Ngày 14/6/2014, dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Thị Thanh Bình và TS. Bùi Thị Minh Yến, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Bùi Thị Ngọc Anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài:“Đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt” ;Chuyên ngành: Ngôn ngữ học; Mã số: 62.22.02.40.
Trong tiếng Việt hiện nay, có một lớp từ thường bị coi là thô lỗ, không lịch sự, cần kiêng tránh vì khi sử dụng chúng sẽ gây phản cảm cho người nghe, chẳng hạn như các từ ngữ thuộc về tôn giáo, tình dục, v.v… Tuy nhiên chúng vẫn thường xuyên xuất hiện trong nhiều phạm vi giao tiếp của người nói tiếng Việt. Do tính chất nhạy cảm cũng như thô lỗ của từ ngữ kiêng kị nên các nhà Việt ngữ học thường né tránh, hoặc nếu có đề cập thì thường đi theo hướng mô tả từ ngữ kiêng kị bằng uyển ngữ. Tuy nhiên việc mô tả từ ngữ kiêng kị bằng cách dùng uyển ngữ khó giải thích được bản chất, sự tồn tại và phát triển của lớp từ này trong tiếng Việt. Ở Việt Nam chưa có một đề tài, một luận án nào nghiên cứu về đặc trưng ngôn ngữ học xã hội, tức là mối quan hệ giữa các yếu tố xã hội như tuổi tác, giới tính, giai tầng v.v… và việc sử dụng từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài "Đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt" (trên cứ liệu giao tiếp ngôn ngữ của trẻ em ở Hoài Thị) mang ý nghĩa cấp thiết.
Mục đích nghiên cứu của luận án là xem xét đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt, trường hợp giao tiếp ngôn ngữ của trẻ em ở Hoài Thị nhằm làm rõ sự ảnh hưởng của các biến xã hội như: tuổi, giới, và tình huống giao tiếp đến việc sử dụng từ ngữ kiêng kị của trẻ em; Tìm hiểu quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ em (thông qua khảo sát sự sử dụng từ ngữ kiêng kị, cũng như thái độ, phản ứng của người lớn xung quanh nhóm trẻ), từ đó chỉ nhận ra vai trò của người lớn trong việc xã hội hóa ngôn ngữ trẻ em ở cộng đồng Hoài Thị.Về phạm vi, luận án chỉ tập trung nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị tiếng Việt trong giao tiếp tự nhiên của trẻ em ở Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 6 năm 2002.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận: luận án góp phần làm minh định khái niệm từ ngữ kiêng kị trong Việt ngữ học; đóng góp cho ngôn ngữ học xã hội một ví dụ đặc thù của nông thôn miền Bắc Việt Nam về đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị trong giao tiếp hàng ngày. Về mặt thực tiễn: luận án cung cấp một bức tranh khái quát về sự sử dụng từ ngữ kiêng kịcủa trẻ em ở một cộng đồng nông thôn miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2001-2002. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào việc thực hành biên soạn từ điển tiếng Việt, từ đó giúp cho việc tra cứu dịch thuật và học tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ. Hướng tới việc khuyến cáo giáo dục ngôn ngữ, văn hóa giao tiếp về lời ăn tiếng nói cho trẻ em nói chung và trẻ em cộng đồng Hoài Thị nói riêng.
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
Nghiên cứu sinh Bùi Thị Ngọc Anh chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện