Ngày 24/8/2015, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Vũ Kim Bảng, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS Nguyễn Tài Thái đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Đặc điểm ngữ âm tiếng Sơn Tây”; chuyên ngành: Ngôn ngữ học; Mã số: 62 22 02 40
Nghiên cứu phương ngữ tiếng Việt cho đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể. Vấn đề ngôn ngữ ở các vùng/khu vực cũng được một số tác giả quan tâm, đặc biệt là phương ngữ Trung và Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu phương ngữ Bắc hiện nay chưa được chú ý nhiều. Những nghiên cứu về phương ngữ này, đặc biệt là nghiên cứu các thổ ngữ mới chỉ diễn ra lẻ tẻ, chưa có tính hệ thống. Trong một phương ngữ rộng lớn thường có những vùng/khu vực có các đặc điểm riêng về ngôn ngữ do điều kiện địa lí, lịch sử tạo ra. Sơn Tây cũng như vậy; đây là vùng đất cổ với những đặc điểm về địa lí, lịch sử và ngôn ngữ khá đặc biệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tiếng Sơn Tây mới chỉ tập trung vào việc miêu tả đặc điểm ngữ âm của các thổ ngữ xung quanh khu vực Thạch Thất, vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Đặc điểm ngữ âm tiếng Sơn Tây” mang ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
Mục đích của luận án là làm rõ những đặc trưng ngữ âm tiêu biểu của tiếng Sơn Tây; xác định các khuynh hướng phát triển của hệ thống ngữ âm tiếng Sơn Tây; chỉ ra vai trò của các nhân tố xã hội đối với sự biến đổi ngữ âm tiếng Sơn Tây. Để thực hiện các mục đích trên, luận án xác định các nhiệm vụ sau: khảo sát và miêu tả các bình diện ngữ âm các thổ ngữ thuộc Sơn Tây ở mặt đồng đại bằng cả cảm thụ thính giác và thực nghiệm khí cụ (ở hệ thống thanh điệu và một số phụ âm đầu); khảo sát việc sử dụng các đặc điểm ngữ âm ở các đối tượng xã hội khác nhau để tìm hiểu mối tương quan giữa các biến ngôn ngữ và biến xã hội.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thống ngữ âm tiếng Sơn Tây, gồm: Phụ âm đầu, vần và thanh điệu. Luận án khảo sát tư liệu tại 27 xã thuộc các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì và Thị xã Sơn Tây. Tư liệu nghiên cứu gồm: Dữ liệu ghi âm bảng điều tra thanh điệu, một số phụ âm đầu và vần của 9 cộng tác viên (CTV) ở 5 điểm (huyện); ghi âm các cuộc nói chuyện tự nhiên của CTV, gồm 17 cuộc nói chuyện với sự tham gia của 54 CTV; bảng từ vựng, gồm 1000 từ cơ bản, do CTV ở Thạch Thất và Ba Vì cung cấp; phiếu khảo sát và những ghi chép từ việc quan sát thực tế khi đi điều tra điền dã.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn: Luận án cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về ngữ âm tiếng Sơn Tây với những đặc điểm riêng mang tính đặc thù; góp phần tìm hiểu những dấu vết lịch sử còn được bảo lưu ở khu vực Sơn Tây; từ đó thấy được khuynh hướng phát triển của các hiện tượng ngôn ngữ trong quá trình đô thị hóa cũng như tác động của các nhân tố xã hội đối với sự biến đổi ngôn ngữ. Các kết quả nghiên cứu của luận án góp phầntạo cơ sở khoa học cho việc xác định vị trí của tiếng Sơn Tây trong nghiên cứu phương ngữ tiếng Việt, đồng thời cung cấp những hiểu biết cần thiết về xu hướng biến đổi ngôn ngữ ở Sơn Tây hiện nay.
Luận án đã được Hội đồng bỏ phiếu thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
NCS Nguyễn Tài Thái chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
Tin và ảnh: Bích Hạnh