GS.TS NGND Nguyễn Tài Cẩn, một đại thụ của nền ngữ học nuớc nhà, thầy giáo của nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và quốc tế, đã từ trần hồi 19g10 phút (giờ Hà Nội) ngày 25 tháng 2 năm 2011 tại nhà riêng (Maxcơva), hưởng thọ 86 tuổi.
Viện Ngôn ngữ học, Tạp chí "Ngôn ngữ" vô cũng thương tiếc báo tin:
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 22 tháng 5 năm 1926 tại làng Thượng Thọ xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ; Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Giáo sư Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, do tuổi cao sức yếu đã từ trần hồi 19 giờ 10 phút ngày 25 tháng 2 năm 2011 (tức ngày 23 tháng Giêng năm Tân Mão) tại nhà riêng ở Maxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga; Tang lễ cử hành tại Maxcơva.
Lễ truy điệu tại Việt Nam sẽ có thông báo tiếp theo.
Viện Ngôn ngữ học- Tạp chí "Ngôn ngữ"
Xin trân trọng giới thiệu đôi nét về tiểu sử:
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn:
1. Sơ lược về tiểu sử
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2/5/1926 (năm Bính Dần) tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), Thanh Chương, Nghệ An.
Lúc nhỏ, ông tiếp thụ Hán học trong một gia đình Nho học, sau đó theo học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã tham gia các công tác kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên từ năm 1949.
Ông bắt đầu dạy học từ năm 1949. Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm trợ lí Đại học lớp đầu tại Liên khu Bốn, năm 1953–1954 là Trưởng phòng chuyên môn của Khu Giáo dục Liên khu Bốn.
Từ năm 1955 đến năm 1960 ông được Bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của nước ta tại Liên Xô (Trường Đại học Tổng hợp Leningrad). Năm 1960 ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về Ngôn ngữ học với đề tài "Từ loại Danh từ tiếng Việt". Từ năm 1961 đến năm 1971, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980 ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Trong các năm 1982, 1988–1990, ông được mời thỉnh giảng tại Trường Đại học tổng hợp Paris 7, năm 1991 tại Viện Đại học Cornell (Hoa Kì).
Năm 2000 Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học nước ta, ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm, bồi dưỡng rất nhiều cán bộ chuyên môn nay đã trưởng thành. Ông có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là một chuyên gia Ngôn ngữ học am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Việt ngữ học và Hán-Nôm, ông là người thông thái các phương diện đồng đại và lịch đại trong nhiều địa hạt (ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự) và đã dành nhiều thời gian để viết các giáo trình và chuyên khảo. Các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản là:
-
Từ loại danh từ tiếng Việt (1975)
-
Ngữ pháp tiếng Việt (1975, 1977, 1996)
-
Nguồn gốc và sự hình thành cách đọc Hán Việt (1979, 2000)
-
Một số vấn đề về chữ Nôm (1983)
-
Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1995)
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học xuất bản ở trong và ngoài nước, nhiều báo cáo khoa học ở các Hội nghị Khoa học Quốc tế.
2. Các sách đã xuất bản
-
Từ loại Danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1975.
-
Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1975. Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần).
-
Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 1979. Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần).
-
Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.
-
Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, 1995.
-
Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục, 1998.
-
Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị. Nxb Thuận Hoá, 1998.
-
Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia, 2001.
-
Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia, 2002.
-
Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Nxb Văn học, 2004.
[ Nguồn: Website Khoa Ngôn ngữ học]