Ngày 14/7/2015, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đoàn Văn Phúc, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS Phan Lương Hùng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Vị trí của tiếng Cao Lan trong các ngôn ngữ Tai”; chuyên ngành: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mã số: 62 22 01 09.
Ngôn ngữ là một trong ba tiêu chí xác định thành phần dân tộc quan trọng nhất, bao gồm các đặc điểm về ngôn ngữ, ý thức tự giác dân tộc và văn hóa. Mặc dù đã có một số công trình đề cập đến vị trí của tiếng Cao Lan trong các ngôn ngữ Tai nhưng tiếng Cao Lan chưa được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và có hệ thống trên bình diện lịch đại. Hiện nay, quan điểm của các nhà nghiên cứu về thành phần dân tộc của hai cộng đồng Cao Lan và Sán Chỉ vẫn còn chưa thống nhất, có quan điểm khẳng định Sán Chay có nguồn gốc Mán; có quan điểm cho rằng người Cao Lan có nguồn gốc Dao; có quan điểm cho rằng Cao Lan không phải là một ngành Mán… Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tiếng Cao Lan trên bình diện lịch đại sẽ góp phần làm sáng tỏ lịch sử tộc người của cộng đồng này, qua đó cung cấp thêm cứ liệu nhằm xác định thành phần dân tộc cộng đồng Cao Lan.
Mục đích chính của luận án là làm rõ vị trí của tiếng Cao Lan trong các ngôn ngữ Tai. Luận án đã thống kê, phân tích từ vựng cơ bản cùng gốc giữa tiếng Cao Lan với một số ngôn ngữ đại diện cho các tiểu nhóm Tai; xác định các quá trình biến đổi ngữ âm từ Proto - Tai cho đến tiếng Cao Lan; so sánh đặc điểm biến đổi ngữ âm từ Proto - Tai đến tiếng Cao Lan với một số ngôn ngữ đại diện cho các tiểu nhóm Tai; từ đó đi tới xác định vị trí của tiếng Cao Lan trong các ngôn ngữ Tai.
Đối tượng của luận án là tiếng Cao Lan tại các xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Tư liệu được sử dụng trong luận án bao gồm trên 1000 từ cơ bản tiếng Cao Lan ở các địa phương. Bên cạnh đó, luận án cũng sử dụng tư liệu được công bố trong các công trình nghiên cứu đi trước trong và ngoài nước và tư liệu lưu trữ của Phòng Nghiên cứu Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn. Về ý nghĩa thực tiễn, những kết quả nghiên cứu lịch đại về tiếng Cao Lan sẽ góp phần làm rõ lịch sử tộc người của cộng đồng Cao Lan; cung cấp thêm tư liệu trong việc xác định thành phần dân tộc của cộng đồng Cao Lan. Về ý nghĩa lý luận, việc minh định vị trí của tiếng Cao Lan trong các ngôn ngữ Tai giúp các nhà nghiên cứu cập nhật sơ đồ phả hệ các ngôn ngữ Tai – Kadai, thấy rõ hơn những xu hướng biến đổi ngữ âm từ Proto - Tai đến các ngôn ngữ Tai hiện đại và kiểm chứng thêm đối với các quy luật biến đổi ngữ âm trong các ngôn ngữ Tai và các bộ công cụ nghiên cứu đối với các ngôn ngữ Tai.
Luận án đã được Hội đồng bỏ phiếu thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
NCS Phan Lương Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện