Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Khang và PGS.TS Nguyễn Thị Lương, nghiên cứu sinh Phạm Thị Hà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp tiếng Việt (qua hành vi khen và tiếp nhận lời khen)”; chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ; Mã số: 62.22.01.01 tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Trong đời sống hằng ngày của con người, khen cùng với chê làm thành một trong những cặp phổ biến trong ứng xử giao tiếp. Đối với khen, điều quan trọng nhất là hiệu quả của chúng trong mối tương tác giữa người khen và người tiếp nhận lời khen: từ phía người khen, đó là khen ai, khen ở đâu, khen lúc nào, khen cái gì và khen như thế nào; từ phía người được khen, đó là thái độ tiếp nhận và cách tiếp nhận lời khen. Tất cả sự tương tác ấy được biểu thị chủ yếu bằng ngôn từ. Từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, luận án xem hành vi khen như một đối tượng được nghiên cứu theo quan hệ tương tác giao tiếp có sự phân tầng về xã hội. Theo hướng này, với tư cách là biến thể, khen và tiếp nhận lời khen được xem xét dưới tác động của các biến xã hội như tuổi, giới, nghề nghiệp, thu nhập, địa vị, học vấn,... của người khen và người tiếp nhận lời khen.
Giới theo cách nhìn của ngôn ngữ học xã hội là một trong những biến xã hội quan trọng tác động vào hoạt động giao tiếp của con người. Theo đó, giới tác động vào hành vi khen và tiếp nhận lời khen. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài luận án Đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp tiếng Việt qua hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen vừa có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
PGS.TS. Hồ Việt Hạnh thay mặt Học viện Khoa học xã hội tặng hoa chúc mừng NCS
Thông qua việc nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ giới ở hành vi khen và tiếp nhận lời khen trong tiếng Việt, luận án góp phần vào minh chứng cho lí thuyết của ngữ dụng học về hành vi ngôn ngữ, lí thuyết của ngôn ngữ học xã hội về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới, đồng thời góp phần vào nghiên cứu đặc điểm của giao tiếp tiếng Việt nói chung, từ góc độ giới nói riêng. Luận án đã giới thiệu, hệ thống hóa một số nội dung cơ bản về lí thuyết giao tiếp ngôn ngữ liên quan đến ngữ dụng học (như lí thuyết hành vi ngôn ngữ) và liên quan đến ngôn ngữ học xã hội (như mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới); Đưa ra một cái nhìn tổng thể về hành vi khen trong giao tiếp ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng bằng cách phân tích, khảo sát và chỉ ra các đặc điểm ngôn ngữ giới của hành vi khen và tiếp nhận lời khen trong giao tiếp tiếng Việt; Khảo sát, nghiên cứu hai trường hợp cụ thể: a)Khảo sát đặc điểm ngôn ngữ giới ở hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen của người hâm mộ với nghệ sĩ; b) Khảo sát đặc điểm ngôn ngữ giới ở hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen về hình thức bên ngoài của của con người.
Đối tượng nghiên cứu, khảo sát của luận án này là hành vi khen, tiếp nhận lời khen được biểu hiện bằng ngôn từ (bằng lời). Các biểu hiện bằng cử chỉ (phi lời) như bắt tay, mỉm cười, ra dấu hiệu, nháy mắt,... tạm gác lại, không được xem xét đến trong luận án này. Tư liệu mà chúng tôi thu thập chủ yếu theo bằng hai nguồn là giao tiếp nói và giao tiếp viết. Nguồn tư liệu của luận án là các cuộc giao tiếp hiện nay.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn. Về mặt lí luận, luận án muốn góp phần vào nghiên cứu những vấn đề về giao tiếp ngôn ngữ nói chung và giao tiếp tiếng Việt nói riêng dưới tác động của các nhân tố xã hội - ngôn ngữ. Tách nhân tố giới ra thành một biến xã hội để nghiên cứu về khen và hồi đáp khen, luận án góp phần vào nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới, một hướng nghiên cứu liên ngành hay đa ngành của ngôn ngữ học hiện đại. Về mặt thực tiễn, luận án góp phần vào nghiên cứu giao tiếp tiếng Việt dưới tác động của nhân tố giới. Thông qua hành vi khen và tiếp nhận lời khen có thể thấy được những biến đổi về lối ứng xử văn hóa - ngôn ngữ của người Việt cũng như những thay đổi trong cách nhìn nhận về giới của người Việt
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
NCS Phạm Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
[Nguồn: gass.edu.vn]