05 vấn đề về chính sách ngôn ngữ đã được GS. TS Nguyễn Văn Khang trình bày tại buổi thuyết trình này, đó là: Khái niệm “chính sách ngôn ngữ”; Nguồn gốc của chính sách ngôn ngữ; Nội dung của chính sách ngôn ngữ; Các mô hình chính sách ngôn ngữ; Cơ sở để xây dựng chính sách ngôn ngữ.
Ngày 20 tháng 5 năm 2010, tại Hội trường Viện Ngôn ngữ học, số 9 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Khang đã thuyết trình“Những vấn đề lí thuyết của chính sách ngôn ngữ”.
Nội dung thuyết trình gồm 05 vấn đề:
1) Dẫn nhập ( Khái niệm “chính sách ngôn ngữ”)
2) Nguồn gốc của chính sách ngôn ngữ
3) Nội dung của chính sách ngôn ngữ
4) Các mô hình chính sách ngôn ngữ
5) Cơ sở để xây dựng chính sách ngôn ngữ
Coi chính sách ngôn ngữ là một nội dung khoa học quan trọng của ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, tác giả đã phân tích lí do phải có chính sách riêng về ngôn ngữ. Theo đó là một định nghĩa mang tính ngôn ngữ học về chính sách ngôn ngữ gồm nội dung của chính sách ngôn ngữ và chủ thể đưa ra chính sách ngôn ngữ .
Nhấn mạnh cảnh huống ngôn ngữ là cơ sở để xây dựng chính sách ngôn ngữ , tác giả tập trung phân tích hai vấn đề đang được quan tâm đó là:
1/ Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và chính trị ( để hình thành nên hai khái niệm “chính trị của ngôn ngữ “; Politics of language và “ngôn ngữ của chính trị” ; Language of politics);
2/ Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội mà sinh thái học ngôn ngữ là biểu hiện của sự tương tác này (sức sống của các ngôn ngữ và tính đa dạng của ngôn ngữ).
Cùng với việc chỉ ra các mô hình chính sách ngôn ngữ ( bao gồm các mô hình chính sách ngôn ngữ đã có và các mô hình chính sách ngôn ngữ mới xuất hiện dưới tác động của toàn cầu hoá), tác giả đã làm rõ mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ (Language policy) và kế hoạch hoá ngôn ngữ (Language planning).
Sau bài thuyết trình, những người tham dự đã đặt câu hỏi, trao đổi cùng tác giả về các nội dung liên quan.
Tin: Nguyễn Thị Bích Hạnh
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi thuyết trình: