Giới ngôn ngữ học Việt Nam biết đến GS.TS N Jurij Sergeevich Stepanov (Ю́рий Серге́евич Степа́нов ) qua bản dịch của GS.TS Hoàng Trọng Phiến- học trò của ông -"Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, NXB ĐH & THCN, Hà Nội, 1977. Những người đã từng theo học ngôn ngữ ở Liên Xô và Nga thì không thể không biết đến ông và đọc sách của ông.
Ngày 3 tháng 1 năm 2012, một trong những cán bộ lão thành và nổi tiếng nhất của Viện Ngôn ngữ học – Viện HLKH LB Nga, Viện sĩ chính thức, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, nhà ngữ văn học Nga xuất sắc, nhà khoa học tầm cỡ thế giới, Jurij Sergeevich Stepanov (Ю́рий Серге́евич Степа́нов), đã từ trần. Những công trình của ông trong lĩnh vực ngôn ngữ học lí thuyết và triết học ngôn ngữ, ngôn ngữ học lịch sử - so sánh các ngôn ngữ Ấn - Âu, ngữ văn học các ngôn ngữ Roman, ngôn ngữ học các tiếng Xlavơ Bantich, phong cách học, kí hiệu học văn hoá và nghệ thuật – đã làm nên cả một thời đại trong nền khoa học nước nhà. [Trích lục từ “TINBUỒN” của Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga]
Jurij Sergeevich Stepanov sinh năm 1930. Tốt nghiệp Ngữ văn tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (МGU, Moskva, Liên Xô) năm 1953; bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ năm 1958; thực tập ở ĐH Sorbone, Paris (Pháp) năm 1957-1958 (cùng với A. Martinet và E. Benveniste). Từ năm 1961, ông làm việc ở Khoa Ngữ văn МGU, lúc đầu là Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Pháp, sau đó là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học Đại cương và Ngôn ngữ học So sánh - Lịch sử. Năm 1966, ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ về tiếng Pháp. Thời gian này, ông cho in một tác phẩm nổi tiếng còn giá trị cho đến ngày nay là «Французская cтилистика» (Phong cách học tiếng Pháp) (1965; tái bản: 2002; 2006; 2009). Năm 1966, ông cho in cuốn «Основы языкознания» (Cơ sở ngôn ngữ học) rất nổi tiếng, là giáo trình chuẩn cấp Đại học, được in lại nhiều lần bằng các thứ tiếng khác nhau (trong đó có tiếng Việt). Năm 1971, cuốn «Семиотика» (Kí hiệu học) được ông cho xuất bản và cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Từ năm 1972, ông về làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, nhiều năm làm Trưởng phòng Ngôn ngữ học lí thuyết và sau đó là Cố vấn của Lãnh đạo Viện. Năm 1984, ông được bầu là Viện sĩ Thông tấn, và năm 1990 là Viện sĩ chính thức của Viện HLKH LB Nga. Từ năm 1973-1987, ông còn làm ở Ban biên tập và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí «Известия Академии наук СССР, Серия литературы и языка» (Tin tức Viện HLKH Liên Xô). Từ năm 1988-1994, ông đồng thời là Phó Tông biên tập tạp chí “Вопросы языкознания» (Những vấn đề ngôn ngữ học). Năm 1995, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước do công lao chủ biên bộ «Лингвистического энциклопедического словаря» (Từ điển bách khoa ngôn ngữ học). Ông cũng được tặng Huy chương Vàng mang tên V. I. Dal’ (В. И. Даль, 1999).
Thời gian làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, ông đã xuất bản những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông như: «Методы и принципы современной лингвистики» (Các phương pháp và nguyên lí của ngôn ngữ học hiện đại) (1975; tái bản: 2001, 2002, 2005, 2009); «Основы общего языкознания» (1975; tái bản 2011) (Cơ sở ngôn ngữ học đại cương); «Имена, предикаты, предложения (семиологическая грамматика)» (Thể từ, vị từ, câu (Ngữ pháp phù hiệu học) (1981; tái bản: 2002, 2007)); «Семиотика: Антология» (сост.) (Kí hiệu học: Hợp tuyển; Sưu tầm và tuyển chọn) (1983); «В трехмерном пространстве языка. Семиотические проблемы лингвистики, философии, искусства» (Trong không gian ba chiều của ngôn ngữ: Những vấn đề kí hiệu học của ngôn ngữ học, triết học, nghệ thuật) (1985); «Индоевропейское предложение» (Mệnh đề trong các ngôn ngữ Ấn-Âu) (1989); «Константы мировой культуры: Алфавиты и алфавитные тексты в период двоеверия» (совместно с С. Г. Проскуриным) (Các hằng tố của văn hóa thế giới; viết chung với Proskurin) (1993); «Константы. Словарь русской культуры» (Các hằng tố. Từ điển văn hóa Nga) (1997); «Язык и метод. К современной философии языка» (Ngôn ngữ và phương pháp. Triết học hiện đại về ngôn ngữ) (1998).
Những năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu vấn đề phục nguyên các ý niệm của văn minh nhân loại, đã cho in những cuốn sau: «Протей. Очерки хаотической эволюции» (Thần Prote. Chuyên luận về sự tiến hóa hỗn mang) (2004), «Концепты. Тонкая пленка цивилизации» (Các ý niệm. Cuộn phim mỏng về văn minh) (2007), «Мыслящий тростник. Книга о «Воображаемой словесности»» (Cây sậy biết nghĩ. Cuốn sách về “Sự sáng tạo ngôn từ tưởng tượng”) (2010).
GS.TS Hoàng Trọng Phiến:
"Jurij Sergej có một cách giảng bài như nói chuyện, như trao đổi nhằm phát huy tính độc lập suy nghĩ của người học, nhất là các nghiên cứu sinh. Khi trình bày một vấn đề gì, Thầy thường diễn giải ba bước: Những người đi trước nói gì về nó; Thầy phản biện ý kiến của họ; và cuối cùng, Thầy trình bày ý kiến của riêng mình và khuyên các nghiên cứu sinh hãy phản biện quan điểm riêng đó. Có lần, một nghiên cứu sinh trình bày chính kiến khác với quan niệm của Thầy. Giáo sư cho điểm cao vì phản biện có lí. Ông giải thích với chúng tôi rằng, anh ấy “phản biện chứ đâu phải phản đối?”. Trong cuộc đời giảng dạy ở Đại học tôi đã tạo cho mình một phong cách giảng bài riêng cũng là nhờ bắt chước lối trình giảng của hai cố giáo sư mà tôi thuờng gọi là “Sư huynh”. Đó là Nguyễn Tài Cẩn và Ju. S. Stepanov.
"GS Stepanov là người coi trọng phương pháp và thao tác khoa học chuyên ngành. Năm 1975, Ông xuất bản cuốn Những phương pháp và các nguyên tắc ngôn ngữ học hiện đại. Trong cuốn sách này, tác giả trình bày một bức tranh toàn cảnh, đủ màu sắc các phương pháp ngôn ngữ học và hiệu lực cũng như ảnh hưởng của chúng. Thầy có gửi tặng tôi kèm theo lời dặn: “Hiệu lực của mọi phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học phải được kiến lập trên cơ nền duy vật biện chứng”. Lời nói ấy của Thầy rất cần yếu khi tiếp cận các khuynh hướng mới trong ngôn ngữ học hiện nay. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Jurij Sergej rất coi trọng triết học trong nghiên cứu ngôn ngữ. Giáo sư là nhà khoa học bám sát thực tiễn, từ đó mà có những kiến giải bổ sung các khái niệm phổ quát. Tôi nhớ hai bổ sung quan trọng mà Giáo sư đề xuất. Đó là luận đề phi đối xứng giữa hai mặt của kí hiệu ngôn ngữ vào định đề quan hệ hai mặt kí hiệu ngôn ngữ của F. de Saussure (x.Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, NXB ĐH & THCN, Hà Nội, 1977, tr. 448 ). Đó là sơ đồ tầng bậc của khái niệm hệ thống và cấu trúc ngôn ngữ khi nói về sụ hài hoà các phương pháp phân bố, đối lập và chức năng trong một phương pháp kí hiệu học (sémiologie) (x. Những phương pháp và các nguyên tắc ngôn ngữ học hiện đại, Moskva, 1977, tr.279)".
"Ông thuộc lớp những nhà ngôn ngữ học lí thuyết Nga - Xô viết cách tân, sáng tạo rất sâu sắc. Giáo sư kế thừa những thành tựu của Ngôn ngữ học truyền thống Nga, trường phái Ngôn ngữ học cấu trúc Nga - Xô viết đã đề xuất một cách tiếp cận “cấu trúc- ngữ nghiã” trong phân tích ngôn ngữ học hiện đại. Ông cũng có nhiều đóng góp giá trị vào trào lưu nghiên cứu lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại, hậu cấu trúc, đặc biệt ngôn ngữ học tri nhận".
GS.TSKH Lý Toàn Thắng:
"(...) ông vốn rất nổi tiếng từ hồi còn dạy học ở Trường ĐHTH QGLomonosov. Khi đó ông mới ngoài 30. Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc lại rằng, không những giảng bài rất hay mà ông còn trẻ tuổi hào hoa “phong độ đẳng cấp” Paris đến mức là hôm nào giảng đường cũng đông nghịt sinh viên trong và ngoài Trường. Chị N. Sokolovskaja (Н. Соколовская) lúc còn sống có lần kể với tôi: “Hồi đó bọn nữ sinh viên chúng tôi rất mê giờ Thầy Stepanov giảng, nhưng cũng rất mặc cảm là có vẻ như lũ chúng tôi đến lớp không phải để nghe Thầy dạy mà là để ngắm nhìn Thầy !...”.
"Nhớ ơn Thầy và xin vĩnh biệt Thầy, Юрий Сергеевич Степанов - một tài năng lớn, một nhân cách lớn của nền ngữ học Nga - Xô viết!"
[ Nguồn: TỪ ĐIỂN HỌC & BÁCH KHOA THƯ]