Với cách nhìn của ngôn ngữ học xã hội, trong xã hội tồn tại bao nhiêu nhóm xã hội thì trong ngôn ngữ cũng có bấy nhiêu phương ngữ xã hội. Phương ngữ giới tính là một biểu hiện của sự phân chia hai nửa đàn ông và đàn bà trong xã hội.
GS.TS Nguyễn Văn Khang
1. Dẫn nhập
Là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người, ngôn ngữ không chỉ có chức năng phản ánh thực tại xã hội mà còn có chức năng củng cố và duy trì tồn tại xã hội. Với cách nhìn này, từ góc độ giới có thể nhận thấy, ngôn ngữ không chỉ phản ánh quan niệm, cách nhìn nhận về giới của con người mà còn có thể tác động, góp phần vào thay đổi nhận thức của con người về giới.
1.1. Trước hết, với chức năng phản ánh thực tại xã hội mà cụ thể ở đây là phản ánh cách nhìn nhận về giới của con người, ngôn ngữ được xem như là ’tấm gương soi của xã hội" về giới, là "chiếc hàn thử biểu" để đo nhận thức của con người về giới trong các xã hội khác nhau, ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Chẳng hạn, nếu như xã hội phân chia loài người làm hai nửa gồm giới nam và giới nữ thì đặc điểm này cũng được phản ánh trong ngôn ngữ: Bên cạnh những điểm chung mang tính khái quát của ngôn ngữ cho cả hai giới, người ta vẫn có thể nhận ra có một "thứ" ngôn ngữ mà chỉ giới này dùng hoặc chỉ để nói về giới này mà không dùng hoặc để nói về giới kia và ngược lại. Nếu người sử dụng ngôn ngữ vượt qua ranh giới đó thì sẽ bị quy ngay là mang tính hoặc có thiên hướng của giới khác. Đây chính là lí do xuất hiện các phát ngôn kiểu như “I would describe her as handsome rather than beautiful” (Tôi có thể mô tả cô ta có cái vẻ đẹp của một trang tu mi nam tử hơn là vẻ đẹp dịu dàng của một phụ nữ). Bởi, trong tiếng Anh, handsome chỉ dùng cho namvà beautiful chỉ dùng cho nữ. Cũng vậy, trong tiếng Việt một số từ như yểu điệu, thướt tha chỉ dùng để mô tả vẻ đẹp của nữ giới ở tuổi thanh xuân, nếu dùng cho nam giới thì chắc sẽ có sắc thái tu từ tiêu cực.
Cũng như tuổi tác và nghề nghiệp, giới được coi là một nhân tố để hình thành cách sử dụng ngôn ngữ mang phong cách giới tính. Dường như, thiên chức, thân phận và tính cách của mỗi giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên phong cách ngôn ngữ của mỗi giới. Ví dụ, thực tế quan sát cho thấy, các từ có lẽ, có thể, khoảng, độ, khoảng độ, tuỳ, liệu, chắc là,... (của tiếng Việt), may be, around, about, ...(của tiếng Anh) có tần số xuất hiện trong các phát ngôn của nữ giới cao hơn rất nhiều trong các phát ngôn của nam giới. Từ đây, có thể đưa ra các nhận xét như chiến lược giao tiếp của nữ giới (nhất là trong các phát ngôn thỉnh cầu) là rào đón, vòng vo, bỏ ngỏ,... trong khi đó ở nam giới thường là ngược lại. Chẳng hạn, đối với câu hỏi "Mấy giờ thì ăn cơm?" nam giới sẽ trả lời ngay là "6 giờ”; còn nữ giới thường trả lời "Độ/khoảng 6 giờ (và có thể kèm theo thành phần hỏi lại như được không ạ/anh hả anh/...?) ( Khoảng 6 giờ nhé, có được không anh?).
Một số nghiên cứu còn đi kết luận xa hơn "ngôn ngữ của nữ giới lịch sự hơn nam giới" và lí giải rằng, thiên chức làm mẹ và các tác nhân khác như nghề nghiệp (nhất là nghề thư kí văn phòng) cũng thân phận của họ (vì thái độ "trọng nam khinh nữ" mà họ phải vươn lên, thể hiện mình) đã làm cho họ có được thứ ngôn ngữ lịch sự hơn nam giới. R. Lakoff (1973) đã làm một cuộc điều tra bằng ankét như sau:
- Viết sẵn hai câu có hai thán từ oh dear và shit vào phiếu điều tra:
(1) Oh dear! You’ve put the peanut butter in the refrigerater again.
(2) Shit! You’ve put the peanut butter in the refrigerater again.
- Đưa cho các cộng tác viên và hỏi phát ngôn nào là của nam và phát ngôn nào là của nữ. Kết quả cho thấy, hầu hết phiếu trả lời đều cho rằng, phát ngôn (1) có thán từ oh dear là của nữ, còn phát ngôn (2) có thán từ shit là của nam.
Nhà ngôn ngữ học Robin Lakoff
Nêu ra đôi điều như vậy để khẳng định rằng, ngôn ngữ tuy là của chung, không thuộc thượng tầng kiến trúc cũng không thuộc giới nào, nhưng cũng như các giai cấp sử dụng ngôn ngữ phục vụ cho giai cấp mình để hình thành nên khái niệm "phương ngữ giai cấp"; mỗi giới sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình để hình thành khái niệm "phương ngữ giới tính". Nội dung này thuộc phạm vi "phuơng ngữ xã hội" của ngôn ngữ học xã hội- một sự mở rộng của khái niệm phương ngữ (dialect) mà ngôn ngữ học cấu trúc khi nói tới phương ngữ thường chỉ có thể hiểu đó là phương ngữ địa lí.
1.2. Với chức năng củng cố và duy trì tồn tại xã hội, cụ thể ở đây là tác động, góp phần vào thay đổi nhận thức của con người về giới, ngôn ngữ cần phải được thay đổi, cải cách, nhằm xoá bỏ những thiên kiến về giới. Đó chính là kế hoạch hoá ngôn ngữ (language planning) nhằm xoá bỏ thiên kiến về giới được thể hiện trong ngôn ngữ.
Như trên đã nêu, ngôn ngữ thực hiện chức năng phản ánh và do vậy, những quan niệm về giới chắc chắn sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ. Một câu hỏi đặt ra là, khi xã hội loài người có xã hội mẫu quyền và xã hội phụ quyền, thì trong ngôn ngữ với chức năng phản ánh của mình có thể hiện được điều này hay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên để chứng minh, làm sáng tỏ nó còn là công việc đang tiếp tục không chỉ bằng tri thức ngôn ngữ học. Ví dụ, trong tiếng Naxi (của dân tộc thiểu số Naxi ở khu vực Lệ Giang, tỉnh Vân Nam Trung Quốc) có hiện tượng ghép từ như sau:
Khi trong tiếng Hán có từ ghép "phu thê" 夫妻 (chồng vợ) thì tiếng Naxi lại từ ghép "thê phu" (vợ chồng); tiếng Hán có từ ghép "nam nữ " 男女thì tiếng Naxi lại có từ ghép "nữ nam"
Trong tiếng Naxi, từ "mẫu" (mẹ) đồng nghĩa với từ "đại" (to), từ "nam" (đàn ông, bố) đồng nghĩa với "tiểu" (nhỏ). Vì thế, khi tiếng Hán gọi “cây to” là "đại thụ" thì tiếng Naxi lại gọi là "thụ mẫu" (cây mẹ); khi tiếng Hán gọi “cây nhỏ” là "tiểu thụ" thì thì tiếng Naxi lại gọi là "thụ nam" (cây nam/cây đàn ông).
Dựa theo chứng cứ về ngôn ngữ này, có nhà dân tộc học Trung Quốc đã đi đến nhận định rằng, đây là dấu ấn của thời kì mẫu hệ (Chen Songling, 1985). Sự đúng sai hay tính chính xác của kết luận này phải chờ xem xét ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, nó là một điều đáng để suy nghĩ khi nhìn vào tiếng Việt: Tại sao các từ ghép tiếng Việt khi nói về quan hệ thân tộc thì yếu tố nam thường đứng trước còn yếu tố nữ đứng sau (ông bà, cha mẹ, ba mợ, ba má, chú gì, chú thím, cậu mợ, anh chị) mà chỉ trừ có một trường hợp ngoại lệ là vợ chồng, có yếu tố nữ đứng trước, yếu tố nam đứng sau ? Cách kết hợp vợ chồngcủa tiếng Việt liệu có liên quan gì với xã hội mẫu hệ như nhà nghiên cứu Trung Quốc kia đã đưa ra nhận xét? Có liên quan gì đến quan niệm về giới ở trong mỗi xã hội?
Cũng từ cách nhìn cho rằng, sự bất bình đẳng về giới đang được ngôn ngữ phản ánh, lưu giữ, và như là một sự "mưa dầm thấm áo", chính ngôn ngữ đã càng làm khoét sâu hố ngăn cách này. Vì thế, muốn tạo ra sự bình đẳng về giới trong xã hội thì nhiệm vụ của ngôn ngữ là phải kế hoạch hoá ngôn ngữ (language planning) hay "cải cách ngôn ngữ" (languge reform). Ví dụ, cách nói Ladies and Gentlments “Thưa các quý bà, quý ông” chứ không phải Gentlments and Ladies “Thưa các quý ông, quý bà" được coi như là một sự nâng cao vị thế của nữ giới theo hướng chống coi thường nữ giới (tạo sự bình đẳng cho nữ giới).
1.3. Vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính đã trở thành một nội dung lớn của ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics) ngay từ khi chuyên ngành ra đời vào năm 1964. Từ đó đến nay, nhiều nội dung xoay quanh đề tài này với hàng loạt công việc được triển khai, như: các hình thức ngôn ngữ của nam giới và nữ giới; mô thức giới trong ngôn ngữ học xã hội; biểu hiện của sự kì thị về giới tính trong ngôn ngữ; phong trào nữ quyền với sự cải cách ngôn ngữ về giới; giới với tư cách là nhân tố trong nghiên cứu giao tiếp; v.v...Có thể nói, giới tính cùng với tuổi tác và nghề nghiệp là ba tác nhân ở thế "kiềng ba chân" trong sử dụng ngôn ngữ. Chính từ góc nhìn này đã làm cho việc nghiên cứu ngôn ngữ vượt ra khỏi phạm vi nghiên cứu của ngôn ngữ học truyền thống để gắn liền hơn với đời sống xã hội. Cùng với các nghiên cứu như xuyên văn hoá (cross-cultural), liên văn hoá (inter-cultural), nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội về giới là hướng nghiên cứu đa ngành và liên ngành (với xã hội học, dân tộc học, văn hoá học,...), góp phần vào giải quyết các vấn đề vốn rất hấp dẫn và phong phú nhưng không hề dễ dàng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội: Nếu coi xã hội con người với các hành vi là một mạng các quan hệ, thì ngôn ngữ với tư cách là một loại hành vi của con người không thể tách rời các hành vi khác. Đó là lí do giải thích vì sao vấn đề ngôn ngữ và giới trở thành một nội dung quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội: Khi xử lí các vấn đề của ngôn ngữ không thể bỏ qua các vấn đề về giới và ngược lại, các vấn đề về giới luôn gắn với ngôn ngữ ở cả hai bình diện là phản ánh về giới và tác động vào giới.
Trong nhiều nội dung có liên quan đến ngôn ngữ và giới thì cho đến nay, có hai nội dung được đặc biệt quan tâm đó là: (1) Sự thiên kiên về giới được thể hiện trong ngôn ngữ và (2) Kế hoạch hoá ngôn ngữ về giới để góp phần tạo sự bình đẳng về giới. Bài viết này tập trung vào hai vấn đề (1) và (2) trong sự liên hệ với trường hợp tiếng Việt và vấn đề giới ở Việt Nam.
(Còn nữa)