Nhân 55 năm thành lập Ngành ngôn ngữ học Trường Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội, xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học của Trường.
Ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXHNV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã trải qua già nửa thế kỷ (55 năm) xây dựng và phát triển. Từ một bộ môn của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội (1956-1996) đến nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXHNV (1996-2011).
PGS. TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV Hà Nội
Trong 55 xây dựng và phát triển, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, các cán bộ giảng viên của Bộ môn Ngôn ngữ học trước đây và Khoa Ngôn ngữ học hiện nay, đã nỗ lực nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng tự hào. Để ghi nhận một chặng đường phát triển, bài viết này sẽ cố gắng tổng kết lại những thành tựu nghiên cứu khoa học chủ yếu của Ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXHNV Hà Nội trong 55 năm qua. Phạm vi tổng kết của bài viết là các công trình nghiên cứu (báo cáo khoa học, bài tạp chí, sách đã được xuất bản) của các cán bộ giảng viên đã từng công tác tại Bộ môn Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ Văn trước đây hoặc đã và đang công tác ở Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXHNV hiện nay, kể cả những người do nhu cầu xây dựng và phát triển đã chuyển sang làm việc ở các cơ quan khác. Ngoài phần kết luận, nội dung tổng kết của bài viết bao gồm các thành tựu khoa học của Bộ môn và Khoa trong 7 lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu sau đây:
1. Các nghiên cứu về ngữ âm và từ vựng tiếng Việt.
2. Các nghiên cứu về ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng tiếng Việt.
3. Các nghiên cứu về phong cách học và phương ngữ tiếng Việt.
4. Các nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt.
5. Các nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
6. Các nghiên cứu về ngôn ngữ học đối chiếu và khu vực.
7. Các nghiên cứu về lí luận ngôn ngữ.
8. Các nghiên cứu ứng dụng ngôn ngữ học và Việt ngữ học.
1. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ NGỮ ÂM VÀ TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT
1.1. Về ngữ âm tiếng Việt
Nói đến những thành tựu nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt của các nhà Việt nggữ họcở bộ môn Ngôn ngữ học trước đây và Khoa Ngôn ngữ học hiện nay, có thể nhắc tên hàng chục công trình được công bố trong mấy chục năm qua của Cao Xuân Hạo (Bàn về cách giải thuyết âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt, 1962, Vấn đề âm vị trong tiếng Việt - “The Problem of phoneme in Vietnamese,1975; Âm vị học và tuyến tính – Phonologie et linérité, 1985), của Nguyễn Hàm Dương (Âm tiết trong tiếng Việt - một đơn vị tín hiệu cơ bản,1964; Âm vị phân đoạn và không phân đoạn, 1987), Nguyễn Phan Cảnh (Vài ý kiến về giải thuyết âm vị học các phụ âm cuối trong tiếng Việt hiện đại, 1964: Bản chất cấu trúc âm tiết tính của ngôn ngữ: Dẫn luận vào một miêu tả không phân lập đối với âm vị học Việt Nam, 1978), Đoàn Thiện Thuật (Đóng góp vào việc giới định từ đa tiết bằng trọng âm trong tiếng Việt, 1964, Ngữ âm tiếng Việt, 1977), Đinh Lê Thư (Bàn về âm tắc thanh hầu mở đầu âm tiết tiếng Việt, 1982, Sự hiện thực hoá về mặt ngữ âm của thế đối lập hữu thanh – vô thanh của phụ âm đầu trong tiếng Việt, 1986), Đỗ Tiến Thắng (Ngữ điệu tiếng Việt sơ khảo, 2009) v.v. Trong số các công trình đó, Ngữ âm tiếng Việt của Đoàn Thiện Thuật (1977) và Âm vị học và Tuyến tính của Cao Xuân Hạo (1985) là hai công trình gây được ảnh hưởng sâu rộng trong giới học thuật. Với Ngữ âm tiếng Việt của Đoàn Thiện Thuật, lần đầu tiên tình hình nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt có được “một sự tổng kết toàn diện”, “đi theo hướng nghiên cứu phương Đông, tận dụng những kết quả thực nghiệm, và cũng cân nhắc và đưa ra giải pháp âm vị học tối ưu dùng cho việc miêu tả” hệ thống ngữ âm tiếng Việt với một hệ thống âm vị gắn với vị trí của chúng trong cấu trúc 4 thành tố của âm tiết tiếng Việt. (Lược sử Việt ngữ học, Nguyễn Thiện Giáp 2005: 152). Với lập luận chặt chẽ, cách trình bày sáng rõ, có kế thừa lí thuyết âm vị học châu Âu, kết hợp với lí luận Phương Đông và thực tiễn tiếng Việt, cho đến nay Ngữ âm tiếng Việt của Đoàn Thiện Thuật vẫn là giáo trình ngữ âm tiếng Việt có uy tín nhất trong chương trình đào tạo của Khoa Ngôn ngữ học và các khoa Ngữ Văn ở nhiều trường đại học khác. Từ một góc nhìn khác, cho rằng âm tiết tiếng Việt là một chỉnh thể và không có cơ sở nào về mặt chất liệu âm thanh cũng như về mặt chức năng cho phép phân chia nó thành 4 yếu tố đoạn tính, Cao Xuân Hạo đã để xuất quan niệm “âm vị học phi đoạn tính trong tiếng Việt”. Theo Cao Xuân Hạo, mặc dù khác nhau về mặt phân đoạn nhưng xét về mặt chức năng, âm tiết trong tiếng Việt có chức năng năng tương tự như âm vị trong các ngôn ngữ châu Ấu. Nói cách khác, âm vị trong tiếng Việt là loại âm vị phi đoạn tính hay “đại âm vị” (macro phoneme), khác với âm vị trong các ngôn ngữ châu Âu là âm vị đoạn tính hay là “tiểu âm vị” (micro phoneme). Quan niệm “âm vị học siêu đoạn tính” của Cao Xuân Hạo được trình bày lần đầu trong Vấn đề âm vị trong tiếng Việt (The problem of phoneme in Vietnamese, 1975)và sau đó trong Âm vị học và Tuyến tính (Phonologie et Linéatité, 1985) đã gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu ngữ âm học trong và ngoài nước.
Bên cạnh các vấn đề về ngữ âm tiếng Việt, các vấn đề liên quan đến chữ viết và chính tả tiếng Việt cũng thu hút sự chú ý của nhiều người: Nguyễn Kim Thản viếtNhân vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, 1960, Từ điển chính tả thông dụng tiếng Việt,1974, Sổ tay chính tả, 1979. Phan Ngọc Giới thiệu cách chữa lỗi chính tả bằng con đường từ vựng, 1981, Chữa lỗi chính tả cho học sinh, 1982. Đoàn Thiện Thuật bàn vềHình thức văn tự của âm đệm trong âm tiết tiếng Việt và việc dạy chúng ở lớp một trường phổ thông, 1989,v.v..
1.2. Về từ vựng tiếng Việt
Cùng với ngữ âm, từ vựng tiếng Việt cũng là lĩnh vực đựơc các nhà Việt ngữ học ở Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học đi tiên phong nghiên cứu và để lại dấu ấn, với các công trình mở đường của Nguyễn Văn Tu và sau đó là Nguyễn Thiện Giáp. Trong các công trình đầu tiên và tiếp theo của Nguyễn Văn Tu về từ vựng tiếng Việt như phần Từ vị học trong Khái luận Ngôn ngữ học (1961), Từ vựng học tiếng Việt hiện đại (1968), Từ và vốn từ tiếng Việt (1976), các vấn đề từ, nhận diện từ, cơ cấu nghĩa của từ, quan hệ ý nghĩa, nguồn gốc và phạm vi sử dụng của vốn từ tiếng Việt đã được đề cập, phân tích và mô tả một cách chi tiết, đặt nền móng cho sự ra đời môn Từ vựng học tiếng Việt ở Việt Nam nói chung và ở Trường ĐHTH/KHXHNV nói riêng. Tiếp theo đó, kế thừa những thành tựu nghiên cứu của Nguyễn Văn Tu và của nhiều học giả khác, Nguyễn Thiện Giáp đã có những nghiên cứu sâu sắc, khoa học và có hệ thống về từ vựng tiếng Việt qua các công trình Từ vựng tiếng Việt (1975) và Từ vựng học tiếng Việt (1985) được giới nghiên cứu từ vựng học đánh giá cao. Ngoài ra, nội dung từ vựng học cũng được đề cập đến trong hầu hết các công trình Dẫn lụân ngôn ngữ học do cán bộ, giảng viên Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học biên soạn (xem ở mục 7).
Cùng với việc nghiên cứu hệ thống từ vựng tiếng Việt, các nhà nghiên cứu còn đi sâu khảo sát các nhóm từ vựng ngữ nghĩa nhỏ trong hệ thống từ vựng như các nhóm từ đồng âm (Nguyễn Thiện Giáp: Một vài suy nghĩ về hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt, 1971), đồng nghĩa (Nguyễn Văn Tu: Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt, 1980, Các nhóm từ đồng nghĩa trong tiếng Việt, 1982), thành ngữ (Nguyễn Thiện Giáp: Về khái niệm thành ngữ trong tiếng Việt, 1975), từ ngữ Hán - Việt (Nguyễn Thiện Giáp – Vũ Đức Nghiệu: Số tay Hán - Việt bậc tiểu học, 1999), v.v.
2. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ NGỮ PHÁP, NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG TIẾNG VIỆT
2.1. Về ngữ pháp tiếng Việt
Một bình diện Việt ngữ học khác ghi đậm dấu ấn các thành tựu nghiên cứu của Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học là ngữ pháp tiếng Việt, trên cả hai cấp độ từ pháp và cú pháp.
2.1.1. Ở cấp độ từ pháp, có thể thấy các vấn đề liên quan đến đơn vị cấu tạo từ và các kiểu cấu tạo từ tiếng Việt được thể hiện sâu sắc và đa dạng qua các công trình nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản (Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt - T1, 1963), Nguyễn Tài Cẩn (Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - từ ghép - đoàn ngữ, 1975), Cao Xuân Hạo (Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng, 1985, Chức năng định danh và cương vị của từ , 1985), Nguyễn Thiện Giáp (Từ và nhận diện từ trong tiếng Việt, 1996), trong đó có ảnh hưởng lớn đối với các nhà ngữ pháp tiếng Việt là các nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn, đặc biệt là công trình Ngữ pháp tiếng Việt : Tiếng - từ ghép - đoản ngữ (1975). Trong công trình này, tiếp thu quan niệm của các nhà Đông phương học Xô Viết về khái niệm hình tiết(morphosyllabeme), Nguyễn Tài Cẩn đã xác lập cho tiếng của tiếng Việt chức năng của một đơn vị ngữ pháp, tương tự như hình vị (morpheme) trong các ngôn ngữ châu Âu, để mô tả một cách hệ thống các kiểu cấu tạo từ của tiếng Việt. “Chính việc đề xuất áp dụng và minh định giá trị ngữ pháp của "tiếng" đã tạo nên bước chuyển biến có tính bản lề,đem đến những đổi mới sâu sắc trong nhận thức của giới Việt ngữ học nói chung khi miêu tả tiếng Việt, khiến việc miêu tả cấu trúc tiếng Việt đương đại trở nên sát thực, đúng với cái nó vốn là như thế hơn. Còn cấu trúc danh ngữ tiếng Việt được miêu tả trong công trình này (áp dụng phương pháp miêu tả theo vị trí phân bố) thì đã góp phần cải tiến và thay đổi rất nhiều trong việc phân định từ loại, một việc rất quan trọng của nghiên cứu và miêu tả ngữ pháp” (Vũ Đức Nghiệu, 2011). Từ đây đã hình thành nên quan niệm nghiên cứu cấu tạo từ tiếng Việt dựa vào đơn vị tiếng, thường được gọi là quan niệm của Đại học Tổng hợp, sau đó được phát triển xa hơn trong các công trình nghiên cứu của Cao Xuân Hạo và Nguyễn Thiện Giáp trong đó tiếng không chỉ có cương vị như hình vị mà thậm chí còn có “một vị trí tương đương với từ trong các ngôn ngữ Âu châu” (Cao Xuân Hạo).
Một vấn đề khác ở bình diện từ pháp cũng thu hút sự chú ý của các nhà Việt ngữ học của Bộ môn/Khoa là vấn đề từ loại tiếng Việt, với các bảng phân định từ loại để lại dấu ấn của Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Tài Cẩn. Nếu như Nguyễn Kim Thản (1963) phân định từ loại tiếng Việt dựa trên một tập hợp của cả hai tiêu chí là ý nghĩa khái quát và quan hệ cú pháp thì Nguyễn Tài Cẩn (1975) lại chỉ dựa vào các tiêu chí ngữ pháp thuần tuý là khả năng tổ chức đoản ngữ (tiêu chí chủ yếu) và khả năng tổ chức mệnh đề (tiêu chí bổ sung) để phân định từ loại tiếng Việt, và nhờ đó vạch ra được các ranh giới khá rõ ràng về các từ loại và tiểu loại trong tiếng Việt. Các quan niệm về từ loại của Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Kim Thản đã được tiếp thu và phát triển trong các công trình nghiên cứu sau đó của Đinh Văn Đức là Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại (1986) vàCác bài giảng về từ pháp tiếng Việt - Từ loại từ bình diện chức năng, (2010). Hai công trình này của Đinh văn Đức đã tiếp cận đến vấn đề từ loại tiếng Việt một cách hệ thống và chuyên sâu, trong đó từ loại tiếng Việt không chỉ được phân loại một cách khoa học mà còn được mô tả một cách cặn kẽ về bản chất từ loại, thái độ và chức năng ngữ pháp, thể hiện qua vai trò của chúng trong cấu trúc đoản ngữ. Vấn đề phân định từ loại cũng được Nguyễn Hồng Cổn đề cập đến trong bài báo Về sự phân định từ loại trong tiếng Việt (2003), với cách phân loại hoàn toàn dựa vào chức năng của từ.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề phân định và mô tả hệ thống từ loại tiếng Việt, các nhà nghiên cứu ở Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học còn quan tâm đến việc mô tả đặc điểm ngữ pháp và hoạt động của các từ loại, tiểu loại hay ngữ, với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, gây được sự chú ý của Nguyễn Tài Cẩn (Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, 1975), Nguyễn Kim Thản (Động từ trong tiếng Việt, 1977), Nguyễn Lai (Nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt, 1990), hoặc các bài viết của Nguyễn Văn Chính về các hư từ cụ thể như mà (2000), đã (2001), vừa và mới (2002 ), cứ (204),không (2005), v.v. Đặc biệt, các công trình của Cao Xuân Hạo về cách phân loại các danh từ đơn vị và danh từ khối trong tiếng Việt (Hai loại danh từ của tiếng Việt, 1980; Sự phân biệt đơn vị/khối lượng trong tiếng Việt và khái niệm loại từ, 1988), về cấu trúc ngữ đoạn (Về cấu trúc danh ngữ trong tiếng Việt, 1998; Ngữ đoạn và cấu trúc của ngữ đoạn, 1998) đã đưa lại những cách tiếp cận mới cho các vấn đề hữu quan.
2.1.2. Ở cấp độ cú pháp, các nhà ngôn ngữ của Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học cũng đã công bố hàng loạt công trình nghiên cứu về cú pháp tiếng Việt từ các góc nhìn lí thuyết khác nhau: Nghiên cứu Ngữ pháp tiếng Việt, T2 (1964) của Nguyễn Kim Thản ảnh hưởng sâu sắc lí thuyết “từ tổ” của Nga, Ngữ pháp tiếng Việt (1975, bằng tiếng Nga) của Nguyễn Tài Cẩn và các đồng tác giả (I.X Bystrov và N.V Stankievich), Ngữ pháp tiếng Việt – Câu (1980) của Hoàng Trọng Phiến dung hoà giữa ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp cấu trúc, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt trên quan điểm tầng bậc có hạt nhâncủa Lưu Vân Lăng (1970) bộc lộ xu hướng ly khai với cấu trúc chủ - vị, Thành phần câu tiếng Việt ( 1998) của Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp nghiêng theo lý thuyết thành phần câu của S.E Jakhontov, Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng (1991) của Cao Xuân Hạo theo đường hướng của Ngữ pháp chức năng, Cú pháp tiếng Việt(2009) của Nguyễn Văn Hiệp theo cách tiếp cận của Ngữ pháp ngữ nghĩa. Nhận định sau đây của Nguyễn Văn Hiệp (2009) về sự ảnh hưởng của các lý thuyết cú pháp của thế giới đối với việc nghiên cứu cú pháp Việt Nam “Có thể nói hầu hết các lí thuyết cú pháp quan trọng của thế giới đều đã có ảnh hưởng nhất định đến việc nghiên cứu cú pháp tiếng Việt ở một góc độ nào đó” cũng hoàn toàn đúng đối với các nghiên cứu cú pháp tiếng Việt ở Bô môn/Khoa Ngôn ngữ học, nó cho thấy sự gắn kết giữa các nhà ngôn ngữ học của Bộ môn/Khoa với các trường phái ngôn ngữ học lớn trên thế giới ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Mặc dù các công trình nghiên cứu trên đây có giá trị khoa học khác nhau, nhưng tuỳ theo giai đoạn lịch sử của mình, mỗi công trình đều để lại dấu ấn học thuật trong dòng chảy nghiên cứu cú pháp tiếng Việt, trong đó, có thể nói, mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo là công trình có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất. Điểm khác biệt của công trình này là cách tiếp cận theo hướng Ngữ pháp chức năng đối với cú pháp tiếng Việt với tinh thần chống “dĩ Âu vi trung”, sử dụng cấu trúc đề - thuyết để mô tả cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt thay cho cấu trúc chủ - vị truyền thống, vốn chỉ phù hợp với cú pháp của các ngôn ngữ châu Âu. Trên một hướng khác, công trình Cú pháp tiếng Việt mới xuất bản gần đây (2009) của Nguyễn Văn Hiệp mô tả cú pháp tiếng Việt dưới góc độ Ngữ pháp ngữ nghĩa cũng là một công trình được giới nghiên cứu đánh giá cao, đặc biệt là về phương pháp xác định, phân loại và mô tả các thành phần câu tiếng Việt, mặc dù tác giả vẫn nghiêng theo hướng sử dụng cấu trúc chủ - vị với những cải biên nhất định. Có thể nói các nhà nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt của Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học đã tiếp nhận các lí thuyết ngôn ngữ học và phương pháp nghiên cứu của thế giới khá cập nhật và biết cách ứng dụng vào thực tiễn tiếng Việt
Ở cấp độ trên câu, đáng chú ý là các nghiên cứu của Trần Ngọc Thêm về đoạn văn, văn bản và liên kết văn bản trong đó Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (1985) của Trần Ngọc Thêm được coi là công trình nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về ngữ pháp văn bản tiếng Việt, mở đường cho các nghiên cứu về văn bản và diễn ngôn sau này, mà một trong số đó là Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt của Nguyễn Thị Việt Thanh (1999).
Ngoài các công trình nghiên cứu có tính hệ thống về cú pháp tiếng Việt, các nhà Ngữ pháp học của Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học cũng đi sâu khảo sát các kiểu cấu trúc hay kiểu câu cụ thể của tiếng Việt, góp phần làm sáng rõ bức tranh cú pháp tiếng Việt: Cấu trúc “Danh + là + Danh” (Nguyễn Đức Dân, Trần Ngọc Thêm), Câu không chủ ngữ với bổ ngữ đứng đầu (Nguyễn Minh Thuyết, 1981), Một kiểu câu có chủ ngữ đứng sau vị ngữ (Nguyễn Minh Thuyết, 1983), Cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt (Nguyễn Hồng Cổn, 2001), Phân tích câu đơn tiếng Việt theo cấu trúc Đề - Thuyết (Đào Thanh Lan, 2002), Vấn đề câu bị động trong tiếng Việt (Nguyễn Hồng Cổn, 2004), Ngữ pháp tiếng Việt – Câu đơn hai thành phần (Nguyễn Cao Đàm, 2008), v.v.
GS. Nguyễn Tài Cẩn, nhà khoa học đầu đàn của ngành Ngôn ngữ học
2.2. Về ngữ nghĩa, ngữ dụng tiếng Việt
Ở bình diện ngữ nghĩa - ngữ dụng tiếng Việt cũng có nhiều nghiên cứu có giá trị trên cả hai cấp độ nghĩa của từ và nghĩa của câu.
Những nghiên cứu về nghĩa của từ tiếng Việt có thể tìm thấy trong hầu hết các giáo trình từ vựng học của Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Thiện Giáp (đã dẫn ở mục 1.1) và phần từ vựng học trong các giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học (xem mục 7 ở dưới), trong đó nghĩa của từ tiếng Việt đã được phân loại và mô tả trên nhiều phương diện: thành tố nghĩa (nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa ngữ dụng, nghĩa kết cấu), số lượng nghĩa (đơn nghĩa, đa nghĩa), quan hệ nghĩa (đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa), chuyển nghĩa (ẩn dụ, hoán dụ)… Gần đây, Lê Quang Thiêm đã công bố những nghiên cứu đáng chú ý về nghĩa của tín hiệu ngôn ngữ nói chung và nghĩa từ vựng của từ tiếng Việt nói riêng qua các bài báo Những bước tiến trong kiến giải nghĩa của tín hiệu ngôn ngữ (2005), Các tầng nghĩa và kiểu nghĩa chức năng từ vựng (2006), được trình bày một cách có hệ thống trong chuyên khảo Ngữ nghĩa học (2007). Về nghĩa ngữ pháp của từ, đáng chú ý là các nghiên cứu về Ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ hướng vận động tiếng Việtcủa Nguyễn Lai (2001), ngữ nghĩa và lôgich của các hư từ tiếng Việt của Nguyễn Đức Dân (Phủ định và bác bỏ, 1983, Ngữ nghĩa của các từ hư 1984, Lô gích - ngữ nghĩa – cú pháp 1987, Lô gích của các từ nối, 1994, Lô gích và tiếng Việt, 1996, vv), ngữ nghĩa - ngữ dụng của các hư từ và tiếng Việt của Lê Đông (Ngữ nghĩa - ngữ dụng của các hư từ tiếng Việt, 1991, 1992), v.v.
Bình diện ngữ nghĩa - ngữ dụng của câu tiếng Việt là bình diện thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu ở Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học. Nếu như ở các công trình Ngữ pháp tiếng Việt chịu ảnh hưởng của Ngữ pháp truyền thống (Nguyễn Kim Thản 1964, Nguyễn Tài Cẩn 1975, Hoàng Trọng Phiến 1980), vấn đề nghĩa của câu thường được hoà tan trong việc phân loại và mô tả câu theo cấu trúc thông báo, thì trong các công trình chịu ảnh hưởng của các khuynh hướng chức năng và ngữ nghĩa sau này, nghĩa của câu được phân tích mô tả trên nhiều bình diện khác nhau. Bỏ qua sự đối lập ngữ nghĩa - ngữ dụng, có thể thấy trong Tiếng Việt: Sơ thảo Ngữ pháp chức năng(1991), Cao Xuân Hạo (1991) đã phân biệt tới 5 kiểu nghĩa khác nhau của câu là: nghĩa biểu hiện (thể hiện qua khung vị ngữ), nghĩa lô gích – ngôn từ (thể hiện bằng cấu trúc đề - thuyết), nghĩa tình thái (thể hiện bằng các phương tiện tình thái), hành động ngôn trung (biểu hiện bằng các phương tiện đánh dấu đích ngôn trung) và tiêu điểm thông báo (thể hiện qua cấu trúc thông báo của câu). Trong Cú pháp tiếng Việt (2009), Nguyễn Văn Hiệp phân biệt 6 kiểu nghĩa/thông tin của câu nhưng qui về hai bình diện: bình diện nghĩa học có nghĩa sự tình (tức nghĩa biểu hiện), nghĩa tình thái (không bao gồm tình thái ngôn trung), nghĩa chủ đề (tương ứng với nghĩa lôgích – ngôn từ của Cao Xuân Hạo); bình diện dụng học có thông tin phân đoạn thực tại (nêu-báo), nhấn mạnh – tiêu điểm thông báo và lực ngôn trung (hành động ngôn từ). Các công trình này của Cao Xuân Hạo và Nguyễn Văn Hiệp thực sự đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc nghiên cứu về các bình diện ngữ nghĩa - ngữ dụng của câu tiếng Việt.
Các vấn đề ngữ nghĩa - ngữ dụng khác như hành động ngôn từ, hiển ngôn hàm ẩn, tiền giả định, phân tích hội thoại, lập luận v.v được giới thiệu và ứng dung phân tích trên ngữ liệu tiếng Việt trong các công trình của Nguyễn Đức Dân (Lô gích và tiếng Việt, 1996; Ngữ dụng học T1, 1998), Nguyễn Thiện Giáp (Dụng học Việt ngữ, 2000). Đặc biệt là các nghiên cứu của Lê Đông về các khía cạnh ngữ nghĩa - ngữ dụng của cấu trúc đề thuyết (1993), ngữ nghĩa - ngữ dụng của hiện tượng nhấn mạnh (1995) và câu hỏi chính danh (1996); của Nguyễn Văn Hiệp về tình thái và các tiểu từ tình thái (2005, 2007), hàm ngôn quy ước (2006) và nghĩa chủ đề của câu tiếng Việt (2006); của Nguyễn Hồng Cổn về cấu trúc thông tin (2001), tiêu điểm thông tin (2004) và các biến thể cú pháp của của câu (2009, 2010), của Đào Thanh Lan về các khía cạnh ngữ pháp-ngữ nghĩa của lời cầu khiến tiếng Việt (2005, 2007, 2010)
3. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ PHONG CÁCH HỌC VÀ PHƯƠNG NGỮ TIẾNG VIỆT
3.1. Về phong cách học tiếng Việt
Được coi là một lĩnh vực quan trọng của Việt ngữ học, gắn liền với các biến thể chức năng của tiếng Việt và rất gần gũi với văn học. Ngay từ những năm đầu tiên của Khoa Ngữ Văn, phong cách học đã được bộ môn Ngôn ngữ học đưa vào giảng dạy và nghiên cứu, khởi đầu bằng Giáo trình Phong cách học của Phan Ngọc và sau đó làGiáo trình Tu từ học của Nguyễn Phan Cảnh (1959), Phong cách học tiếng Việt hiện đạicủa Hoàng Trọng Phiến (1973). Trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tựu đầu tiên này, Nguyễn Hữu Đạt đã cho ra đời các giáo trình Phong cách học tiếng Việt hiện đại (1999), Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt (2000), được sử dụng rộng rãi cả trong và ngoài Trường ĐHKHXHNV.
Không chỉ dừng lại ở việc biên soạn giáo trình và giảng dạy, các nhà phong cách học tiếng Việt của Bộ môn/Khoa còn thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu về các biến thể phong cách chức năng khác nhau của tiếng Việt, đặc biệt là ngôn ngữ nghệ thuật với những đóng góp có giá trị: Tìm hiểu phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Phan Ngọc (1985), Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh (1988),Ngôn ngữ và sáng tạo văn học của Nguyễn Lai (1991), Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng của ngôn ngữ học hiện đại của Mai Ngọc Chừ (1991), Ngôn ngữ thơ ca (1993) và Ngôn ngữ thơ Việt Nam (1996) của Nguyễn Hữu Đạt, v.v.
Ngôn ngữ báo chí và các phương tiện truyền thông cũng thu hút sự quan tâm của Đinh Văn Đức (Quan yếu trong diễn ngôn bản tin chính trị - xã hội trong báo tiếng Anh và tiếng Việt, 1999; Ngôn ngữ báo chí tiếng Việt đầu thế kỷ XX: Một quan sát về ngôn ngữ báo chí cách mạng Việt Nam (giai đoạn 1925-1945), 2000), Nguyễn Thiện Giáp (các bài viết về ngôn ngữ báo chí trên báo Nhân dân và nhiều tờ báo khác).
- Phong cách ngôn ngữ của các nhà văn hoá lớn như Nguyễn Du, Hồ Chí Minh cũng được đề cập đến từ những góc độ khác nhau trong các công trình nghiên cứu Phan Ngọc (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, 1985) Nguyễn Phan Cảnh (Bước đầu tìm hiểu ngôn ngữ chủ tịch Hồ Chí Minh,1965; Vần trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, 1969, vv); Nguyễn Lai (Chiều sâu tư duy và tầm nhìn cách mạng trong ngôn ngữ Hồ Chí Minh, 1989; Hồ Chí Minh và sự phát triển của tiếng Việt, 1998; Tiếng Việt và nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh, 2003), Nguyễn Thiện Giáp (Những bài học về cách chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ, 1988) Nguyễn Hữu Đạt (Tính sáng tạo về phong cách dùng chữ “Xuân” của Nguyễn Du qua tác phẩm Truyện Kiều 2002, Đặc điểm của phương thức ấn dụ trong thơ Hồ Chí Minh, 2005) v.v.
3.2 Về phương ngữ tiếng Việt
Bên cạnh các biến thể phong cách chức năng, các phương ngữ địa lí và phương ngữ xã hội với tư cách là các biến thể địa lí và biến thể xã hội của tiếng Việt cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Người khởi đầu và có cống hiến nhất trong việc nghiên cứu các phương ngữ địa lý tiếng Việt là Hoàng Thị Châu, tác giả của các công trình nghiên cứu về phương ngữ tiếng Việt như: Tiếng Việt trên các miền đất nước(1989), Phương ngữ học tiếng Việt (2005). Trong các công trình này, đặc biệt là ởPhương ngữ học tiếng Việt, tác giả đã đề xuất tiêu chí phân vùng các phương ngữ tiếng Việt một cách khoa học, mô tả đặc điểm của các phương ngữ cũng như tìm ra các qui luật biến đổi theo vùng, miền của tiếng Việt. Cho đến nay, cả ở trong nước và nước ngoài đây là công trình nghiên cứu duy nhất và cũng là giáo trình đại học duy nhất về phương ngữ tiếng Việt.
Ngoài phương ngữ địa lí, các vấn đề phương ngữ địa lí – xã hội của tiếng Việt cũng đựơc đề cập đến trong các nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản (Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội, 1982; Về tiếng nói vùng đồng bằng song Cửu Long, 1984) và gần đây nhất là Trịnh Cẩm Lan với công trình Sự biến đổi ngôn từ của các cộng đồng chuyển cư đến thủ đô (nghiên cứu trường hợp cộng đồng Nghệ Tĩnh ở Hà Nội, 2007, tiếp cận đến vấn đề phương ngữ địa lí– xã hội từ góc nhìn ngôn ngữ học xã hội.
4. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ TIẾNG VIỆT
Kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong mấy chục năm qua các nhà Việt ngữ học ở Bộ môn/Khoa coi lịch sử tiếng Việt là một trong những tiêu điểm nghiên cứu, tập trung trên 2 vấn đề chính là 1) xác định cội nguồn và các giai đọan phát triển của tiếng Việt, và 2) nghiên cứu các giai đoạn phát triển và một số bình diện, trạng thái của tiếng Việt ở các giai đọan cụ thể khác nhau.
Vấn đề thứ nhất chủ yếu được đề cập đến trong một số công trình của Phạm Đức Dương (Về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ nhóm Việt - Mường, 1979; Nguồn gốc tiếng Việt: từ tiền Việt Mường đến Việt Mường chung, 1983), Nguyễn Tài Cẩn (Thử phân kì lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt, 1998), Trần Trí Dõi (Về việc phân định các giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của tiếng Việt, 2004; Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), 2005). Trong số này, Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo) của Trần Trí Dõi (2005) là công trình đầu tiên trình bày một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến cội nguồn tiếng Việt trong mối quan hệ với các ngôn ngữ cùng nhóm và các ngôn ngữ khu vực, phân định và lược khảo các giai đoạn phát triển của tiếng Việt trong lịch sử, dưới dạng một giáo trình đại học.
Vấn đề thứ hai thu hút nhiều hơn sự chú ý của các nhà nghiên cứu, với hàng loạt các công trình bao phủ nhiều vấn đề cụ thể của lịch sử tiếng Việt, từ lịch sử ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và các vấn đề lịch sử ngôn ngữ-văn hoá và tiếp xúc ngôn ngữ.
- Về lịch sử ngữ âm tiếng Việt, nổi bật là các công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979)và Giáo trình ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1995) của Nguyễn Tài Cẩn. Có thể nói, cho đến nay, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọcHán Việt là công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống nhất về lịch sử ngữ âm tiếng Việ, trong đó “các quan hệ cội nguồn, quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ thân thuộc, giữa tiếng Việt với tiếng Hán; ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt và các ngôn ngữ thiểu số khác ở Việt Nam... đã được chú ý phân tích bằng phương pháp nhất quán, đánh giá một cách hợp lý trong toàn bộ bối cảnh chung, khiến cho vấn đề được nhìn nhận và trình bày một cách toàn diện” (Vũ Đức Nghiệu, 2011) . Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), 1995 cũng của Nguyễn Tài Cẩn, khảo sát nguồn gốc, diễn tiến của hệ thống ngữ âm tiếng Việt qua các giai đoạn, được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao. Gần đây Trần Trí Dõi đã công bố các kết quả nghiên cứu về lịch sử ngữ âm tiếng Việt và các ngôn ngữ Việt - Mường, tập trung vào quá trình hình thành hệ thanh điệu và các quy luật vô thanh hoá và mũi hoá, trong công trình Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh - lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (2011), đặt thêm một dấu mốc mới cho việc nghiên cứu quan hệ cội nguồn và lịch sử ngữ âm của tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng nhóm.
- Về lịch sử từ vựng tiếng Việt, đáng chú ý là các nghiên cứu của Vũ Đức Nghiệu và Lê Quang Thiêm, những người bền bỉ, chuyên sâu với mảng đề tài này. Vũ Đức Nghiệu đã có loạt bài viết về các xu hướng diễn tiến của từ vựng tiếng Việt trong lịch sử (Các mức độ tương đồng và tách biệt trong một kiểu nhóm từ của tiếng Việt,1999; Một số hệ quả của xu thế đơn tiết hoá và đa tiết hoá trong quá trình phát triển tiếng Việt, 2004; Biểu hiện phát triển của từ vựng tiếng Việt nửa sau thế kỷ XX qua tư liệu của một số từ điển, 2009) và từ vựng tiếng Việt cổ trong các văn bản (Một số điểm dị biệt về từ vựng và ngữ pháp của tiếng Việt qua 3 văn bản bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII,2010; Khảo sát các từ cổ trong ba văn bản chữ quốc ngữ thế kỉ XVII, 2010; Vài khảo sát sơ bộ về từ vựng tiếng Việt cổ trong một số văn bản Nôm, 2011; Từ vựng văn học giai đoạn tiếng Việt cổ: Một số đặc điểm trong sự hình thành, phát triển, 2011). Công trìnhLược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt của tác giả được phát triển trên đề tài khoa học cùng tên (nghiệm thu năm 2009), khảo sát lịch sử từ vựng tiếng Việt một cách hệ thống theo cả hai hướng lịch đại và đồng đại sẽ được công bố trong một ngày gần đây, chắc chắn là một đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu về lịch sử từ vựng tiếng Việt. Quan tâm đến lịch sử từ vựng tiếng Việt ở một thời kì gần đây hơn, thời kì cận đại, Lê Quang Thiêm đã có nhiều bài viết về đề tài này (Mấy vấn đề ngôn ngữ văn bản “Đông Kinh Nghĩa Thục” 2001, Bước chuyển của từ vựng xã hội – chính trị tiếng Việt 30 năm đầu thế kỉ XX (1900-1930), 2001) và năm 2003 cho ra mắt chuyên khảo Lịch sử từ vựng tiếng Việt - thời kì 1858-1845, dựng lại bức tranh phong phú của từ vựng tiếng Việt ở một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
- Về ngữ pháp lịch sử tiếng Việt, các nhà nghiên cứu ở Bộ môn/ Khoa Ngôn ngữ học tập trung chủ yếu vào địa hạt hư từ và một số hiện tượng ngữ pháp của các văn bản Nôm và quốc ngữ từ thế kỷ XV trở lại đây: Vũ Đức Nghiệu quan tâm đến ý nghĩa và chức năng của các hư từ trong các văn bản Nôm (Diễn biến trong ý nghĩa, chức năng của nhóm từ “không, chăng, chẳng” từ thế kỉ XV đến nay, 1986; Hư từ tiếng Việt thế kỉ XV trong Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập, 2006; Hư từ trong bản giải âm Truyền kỳ mạn lục, 2010) đồng thời cũng quan tâm đến vấn đề Đơn tiết, đơn tiết hoá và đa tiết, đa tiết hoá trong quá trình phát triển lịch sử của tiếng Việt (2004), Các đơn vị từ vựng song tiết đẳng lập tiếng Việt trong bối cảnh một số ngôn ngữ Đông Nam Á (1999).Đinh Văn Đức chú ý đến hư từ và các hiện tượng ngữ pháp của tiếng Việt thế kỉ XVII – XIX (Vài nhận xét về đặc điểm ngữ pháp của các từ phụ cho động từ trong tiếng Việt qua một số văn bản thế kỉ XVII của giáo hội Thiên chúa giáo, 1981; Một vài nhận xét về các đặc điểm ngữ pháp của loại từ tiếng Việt thế kỉ XVII, 1983; Diện mạo chung củacấu trúc cú pháp tiếng Việt qua một số văn bản chữ quốc ngữ thế kỉ XVIII, 2002; Một trăm năm ngôn ngữ văn học Việt Nam, 2004; Nhận xét về hướng biến đổi của một số hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX qua các quan sát văn bản (Nôm và quốc ngữ), 2011), cũng như những biến đổi về ngữ pháp của tiếng Việt trong thế kỉ XX, mà kết quả nghiên cứu thể hiện qua 4 đề tài khoa học (1997 – 2005) và giáo trình Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỷ XX), công bố năm 2005.
- Việc sưu tầm nghiên cứu chữ viết và văn bản cũng đặc biệt được chú ý, với các công trình nghiên cứu có giá trị về chữ Nôm và văn bản Nôm của Nguyễn Tài Cẩn (Một số vấn đề về chữ Nôm, 1985; Tư liệu truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, 2002;Tư liệu truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, 2004), về chữ quốc ngữ và các văn bản chữ quốc ngữ thế kỉ XVII-XVIII của Nguyễn Tài Cẩn và N. Stankievich(Về một số văn bản thế kỷ 17 -18 vừa phát hiện được ở một kho lưu trữ tại Paris, 1982, 2001). Đoàn Thiện Thuật (Le Quốc Ngữ dans un manuscrit de Bento Thiện (17e- siecle,1984; Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII (sưu tầm và chủ biên), 2008)
- Gắn liền với lịch sử tiếng Việt là các vấn đề lịch sử ngôn ngữ - văn hoá, xã hội tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt, thể hiện qua các bài viết của Hoàng Thị Châu (Mối liên hệ về nguồn gốc cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông, 1964; Nước Văn Lang và cương vực của nó qua các tài liệu ngôn ngữ học, 1968; Tìm hiểu về từ phụ đạo trong truyền thuyết Hùng Vương, 1975), Nguyễn Tài Cẩn (Một số chứng tích ngôn ngữ và văn hoá của Nguyễn Tài Cẩn , 2001 và nhiều bài viết khác), Trần Trí Dõi (Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội của Trần Trí Dõi, 2003 và nhiều bài viết khác).
- Việc nghiên cứu lịch sử Việt ngữ học cũng được chú ý với công trình 2 tập của Nguyễn Thiện Giáp Lược sử Việt ngữ học, T1 (2005), Lược sử Việt ngữ học, T2 (2007), bước đầu tổng kết một cách khá toàn diện lịch sử nghiên cứu tiếng Việt từ trước đến nay.
5. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM
Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam, cũng như mối quan hệ của chúng với tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trong khu vực cũng được các nhà ngôn ngữ học của Bộ môn/Khoa như Trần Trí Dõi, Hoàng Thị Châu, Bùi Khánh Thế, Đoàn Thiện Thuật,…quan tâm nghiên cứu hàng chục năm nay, với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau.
- Hướng nghiên cứu tổng quát về các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam, từ cảnh huống ngôn ngữ đến quan hệ cội nguồn, hiện trạng sử dụng, chính sách bảo tồn và phát triển: Công trình duy nhất đi theo hướng này cho đến nay làgiáo trình Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam của Trần Trí Dõi (1999), có nội dung tập trung vào các vấn đề địa lí - xã hội ngôn ngữ, quan hệ họ hàng của các ngôn ngữ DTTS và chính sách của nhà nước Việt Nam đối với các ngôn ngữ này.
- Hướng đi sâu mô tả một ngôn ngữ DTTS cụ thể, từ cảnh huống ngôn ngữ, đặc điểm hệ thống cấu trúc hoặc hướng dẫn dạy tiếng, đó là các công trình Tiếng Daocủa Đoàn Thiện Thuật và các đồng tác giả (1992), Tiếng Tày Nùng của Đoàn Thiện Thuật (1996); Nhập môn tiếng Thái ở Việt Nam: Tiếng Thái Đen vùng Tây Bắc của Trần Trí Dõi - Nguyễn Văn Hoà (2010), Tiếng Thái cơ sở: Tiếng Thái Đen vùng Tây Bắc của Trần Trí Dõi - Nguyễn Văn Hoà (2010).
- Hướng nghiên cứu các mặt cụ thể của các ngôn ngữ như mặt ngữ âm (Đoàn Thiện Thuật: Lược ghi về thanh điệu tiếng Mường Ngọc Lặc, 1966, Hệ thống ngữ âm tiếng Tày Nùng, 1972, Hệ thống thanh điệu ngôn ngữ Sán Chí, 2001; Hoàng Thị Châu:Hệ thống thanh điệu tiếng Chăm và cách kí hiệu, 1986), từ vựng (Đoàn Thiện Thuật: Về kho từ vựng chung Viêt – Tày, 1986, Bùi Khánh Thế: Từ điển Mnông - Việt, 1995, Từ điển Chăm - Việt, 1995), ngữ pháp (Bùi Khánh Thế với nhiều bài viết về ngữ pháp tiếng Chăm: 1981, 1984, 1985, 1990, v.v; Nguyễn Văn Hiệu có nhiều nghiên cứu về ngữ pháp của tiếng Mông Lềnh:,2004, 2006, Vương Toàn vớiGiáo trình ngữ pháp thực hành tiếng Nùng, 2010)
- Hướng nghiên cứu về quan hệ cội nguồn hoặc quan hệ tiếp xúc giữa các ngôn ngữ DTTS hoặc giữa các ngôn ngữ DTTS với tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trong khu vực. Đây là mối quan tâm chủ yếu của Trần Trí Dõi (Góp phần phân chia phương ngôn tiếng Chứt, 1983), Các ngôn ngữ thành phần nhóm Việt - Mường, 1996; Sự tiếp xúc văn hoá giữa Tày – Thái và Việt - Mường ở Việt Nam, 2004; Mối quan hệ giữa các ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở Đông Nam Á , 2009…), Bùi Khánh Thế (Ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số từ góc nhìn quan hệ ngôn ngữ ở Việt Nam, 1993; Mối liên hệ giữa tập hợp ngôn ngữ Việt Nam với Đông Nam Á, 1996) và gần đây là các nghiên cứu của Nguyễn Văn Hiệu về tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Hán và tiếng Mông ở Việt Nam (2005, 2006, 2007).
- Hướng nghiên cứu bảo tồn văn hoá, chữ viết các DTTS thể hiện qua bài báo của Trần Trí Dõi về chữ Thái cổ: Giới thiệu về chữ Thái Lai Pao của người Thái Tương Đương (Nghệ An) (1997), Chữ Thái cổ ở Tương đương (Nghệ An) và những văn bản mới được phát hiện (2000), Chữ Lai Pao (2001), v.v, và công trình giới thiệu Tác phẩm Đặng Hành và Bàn Đại Hội Tằng S’hị thênh Piền Tạui (Truyện thơ của người Dao ở Thanh Hóa, Trần Trí Dõi - Tri ệu Phúc Xuân - Triệu Thị Nga, 2010).
- Hướng nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ văn hoá và giáo dục đối với các DTTS với các nghiên cứu của Trần Trí Dõi được công bố trong 3 quyển sách Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam (2003), Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía bắc Việt Nam (2004), Thực trạng sử dụng ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số và vấn đề đặt ra cho giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường ở Việt Bắc (2006, viết chung với Nguyễn Văn Lộc), và hàng loạt các bài báo về vấn đề văn hóa, giáo dục của các dân tộc Văn hoá truyền thống với việc dạy và học chữ dân tộc ở dân tộc Chăm, Thái, Tày và Nùng: thực tế và nhũng kiến nghị, 2000, Một vài nhận xét về giáo dục ngôn ngữ cho vùng dân tộc miền núi ở Việt Nam trong chặng đường 55 năm qua, 2001, Văn hoá truyền thống với việc dạy và học chữ dân tộc ở Việt Nam: Trường hợp dân tộc Thái, 2002, v.v).
Có thể nói rằng mặc dù với đội ngũ không nhiều nhưng các nhà nghiên cứu ngôn ngữ DTTS ở Bộ môn/Khoa đã gặt hái được khá nhiều thành tựu, có đóng góp lớn vào việc nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam cũng như góp phần xây dựng các chính sách ngôn ngữ - văn hoá đối với các DTTS.
6. CÁC NGHIÊN CỨU NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU VÀ KHU VỰC
Nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu và khu vực là lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam và những người đi tiên phong trong lĩnh vực này cũng là các nhà ngôn ngữ học ở Bộ môn/Khoa mà người dẫn đường là Lê Quang Thiêm.
Ngoài việc thực hiện các nghiên cứu đối chiếu cụ thể giữa tiếng Việt và tiếng Bungari (Phân tích đối chiếu ngữ nghĩa từ đa nghĩa chỉ quan hệ họ hàng Bungari-Việt, 1979; Thử nghiệm nghiên cứu đối chiếu ngữ nghĩa động từ chuyển động trong tiếng Bungari-Việt, 1980; Về một số đặc điểm của hiện tượng đa nghĩa trong tiếng Bun – tiếng Việt. Xôphia – Bungari. Ngôn ngữ học đối chiếu, số 6, 1980; Một số tương ứng từ vựng trong tiếng Bungari – tiếng Việt, 1983), Lê Quang Thiêm còn là người giới thiệu, xác lập cơ sở lí thuyết cho Ngôn ngữ học đối chiếu ở Việt Nam qua các công trình: Một vài thông số đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ khác (cùng và không cùng loại hình và phổ hệ) (1986), Về vấn đề nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ (1987), Thử nghiệm một đối chiếu ngữ pháp Việt – Anh (1998), và đặc biệt là giáo trình Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ (1989, 2004). Với Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, lần đầu tiên ở Việt Nam các nguyên tắc, phương pháp và thủ pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học đối chiếu được giới thiệu một cách cặn kẽ và vận dụng cụ thể trong các điển cứu đối chiếu song ngữ (Việt – Bungari và Việt – Anh). Các công trình của Lê Quang Thiêm đã mở đường cho nhiều nghiên cứu đối chiếu khác, chủ yếu là giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Việt - tiếng Nhật (Hoàng Anh Thi: Một số đặc điểm văn hoá Nhật – Việt qua việc khảo sát hệ thống từ xưng hô, 1995; Về các phương tiện biểu thị tính lịch sự trong tiếng Nhật và tiếng Việt, 1998. Về nhóm từ xưng hô thân tộc trong tiếng Nhật và tiếng Việt,1999.…; Nguyễn Thị Việt Thanh:Một số nhận xét loại câu bị động của tiếng Nhật và tiếng Việt. 2002), tiếng Việt - tiếng Hàn (Lê Quang Thiêm:Một số đặc điểm chung và riêng trong cấu trúc tộc hệ Hàn Quốc – Việt Nam (qua cứ liệu từ ngữ và xưng gọi, 1996), tiếng Việt - tiếng Lào(Bùi Khánh Thế: Thử tìm một vài đặc điểm chung và riêng của danh ngữ trong tiếng Việt và tiếng Lào, 1972), tiếng Việt - Khmer (Vũ Đức Nghiệu: So sánh ý nghĩa thụ động, tình thái của hai từ “phải” và “t’râw” trong tiếng Việt và tiếng Khmer hiện nay, 1998, The lexical meaning of the Vietnamese words “duoc, bi, phai’ and the Khmer words “ban, t’râw”, 2000, Semantic structure and passive meaning of được, bị, phải in Vietnamese and “ban, t’râw” in Khmer., 2009).
Trong hai mươi năm gần đây, cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều người cũng quan tâm đến việc nghiên cứu các ngôn ngữ khu vực như tiếng Nhật (Nguyễn Thị Việt Thanh, Hoàng Anh Thi), tiếng Malayu (Mai Ngọc Chừ, Trần Thuý Anh) trên cả các phương diện hệ thống - cấu trúc và chính sách ngôn ngữ văn hoá.
7. CÁC NGHIÊN CỨU VỀ LÍ LUẬN NGÔN NGỮ
Lĩnh vực lí luận ngôn ngữ cũng là một trong những thế mạnh hàng đầu của ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXHNV.
Để có sở sở lý thuyết cho việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học, ngay từ khi mới thành lập, Bộ môn Ngôn ngữ học đã quan tâm đến việc biên soạn các công trình lí luận về ngôn ngữ hoặc dịch giới thiệu giới thiệu các công trình lí luận của nước ngoài vào Việt Nam.
Về biên soạn, năm 1961, Khái luận Ngôn ngữ học của Bộ môn Ngôn ngữ học (do Lưu Vân Lăng, Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Văn Tu biên soạn) được xuất bản, giới thiệu những khái niệm cơ bản về ngôn ngữ học và những ứng dụng bước đầu vào tiếng Việt, được dùng như giáo trình chính thức trong các trường đại học (Đoàn Thiện Thuật, 2011). Những năm sau đó, nhiều giáo trình dẫn nhập và đại cương về lí luận ngôn ngữ học lần lượt ra đời. Về dẫn nhập lí luận ngôn ngữ có Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt(Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, 1991...2009), Dẫn luận ngôn ngữ học (Nguyễn Thiện Giáp, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh thuyết, 1994 – 16 lần tái bản), Cơ sở ngôn ngữ học (Nguyễn Thiện Giáp, 1998), Nhập môn Ngôn ngữ học (Mai Ngọc Chừ và các tác giả, 2007), Dẫn luận ngôn ngữ học (Vũ Đức Nghiệu, Nguyễn Văn Hiệp, 2009). Về lý luận đại cương có Ngôn ngữ học đại cương (Hoàng Trọng Phiến - Nguyễn Tài Cẩn, 1970-72), Các bài giảng ngôn ngữ học đại cương (Nguyễn Lai, 1997),Giáo trình ngôn ngữ học (Nguyễn Thiện Giáp, 2010), Các bài giảng ngôn ngữ học đại cương (Đinh Văn Đức, 2011). Ngoài các giáo trình lí luận đại cương, một số giáo trình lí luận về các phân ngành cụ thể khác cũng được biên soạn như Loại hình các ngôn ngữcủa N. Stankievich (1983), Ngữ nghĩa học của Lê Quang Thiêm (2007), Cơ sở phân tích ngữ nghĩa cú pháp của Nguyễn Văn Hiệp (2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học của Nguyễn Thiện Giáp (2009). Loại hình các ngôn ngữ của N. Stankievich là công trình đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu các tiền đề lí thuyết của loại hình học ngôn ngữ và áp dụng vào thực tiễn tiếng Việt và các ngôn ngữ khu vực,mặc dù đã xuất bản khá lâu hiện vẫn đang được sử dụng làm giáo trình cho sinh viên ngành ngôn ngữ học.
Bên cạnh việc biên soạn các giáo trình bài giảng, Bộ môn Ngôn ngữ học trước đây và Khoa Ngôn ngữ học hiện nay cũng rất quan tâm đến việc dịch các công trình lí luận, nghiên cứu của nước ngoài làm tài liệu tham khảo nghiên cứu học tập. Từ những năm sáu mươi thế kỉ trước, nhiều tác phẩm của các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới đã được các giảng viên của Bộ môn là Cao Xuân Hạo và Phan Ngọc dịch ra tiếng Việt, một số công trình sau đó được ấn hành chính thức như Các bài giảng về Ngôn ngữ học đại cương của F. de Saussure, Các phương pháp của ngôn ngữ học kết cấu của Z. Harris, Các nguyên lí âm vị học của N.S Trubetskoy, v.v. Các trích đoạn của nhiều tác phầm ngôn ngữ học kinh điển từ triết học ngôn ngữ, lý thuyết đại cương đến các nghiên cứu mô tả các ngôn ngữ thế giới và khu vực được chọn dịch và tập hợp thành bộNhững vấn đề ngôn ngữ học (6 tập)làmtài liệu tham khảo cho nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên. Tiếp tục truyền thống này, những năm sau đó, nhiều công trình ngôn ngữ học khác bằng tiếng Anh, tiếng Nga cũng được các giảng viên ngành Ngôn ngữ học dịch ra tiếng Việt: Các đơn vị ngữ pháp tiếng Hán của Dragunov (Đinh Văn Đức dịch), Loại hình học cấu trúc của Uspensky (Lê Quang Thiêm dịch), Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương của Ju. X Stepanov (Hoàng Trọng Phiến dịch), Các yếu tố sở của ngôn ngữ học đại cương của V.B Kasevich (Tập thể dịch giả. Trần Ngọc Thêm hiệu đính), Ngữ pháp văn bản của O.I Monkalskaja (Trần Ngọc Thêm dịch). Hiện nay, công việc này vẫn được tiếp tục ở khoa Ngôn ngữ học với các bản dịch mới: Ngữ nghĩa học dẫn luận của J. Lyons (Nguyễn Văn Hiệp dịch), Thức và Tình thái của Palmer (Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Khánh Hà dịch), Cấu trúc thông tin của câu của K. Lambrecht (Nguyễn Hồng Cổn và Hoàng Việt Hằng dịch), Cơ sở ngữ pháp học của M. Tallerman (Nguyễn Hồng Cổn và Hoàng Việt Hằng dịch), Khi con người nói của Cl. Hagege (Trần Trí Dõi dịch),Ngôn ngữ học nhân chủng của Chu Văn Tuấn (Trần Trí Dõi dịch), v.v
8. CÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG NGÔN NGỮ HỌC VÀ VIỆT NGỮ HỌC
8.1. Không chỉ các vấn đề lí luận ngôn ngữ mà việc ứng dụng ngôn ngữ học và Việt ngữ học cũng được các nhà ngôn ngữ học ở Bộ môn/Khoa quan tâm nghiên cứu. Ngay từ những năm 60 -70 của thế kỷ trước, Bộ môn Ngôn ngữ học đã triển khai hàng loạt các đề tài ứng dụng như:
- Đề tài Xác định tiếng chuẩn cho tiếng Tày Nùng (1996-1970) nhằm nghiên cứunhằm lựa chọn phương ngữ có thể lấy làm chuẩn cho tiếng Tày Nùng. Đây là công trình phục vụ thực tế, thu hút đông đảo giảng viên và sinh viên ngành ngôn ngữ học tham gia dưới hình thức vừa học vừa làm. Sản phẩm của đề tài đã được trình bày ở Triển lãm Giảng Võ năm 1975 cùng với các thành tựu kinh tế, văn hoá, quân sự của 20 năm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Trận Điện Biên Phủ trên không...)
- Đề tài Nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em trước tuổi học đường (1971 – 1974) trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng chuẩn về tâm lí, sinh lí trẻ em Việt Nam” do Uỷ ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương chủ trì (với sự tham gia của Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Giáp, Lê Quang Thiêm…)
- Đề tài Dạy nói cho trẻ em câm điếc (1972 – 1974) phối hợp với Khoa thính học Viện Tai Mũi Họng trung ương (do Đoàn Thiện Thuật chủ trì với sự tham gia của Nguyễn Thiện Giáp, Mai Ngọc Chừ)
- Đề tài Nghiên cứu thực hành tiếng Việt trong nhà trường (1972 -1974) với kết quả là công trình Hỏi và đáp về Ngữ pháp tiếng Việt hiện đại (Nguyễn Tài Cẩn chủ biên và các đồng tác giả là Bùi Khánh Thế, Đinh Văn Đức, Đoàn Thiện Thuật)
- Phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thực hiện đề tài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (1972) với kết quả là công trình Chuẩn hoá tiếng Việt (1979) và nhiều bài báo về vấn đề này (Mấy vấn đề về chuẩn hoá tiếng Việt, Nguyễn Hàm Dương, 1975; Một số vấn đề lí thuyết và thực tiễn của việc chuẩn hoá tiếng Việt, 1979;
- Đề tài Nghiên cứu phục hồi chức năng ngôn ngữ cho các chiến sĩ bị thương sọ não do Nguyễn Hàm Dương chủ trì hợp tác với Viện 103 của Quân đội từ những năm 1972-1974, trực tiếp phục vụ điều trị các chiến sĩ bị thương trong chiến đấu. Trên cơ sở đó Nguyễn Hàm Dương bắt đầu những nghiên cứu về bệnh lí ngôn ngữ liên quan đến thần kinh và ngôn ngữ học thần kinh sau này (1988, 1992) và đã bảo vệ luận án TSKH về đề tài này nhưng rất tiếc tác giả ra đi quá sớm khi chưa kịp hoàn thành các dự định nghiên cứu của mình.
8.2. Bên cạnh các đề tài trực tiếp phục vụ đời sống này, các nhà ngôn ngữ học ở Bộ môn/Khoa cũng quan tâm đến nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng khác:
- Nguyễn Đức Dân giới thiệu phương pháp thống kê vào ngôn ngữ học qua các giáo trình Ngôn ngữ học thống kê (1984), Nhập môn thống kê ngôn ngữ học (1998, viết chung với Đặng Thái Minh), ứng dụng biên soạn từ điển tần số tiếng Việt (Dictionaire de fréquence du vietnamiene, 1980, với sự cộng tác của Lê Quang Thiêm) và nghiên cứu tiếng Việt (Thống kê ngôn ngữ học - Một số ứng dụng, 2000, viết chung với Đặng Thái Minh).
- Nhiều người tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Tiếng Việt cho học sinh các trường phổ thông (Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hữu Đạt), giáo trình Tiếng Việt thực hành cho sinh viên các trường đại học (Nguyễn Minh Thuyết - Nguyễn Văn Hiệp: Tiếng Việt thực hành, 1996, 1997; Nguyễn Hữu Đạt: Tiếng Việt thực hành,1995; Trần Trí Dõi: Bài tập tiếng Việt thực hành,1995; Trịnh Cẩm Lan: Thực hành tiếng Việt, 2001).
- Việc nghiên cứu về nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường cũng được chú ý qua các bài viết củaHoàng Trọng Phiến (Đơn vị thuần thục trong dạy tiếng Viêt, 1974; Tiếng Việt và dạy tiếng Việt, 1974) Nguyễn Hữu Đạt (Về năng lực viết câu của học sinh lớp 10,1980; Thử tìm hiểu quy tắc cấu tạo của một vài nhóm từ tiếng Việt.,1981, Phong cách và cách hành văn trong sách Tập đọc lớp 5, 1983, Vấn đề tổ chức câu và văn bản trong SGK văn học 9 (viết chung), 1996, v.v), Nguyễn Minh Thuyết (Về dạy tiếng Việt ở trường phổ thông, 1988., Mấy vấn đề quan điểm trong bộ sách dạy Tiếng Việt cấp I, 1992; Vấn đề quan hệ giữa Tập làm văn và Tiếng Việt ở trường trung học cơ sở, 1997; Quan điểm biên soạn và cấu trúc của sách Tiếng Việt 2, 2003, vv), Đinh Văn Đức (Vài suy nghĩ về ngữ pháp lí thuyết và ngữ pháp thực hành trong việc dạy tiếng, 1991; Về nội dung ngữ pháp trong chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt ở bậc phổ thông tới đây, 2001), Nguyễn Thiện Giáp (Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, 2006);
- Về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đã biên soạn và xuất bản nhiều giáo trình, bài giảng về tiếng Việt cho người nước ngoài ở các trình độ khác nhau (Đoàn Thiện Thuật: Parler Vietnamiene, 194; Thực hành tiếng Việt B, C, 2000; A concise Vietnamese Grammar, 2001; Tiếng Việt A, 2004; Mai Ngọc Chừ: Tiếng Việt cho ngườidu lịch, 1996; Vietnamese made simple, 1998; Lê Quang Thiêm: Hãy nói tiếng Việt, 1998; Vũ Đức Nghiệu: Learn Vietnamese on Television, 2001-2004; Tiếng Việt cho người nước ngoài, 2004, Quê Việt – Sách dạy tiếng Việt A, B, 2008; Trần Trí Dõi, Tiếng Việt cao cấp 2, 2009; Trịnh Cẩm Lan, Tiếng Việt trình độ A, 2004, v.v); đồng thời đi sâu.nghiên cứu về lí luận và thực tiễn dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (Hoàng Trọng Phiến: Các con đường tối ưu trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, 1975; Lê Quang Thiêm: Tiếng Việt văn hoá và việc dạy và học tiếng Việt, 1995;Vũ Đức Nghiệu:Thiết kế chương trình và mô hình bài học để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trên truyền hình (chương trình cơ sở), 2005,Các kênh tiếp nhận và tích luỹ vốn từ của học viên Trung Quốc học tiếng Việt, 2008; Nguyễn Hữu Đạt: Phương pháp so sánh loại hình học và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, 1996; Vài nhận xét về các loại lỗi giao thoa và vượt tuyến trong quá trình, rèn luyện kĩ năng viết cho sinh viên Trung Quốc, 2005; Hoàng Anh Thi:Văn hoá Việt Nam trong giao tiếp và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, 1994;Giao tiếp dị văn hoá và những ngộ nhận thường gặp trong giao tiếp giữa người Nhật và người Việt, 2001).
- Việc nghiên cứu lí luận và thực tiễn dịch thuật được triển khai bước đầu qua những nghiên cứu của Nguyễn Hồng Cổn (Vấn đề tương đương trong dịch thuật, 2001,Cơ sở ngôn ngữ học của dịch thuật và bộ môn dịch thuật học, 2004, Dịch thuật: Bản chất và các mô hình lí thuyết, 2005, Lược sử về dịch thuật và nghiên cứu dịch thuật,2006, Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá trong dịch thuật, 2006)
- Nhiều công trình từ điển các loại đã được Bộ môn/Khoa Ngôn ngữ học biên soạn như: Từ điển tần số tiếng Việt của Nguyễn Đức Dân và Lê Quang Thiêm (1980);Từ điển Bungari - Việt của Lê Quang Thiêm (2 tập, 1984), Từ điển các từ đồng nghĩa của Nguyễn Văn Tu (1980), Sổ tay từ ngữ Hán Việt bậc tiểu học của Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Đức Tồn và Vũ Đức Nghiệu (1999), 777 khái niệm ngôn ngữ học của Nguyễn Thiện Giáp (2010), v.v.
9. KẾT LUẬN
Trên đây là bản tổng kết (chưa thể gọi là đầy đủ) về các thành tựu khoa học mà các cán bộ, giảng viên ngành Ngôn ngữ học Trường ĐHTH/KHXHNV đạt được hơn nửa thế kỉ qua trên một số lĩnh vực cơ bản của ngôn ngữ học, Việt ngữ học và nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS và khu vực. Các thành tựu này cho thấy, kể cả trong chiến tranh cũng như khi hoà bình, các nhà ngôn ngữ học của Trường ĐHTH/KHXHNV đã cố gắng theo sát với ngôn ngữ học quốc tế, cập nhật lí luận đến mức có thể, kết hợp lýluận với thực tiễn để xử lý những vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu, ứng dụng ngôn ngữ học, Việt ngữ học và ngôn ngữ các DTTS Việt Nam. Ghi nhận những thành tích này, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba (năm 2000) và Huân chương Lao Động hạng Nhì (năm 2005) cho Khoa Ngôn ngữ học và các giải thưởng cao quí cho những cán bộ, giảng viên của Khoa Ngôn ngữ học có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học: GS. Nguyễn Tài Cẩn vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ;các PGS. Phan Ngọc, PGS. Nguyễn Kim Thản và GS. Hoàng Thị Châu vinh dự được nhận Giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học công nghệ. Nhìn lại thành quả đạt được sau hơn nửa thế kỷ, tự hào với những gì mà các thế hệ đi trước đã làm được, cán bộ giảng viên của Khoa Ngôn ngữ hiện nay đang tiếp tục phấn đấu, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và khả năng nghiên cứu để đưa chất lượng nghiên cứu khoa học của Khoa ngày càng nâng cao, đạt đến các chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
_____________
* Đầu đề do chúng tôi điều chỉnh lại