Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc của Viện Ngôn ngữ học (ngày 26-27/11/2009) đã thu hút sự quan tâm của báo giới. Đài truyền hình Việt Nam (VTV), VOV TV, các báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, Đài tiếng nói Việt Nam , Công an nhân dân, ...đã đưa tin kịp thời.
Dưới đây xin giới thiệu tin từ Báo Tuổi trẻ
Bảo vệ tiếng Việt bắt đầu từ nhà trường
TT - Nếu dùng "khiếm thính", "khiếm thị" trong văn bản chính thức thay cho "điếc", "mù" thì sẽ tìm từ nào tương ứng thay cho "câm" để khỏi mang tiếng "kỳ thị người khuyết tật"?
Từ chuyện tưởng rất nhỏ và cá biệt đó đến chuyện vĩ mô như "Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020" của Chính phủ đều đã được các nhà khoa học bàn cãi khá sôi nổi trong hội thảo quốc gia "Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" vừa kết thúc ngày 27-11 tại Hà Nội.
Tiếng Việt lai căng
Tuy không chủ tâm phản ánh tình trạng "loạn ngôn" trong sử dụng tiếng Việt mà báo chí và công luận đã đề cập khá nhiều, nhưng vì các báo cáo khoa học đều có tính khảo cứu nên các nhà khoa học đã phải dẫn chứng lại không ít trường hợp cười ra nước mắt khi vấp phải việc sử dụng tiếng Việt ngô nghê, lệch lạc, bí hiểm, "hiểu được chết liền".
Có nhiều lý do được đưa ra để mổ xẻ: tác động của quá trình đô thị hóa và hội nhập, trình độ của người sử dụng ngôn ngữ, tâm lý tự ti ngôn ngữ vì nghĩ mình thuộc nền văn hóa nhỏ..., nhưng tập trung nhất vẫn là vì chưa có chính sách ngôn ngữ tương xứng ở tầm quốc gia, đặc biệt là xác định trọng tâm của việc dạy tiếng Việt cho trẻ em từ tiểu học.
Nhìn trực diện vào bề nổi của hiện trạng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn, các nhà nghiên cứu Vũ Kim Bảng, Văn Tú Anh, Vũ Thị Hải Hà, Nguyễn Công Ðức, Ðinh Lư Giang... mổ xẻ cách dùng tiếng Việt bất nhất, lai căng và lộn xộn trong tên tắt của các doanh nghiệp, trong phát âm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giao tiếp trên mạng của thanh thiếu niên, thậm chí trong cả văn bản hành chính - công vụ.
Có nhiều ý kiến bàn bạc xung quanh tham luận "Xác định lỗi phát âm khi dạy đọc - nói cho học sinh tiểu học" của Lê Thanh Nhàn. Các ý kiến thống nhất cho rằng nên chuẩn hóa chữ viết và tôn trọng cách phát âm địa phương. GS Hồ Ngọc Ðại nhấn mạnh tiếng Việt của ta vô cùng giàu đẹp, có giá trị và tha thiết kiến nghị chúng ta cần thống nhất cách gọi tên các chữ cái Việt và gọi theo âm của ta: a, bờ, cờ...
Chính sách ngôn ngữ - vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia
Kể từ hội nghị khoa học toàn quốc về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” (năm 1979) và hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển” (năm 1993) đến nay, đã gần 20 năm mới lại có một hội nghị toàn quốc về ngôn ngữ. Nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn về việc “suy thoái” ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đều khẩn thiết mong có những chính sách từ cấp cao nhất để có những giải pháp cơ bản và lâu dài bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa ngôn ngữ. GS Nguyễn Văn Khang cho rằng: “Theo cách nhìn truyền thống, chính sách ngôn ngữ chỉ được nhìn nhận là một bộ phận của chính sách dân tộc, thì ngày nay chính sách ngôn ngữ có quan hệ đến hàng loạt vấn đề: dân tộc, tôn giáo, văn hóa truyền thông, giáo dục, an ninh quốc phòng và trở thành một vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia”.
Nguy cơ độc tôn tiếng Anh
Khía cạnh tâm lý "tự ti ngôn ngữ" đã được các nhà nghiên cứu Bùi Hiền, Lê Hùng Tiến, Nguyễn Thiện Giáp... chỉ ra rất thẳng thắn khi phê phán "Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020". Các nhà khoa học đều cho rằng việc độc tôn tiếng Anh trong trường phổ thông sẽ giết chết sự đa dạng ngôn ngữ, đa dạng văn hóa và thậm chí cả tiếng Việt.
Ði sâu vào phân tích từng khía cạnh cụ thể, nhà nghiên cứu Lê Hùng Tiến cung cấp những chứng cứ khoa học cho thấy chương trình mới của Bộ GD-ÐT dạy tiếng Anh từ lớp 3 là không thực tế, gây lãng phí và đề nghị tập trung xây dựng tốt chương trình ngoại ngữ bảy năm. Tác giả cũng kiến nghị cần tiến hành các cơ sở khoa học chắc chắn trước khi cải cách chương trình, biên soạn sách, đào tạo giáo viên. Ý kiến này được nhiều đại biểu tán thành.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng cũng khẳng định "Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020" của ta phi lý vì chưa xác định được mục tiêu học ngoại ngữ. Các GS Hồ Ngọc Ðại, Nguyễn Thiện Giáp đều nhấn mạnh tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ giảng dạy, tùy từng chuyên ngành ở một số trường đại học hiệu trưởng có thể quyết định dạy bằng tiếng Anh nhưng không được ghi vào luật.
Việt hóa không thống nhất
Tham luận của tác giả Nguyễn Trung Thuần đặt vấn đề "Tiếng Việt trong công nghệ thông tin" thu hút nhiều sự quan tâm. Tác giả nêu hàng loạt tồn tại trong việc chuyển ngữ, Việt hóa các thuật ngữ công nghệ thông tin. Ðặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều trang mạng xã hội được người Việt Nam tham gia, nhưng cách Việt hóa không thống nhất làm bức tranh tiếng Việt trong lĩnh vực này hiện đang xa lạ với tiếng Việt, thậm chí còn tối nghĩa. Ðây thật sự là vấn đề cần thiết, PGS.TS Vũ Kim Bảng cho rằng trong lĩnh vực này mỗi hãng công nghệ thông tin có một cách lựa chọn để dịch sang tiếng Việt các thuật ngữ. Có lẽ ta cần phải có một bộ phận định hướng chuẩn về thuật ngữ công nghệ thông tin và nên biên soạn một bộ từ điển thuật ngữ công nghệ thông tin để làm công cụ chung.
Thực tế này cho thấy lâu nay công cuộc nghiên cứu và hoạch định chính sách ngôn ngữ của chúng ta đã quá xa rời so với diễn biến và phát triển của ngôn ngữ trong xã hội, nhất là ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ chuyên ngành.
GS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, cùng nhiều nhà ngôn ngữ học kiến nghị: "Nhà nước cần xây dựng một chính sách ngôn ngữ: về mặt pháp lý cần triệt để, nghiêm túc bảo đảm và thực hiện quyền bình đẳng giữa các ngôn ngữ ở Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngôn ngữ có được quyền bình đẳng trong thực tế. Cụ thể là các dân tộc có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong các phạm vi giao tiếp...
Ðã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ...".
VIỆT HOÀI - LAM ĐIỀN
( Nguồn: Báo Tuổi trẻ)