Trăn trở của tác giả bài viết này chính là ở chỗ, cái gọi là cấu trúc nghĩa của từ mà xưa nay quen gọi có thực là cấu trúc của nghĩa từ hay đó "chỉ là sự phân tích lời giải thích cụ thể của một cách hiểu về nghĩa của từ", "chỉ là cấu trúc của lời diễn giải về nghĩa của từ mà thôi".
Do thấy người ta không thể diễn giải được thành lời sự hiểu biết của mình về nghĩa của một từ nào đó có người đã vội quy họ không hiểu ý nghĩa của từ! Đặc biệt hơn nữa là có những nhà nghiên cứu ngữ nghĩa học do bị lầm lẫn hai bình diện nhận thức và bản thể nên đã coi lời định nghĩa của một từ trong từ điển giải thích chính là nghĩa, thậm chí còn coi đó chính là cấu trúc nghĩa của từ, từ đó đã có những nhận định thiếu chính xác khi phân tích ngữ nghĩa của từ ngữ. Thực ra, như đã nói, lời định nghĩa trong từ điển giải thích chỉ là một trong nhiều biến thể về cách giải thích và cách hiểu ý nghĩa của một từ mà thôi (I.A. Sternin)[24].
Chẳng hạn, nói mát được từ điển giải nghĩa là :“ Nói dịu nhẹ như khen nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách”[5,733].
Do dựa vào lời giải nghĩa trên, có nhà nghiên cứu đã phân tích rằng nghĩa của tổ hợp nói mát có cấu trúc: “nét nghĩa tính chất kết hợp với nét nghĩa so sánh và nét nghĩa mục đích (chúng tôi nhấn mạnh– NĐT). Thật ra cụm từ “như khen” trong lời định nghĩa trên ( được coi là nét nghĩa so sánh!) chỉ là cách diễn giải cho dễ hiểu chứ không phải là trong cấu trúc nghĩa của tổ hợp nói mát có nét nghĩa so sánh. Nếu diễn giải lại một cách đồng nghĩa lời định nghĩa này thì cái gọi là “nét nghĩa so sánh” ấy sẽ biến mất: “Nói dưới hình thức là lời khen với giọng điệu dịu nhẹ nhưng thực chất là mỉa mai, chê trách”!
Như vậy, có thể thấy tất cả những điều mà cố giáo sư Hoàng Phê trình bày về cấu trúc nghĩa của từ theo quan điểm của ngữ nghĩa học hiện đại, đó chỉ là sự phân tích lời giải thích cụ thể của một cách hiểu về nghĩa của từ và cái gọi là cấu trúc nghĩa của từ như đã nêu chỉ là cấu trúc của lời diễn giải về nghĩa của từ mà thôi. Và cũng vì nghĩa của từ là một hiện tượng tâm lí, tinh thần nên cấu trúc của nó không thể có tính chất tuyến tính mà có tính chất phi tuyến tính. Cái gọi là nét nghĩa của từ chính là sự hiểu biết của con người về đặc trưng nào đó của cái mà từ gợi ra / chỉ ra . Nghĩa từ nằm trong đầu con người, vì vậy nếu có cấu trúc thì cấu trúc đó phải là phi tuyến tính - sự hiểu biết hoàn chỉnh như một ý niệm tổng thể xuất hiện đồng thời về các đặc trưng, các thuộc tính…của sự vật, hiện tượng... được từ gợi ra / chỉ ra / . Còn lời giải nghĩa từ chẳng qua chỉ là sự hiển minh hoá nhận thức về nghĩa của một từ thành một cấu trúc có tính chất tuyến tính trong không gian. Để hiểu được cấu trúc nghĩa của từ như một hiện tượng tâm lí, chúng tôi đã sử dụng cách phân tích cấu trúc các lời giải nghĩa trong từ điển của tất cả các từ thuộc cùng một trường từ vựng ngữ nghĩa bằng phương pháp phân tích thành tố để xác đinh các thành tố / nét nghĩa trung tâm và các thành tố / nét nghĩa ngoại vi.(X.[14, 302-342 và 414-416] ). Từ đây có thể hình dung theo ẩn dụ tri nhận cấu trúc nghĩa từ tương tự như cấu tạo của hạt nhân nguyên tử : có hạt nhân (ứng với các nét nghĩa trung tâm hay có thể gọi là nét nghĩa hạt nhân) và các điện tử bao quanh (ứng với các nét nghĩa ngoại vi).
Sự nhầm lẫn của ngữ nghĩa học hiện đại khi coi lời giải thích nghĩa của từ là nghĩa từ, từ đó coi cấu trúc lời giải thích nghĩa của từ là cấu trúc của nghĩa từ chính là sự nhầm lẫn giữa nhận thức và bản thể mà trước đây chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong một số công trình của mình[12;16].
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb GD, H., 1998
2. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt - sơ thảo ngữ pháp chức năng, Tập I, Nxb KHXH, H., 1991
3. Vũ Đức Nghiệu, Về hiện tượng tương tự của từ vựng tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1990
4. Hoàng Phê, Phân tích ngữ nghĩa, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, 1975
5. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2002
6. Solncev V.M., Về các huyền thoại ngôn ngữ học, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1992
7. Stepanov Ju. S, Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb ĐH&THCN, H., 1977
8. Tomita Kenji, Một khảo sát về hệ thống sản sinh từ vựng trong tiếng Việt nhằm góp phần nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1999
9. Nguyễn Đức Tồn, Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường, Nxb ĐHQG,H., 2001
10. Nguyễn Đức Tồn, Suy nghi qua một hiện tượng chuyển âm cấu tạo từ trong tiếng Việt: ’lui’ và ’lùi’, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, 1999
11. Nguyễn Đức Tồn, Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy, học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường, H., Nxb ĐHQGĐHN, 2003
12. Nguyễn Đức Tồn, Cần phân biệt hai bình diện nhận thức và bản thể trong nghiên cứu ngôn ngữ học, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11, 2003.
13. Nguyễn Đức Tồn, Từ đồng nghĩa tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, H., 2006
14. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXb Khoa học xã hội, H., 2008
Tiếng Anh
15. U.Weinreich, Explorations in semantic theory, trong quyển “current trends in linguistics, III – Theoretical foundations”, mục 2.2.3, London-The Hague-Paris,1966 – Tài liệu đánh máy của Thư viện Viện Ngôn ngữ học)
16. Nguyen Duc Ton, Inevitable discrimitation between perceptive and essential planes in linguistics study, Vietnam Social sciences Review, 2/2004)
Tiếng Nga
17. Budagov P.A. Vvedenie v nauku o jazyke, M., 1958
18.Wittgenstein L. Filosofskie issledovanija // Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. XVI, M., 1985
19. Kolshanskij G.V. Nekotorye voprosy semantiki jazyka v gnoseologicheskom aspecte // Principy i metody semanticheskikh issledovanij , Nauka, M., 1976
20. Leont’ev A. A. Slovo v rechevaja dejatel’nosti, Nauka, M., 1965
21. Reformatskij A. A., Vvedenie v jazykoznanie. - M., Uchpedgiz, 1960.
22. Nowell-Smith P. H., Logika prilagatel’nykh // Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. XVI, M., 1985
23. Potebnija A. A., Mysl’ i jazyk, Odessa, 1922
24. Spirkin A.G., Soznanie i samosoznanie, Nauka, M., 1972
25. Sternin I.A., Leksicheskoe znachenie slova - Voronezh, Izdatel’stvo Voronezhskogo universiteta, 1985
26. Stevenson Ch., Nekotorye pragmaticheskie aspecty znachenija // Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. XVI, M., 1985