GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đọc diễn văn chào mừng Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc "Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế"
Kính thưa các vị đại biểu cùng các vị khách quý!
Thay mặt Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng toàn thể các vị đại biểu cùng các vị khách quý đã về tham dự Hội nghị khoa học toàn quốc “Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.”
Như chúng ta đều biết, ngôn ngữ cùng với quốc kì và quốc ca là ba yếu tố biểu trưng cho một quốc gia. Do vậy ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của ý thức giác ngộ dân tộc và cũng là phương tiện thống nhất dân tộc. ở các quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá và đa ngôn ngữ như Việt Nam chúng ta, cùng với vấn đề dân tộc và tôn giáo, ngôn ngữ càng trở nên có vai trò hết sức quan trọng.
Chính vì thế, cho dù ở bất kì quốc gia nào, nhà nước cũng luôn quan tâm đến chính sách ngôn ngữ, và chính sách ngôn ngữ luôn luôn được coi là một phần không thể thiếu trong chính sách dân tộc. Nói đến chính sách ngôn ngữ là nói đến hệ thống các chủ trương, biện pháp của nhà nước nhằm tác động có định hướng đến sự phát triển cũng như sự hành chức của các ngôn ngữ trong một quốc gia. Và mỗi quốc gia luôn cần phải có một chính sách ngôn ngữ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Có chính sách ngôn ngữ đúng thì đất nước mới ổn định, thống nhất và phát triển bền vững. Nếu chính sách ngôn ngữ mắc sai lầm thì đất nước sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn, thậm chí có thể là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu làm tan rã cộng đồng quốc gia như chúng ta đã từng chứng kiến xảy ra ở các nước như Liên Xô và Nam Tư...trước đây.
Ngay từ khi thành lập, vấn đề về ngôn ngữ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức chú ý, chẳng hạn, điều đó đã được thể hiện rất rõ trong Đề cương văn hoá năm 1943 của Đảng. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chính sách ngôn ngữ, coi ngôn ngữ là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc củng cố nền độc lập, khối đại đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước. Điều này đã được ghi rõ trong Hiến pháp, trong nhiều nghị quyết và các văn bản pháp quy của Nhà nước, đặc biệt trong Quyết định 53/CP (22/2/1980) của Hội đồng Chính phủ.
Hiện nay, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế (giai đoạn 2011- 2020), vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp giữa các dân tộc trong một lãnh thổ và giữa các dân tộc trên thế giới đã và đang có những biến đổi mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất. Tình hình này đã có sự tác động rất lớn đến cảnh huống ngôn ngữ của các nước, trong đó có Việt Nam.
Nói đến cảnh huống ngôn ngữ, như các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra, là nói đến toàn bộ các hình thái tồn tại của một ngôn ngữ, hay toàn bộ các ngôn ngữ trong mối quan hệ tương hỗ về lãnh thổ - xã hội và sự tương tác về mặt chức năng, trong giới hạn của một khu vực địa lí, hay một thực thể hành chính – chính trị nhất định. Do cảnh huống ngôn ngôn ngữ của một quốc gia thay đổi nên chính sách ngôn ngữ của quốc gia ấy cũng phải thay đổi theo cho phù hợp.
Đã đến lúc chúng ta cần phải tiến hành đánh giá tình hình thực tế của việc thực hiện chính sách ngôn ngữ trong thời gian đã qua và việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp khác nhau hiện nay ở nước ta, bao gồm: giao tiếp hành chính, giao tiếp trong đời sống sinh hoạt và việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng; vấn đề dạy và học ngôn ngữ trong nhà trường; vấn đề xoá nạn mù chữ và tái mù chữ; vấn đề xây dựng chữ viết cho các ngôn ngữ chưa có chữ viết, vấn đề xây dựng luật ngôn ngữ, v.v...
Xuất phát từ nhu cầu cần phải đánh giá chính xác và khách quan thực trạng của việc thực hiện chính sách ngôn ngữ trong thời gian qua, tình hình thực tế của cảnh huống ngôn ngữ trong 10 năm sắp tới của đất nước, đồng thời dựa trên cơ sở lí luận ngôn ngữ học và của các chuyên ngành có liên quan, Viện Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Ngôn ngữ học tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.” Tại Hội nghị này, các nhà nghiên cứu , giảng dạy ngôn ngữ học cùng với các nhà quản lí nhà nước, quản lí giáo dục, quản lí các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước sẽ tiến hành thảo luận, bàn bạc nhằm đề xuất các kiến nghị và giải pháp phục vụ cho việc xây dựng chính sách ngôn ngữ của Nhà nước ta trong giai đoạn mới CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Chúng tôi tin tưởng rằng Hội nghị của chúng ta sẽ đạt được tốt đẹp những mục tiêu đã đề ra.
Các ý kiến và tham luận tại Hội nghị này sẽ được biên tập, in thành sách để phục vụ cho việc tham khảo khi xây dựng và chỉ đạo việc thực hiện chính sách ngôn ngữ dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và chúc các vị đại biểu cùng các vị khách quý tham dự Hội nghị hôm nay dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.