Trăn trở của tác giả bài viết này chính là ở chỗ, cái gọi là cấu trúc nghĩa của từ mà xưa nay quen gọi có thực là cấu trúc của nghĩa từ hay đó "chỉ là sự phân tích lời giải thích cụ thể của một cách hiểu về nghĩa của từ ", "chỉ là cấu trúc của lời diễn giải về nghĩa của từ mà thôi".
Chúng tôi về cơ bản tán thành với quan điểm của giáo sư V.M. Solncev, nhưng có một điểm khác biệt rất quan trọng sau đây. Như chúng tôi vừa dẫn, giáo sư V.M. Solncev cho rằng:“Trong mỗi ngôn ngữ, một phát âm nhất định (“vỏ âm thanh của từ”) có mối liên hệ quy ước (chúng tôi nhấn mạnh-NĐT) với một ý nghĩa (khái niệm) nhất định" [6, 14]. Còn chúng tôi thì cho rằng trong mỗi ngôn ngữ, một phát âm nhất định (“vỏ âm thanh của từ”) có mối liên hệ theo cơ chế phản xạ có điều kiện (theo học thuyết của nhà sinh lí học Xô - viết I.P. Pavlov) với một ý nghĩa nhất định, chứ không phải là mối liên hệ quy ước.Vấn đề này có liên quan đến nguồn gốc xuất hiện ngôn ngữ nói chung và các từ nói riêng mà chúng tôi sẽ luận giải và chứng minh ngay sau đây.
Theo chúng tôi, khi loài người nguyên thuỷ vừa thoát thai khỏi động vật thì họ chưa thể có đủ vốn từ mà quy ước với nhau để tạo ra từ mới theo kiểu như bây giờ các nhà khoa học quy ước với nhau để tạo ra một thuật ngữ nào đó (chẳng hạn như quy ước dùng tên của người phát minh để gọi phát minh của người đó, ví dụ dùng tên của nhà Vật lí học Đức Ohm Georg Simon (1789-1854) để gọi tên đơn vị điện trở là ôm; hay các thuật ngữ định lí Pitago, vi trùng Cốc…). Bầy người nguyên thuỷ vừa thoát thai khỏi động vật, vẫn như loài vật hiện nay, phải dùng một số âm thanh ít ỏi với tư cách là những tín hiệu để giao tiếp với nhau trong một số hoàn cảnh cực kì cần thiết đối với sự duy trì cuộc sống và giống nòi, chẳng hạn, để báo hiệu cho nhau biết nơi có thức ăn thức uống…, khi có kẻ lạ, khi có nhu cầu giao hoan để duy trì giống nòi…Ý nghĩa của mỗi âm / tín hiệu ban đầu ấy luôn gắn chặt một cách trực quan với hoàn cảnh được sử dụng và được nhận thức, hiểu cụ thể như thế nào là tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh được sử dụng. Trong quá trình tiến hoá, cơ quan cấu âm của con người đã phát triển tới mức đã có thể phát ra được một cách rành rọt và khúc chiết các âm được chia tách ra từ một âm “nhoè” gắn với một hoàn cảnh cực kì rộng lớn ban đầu. Song song với quá trình hoàn thiện hoá cơ quan phát âm này (nhờ chuyển từ thế đi bằng tứ chi sang thế đứng thẳng đi bằng hai chân như F. Engels đã chỉ ra), não của con người cũng được phát triển theo và đã có thể “chia tách” hay khu biệt ra các hoàn cảnh cụ thể hẹp hơn trong cùng một hoàn cảnh rộng lớn. Chẳng hạn: cùng trong hoàn cảnh "có thức nuôi sống cơ thể", có thể tách ra hoàn cảnh "có thức ăn", hoàn cảnh "có nước uống"…; hay hoàn cảnh "có kẻ thù", hoàn cảnh "có bạn" trong cùng hoàn cảnh rộng hơn thông báo "có kẻ lạ xuất hiện" … Quá trình này có thể được xem gần như là quá trình hình thành và chia tách các khái niệm loại thành các khái niệm chủng ở con người hiện đại. Rồi mỗi âm được chia tách ra từ một âm gốc ấy được gắn với một hoàn cảnh hẹp được tách chia ra từ cùng một hoàn cảnh rộng theo cơ chế liên hệ phản xạ có điều kiện. (Về vấn đề này có thể tham khảo thêm ý kiến của viện sĩ Ju. S. Stepanov về hiện tượng biến thể của từ được chúng tôi dẫn ra dưới đây, tuy nhiên ông không nêu cơ chế gắn các biến thể ngữ âm của một từ với các ý nghĩa khác nhau là như thế nào).Hiện tượng chia tách âm và nghĩa này ở con người hiện nay vẫn còn đang xảy ra đối với những trường hợp dịch chuyển âm thanh của một từ gốc để tạo ra các từ mới đồng nghĩa, gần nghĩa thuộc cùng một gốc, tức tạo ra các ổ từ (đây cũng là hiện tượng từ tương tự mà chúng tôi đã có dịp trình bày trong bài viết của mình[10, 24-30 hoặc 13, 252].Theo bài viết [10] , từ lâu trong tiếng Việt đã có một hiện tượng tạo từ mới bằng cách làm biến đổi ngữ âm của một từ và kèm theo đó là những sự chuyển dịch về nghĩa. Từ chỗ các hình thức ngữ âm này thoạt kỳ thuỷ chỉ là biến thể của một từ, nhưng dần dà về sau, trong quá trình sử dụng, các biến thể đó đã trở thành những đơn vị từ vựng mới riêng biệt, tuy rằng giữa chúng vẫn còn có thể nhận ra được những mối liên hệ rõ ràng về nghĩa. Chẳng hạn, các đơn vị chỉ khác nhau về thanh điệu như: ngước - ngược; lẻn - lén; quanh - quành; chuyên - chuyền - chuyển - chuyến, v.v... Có trường hợp các đơn vị chỉ giống nhau ở phần vần: leo - trèo; bận - lần; bè - phe; phang - vạng; bíu- níu - víu, v.v… (tư liệu dẫn theo [3,54]). Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra hiện tượng này, chẳng hạn cố giáo sư Tôđô Akiyasu đối với tiếng Hán (dẫn theo [8,30]), và Tomita Kenji đối với tiếng Việt [8, 30-33]… Chính viện sĩ Ju. S. Stepanov cũng đã chỉ ra hiện tượng này trong tiếng Nga: "Sự biến dạng vỏ ngữ âm của từ (...) có một giới hạn là từ đồng nghĩa (...). Một từ phát âm hai cách khác nhau tạo thành hai biến thể ngữ âm của một từ, ví dụ: Energija (n cứng ) và En’ergija (n mềm ) (năng lượng); krynka -krinka (vò đựng sữa); kaloshi - galoshi (đôi giày cao su), v.v... Nhưng mấy cặp biến thể này không có một sự khác nhau nào về ý nghĩa, dù rất nhỏ. Những biến thể phức tạp hơn xuất hiện (...). ở đây đôi khi đã có thể nhận thấy sự khác nhau chút ít về ý nghĩa nhưng còn mơ hồ; đến nỗi khó có thể giải thích thành luật lệ rõ ràng mà chỉ có thể nói là biến thể này thường kết hợp với từ này, còn biến thể kia thì thường kết hợp với từ khác (...). Song trong ngôn ngữ có một khuynh hướng là không bỏ rơi những khả năng có sẵn mà chưa được sử dụng: nếu đã tạo ra hai biến thể khác nhau của từ thì, thường thường, chúng có ý nghĩa khác nhau, mặc dù sự khác nhau về ý nghĩa này dường như chỉ là một tiểu dị. ở đây sự thay đổi của từ đã đến giới hạn: một bước nữa là trước mắt chúng ta không phải là biến thể của từ mà là một từ mới, từ đồng nghĩa với từ cũ (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi - NĐT). Chẳng hạn như ananasnyi và ananasovyi ([thuộc về, bằng] dứa) là những biến thể, còn verkhij (trên, ở trên cao, trên cùng...) và verkhovnyi (tối cao) là những từ đồng nghĩa cách nhau đã xa (...)" [7,42].
Mỗi thành phần của âm tiết (trong cấu tạo của một từ) đều có khả năng dịch chuyển riêng rẽ hoặc trong sự phối hợp đồng thời với một số thành phần khác trong âm tiết. Có thể dẫn một số trường hợp minh hoạ sau đây: phụ âm đầu biến đổi, ví dụ: bíu- níu - víu ,v.v…; nguyên âm biến đổi, ví dụ: há - hé; hứng – hóng; lẻn - lẩn - lỉnh – lủi; v.v… ; âm cuối biến đổi, ví dụ: buôn buốt và buông buốc …theo cách phát âm trong phương ngữ Nam Bộ (các âm đầu, nguyên âm, âm cuối này có trong âm tiết ở hầu như tất cả các ngôn ngữ); âm đệm biến đổi, ví dụ: chuếnh choáng và chếnh choáng, loanh quanh và lanh quanh, …; thanh điệu biến đổi, ví dụ: ngước - ngược; lẻn - lén; quanh - quành; chuyên - chuyền - chuyển – chuyến , v.v… (ở các ngôn ngữ mà âm tiết có âm đệm và thanh điệu kiểu như tiếng Việt); trọng âm biến đổi, ví dụ: muka’ (bột) và mu’ka (sự đau khổ) (ở các ngôn ngữ có trọng âm như tiếng Nga); nhiều thành phần âm tiết cùng biến đổi, ví dụ: xuân - xoan, kính – gương, kỉ – ghế, cảnh – kiểng, v.v…. Rồi mỗi thành phần của âm tiết mới được tạo ra ấy lại có khả năng biến đổi, chuyển dịch để tạo ra các âm tiết mới khác từ đó lại cấu tạo nên các từ mới khác nữa….Quá trình chuyển dịch ấy cứ thế diễn ra mãi mãi, tuy nhiên ngày càng hạn chế hơn so với ban đầu. Chính vì thế phương thức cấu tạo từ theo lối chuyển dịch âm như vậy hiện nay chỉ còn phát huy hiệu lực hạn chế như chúng tôi đã nêu trong bài viết của mình [10]. Từ các từ / tín hiệu đầu tiên và các từ/ tín hiệu được tạo thành theo cách chuyển dịch âm này, về sau con người mới sử dụng các phương thức cấu tạo từ khác như ghép, láy, phụ gia …tuỳ theo từng loại hình ngôn ngữ để tạo ra vô vàn các đơn vị từ vựng khác; hoặc sử dụng cách chuyển nghĩa theo ẩn dụ, hoán dụ, mở rộng - thu hẹp nghĩa để diễn đạt các sự vật, hiện tượng... mới bằng các từ / tín hiệu đã có. Sau cùng do có sự tiếp xúc các cộng đồng người mới có sự vay mượn từ ngữ lẫn nhau trong các ngôn ngữ.
Quan niệm của chúng tôi coi nghĩa của từ là cái xuất hiện (hay được gợi lên) trong trí óc mọi người khi nghe thấy (hoặc đọc) từ ấy cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Ch. Stevenson: "Nghĩa của từ về phương diện tâm lí mà chúng ta cần (...) là thuộc tính thiên hướng của kí hiệu mà với thuộc tính thiên hướng đó các quá trình tâm lí diễn ra ở người nghe là phản ứng được thay đổi phụ thuộc vào các hoàn cảnh đi kèm, còn kích thích là sự tri giác kí hiệu bằng thính giác." [26, 137]. Đồng thời, Ch. Stevenson còn nói rõ hơn: "Tố tính (predraspolozhenie) của kí hiệu gây nên phản ứng ở người nghe sẽ được gọi là "ý nghĩa’ và "Cần thừa nhận rằng ý nghĩa là thiên hướng hay tố tính hoặc tri giác cái được đọc hoặc tri giác kí hiệu bằng thính giác" [26, 139].
Trong những công trình đã công bố của mình vào các năm 2001, 2003, 2008, chúng tôi cũng đã nêu rõ, ở địa hạt nghiên cứu này, cần phân biệt rạch ròi trong nhận thức ba phạm trù sau đây:
Một là, nghĩa của từ (có thể coi như nội dung tồn tại khách quan của từ trong hệ thống ngôn ngữ với tư cách là bản thể(hay có thể diễn đạt ẩn dụ hoá tương tự như là “ vật tự nó ” tồn tại khách quan – theo cách gọi của I. Cantơ). Đây là tri thức chung của toàn xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định về cái được từ biểu thị / chỉ ra;
Hai là, sự nhận thức hay là sự hiểu biết của mỗi người về nội dung khách quan ấy của từ (đây là hình thức tồn tại chủ quan của nội dung khách quan nói trên của từ trong nhận thức ở mỗi người).
Ba là, khả năng diễn giải thành lời ( hay hiện thực hoá) sự hiểu biết của mỗi chúng ta về nghĩa của từ nào đó (điều này thường được coi là việc định nghĩa hay giải thích ý nghĩa của từ ) [9,53-54; 11,118-119; 14,185]. Trong thực tế, người bản ngữ ai ai cũng có thể dễ dàng hiểu được nghĩa của các từ như: nhà, sân, trời, mưa, ăn, ngủ, xanh, trắng, chua, ngọt, v.v…, nhưng việc giải nghĩa các từ trên thành lời như định nghĩa trong từ điển thì quả không dễ dàng. Đúng như các nhà biên soạn từ điển đã thừa nhận, từ càng có ý nghĩa dễ hiểu thì càng khó định nghĩa. Đó là chưa kể khả năng mỗi người có thể và có quyền giải thích ý nghĩa của cùng một từ theo cách khác nhau, và thậm chí cùng một người có thể giải nghĩa theo cách khác nhau về cùng một từ ở cùng một thời điểm nhưng cho những người nghe có trình độ nhận thức khác nhau (chẳng hạn, việc giải thích nghĩa một từ cho trẻ nhỏ khác với cho người có trình độ học vấn cao, v.v…). ( còn nữa )
(Xin nháy "về trước" ở cuối trang này để xem phần 3)