thư viện, cùng xây dựng mái nhà chung là Viện Ngôn ngữ học. "Thời gian cứ trôi, tình người còn mãi" (Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn), đó chính là món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.
Đôi khi "lực bất tòng tâm", chấp bút viết bài này chúng tôi những muốn bài viết truyền tải được nhiều nhất, chính xác nhất những sự kiện, những gương mặt một thời của Phòng Thông tin - Thư viện, nhưng viết xong rồi mà chúng tôi vẫn thấy thiếu, thấy chưa ổn. Ví như chúng tôi không thể kể ra hết những công việc, những sự kiện Phòng đã làm, mà chỉ nêu những việc nổi bật nhất ở mỗi thời kì; có những điều có khi rất đáng đề cập lại bị bỏ sót; còn nhiều người từng công tác tại Phòng lại chưa được nhắc đến; sắp xếp các sự kiện chưa chắc đã hợp lí; rồi câu từ, diễn đạt v.v. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý của cô Bảo, chị Hinh, chị Khánh, chị Thuý cùng toàn thể những người đã từng công tác tại Phòng Thông tin - Thư viện, những tên tuổi được nhắc đến trong bài viết này, cả những người chưa được nhắc tên và những người yêu mến Phòng chúng tội. Chúng tôi thành thật mong được mọi người thông cảm cho những thiếu sót, chưa ổn nói trên.