Tuổi đời chưa thật nhiều nên sáng nay, ngày 12/4/2011 (tức ngày 10/3 năm Tân Mão), khi dự lễ truy điệu và an táng GS- TS- Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn, tôi mới thật sự thấm thía câu nói mà người đời truyền tụng với đại ý rằng: Nhìn đám tang, chúng ta biết được nhân cách của người tạ thế...
|
Đông đảo anh em, bạn hữu, học trò và bà con nhân dân đến dự lễ truy điệu |
Từ chiều qua, tôi nhận được điện thoại của TS Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn học) thông báo rằng thầy cùng đồng nghiệp, bạn bè đang trên đường đưa linh cữu GS Nguyễn Tài Cẩn về quê an táng. Rồi thầy không quên dặn dò tôi 8h sáng ngày mai đến cùng tiễn đưa thầy Cẩn về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ sáng tinh mơ, tôi phóng xe máy vượt chặng đường hơn 50 km từ Thành phố Vinh về xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Đoạn đường hơn 01km từ Quốc lộ 46 vào Trường Tiểu học xã Thanh Văn, nơi tổ chức lễ truy điệu, xe ô tô nối đuôi nhau thành một dãy dài. Sáng nay hàng nghìn người dân xã Thanh Văn tạm gác lại công việc ruộng đồng để tiễn đưa một người con ưu tú của quê hương đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, quê hương, đồng nghiệp, bạn bè và bao thế hệ học trò.
Anh Nguyễn Tài Việt, con trai trưởng của GS không giấu được niềm xúc động: “Thay mặt gia đình, tôi chân thành cảm ơn tình cảm của tất cả mọi người dành cho người cha thân yêu của chúng tôi, cụ Nguyễn Tài Cẩn!”
Trong hàng nghìn người đến tiễn đưa cùng nỗi bùi ngùi, thương tiếc, tôi thấy một cụ ông mân mê một trang báo đã cũ sờn, thỉnh thoảng đưa tay quẹt dòng nước mắt. Sau một hồi trò chuyện, tôi được biết cụ tên là Nguyễn Văn Long, quê ở xã Thanh Tường (kề xã Thanh Văn), là bạn đồng niên của GS Nguyễn Tài Cẩn. Cụ Long tâm sự: “Tôi với thầy Cẩn ngày xưa là bạn học, chơi với nhau rất thân thiết. Khi Cẩn sang Liên Xô du học, rồi trở về giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc.
Mỗi lần Cẩn về quê, tôi đều tìm đến thăm. Gần 20 năm trước, tình cờ đọc được bài báo này, tôi cất giữ cẩn thận cho đến hôm nay tiễn đưa bạn, tôi mang theo nó...”. Đó là bài báo “Người con dâu Nga được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ”, có đăng ảnh vợ chồng GS Nguyễn Tài Cẩn.
|
Ông Bùi Văn Chất viết câu đối chữ Hán vào sổ tang |
Khá đông người đứng quanh bàn ghi sổ tang. Tôi ấn tượng nhất là thấy một người đàn ông khoảng trên tuổi thất tuần, tóc đã bạc trắng, tay run run cầm chiếc bút viết lên câu đối chữ Nho: “Đỉnh cán Đông Phương Ngôn ngữ học/ Trí Tường Nguyễn tộc Việt Nam Hoa” (Tạm dịch là: Đứng đầu ngành Ngôn ngữ học Phương Đông/ Bông hoa Việt Nam người họ Nguyễn ở thôn Trí Tường).
Hỏi chuyện, được biết ông là Bùi Văn Chất, quê Thanh Chương, là môn sinh của thầy Cẩn hồi còn là cậu học trò bậc sơ học yếu lược, hiện là hội viên của CLB Hán Nôm Nghệ An. Hôm nay đến bái một người thầy của mọi người thầy, thay mặt các thành viên CLB Hán Nôm, ông chấp bút viết lên sổ tang câu đối này.
Ông Chất cho biết thêm: “Được là học trò thầy Cẩn là vinh dự lớn của cuộc đời, vì thầy rất uyên thâm, lại hết mực thương yêu, quý mến trò. Thầy luôn động viên chúng tôi vượt khó vươn lên để xây dựng quê hương, đất nước. Ghi nhớ lời thầy, tôi luôn cố gắng hết tâm lực để học hỏi, trau đôi vốn chữ Hán, một “kho báu” của người xưa truyền lại”.
Lật giở trang kế bên, thấy bút tích của ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Quê hương Nghệ An vô cùng thương tiếc GS- TS- Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn, Nhà Ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam, Nhà khoa học đắng cấp quốc tế- Người con ưu tú của quê hương Nghệ An”.
|
Di ảnh GS- TS Nguyễn Tài Cẩn được hai con trai rước trong lễ an táng |
Cũng tại lễ tang, các thế hệ học trò, các thành viên họ tộc và bà con lối xóm chuyền tay nhau cuốn sách “Nguyễn Tài Cẩn, học giả bất yếm, bất quyện”. Đây là cuốn sách tập hợp những bài của đồng nghiệp và học trò viết về những kỷ niệm, khẳng định nhân cách, tài năng của GS Nguyễn Tài Cẩn. Phần sau của cuốn sách là những bài viết của GS Nguyễn Tài Cẩn được nhiều người yêu thích. Số lượng sách có hạn, nhưng có đến hàng nghìn người muốn xem...
Bản thân tôi không có được niềm vinh dự và may mắn được thụ giáo thầy Nguyễn Tài Cẩn (chỉ được học thầy qua sách vở), nhưng qua những người thầy của mình (là học trò “ruột” thầy Cẩn) tôi được biết phần nào về nhân cách và tài năng của người được xem là nhà "Ngôn ngữ học hàng đầu" của đất nước. Cách đây hơn 2 năm, tôi được nghe thầy Cẩn nói chuyện về “Truyện Kiều” tại Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh. Thầy khẳng định “Truyện Kiều” luôn là mảnh đất màu mỡ để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá và triển vọng thành lập ngành “Kiều học” trong tương lai không xa. Hôm đó thầy nói chuyện một cách say mê, như đốt cháy cả trái tim mình. Vậy mà, giờ đây...
Hàng nghìn người sắp thành hàng dài hàng km lần lượt tiễn đưa linh cữu GS Nguyễn Tài Cẩn về nơi an nghỉ. Cả một “rừng” vòng hoa, bức trướng. Vòng hoa đi đầu mang dòng chữ “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng kính viếng thầy!” Tiếp đến là vòng hoa của các ban ngành tỉnh Nghệ An, của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội....
Dòng người đưa tiễn thầy Cẩn qua những con đường nhỏ của làng quê, qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn, qua những ruộng ngô mượt mà rồi đến một mé đồi nằm cạnh dòng Lam hiền hòa, những nơi chắc thời thơ bé thầy đã từng thân thuộc. Sau một hành trình dài, thầy lại trở về gửi một phần tấm thân nơi núi đồi, đồng đất quê hương...
GS- TS Nguyễn Tài Cẩn đã vĩnh viễn ra đi nhưng gia tài của thầy để lại sẽ còn sống mãi. Ngành Việt ngữ học còn tồn tại, người đời sẽ còn nhắc đến Nguyễn Tài Cẩn. Không ai tránh khỏi được vòng đời sinh- hóa, hóa- sinh, thầy Cẩn ra đi khi có ít nhiều dự định hãy còn dang dở. Nhưng thầy hãy yên tâm và tin tưởng, những học trò xuất sắc sẽ tiếp bước để thực hiện tâm nguyện của thầy!
Bùi Công Kiên
[Nguồn: VietNam net: Cập nhật lúc 12/04/2011 03:52:30 PM (GMT+7) ]