Ngày 15/7/2014, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Ngôn ngữ kí hiệu ở Việt Nam”; Chuyên ngành: Ngôn ngữ học; Mã số: 62.22.02.40. Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Nguyễn Đức Tồn.
Người khiếm thính là một bộ phận dân cư tồn tại khách quan trong xã hội. Do không có khả năng nghe hoặc khả năng nghe bị suy giảm nghiêm trọng nên họ không thể thụ đắc được ngôn ngữ lời nói. Vì vậy, người khiếm thính phải sử dụng một ngôn ngữ đặc biệt để giao tiếp: Ngôn ngữ kí hiệu (Sign language).
Mặc dù ngôn ngữ kí hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng người khiếm thính và cũng là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học, song nó vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Ở Việt Nam hiện nayđã có một vài nghiên cứu rải rác về ngôn ngữ kí hiệu nhưng có thể nói rằng chưa có công trìnhnào nghiên cứu về ngôn ngữ kí hiệu một cách chuyên sâu và có hệ thống từ góc độ ngôn ngữ học.
Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách chuyên sâu và có hệ thống về ngôn ngữ kí hiệu ở Việt Nam dưới góc độ ngôn ngữ học. Luận án chỉ ra những đặc điểm cơ bản nhất về ngữ pháp và ngữ nghĩacủa ngôn ngữ kí hiệu ở Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ một mảng lí luận về ngôn ngữ kí hiệu.
Các kết quả nghiên cứu của luận án góp phần giúp các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục và những người quan tâm đến ngôn ngữ kí hiệu hiểu rõ hơn những đặc điểm cơ bản về ngữ pháp, ngữ nghĩa của ngôn ngữ kí hiệu của người khiếm thính ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể ứng dụng trong việc phát triển và chuẩn hóa ngôn ngữ kí hiệu, phục vụ cho công tác giáo dục người khiếm thính, quá trình dạy và học ngôn ngữ kí hiệu như một ngôn ngữ thứ hai, quá trình đào tạo thông dịch viên…phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được chia thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài,
Chương 2: Những đặc điểm ngữ pháp cơ bản của ngôn ngữ kí hiệu ở Việt Nam
Chương 3: Những đặc điểm ngữ nghĩa cơ bản của ngôn ngữ kí hiệuở Việt Nam.
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
Với việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, NCS Nguyễn Thị Phương trở thành cán bộ trẻ đầu tiên của Viện Ngôn ngữ học đạt được học vị tiến sĩ trong năm 2014