Sáng ngày 11 tháng 1 năm 2009, về dự Lễ tổng kết công tác năm 2009 và triển khai công tác năm 2010 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, UVBCHTUĐảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp trao cho GS.TS Đỗ Hoài Nam,UVBCHTUĐảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện KHXH Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 thành lập Học viện Khoa học Xã hội (KHXH) thuộc Viện KHXH Việt Nam.
Học viện là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện KHXH Việt Nam, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Học viện có nhiệm vụ đào tạo, cấp văn bằng thạc sỹ và tiến sỹ về KHXH; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện KHXH Việt Nam; nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về KHXH, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Học viện KHXH hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Viện KHXH Việt Nam ban hành, phù hợp với Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định 153/2003/QĐ-TTgngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Viện KHXH Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về KHXH, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững đất nước theo định hướng XHCN; tổ chức, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về KHXH; tham gia phát triển tiềm lực KHXH trong cả nước.
Hiện nay, Viện có một đội ngũ đông đảo những người làm công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách với gần 1.500 người, trong đó có hơn 600 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ cùng với phần lớn số cán bộ còn lại là cử nhân ở các ngành khác nhau làm việc trong 31 Viện nghiên cứu, 5 cơ quan giúp việc Chủ tịch Viện và 2 cơ quan sự nghiệp khác.
Tính đến nay, Viện có 17 cơ sở đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ thuộc các lĩnh vực chuyên ngành ở 17 viện trực thuộc. Việc thành lập Học viện KHXH nhằm thống nhất và đồng bộ hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
|
(Nguồn: website của Chính phủ )