Ngày 06/5/2014, dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Nguyễn Văn Khang, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Đỗ Phương Lâmđã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Đặc điểm hư từ Hán Việt trong tiếng Việt”; Chuyên ngành: Ngôn ngữ học; Mã số: 62.22.02.40.
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, phương tiện ngữ pháp của tiếng Việt chủ yếu dựa vào phương thức trật tự từ và hư từ, vì vậy, các quan hệ ngữ pháp của hư từ trong tiếng Việt có vai trò quan trọng. Nghiên cứu hư từ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về từ vựng và ngữ pháp của tiếng Việt. Thông thường, vay mượn từ ngữ giữa các ngôn ngữ chủ yếu diễn ra ở bộ phận thực từ. Tuy nhiên, tiếng Việt lại vay mượn một số lượng khá lớn hư từ gốc Hán. Tính chất ngoại lai của hư từ Hán Việt còn khiến cho người sử dụng gặp khó khăn. Hiện tượng nói sai, viết sai ngữ pháp do hệ thống hư từ Hán Việt còn khá phổ biến. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài luận án “Đặc điểm hư từ Hán Việt trong tiếng Việt” (có đối chiếu với hư từ thuần Việt, hư từ tiếng Hán cổ đại và hiện đại) vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có giá trị ứng dụng thực tiễn.
Mục đích của luận án là thông qua nghiên cứu các đặc điểm ngữ pháp-ngữ nghĩa và đặc điểm sử dụng của hư từ Hán Việt, luận án góp phần vào nghiên cứu vấn đề hư từ nói chung, hư từ trong tiếng Việt nói riêng; góp phần nghiên cứu tiếp xúc song ngữ Hán - Việt và hiện tượng từ mượn Hán trong tiếng Việt; nghiên cứu quá trình ảnh hưởng của ngữ pháp tiếng Hán đối với tiếng Việt thông qua hệ thống hư từ; nghiên cứu những biến đổi và xu hướng vận động của hư từ Hán Việt trong quá trình hoạt động trong tiếng Việt.
Luận án xác định một số nhiệm vụ nghiên cứu sau: hệ thống hóa một số vấn đề lí luận liên quan đến đề tài luận án; xác định khái niệm hư từ Hán Việt và xác lập một danh sách hư từ Hán Việt; khảo sát, nghiên cứu đặc điểm ngữ pháp - ngữ nghĩa của hư từ Hán Việt; khảo sát, nghiên cứu đặc điểm sử dụng của hư từ Hán Việt.
Về đối tượng nghiên cứu, luận án khảo sát 149 hư từ Hán Việt trên các nhóm từ loại: phó từ, quan hệ từ và trợ từ dựa vào Từ điển tiếng Việt và Từ điển hư từ, Từ điển từ công cụ tiếng Việt thông qua việc kiểm tra âm Hán Việt của từ; dựa vào các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước về hư từ và hư từ gốc Hán trong tiếng Việt để rút ra các hư từ Hán Việt; thông qua khảo sát trên các văn bản tiếng Việt từ thế kỷ XV trở lại đây. Để có được cứ liệu về quá trình hoạt động của các hư từ Hán Việt trong từ vựng tiếng Việt qua các giai đoạn lịch sử, luận án dựa vào các văn bản tiếng Việt các thời kì: cổ - trung đại, cận đại, hiện đại.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn. Về mặt lí luận: luận án đã đưa ra cái nhìn có tính toàn diện về lí thuyết hư từ tiếng Việt; thông qua việc nghiên cứu các đặc điểm về ngữ pháp của các tiểu loại hư từ, luận án đưa ra quan điểm trong cách phân định phó từ và trợ từ tiếng Việt; bằng cách khái quát nên các quy tắc kết hợp của phó từ, luận án đưa ra phương pháp phân biệt phó từ với trợ từ; miêu tả các đặc điểm về ngữ pháp và ngữ dụng của hư từ Hán Việt. Về ý nghĩa thực tiễn: luận án có thể làm cơ sở khoa học cho các công trình nghiên cứu có liên quan về ngữ pháp và từ vựng tiếng Việt; được sử dụng để biên soạn giáo trình dạy hư từ Hán Việt cho người nước ngoài; biên soạn từ điển hư từ Hán Việt.
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
(Nguồn: gass.edu.vn)
Nghiên cứu sinh Đỗ Phương Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học Viện