Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Đỗ Việt Hùng và PGS.TS Hà Quang Năng, Nghiên cứu sinh Nguyễn Tú Quyên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện.
Ngày 19 tháng 01 năm 2011, tại Hội trường tầng 2 Học viện KHXH, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Học viện, Học viện KHXH Việt Nam đã tổ chức buổi bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Tú Quyên, đề tài : “Sở chỉ và đồng sở chỉ trong tiếng Việt (Trên cơ sở về nhân vật trong tác phẩm văn học)”. Nội dung khoa học của luận án được thể hiện trong 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết
Chương 2: Các biểu thức sở chỉ trong tiếng Việt
Chương 3: Các biểu thức đồng sở chỉ trong tiếng Việt
Xuất phát từ mục đích muốn nghiên cứu một cách có hệ thống các biểu thức sở chỉ xét từ các phương diện cấu trúc, ngữ nghĩa, và chức năng nhằm xác định khả năng sở chỉ thành công của một biểu thức ngôn ngữ; từ đó xác lập các cơ sở tạo lập, thay thế và nhận diện các biểu thức đồng sở chỉ để tìm ra giá trị của chúng trong văn bản, luận án của NCS Nguyễn Tú Quyên đã tập trung đi sâu khảo sát và tìm hiểu các biểu thức sở chỉ, đồng sở chỉ được dùng để chỉ cá thể nhân vật trong các tác phẩm văn chương từ năm 1930 đến nay (chủ yếu là các tác phẩm được chọn giảng trong chương trình phổ thông). Đã có 1.934 biểu thức sở chỉ và đồng sở chỉ để gọi cho 174 nhân vật, với tần số xuất hiện là 16.118 lần được NCS dùng làm ngữ liệu khảo sát. Bên cạnh đó, tác giả cũng bổ sung một số nguồn ngữ liệu lấy từ sinh hoạt giao tiếp đời thường.
Luận án đã khảo sát đặc điểm hình thức của các biểu thức sở chỉ và đồng sở chỉ dựa trên các thủ pháp đặc thù của ngữ nghĩa học, dụng học, và phân tích văn bản. Luận án hướng tới việc chứng minh sở chỉ, đồng sở chỉ là một hành vi dụng học của người nói nhằm thực hiện mục đích giao tiếp; các biểu thức ngôn ngữ này có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phân tích diễn ngôn, kết nối văn bản, đảm nhận chức năng liên giao và liên nhân của ngôn ngữ, góp phần hiểu nghĩa phát ngôn trong từng loại hoạt động giao tiếp cụ thể.
NCS Nguyễn Tú Quyên hiện là giảng viên khoa Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Kết quả luận án sẽ phục vụ hữu ích cho công tác chuyên môn của NCS, đặc biệt là ở phương diện khai thác, tiếp cận tác phẩm văn học.
Luận án đã được thông qua với 7/7 phiếu tán thành, trong đó có 5/7 phiếu tán thành ở mức xuất sắc.
Hội đồng gồm 07 thành viên: GS.TS Nguyễn Đức Tồn (Chủ tịch HĐ), TS Phạm Tất Thắng (Thư kí HĐ), GS.TS Lê Quang Thiêm (Phản biện 1), PGS.TS Nguyễn Văn Lộc (Phản biện 2), PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phản biện 3), GS.TS Diệp Quang Ban (Uỷ viên HĐ),PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Uỷ viên HĐ).
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:
GS.TS Nguyễn Đức Tồn (Chủ tịch Hội đồng) thông qua chương trình làm việc
TS. Phạm Tất Thắng (Thư kí Hội đồng) đọc Lí lịch khoa học của NCS
GS.TS Lê Quang Thiêm (Phản biện 1) nhận xét luận án
PGS.TS Nguyễn Văn Lộc (Phản biện 2) nhận xét luận án
PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phản biện 3) nhận xét luận án
GS.TS Diệp Quang Ban (Ủy viên Hội đồng)
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Ủy viên Hội đồng)
PGS.TS Đỗ Việt Hùng (hướng dẫn 1) nhận xét về quá trình làm việc của NCS
GS.TS Nguyễn Đức Tồn thay mặt cơ sở đào tạo tặng hoa chúc mừng NCS
GS.TS Nguyễn Đức Tồn tặng hoa cho PGS.TS Đỗ Việt Hùng (hướng dẫn 1)
GS.TS Nguyễn Đức Tồn tặng hoa cho PGS.TS Hà Quang Năng (hướng dẫn 2)
PGS.TS Phạm Việt Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tặng hoa chúc mừng NCS
NCS chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng chấm luận án