Chuyên khảo "Đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" của GS.TS Nguyễn Đức Tồn do Nxb Khoa học Xã hội ấn hành năm 2008, có độ dày 588 trang, gồm 05 chương, được viết từ góc nhìn lí thuyết tâm lí ngôn ngữ học tộc người của những nền văn hóa khác nhau. Năm 2010, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa tái bản(có chỉnh lý và bổ sung), độ dày 635 trang.
ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA - DÂN TỘC CỦA NGÔN NGỮ VÀ TƯ DUY
(Tác giả: Nguyễn Đức Tồn, NXB KHXH, H., 2008, 588tr)
PGS TS NGUYỄN XUÂN HÒA
Sách chuyên khảo của tác giả Nguyễn Đức Tồn trình bày, lý giải đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy khi tiếp cận ngôn ngữ từ góc nhìn của các nền văn hóa khác nhau. Đây là bản chất của vấn đề xảy ra khi những người bản ngữ khác nhau giao tiếp, dù muốn hay không, đều phải có được một kênh hiểu biết chung giữa người phát và người nhận. Có thể hiểu kênh hiểu biết chung này chính là tri thức nền của văn hóa nguồn và văn hóa tiếng mẹ đẻ. Đề cập đến vấn đề có tính bao quát và phức tạp như vậy, song tác giả cuốn sách chỉ giới hạn nghiên cứu đối chiếu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy chủ yếu ở người Việt và người Nga, qua đó liên hệ đối chiếu ngôn ngữ và tư duy trong chừng mực nhất định ở một vài dân tộc khác.
Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ và hoạt động ngôn ngữ, Ferdinand de Saussure đã đưa ra quan điểm mà theo chúng tôi là rất cơ bản. Đó là “Ngôn ngữ – và đây là điều nhận định quan trọng hơn cả – bao giờ cũng là chuyện chung của mọi người; được phổ biến trong một khối quần chúng và được khối quần chúng đó vận dụng, nó là một vật mà tất cả các cá nhân đều dùng suốt ngày” [2; 132] và “phải có một khối người nói thì mới có ngôn ngữ được” [2; 138 – F. de S. nhấn mạnh]. Rõ ràng, một khối người nói, hay nói khác đi, mỗi cộng đồng người bản ngữ khi giao tiếp đều có một kênh hiểu biết chung có tính truyền thống được hình thành từ xa xưa trong lịch sử của cộng đồng đó. Kênh hiểu biết chung này được ngầm hiểu là tất cả những gì được quy định bởi khế ước của cộng đồng, trong đó có phong tục, tập quán và những ứng xử (Ways of life) ở người bản ngữ. Bởi vậy, “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc”[ 2; 47].
Thừa hưởng thành quả và vận dụng những thành quả ấy của những người đi trước, trong đó có ý tưởng sâu sắc của Ferdinand de Saussure và các nhà ngôn ngữ học khác, tác giả sách chuyên khảo đã đề ra và giải quyết một cách thỏa đáng trong 5 chương những nhiệm vụ sau đây: 1/ Đặc điểm của sự tri giác và phạm trù hóa “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”ở người Việt và người Nga; 2/ Đặc điểm quá trình định danh ghi lại kết quả của sự tri giác và phạm trù hóa “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”; 3/ Cấu trúc ngữ nghĩa của một số trường và nhóm từ vựng ngữ nghĩa; 4/ Đặc điểm quá trình chuyển nghĩa; 5/ Đặc điểm sử dụng biểu trưng các đối tượng; 6/ Chiến lược liên tưởng-so sánh ở người Việt, người Nga và một vài dân tộc khác; 7/ Đặc điểm chung của tư duy ngôn ngữ ở người Việt (trong sự so sánh với người Nga).
Chương I. Khái quát về văn hóa và phương pháp nghiên cứu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Ở chương này, sau khi đề cập đến khái niệm và đặc trưng của văn hóa, tác giả cho rằng giữa ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ hữu cơ; quan hệ này phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Tư tưởng triết học ngôn ngữ cơ bản của W. Humboldt là học thuyết về sự đồng nhất tinh thần dân tộc và ngôn ngữ dân tộc, đó là ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, linh hồn của dân tộc là ngôn ngữ, bởi lẽ theo ông ngôn ngữ gắn với những hiện tượng phản ánh đặc trưng của dân tộc và vì vậy thế giới quan của một dân tộc được phản ánh vào ngôn ngữ. M.M. Gukhman hoàn toàn tán đồng quan niệm trên của W. Humboldt khi viết rằng :“Việc xem ngôn ngữ như thành tố quan trọng nhất của văn hóa và chú ý tới chức năng xã hội của nó, nhấn mạnh mối liên hệ lẫn nhau giữa ngôn ngữ và “linh hồn” (...) – đó là cống hiến hiển nhiên của Wilhelm Von Humboldt vào hệ vấn đề ngôn ngữ học thế kỉ XIX ” [Dẫn theo 3, tr. 47].
Với cách nhìn như vậy tác giả chuyên khảo coi ngôn ngữ là yếu tố văn hóa quan trọng hàng đầu mang sắc thái dân tộc rõ ràng nhất, thứ đến là các thành tố khác của văn hóa như: phong tục, tập quán, truyền thống, v.v.... Từ đó tác giả đưa ra những phương pháp nghiên cứu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Theo tác giả, định nghĩa trong các từ điển giải thích có vai trò hiển nhiên, được sử dụng như một trong những nguồn tài liệu nghiên cứu đặc trưng văn hóa-dân tộc trong hành vi ngôn ngữ của người bản ngữ: trong ý nghĩa của từ, trong sự phạm trù hóa “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”ở các dân tộc, trong các hiện tượng biểu trưng, các hình ảnh khuôn mẫu, sự chuyển nghĩa và trong sự tư duy liên tưởng. Các phương pháp tác giả đưa ra để nghiên cứu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở một dân tộc là: đối chiếu trường từ vựng-ngữ nghĩa, phân tích thành tố, thực nghiệm liên tưởng, xác lập ô trống ngôn ngữ, thống kê.
Chương II. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của sự “phạm trù hóa hiện thực” và “bức tranh ngôn ngữ của thế giới”. Ở chương này tác giả nhấn mạnh đến phương thức ý niệm hóa hiện thực trong ngôn ngữ học tri nhận. Đây là cách nhìn thế giới vừa có tính phổ quát vừa có tính đặc thù dân tộc, nên những người bản ngữ nói các thứ tiếng khác nhau có thể nhìn thế giới khác nhau thông qua lăng kính ngôn ngữ của mình. Chẳng hạn, trong toán học mọi người đều thừa nhận “đường thẳng là đường ngắn nhất”, nhưng đối với người Việt trong thực tế giao tiếp họ lại nói khác: “đường vòng là đường ngắn nhất” (ý nói khi giải quyết một vấn đề xã hội-hành chính nào đó (...) muốn công việc được giải quyết nhanh chóng, không thể đến thẳng các cơ quan chức năng, mà phải qua dịch vụ, nghĩa là đi đường vòng) [1; 182]. Cũng rất bổ ích khi đọc phần tiếp theo của chương đề cập đến đặc điểm “độ sâu phân loại” của “sự phạm trù hóa hiện thực”, trong đó cần làm rõ ở ngôn ngữ này chỉ có những từ biểu thị khái niệm loại mà không có những từ biểu thị khái niệm chủng hoặc số từ biểu thị khái niệm loại nhiều hơn số từ biểu thị khái niệm chủng so với từ vựng trong ngôn ngữ kia để xác định “độ sâu phân loại” giữa hai ngôn ngữ, từ đó có thể xác lập những ô trống ngôn ngữ của hai ngôn ngữ đối chiếu. Khảo sát tên gọi bộ phận cơ thể (TGBPCT) người, tác giả cho ta thấy một bức tranh rất đáng lưu ý, chẳng hạn, những tên gọi là ô trống trong ngôn ngữ B (ở đây là tiếng Nga) lại là những tên gọi rất quen thuộc trong ngôn ngữ A (ở đây là tiếng Việt) như tóc rễ tre, râu quai nón, vú mướp, vú chũm cau, vú bánh giày, chân chữ bát, chân vòng kiềng, chân bàn cuốc, v.v... Tác giả nhận định rằng trên tư liệu trường từ vựng-ngữ nghĩa TGBPCT người và nhóm từ ngữ chỉ “sự kết thúc cuộc đời của con người” thì “sự phạm trù hóa hiện thực” trong tiếng Việt và tiếng Nga là khác nhau, trong đó tiếng Việt “chia cắt ” tỉ mỉ và chi tiết hơn so với tiếng Nga. Tuy nhiên, nhận định này, theo tác giả, chỉ đúng khi xác định được số lượng từ đồng nghĩa trong từng ngôn ngữ. Chính đây là lí do cần thiết phải đề cập đến hiện tượng biến thể đồng nghĩa của tên gọi, bởi lẽ qua từ đồng nghĩa hoàn toàn có thể tìm hiểu đặc điểm liên tưởng nói riêng, tư duy ngôn ngữ nói chung của một dân tộc [4; 109].
Chương III. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của định danh ngôn ngữ. Sau phần khái quát chung về định danh ngôn ngữ, tác giả đã dành nhiều trang nói về nhận thức và bản thể trong nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ [4; 181-192]. Theo tác giả, trong định danh ngôn ngữ rất cần phải phân biệt hai phạm trù “không có” và “chưa biết”. “Cái chưa được nhận thức (và cả cái chưa nhận thức được) nhiều khi đã bị lầm lẫn coi là cái không có, nghĩa là do bị lầm lẫn giữa hai bình diện nhận thức và bản thể (...). Nói một cách đơn giản hơn thì điều này có nghĩa là do chủ thể nhận thức không biết hay chưa nhận thức được về một thuộc tính nào đó của một sự vật mà đã vội kết luận rằng sự vật nàykhông có thuộc tính ấy” [4; 183]. Giữa hai bình diện nhận thức và bản thể, như đã thấy, có thể xảy ra sai lầm trong địa hạt nghiên cứu cấu tạo từ (như coi các từ ghép hỏi han, thò lò, chói chang ... là từ láy); hoặc trong nghiên cứu ý nghĩa của từ (ở đây cần phân biệt rõ: nghĩa của từ tồn tại khách quan trong hệ thống ngôn ngữ với tư cách là bản thể; sự hiểu biết của mỗi người về nội dung ý nghĩa tồn tại khách quan ấy của từ; khả năng diễn đạt thành lời kết quả của sự nhận thức về ý nghĩa của từ với tư cách là bản thể) [3; 53-54]. Do đó, sự phân biệt rõ ràng, không lẫn lộn hai bình diện nhận thức và bản thể là điều có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Chính vì vậy, khi chọn đặc trưng của đối tượng định danh ta thấy đặc trưng văn hóa thể hiện ở chỗ: mỗi ngôn ngữ có thể biểu lộ thiên hướng lấy những đặc trưng có tính chất nhất định làm cơ sở gọi tên. Do đó giá trị của cùng một đặc trưng trong từng ngôn ngữ là không như nhau. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đặc trưng văn hóa-dân tộc không chỉ được bộc lộ ở xu hướng chọn đặc trưng nào (màu sắc hay hình dáng, v.v...) của bản thân đối tượng mà còn bộc lộ ở cả tính chất của đặc trưng – chủ quan hay khách quan, phụ thuộc vào chủ thể hay khách thể được định danh (chẳng hạn từ одуванчик trong tiếng Nga và từ bồ công anh trong tiếng Việt đều có đặc trưng làm cơ sở định danh mang tính chủ quan, trong khi từ butterblumetrong tiếng Đức thì lại mang tính khách quan có lẽ là do dựa vào màu sắc – butter: vàng như bơ; -blume: hoa). Cái làm nên đặc trưng riêng cho ngôn ngữ của mỗi dân tộc phụ thuộc vào đặc diểm hoạt động thực tiễn và thiên hướng quan sát của chủ thể định danh để chọn đặc trưng này chứ không phải đặc trưng khác của từ đem ra đối chiếu. Song, theo tác giả, “đặc trưng văn hóa-dân tộc của việc chọn đặc trưng làm cơ sở định danh được bộc lộ rõ nhất trong những trường hợp khi đặc trưng được chọn có lí do nhất định từ thực tiễn của một dân tộc ” [4; 193]. Chẳng hạn trong tiếng Việt có nhiều tên gọi mang đặc điểm định danh phản ánh đặc trưng văn hóa cư trú của người Việt gắn với sông nước (nhà bè, nhà thuyền), hoặc tên gọi có mô hình cấu tạo tên gọi dòng họ + xá kiểuĐõ xá, Đặng xá ... Ngoài ra đặc điểm loại hình của ngôn ngữ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến đặc trưng văn hóa-dân tộc của cách định danh như ở cách dùng các loại từ với đối tượng : cái, con, cục, chiếc, lá, tấm ... (lá phổi, buồng phổi, lá thư, lá số, con thuyền, trái tim ...). Dựa trên tư liệu khảo sát TGBPCT người của riêng mình và của các đồng nghiệp từ các luận án, tác giả đã rút ra kết luận có sức thuyết phục rằng “độ sâu phân loại” hiện thực khách quan trong tiếng Việt lớn hơn so vói tiếng Nga và trong “bức tranh ngữ nghĩa” tiếng Nga về thế giới có các ô trống ngôn ngữ là là khái niệm chủng nhiều hơn so với bức tranh tiếng Việt. Còn về việc định danh thế giới động thực vật nói chung thì đặc trưng được các dân tộc tri giác lựa chọn nhiều nhất để làm cơ sở cho tên gọi là:hình thức/ hình dạng và màu sắc.
Chương IV. Đặc trưng văn hóa - dân tộc trong ý nghĩa của từ. Ở phần khái quát chung tác giả nhấn mạnh rằng trong vốn từ của mỗi ngôn ngữ đều có hai lớp từ ngữ xét theo phương diện đặc trưng văn hóa-dân tộc của ý nghĩa: đó là các từ ngữ chỉ cùng một hiện tượng hay những hiện tượng tương tự đều tồn tại song song trong các nền văn hóa-ngôn ngữ, nhưng có hàm nghĩa văn hóa khác nhau; và các hiện tượng chỉ các hiện tượng văn hóa đặc tồn (đặc văn hóa) thường chỉ có mặt ở dân tộc này mà khuyết vắng ở dân tộc khác. Với cách tiếp cận như vậy tác giả chuyên khảo đã khảo sát cấu trúc ngữ nghĩa của trường từ vựng phản ánh các đặc trưng tri nhận thế giới khách quan của người bản ngữ. Chương này được chủ yếu trình bày những kết quả khi khảo sát những mô hình cấu trúc ngữ nghĩa của trường TGBPCT người, trường tên gọi thực vật, trường tên gọi động vật trong tiếng Việt có đối chiếu với tiếng Nga. Xuất phát điểm của chuyên khảo là tách ra trong thành phần ý nghĩa từ vựng của từ các nghĩa vị “phản ánh các đặc trưng cụ thể của hiện tượng được từ biểu thị”. Để làm được việc này phương pháp được sử dụng trong chuyên khảo là phương pháp phân tích thành tố các định nghĩa của từ trong từ điển giải thích tiếng Việt và tiếng Nga. Với 284 TGBPCT người trong tiếng Việt và 190 tên gọi trong tiếng Nga; 657 tên gọi thực vật tiếng Việt; 493 tên gọi động vật tiếng Việt và 234 tên gọi tiếng Nga, tác giả đã tiến hành phân tích, đối chiếu và đã thu được kết quả như sau:
Trong cấu trúc ngữ nghĩa của trường từ vựng-ngữ nghĩa TGBPCT người tiếng Việt và tiếng Nga xuất hiện 10 loại nghĩa vị: tên gọi chỉ loại; vị trí; chức năng bộ phận cơ thể; tính sở thuộc; cấu trúc; kích thước; hình thức/ hình dạng; thuộc tính vật lí; màu sắc; thời gian. Với trường từ vựng-ngữ nghĩa tên gọi thực vật chuyên khảo rút ra được14 nghĩa vị: tên gọi chỉ loại; đặc điểm hình thức (lá, thân quả, hoa ...); đặc điểm kích cỡ; vai trò trong đời sống; đặc điểm màu sắc; đặc điểm vị trí, quan hệ trong phân loại sinh vật học; đặc tính của bộ phận thực vật khi sử dụng; vai trò trong y học; môi trường sống; đặc điểm vị; đặc điểm mùi; đặc điểm thuần dưỡng; đặc điểm thời gian; đặc điểm tập tính sinh sống. Với trường từ vựng-ngữ nghĩa tên gọi động vật chuyên khảo rút ra được 21 nghĩa vị: tên gọi chỉ loại; đặc điểm hình thức/ hình dạng; đặc điểm kích cỡ thân thể; đặc điểm môi trường sống; đặc điểm màu sắc của cơ thể; đặc điểm thuộc tính bản năng sinh vật học; vai trò, tác hại đối với đời sống con người; vị trí, quan hệ trong phân loại sinh vật học; các bộ phận cơ thể và đặc điểm cấu tạo; thức ăn đặc trưng; tập quán sinh sống; đặc điểm sinh trưởng, sinh dục; đặc điểm thuần dưỡng; đặc điểm mùi; đặc điểm sinh sản; đặc điểm nguồn gốc; chủ thể sở thuộc; cách thức di chuyển; đặc điểm về giống (đực, cái); đặc điểm hô hấp.
Những kết quả thu được chứng tỏ rằng những đặc trưng được tri nhận với tư cách dấu hiệu khu biệt một đối tượng để định danh nó cũng chính là những đặc trưng được liên tưởng đến đầu tiên khi hình dung để giải thích về nó.
Phần tiếp theo của chương là khảo sát đặc trưng văn hóa-dân tộc của sự chuyển nghĩa và nghĩa biểu trưng: sự chuyển nghĩa ở TGBPCT người, ở từ ngữ chỉ thực vật, từ ngữ chỉ động vật. Tiếp cận vấn đề dựa trên định lượng các số liệu thống kê cụ thể, tác giả đã rút ra những kết luận có tính định chất về hiện tượng chuyển nghĩa đối với trường từ vựng-ngữ nghĩa các TGBPCT người trong tiếng Việt và tiếng Nga như sau: a/ đó là trong cả hai trường từ vựng-ngữ nghĩa này bộc lộ khuynh hướng ưa dùng cách chuyển nghĩa ẩn dụ các tên gọi hơn là hoán dụ, trong đó khuynh hướng chuyển nghĩa ẩn dụ trong tiếng Nga mạnh hơn so với trường tiếng Việt [4; 355]; b/ trong cả hai trường từ vựng-ngữ nghĩa các nghĩa vị “hình thức/ hình dạng”, “vị trí” và “chức năng”đóng vai trò chủ đạo trong sự chuyển nghĩa các TGBPCT người; c/ về nguyên tắc sự chuyển nghĩa ẩn dụ có tính biểu cảm hơn (ở đây là tiếng Nga) so với sự chuyển nghĩa hoán dụ (ở đây là tiếng Việt), bởi lẽ trong giao tiếp hàng ngày ta thấy người Việt dùng phép hoán dụ một cách rất tự nhiên do việc lược bỏ yếu tố có nghĩa của từ tổ (lông mi→ mi, hợp tác xã → hợp tác, khoa văn học → khoa văn, bắp thịt → bắp, v.v... ); d/ khác với tiếng Nga, trong tiếng Việt chỉ có các tên gọi chuyển nghĩa hoàn toàn: răng – răngngười, răng cưa; chân – chân người, chân bàn, trong khi đó trong tiếng Nga từ đơn thường được thay bằng từ phái sinh hoặc từ tổ được thay bằng từ ghép; зуб – зубец(răng người, răng cưa), v.v...; e/ trong trường từ vựng tiếng Việt sự chuyển nghĩa đóng vai trò lớn hơn so với trong tiếng Nga. g/ trong tiếng Việt thường có sự đánh đồng một đối tượng bất động vật với một đối tượng động vật, có thể tạm gọi là “linh hồn hóa” (animizm), chẳng hạn bụng bảo dạ, tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ trong tiếng Việt, trong khi đó trong tiếng Nga không có sự đánh đồng hoàn toàn như vậy: tay bóp nát quả cam → измят апельсин рукой (quả cam bị bóp nát bằng tay).
Đề cập đến đặc trưng văn hóa-dân tộc của ý nghĩa biểu trưng khi khảo sát TGBPCT người, từ ngữ chỉ động vật, từ ngữ chỉ thực vật, chuyên khảo đã có kết luận chung rằng đặc trưng văn hóa-dân tộc của tư duy ngôn ngữ ở người Nga thiên về tư duy logic, tư duy phạm trù, còn người Việt thì thiên về tư duy hình tượng, tư duy liên hợp, cảm giác, hành động-trực quan.
Chương V. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của tư duy ngôn ngữ. Trong phần khái quát chung tác giả chuyên khảo sử dụng thuật ngữ “tư duy” như một quá trình mà nhờ nó có thể đạt được sự hiểu biết mới (như sự nhận thức, sự chuyển từ chưa biết sangbiết). Đặc trưng văn hóa-dân tộc của tư duy được thể hiện rõ nhất là thiên hướng “ưa thích” hay sự nổi trội của kiểu tư duy nào đó, của cách nói, cách nghĩ nào đó ở một dân tộc nhất định. Xuất phát từ cách tiếp cận như vậy, tác giả cho rằng bản chất của ẩn dụ là kiểu tư duy phạm trù, trong khi đó bản chất của hoán dụ là kiểu tư duy liên hợp, cảm giác, hành động-trực quan.
Tiếp thu có chọn lọc các quan điểm khác nhau về ẩn dụ, tác giả cho rằng xét về bản chất “ẩn dụ là phép thay thế tên gọi hoặc chuyển đặc điểm, thuộc tính của sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng thuộc loại khác theo lối loại suy dựa trên cơ sở liên tưởng đồng nhất hóa chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng”[4; 470]. Chẳng hạn trong truyện Kiều trên cơ sở đồng nhất “người phụ nữ đẹp là bông hoa” nên Nguyễn Du mới dùng ẩn dụ từ hoa trong lời đáp của Kiều với Kim Trọng khi chàng tỏ tình: Nặng lòng xót liễu vì hoa/ Trẻ con đã biết đâu mà dám thưa. Như vậy, chính thao tác đồng nhất hóa các sự vật khác loại nhau để làm cơ sở cho chuyển nghĩa hay phương thức tư duy theo ẩn dụ cho phép khẳng định quy luật chuyển nghĩa theo ẩn dụ chính là kiểu loại “tư duy phạm trù” (thuật ngữ của A.R. Lurja và L.S. Vygotskij). Cũng như vậy, dựa vào định nghĩa về ẩn dụ ta có thể loại suy để có một định nghĩa về hoán dụ như sau: Hoán dụ là phép thay thế tên gọi của hai sự vật, hiện tượng... khác loại (khác phạm trù) dựa trên cơ sở sự đồng nhất hóa chúng do chúng luôn luôn cùng xuất hiện cặp đôi với nhau trong thực tế khách quan. Vì có quan hệ cùng xuất hiện nên có thể khẳng định rằng quy luật chuyển nghĩa hoán dụ chính là kiểu” tư duy liên hợp, cảm giác, hành động-trực quan” (thuật ngữ của A.R. Lurja và L.S.Vygotskij). Tác giả cũng khảo sát chiến lược liên tưởng-so sánh có định hướng, chiến lược liên tưởng tự do của người Việt và đặc điểm tư duy liên tưởng nói chung của người Việt. Trên tư liệu thu thập được khá phong phú và kết quả thực nghiệm chuyên khảo đã chỉ ra rằng người Việt có đặc điểm tư duy thiên về kiểu tư duy liên hợp, cảm giác, hành động- trực quan.
Sách chuyên khảo “Đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” là cuốn sách được viết từ góc nhìn của lí thuyết tâm lí ngôn ngữ học tộc người của những nền văn hóa khác nhau. Tác giả cuốn sách đã tiếp cận vấn đề trên tư liệu thực tế hai ngôn ngữ Việt – Nga, làm việccụ thể trên tư liệu nên đã đem lại những điều mới mẻ có tính chất bao quát. Đây là một đóng góp mới vào việc nghiên cứu Việt ngữ nói chung và đối chiếu ngôn ngữ nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Cơ (2007). Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ). H., Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Ferdinand de Sausure. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973.
3. Nguyễn Đức Tồn (2002). Tìm hiểu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với dân tộc khác). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nguyễn Đức Tồn (2008). Đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI CỦA CÔNG TRÌNH
"Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy"
Tác giả : GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Tái bản có chỉnh lý và bổ sung,
NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA, H., 2010, 635 trang
TS VŨ THỊ SAO CHI
Cuốn sách “ Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” của GS.TS Nguyễn Đức Tồn là chuyên khảo mở đầu ở Việt Nam đi sâu nghiên cứu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của các dân tộc. Chuyên khảo đã được sử dụng làm Giáo trình giảng dạy sau đại học cho các cơ sở đào tạo: Khoa Ngôn ngữ học,Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm, Đại học Thái Nguyên; Khoa Ngữ văn Trường Đại học Hải phòng; Khoa Khoa học Xã hội Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hoá; Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học Huế. Cho đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, tác giả đã có những nhận thức mới về mặt quan điểm khoa học và nhiều kết quả mới đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy dân tộc. Chính vì vậy, lần tái bản này tác giả đã có sự chỉnh lý nhất định, bổ sung nội dung để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy được tốt hơn và cập nhật hơn.
Những đóng góp to lớn cũng có thể được coi là những phát hiện mới mang tính cách mạng trong ngôn ngữ học của công trình này là những điểm sau đây :
1)Lần đầu tiên tác giả đề xuất một hệ vấn đề cùng với các phương pháp giải quyết tương ứng để nghiên cứu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở một dân tộc(đây chính là các nhiệm vụ nghiên cứu của công trình).
2) Trên cơ sở ngữ liệu thực tế hoạt động nói năng và kết quả thực nghiệm liên tưởng, công trình đã chứng minh và chỉ ra hai loại hình tư duy ở trình độ cao nhất và điển hình nhất của các dân tộc hiện nay nói chung, ở người Nga và người Việt nói riêng, đó là loại hình tư duy thiên về tư duy lôgic, hay tư duy phạm trù (ở người Nga) và loại hình tư duy thiên về tư duy hình tượng, hay tư duy cảm giác, hành động, trực quan(ở người Việt)(tương tự như trong loại hình học định lượng có: ngôn ngữ thiên vềloại hình đơn lập, phân tích tính và ngôn ngữ thiên về loại hình khuất chiết, tổng hợp tính…)(trang 516). Đặc biệt, tác giả đồng thời cũng đưa ra phương pháp cụ thể tính được hệ số tương quan tư duy giữa các dân tộc(trang 78-81), giữa nam giới và nữ giới(trang554-560).
3) Tác giả công trình đã phân tích và chỉ ra một cách đúng đắn và có sức thuyết phục sai lầm do lẫn lộn giữa hai bình diện nhận thức và bản thể trong nguyên lí võ đoán của kí hiệu ngôn ngữ do F.de Saussure đưa ra. Đây là một trong những luận thuyết vốn đang có sự tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lí thuyết của ngôn ngữ học cấu trúc hiện đại. Từ đó công trình đã chỉ ra cội nguồn tính có lí do của mối liên hệ giữa "cái biểu hiện" và "cái được biểu hiện" của những tín hiệu ngôn ngữ đầu tiên ở người nguyên thủy khi vừa thoát thai khỏi thế giới động vật. Đó là mối liên hệ phản xạ có điều kiện theo học thuyết của I.P. Paplôp. Tính có lí do của các tín hiệu ngôn ngữ có sau này được giải thích qua tín hiệu ngôn ngữ khác khi ngôn ngữ của loài người đã phát triển cao (kiểu như lí do được giải thích bằng hiện tượng chuyển nghĩa của từ, theo cấu tạo từ, sự biến đổi vỏ ngữ âm của từ...) đều là lí do phái sinh(trang 188-193).
3) Công trình đã đưa ra được lời giải đáp xác đáng và biện chứng về một vấn đề vốn đã được tranh luận từ thời cổ đại của HyLạp và Trung Quốc mà cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ - đó là các thuyết phúsei và thései, thuyết duy thực và duy danh bàn về vấn đề tên gọi có phản ánh bản chất của sự vật hay không.Theo công trình của GS Nguyễn Đức Tồn đã chỉ ra, không phải tên gọi của một sự vật luôn luôn phản ánh bản chất sự vật(theo thuyết phúsei hoặc duy thực) hay luôn luôn không phản ánh bản chất của sự vật(theo thuyết thései hoặc duy danh). Cũng không phải cứ danh từ chung thì phản ánh bản chất sự vật còn danh từ riêng thì không. Theo GS Nguyễn Đức Tồn thì tuỳ theo trường hợp cụ thể lí do được chọn để làm cơ sở định danh (hay để đặt tên gọi) cho sự vật là loại lí do nào - lí do khách quan hay lí do chủ quan - mới có thể khẳng định tên gọi có phản ánh bản chất của sự vật, hiện tượng hay không. Nếu đây là lí do khách quan(tức đặc điểm vốn có nào đó của sự vật được chọn làm cơ sở gọi tên, tạo thành hình thái bên trong của tên gọi) thì tên gọi này sẽ phản ánh bản chất hay một phần bản chất của sự vật(ví dụ:(chim) chích choè, quạ, (lão) Móm, (con chó) Cộc...). Nếu như lí do gọi tên này là lí do chủ quan của người đặt tên thì tên gọi sẽ không phản ánh bản chất sự vật. Giữa hai loại tên gọi này có thể có sự chuyển hoá lẫn nhau (trang 168- 182).
4) Tác giả công trình đã đưa ra quan niệm hay cách nhìn mới về bản chất của ẩn dụ và ẩn dụ tri nhận trong mối quan hệ với hoán dụ. Theo quan niệm xưa nay, ẩn dụ là phép / sự thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng...dựa trên sự giống nhau, còn hoán dụ là phép / sự thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng...dựa trên sự tương cận. Theo công trình của GS Nguyễn Đức Tồn thì bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng...dựa trên sự đồng nhất chúng khi tư duy nhận thấy ở chúng có cùng một đặc điểm nào đó. Còn bản chất của hoán dụ thì cũng là sự thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng...dựa trên sự đồng nhất chúng khi chúng luôn luôn xuất hiện cùng nhau, bên nhau, cặp đôi với nhau trong không gian hoặc thời gian , có cái này thì cũng có cái kia, khiến có thể lấy một trong hai cái để đại diện thay thế cho cái còn lại(trang 486 và 508).
Còn nói về ẩn dụ tri nhận thì theo ngôn ngữ học tri nhận, "Với cách tiếp cận chung nhất, ẩn dụ được xem như là cách nhìn một đối tượng này thông qua một đối tượng khác, và với ý nghĩa đó, ẩn dụ là một trong những phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ. Ẩn dụ thường có quan hệ không phải với những đối tượng cô lập riêng lẻ, mà với những không gian tư duy phức tạp(những miền kinh nghiệm cảm tính và xã hội). Trong quá trình nhận thức, những không gian tư duy không thể quan sát trực tiếp này thông qua ẩn dụ xác lập mối tương quan với với những không gian tư duy đơn giản hơn hoặc với những không gian tư duy có thể quan sát được cụ thể(chẳng hạn, cảm xúc của con người có thể so sánh với lửa, các lĩnh vực kinh tế và chính trị có thể so sánh với các trò chơi, với các cuộc thi thể thao, v.v…"(Trần Văn Cơ, Khảo luận ẩn dụ tri nhận, NXB Lao động - Xã hội, 2009, tr.86-87).
Theo GS Nguyễn Đức Tồn, bản chất của ẩn dụ tri nhận là loại suy trên cơ sở hai hiện tượng được đồng nhất hoá: nếu hiện tượng A( mang tính cụ thể, có thể quan sát được) được đồng nhất với B ( mang tính trừu tượng, không thể quan sát trực tiếp) do tư duy nhận thấy chúng cùng có một / những đặc trưng nào đó thì tất cả những gì nói về A đều có thể loại suy sang nói về B. Ví dụ : Trên cơ sở đồng nhất: thời gian (trừu tượng) là tiền bạc(cụ thể), có thể loại suy chuyển các đặc điểm của tiền bạc sang thời gian, trên cơ sở đó có thể chuyển các cách nói về tiền bạc sang nói về thời gian, chẳng hạn: tiết kiệm tiền bạc/thời gian, chi phí tiền bạc / thời gian...(trang 492 và 499-500).
5) Công trình chỉ ra sai lầm trong nhận thức về nghĩa và cấu trúc nghĩa của từ của các lí thuyết gia về ngữ nghĩa học. Người ta đã lẫn lộn nghĩa của từ với lời giải thích nghiã của từ, từ đó cho rằng nghĩa từ là một cấu trúc tuyến tính, gồm các nét nghĩa và giữa các nét nghĩa này có quan hệ cấp bậc, quy định lẫn nhau. Công trình của GS Nguyễn Đức Tồn chỉ ra rằng nghĩa từ là hiện tượng tâm lí, xuất hiện trong đầu mỗi người khi nghe hoặc đọc một từ. Nghĩa của từ chỉ có thể cảm nhận được tự mỗi người, còn khi giải thích ra thành lời thì đó chỉ là cách diễn giải một cách hiểu cụ thể của một người về nghĩa của từ mà thôi. Do vậy nghĩa của từ nếu có cấu trúc thì đây là cấu trúc phi tuyến tính. Có thể mô hình hoá cấu trúc ấy giống như cấu trúc của hạt nhân nguyên tử bằng các vòng tròn đồng tâm, trong đó vòng tròn trung tâm gồm các nét nghĩa phản ánh các đặc trưng bản chất thuộc bản thể của sự vật, hiện tượng được biểu thị, có giá trị khu biệt một sự vật, hiện tượng với các sự vật, hiện tượng khác, còn vòng tròn ngoài chứa các nét nghĩa phản ánh những đặc trưng phụ, không có giá trị khu biệt sự vật, hiện tượng...Có thể đó chỉ là những liên tưởng mang tính đặc thù cá nhân...(trang 182-196 và 441-443).
Những đóng góp mới của công trình "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" được nêu trên đây hiển nhiên có ý nghĩa lí luận và thực tiễn rất lớn. Trước hết, về mặt lí luận, chúng sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển các quan niệm lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại ( như học thuyết về kí hiệu ngôn ngữ, về ngữ nghĩa học, về vấn đề ngôn ngữ và tư duy…).
Những đóng góp mới được thể hiện trong nội dung cuốn sách này có giá trị thực tiễn đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chẳng hạn, trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng của ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng (như: báo chí, đài phát thanh, truyền hình, điện ảnh, v.v…, và trong công tác thông tin tuyên truyền); trong lĩnh vực giảng dạy văn hoá học và lí luận ngôn ngữ học, giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường ở bậc phổ thông cũng như ở bậc đại học .
Đặc biệt, cuốn sách còn có ý nghĩa không nhỏ đối với việc tìm hiểu và xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để góp phần vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.