Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp và TS. Nguyễn Thị Trung Thành, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Nga đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Hành vi ngôn ngữ thề (swear) trong tiếng Việt”; chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ; Mã số: 62.22.01.01 tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2013.
Hành vi ngôn ngữ là một vấn đề cơ bản và trọng tâm của Ngữ dụng học.Thề là một hành vi ngôn ngữ được người Việt sử dụng khá phổ biến trong giao tiếp. Đây là một hành vingôn ngữ rất đặc biệt, có thể xếp nó vào nhóm Xác tín (Assertives) - tức thề được xem là một dạng xác tín mạnh,lại cũng có thể xếp nó vào nhóm Kết ước (Commissive) - tức thề được xem là một dạng kết ước ở mức độ cực cao. Việc nghiên cứu bản chất của hành vi thề, cấu trúc và phương tiện thể hiện, các tác nhân quyết định hiệu quả của hành vi thề, nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam biểu lộ qua hành vi thề, những nét riêng của việc sử dụng hành vi thề trong giao tiếp của các nhóm xã hội… là một vấn đề cần thiết.
GS.TS. Nguyễn Đức Tồn thay mặt Học viện Khoa học xã hội tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh
Hiện nay, trên phương diện nghiên cứu có tính lí thuyết, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu về hành vi thề thường tập trung vào các vấn đề: khái niệm hành vi ngôn ngữ, phân loại hành vi ngôn ngữ, điều kiện sử dụng hành vi ngôn ngữ, biểu thức ngữ vi và động từ ngữ vi. Ở những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng, nghiên cứu hành vi thề thường tập trung vào ba hướng chính: 1) Nghiên cứu phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của nhóm các động từ nói năng biểu thị hành vi ngôn ngữ; 2) Nghiên cứu các hành vi ngôn ngữ như một sự kiện lời nói trong tương tác hội thoại; 3) Nghiên cứu so sánh đối chiếu phương tiện thể hiện hành vi ngôn ngữ giữa tiếng Việt với một ngôn ngữ khác. Các nghiên cứu của luận án góp phần minh chứng cho lí thuyết của Ngữ dụng học về hành vi ngôn ngữ, lí thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; làm rõ bản chất của hành vi thề từ góc độ cấu trúc, chức năng và sử dụng. Luận án cũng lí giải cách sử dụng hành vi thề của người Việt dưới góc nhìn văn hóa và xã hội.Về phạm vi nghiên cứu: Luận án sử dụng nguồn ngữ liệu bao gồm 568 lời thề được thu thập từ: các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại và hiện đại; một số bộ phim truyền hình Việt Nam; hội thoại quan sát được trong giao tiếp hàng ngày; kết quả của điều tra xã hội học bằng bảng hỏi kết hợp với phỏng vấn sâu.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn. Trên phương diện lí luận, những kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần làm rõ bản chất của hành động thề trong tiếng Việt từ góc độ cấu trúc, chức năng và sử dụng; đã lí giải một số đặc trưng văn hóa-xã hội trong cách sử dụng hành vi thề. Đặc biệt, luận án đã làm sáng tỏ bản chất kép của hành động thề trong tiếng Việt: vừa có đích ngôn trung Kết ước, vừa có đích ngôn trung Xác tín. Trên phương diện thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án cho phép đưa ra những chỉ dẫn cho việc sử dụng hành vi thề trong giao tiếp một cách có hiệu quả. Đồng thời luận án cũng gợi ý một số giải pháp cho việc biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo hướng dạy hành vi ngôn ngữ. Việc nghiên cứu hành vi thề gắn với các yếu tố văn hóa và xã hội có thể được mở rộng để nghiên cứu các hành vi ngôn ngữ khác.
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 6/6 phiếu tán thành.
NCS. Nguyễn Thị Thu Nga chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
[Nguồn: gass.edu.vn]